Nhà báo Trần Công Mân: Cây bút xuất sắc, đầy khí phách của làng báo Việt Nam thế kỷ XX

Chủ nhật, 18/03/2018 15:09 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tọa đàm “Nhà báo Trần Công Mân với báo chí cách mạng Việt Nam” diễn ra ngày 18/3/2018 trong khuôn khổ hội báo toàn quốc là dịp để tưởng nhớ về một nhà báo tài năng, đức độ trong làng báo Việt Nam, một cây bút chính luận mẫu mực mà mỗi bài viết của ông đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Báo Công luận
Tọa đàm là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2018. 

Tham dự tọa đàm có nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Phan khắc Hải, nguyên Phó Tổng thư ký Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên TBT báo QĐND; nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng các nhà báo nguyên là lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đã đến dự và đưa tin.

Đến dự buổi tọa đàm còn có bà Hồ Thị Xuân Mùi, phu nhân nhà báo Trần Công Mân và những nhà báo là cộng sự của ông lúc đương thời.

Báo Công luận
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND; TS Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đồng chủ trì tọa đàm. 

Lặng lẽ cống hiến hết mình cho công việc làm báo

Nhắc đến nhà báo Trần Công Mân, mỗi người cầm bút hôm nay luôn cảm phục, kính trọng và tự hào về trí tuệ, nhân cách của một vị tướng, một nhà báo tâm huyết với nghề và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Nói về cố Thiếu tướng, Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân (QĐND) Trần Công Mân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết:

“Hơn một phần ba thế kỷ làm báo, đồng chí Trần Công Mân vừa là một người phụ trách cơ quan báo chí quân đội có bản lĩnh vững vàng, vừa là một nhà báo sắc sảo, có uy tín. Sự nghiệp làm báo của đồng chí gắn liền với những năm tháng chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc ta, với hơn hai mươi năm đất nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo”.

Báo Công luận
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm. 

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, trong một phần tư thế kỷ công tác ở Báo Quân đội nhân dân với cương vị Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập, nhà báo Trần Công Mân đã để lại một dấu đậm nét trong việc tạo ra một bản sắc và phong cách riêng cho tờ báo được toàn quân và toàn dân yêu mến, tin cậy.

Thiếu tướng Trần Công Mân xuất thân trong một gia đình Nho giáo và có truyền thống yêu nước, chống Pháp ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 11/1945, khi mới 20 tuổi, ông đã được phân công phụ trách chính trị trong lực lượng Giải phóng quân Hà Tĩnh. Sau đó, ông được giao một loạt các nhiệm vụ từ chính trị viên Tiểu đoàn 675, thuộc Đại đoàn 351, được bổ nhiệm Tỉnh đội phó Tỉnh đội Thanh Hóa, tiếp đó là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 675 thuộc Sư đoàn 35. Đặc biệt, khi được phân công phụ trách công tác chính trị của Trung đoàn Công binh 151 thuộc Sư đoàn 351 ông đã cùng đơn vị tham gia mở đường góp phần vào chiến thắng vang dội trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Là người rất kiệm lời, không thích hô hào, ghét thói khoa trương, ông lặng lẽ hiến mình cho công việc làm báo, từng ngày, từng ngày một, từng bài báo, từng số báo một. Và một phong cách làm báo Trần Công Mân đã lặng lẽ hình thành trong lòng bạn đọc. 

Nó không chói lòa gây choáng ngợp, nhưng sức thuyết phục thì rất ngọt, rất sâu. Thuyết phục trước hết vì tinh thần trách nhiệm với nhân dân và đất nước; thuyết phục vì tình đời, tình người; thuyết phục vì sự sắc sảo mà cẩn trọng; thuyết phục vì tính chính xác, sự giản dị trong cách thể hiện nhưng lại vẫn ánh lên sự sang trọng của ngôn từ.

Thiếu tướng Trần Công Mân rất ít viết bài ký tên thật của. Thể tài sở trường của ông là ngôn luận, vậy nhưng loại bài này trên báo QĐND thường ký một tên chung mang tính biểu tượng: “Chiến binh”, “Chiến thắng”, “Người bình luận” v.v. Những bài ký “Tuấn Minh” hay “Trần Công” thường lại là những tiểu phẩm nhưng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, như: Phê phán thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền; vấn đề "chạy" chức, "chạy" quyền; vấn đề giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa...

Bản lĩnh một nhà báo tài năng

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đánh giá, những bài viết có sức nặng của Thiếu tướng, nhà báo Trần Công Mân với bút danh Tuấn Minh, Trần Công thể hiện tài năng làm báo hiếm có. Đặc biệt, bài “Mở cửa” và việc khẳng định những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa”, đăng trên trang nhất báo Quân đội nhân dân ngày 2/10/1989 với bút danh Tuấn Minh đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết thư khen.

Báo Công luận
Nhà báo lão thành Phan Quang tặng sách viết về nhà báo Trần Công Mân cho báo Quân đội nhân dân. 

Đánh giá về bản lĩnh của nhà báo Trần Công Mân, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, “Ngòi bút Trần Công Mân thể hiện càng rõ sức chiến đấu sắc sảo trên mặt trận chống tiêu cực. Ông tiếp cận vấn đề bằng nhiều cách, cách nào cũng nói lên tâm trạng bức xúc của người cầm bút trước các tệ nạn xã hội, cùng sự trăn trở muốn góp phần tìm giải pháp khắc phục”.

