Đây đã trở thành câu chuyện lớn hơn của cả ngành GD-ĐT khi mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh, phụ huynh; giữa nhà trường với giáo viên đang có biểu hiện bị xâm phạm một cách thô bạo.
Lỗi hệ thống trong hành xử
Một giáo viên của Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối. Sau hình phạt này, một số em sợ không đi học. Rồi 4 phụ huynh có con bị phạt cho rằng cách giáo dục của cô giáo vượt quá chuẩn mực sư phạm. Họ đã kéo tới trường lớn tiếng phản ánh, gây áp lực cho dù cô giáo đã nhận sai và gửi lời xin lỗi đến phụ huynh, hứa khắc phục sai sót. Và cuối cùng, giáo viên phải quỳ xuống để xin lỗi họ. Sự việc này đã gây tranh cãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội.
Đành rằng, những sự việc giáo viên có những hành vi phản cảm với trò thời gian gần đây không còn là chuyện hi hữu. Có rất nhiều clip được tung lên mạng internet khiến dư luận bất bình về cách hành xử thô bạo của giáo viên đối với học sinh, trong đó có nhiều giáo viên đã bị xử lý bằng các hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Quay trở lại sự việc đau lòng cô giáo phải quỳ để xin lỗi, dù có thể khẳng định, việc cô giáo bắt học sinh phạm lỗi quỳ trong trường không phải hành động phù hợp với quy định của ngành Giáo dục cũng như Luật Trẻ em. Còn việc buộc cô giáo phải quỳ xin lỗi chính là hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo và là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nên, có ý kiến cho rằng chỉ nghĩ đến hình ảnh quỳ gối trong môi trường sư phạm, thì hẳn tất cả mọi người, kể cả những người có trí tưởng tượng phong phú đến đâu cũng đều cho rằng đó là việc học trò sẽ quỳ gối để xin lỗi thầy cô giáo hoặc vì vi phạm kỷ luật nên bị thầy cô phạt quỳ để cho nhớ, chứ không thể có chuyện cô giáo phải quỳ gối để xin lỗi phụ huynh!
Và đau lòng hơn cả, là cô giáo trẻ đã chấp nhận quỳ gối trong suốt 40 phút. Có thể cô còn tương lai, còn con nhỏ, còn gia đình phải lo toan; nhưng là người thầy, bạn nhất định phải không vì bất cứ lý do nào để quỳ gối cho một sự việc không đáng như vậy! Xin lỗi, nhận lỗi và nhận kỷ luật của cơ quan là đủ, không bao giờ nên quỳ gối nếu động cơ của bạn là trong sáng, nếu bạn không làm điều gì trái với lương tâm, đạo đức người thầy. Không làm cô giáo, mất việc không phải là thảm họa, quỳ gối mới là thảm họa.
Và qua sự việc này, tất cả đều là giọt nước tràn ly cho những vô cảm và phản cảm trong xã hội. Khi nhà trường không còn là thánh đường, ở đó thầy cô không chỉ là những người thầy giỏi, mà còn là những người độ lượng, bao dung và cần rất nhiều tới kĩ năng sư phạm! Phạt học sinh không thể bắt các em phải quỳ! Khi một đứa trẻ bị phạt quỳ, và rồi chứng kiến cô giáo cũng bị hạ nhục phải quỳ để xin lỗi cha mẹ mình, đó sẽ là tổn thương mãi mãi không phai mờ suốt cuộc đời con người sau này! Trong nhà trường, cũng như gia đình, không gì khác, đứa trẻ phải được định hướng bởi những yêu thương và trong lành, không phải là kiến thức, những con số vô cảm!
Giáo dục phải dẫn dắt xã hội
Sự việc xảy ra ở Long An là một báo hiệu về sự thay đổi thang giá trị trong xã hội Việt Nam hiện tại. Đó là vai trò của người thầy trong xã hội đang giảm, nhất là vai trò về mặt tinh thần, biểu tượng. Sự việc này có lẽ là minh chứng được nêu, còn những hiện tượng tương tự không hiếm. Nguyên nhân nằm ở nhiều mặt khác nhau, không chỉ là ở người thầy, xã hội và hệ thống quản lý. Về người thầy, có lẽ ở đâu đó có sự bất lực trước hành động ngỗ ngược của các cháu. Có giáo viên bị stress, bất lực trước học sinh.
Một số giáo viên mới vào nghề không biết phải xử lý thế nào trước những trường hợp học sinh “cá biệt”. Dĩ nhiên, ai vào nghề cũng cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm nhưng những kiến thức trong trường sư phạm cần giúp các bạn trẻ có nhiều kỹ năng xử lý, nhất là nền tảng kiến thức về tâm lý lứa tuổi, ứng xử... Ngoài lớp học, giáo viên còn phải đối mặt với tình trạng thu nhập thấp và gặp rất nhiều áp lực. Hơn nữa, quản lý một lớp 40-50 học sinh quả là điều rất khó khăn. Xã hội cần chăm lo cho người thầy nhiều hơn, không chỉ là vật chất.
Về xã hội, có một thực tế là vai trò của người thầy tuy vẫn quan trọng nhưng thái độ của phụ huynh, học sinh có vẻ đã khác trước rất nhiều. Khoảng cách của người thầy và học trò trở nên gần gũi hơn, hòa đồng hơn nhưng bên cạnh sự coi trọng là chủ đạo thì lối ứng xử coi nhẹ vai trò của người thầy cũng đang phổ biến hơn.
Giáo dục là một phần của xã hội mà