Điều mà các đồng nghiệp đánh giá cao nhất ở nhà báo Trần Công Mân là sự mẫn cảm, nhạy bén với những tình thế mới đang ló rạng, nhưng lại đón nhận và xử lý vấn đề một cách điềm tĩnh, chủ động và đầy bản lĩnh.

 Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến dịch Điện Biên Phủ, chuyển sang làm báo, Thiếu tướng, nhà báo Trần Công Mân từng giữ các chức vụ Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, dồn hết tâm huyết và sức lực cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung. 

Theo Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, nhà báo Trần Công Mân dám dấn thân để tìm tòi những cái mới. Những tác phẩm của đồng chí viết cách đây hơn 20 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Ví dụ như vấn đề chỉnh đốn đảng, đấu tranh chống diễn biến hòa bình, đấu tranh với những quan điểm sai trái, bảo vệ quan điểm và đường lối của Đảng. 

"Chúng tôi học được từ đồng chí rất nhiều. Chúng tôi nguyện mang sức lực, trí tuệ và bản lĩnh chiến sỹ để giữ gìn và phát triển báo Quân đội nhân dân trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay”, Đại tá Đỗ Phú Thọ chia sẻ.

Tổng biên tập tài ba, đầy bản lĩnh và hết sức giản dị

Không chỉ có các bài viết sắc sảo, đầy tính chiến đấu, thời kỳ nhà báo Trần Công Mân giữ cương vị Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân là thời gian ông thể hiện nổi bật nhất bản lĩnh, trí tuệ của người "thuyền trưởng" mẫu mực, một vị tướng uyên thâm, dày kinh nghiệm trận mạc nhưng cũng hết sức chân tình và giản dị.

Với các thế hệ làm báo QĐND, Thiếu tướng Trần Công Mân không chỉ là một lãnh đạo, một Tổng biên tập, ông còn là một người thầy, người anh, người bạn rất nguyên tắc nhưng rất tình người. Trong ông luôn ẩn chứa một năng lực trí tuệ, một năng lực ứng phó bản lĩnh, một khả năng thuyết phục người khác.  

Báo Công luận
Ban tổ chức, khách mời và gia đình chụp ảnh lưu niệm. 

Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, bồi hồi nhớ lại, nhiều năm làm việc tại Báo QĐND, tôi gần như thường xuyên được làm việc bên ông, trực tiếp nghe ông phán quyết, chỉ đạo tác chiến báo chí hằng ngày. Với Thiếu tướng, Tổng biên tập Trần Công Mân, có người nhận xét ông là người nguyên tắc, ít nói nhưng làm việc dưới quyền ông lâu năm, hiểu ông, càng thấy ông sống rất tình cảm, chia sẻ với mọi hoàn cảnh khó khăn. 

"Đã nhiều năm trôi qua, đến hôm nay, hình ảnh của ông vẫn sống động trong mỗi chúng tôi, lớp cán bộ đàn em của ông. Thiếu tướng Trần Công Mân là người đã góp nhiều công sức tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của Báo QĐND, Hội Nhà báo Việt Nam”, nhà báo Phạm Quốc Toàn xúc động nói.

Tấm gương của nhà báo Trần Công Mân là tài sản vô giá, là cuốn cẩm nang nghề nghiệp quý báu để lại nhiều bài học có giá trị về tư tưởng, nghề nghiệp cho các thế hệ làm báo nước nhà. Bằng tài năng, bằng bản lĩnh ông đã trở thành một trong số cây bút chính luận xuất sắc, một Tổng biên tập đầy khí phách trong làng báo Việt Nam thế kỷ XX.

 Tọa đàm là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2018. Thông qua việc tổ chức tọa đàm, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo QĐND mong muốn tạo cơ hội để các nhân chứng, các nhà khoa học.... gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến lịch sử báo chí Việt Nam; coi đây là một hình thức hoạt động tri ân và học tập các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Tọa đàm cũng là dịp để thế hệ làm báo ngày nay tưởng nhớ, thể hiện tình cảm với nhà báo Trần Công Mân, một nhà báo tiêu biểu về thể loại chính luận và tiểu phẩm, một tổng biên tập trí tuệ và bản lĩnh, một trong những nhà lãnh đạo có những cống hiến xuất sắc của Hội Nhà báo Việt Nam.

Ngọc Thành

Tin khác

Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị đôn đốc xử lý nghiêm vụ 2 phóng viên bị hành hung

Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị đôn đốc xử lý nghiêm vụ 2 phóng viên bị hành hung

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những đối tượng hành hung các nhà báo xảy ra tại huyện Thanh Trì mới đây.

Công tác hội
Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

(CLO) Tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”, chương trình là dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2.

Công tác hội
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

(CLO) Được biết đến không chỉ là một vị tướng lừng danh có sức ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử Việt Nam và thế giới thời hiện đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà báo xuất sắc với ngòi bút chiến đấu mạnh mẽ.

Công tác hội
Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

(CLO) Chiều 25/4, Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) đã làm việc với Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại nhằm nhìn nhận, đánh giá công tác Hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Công tác hội
Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội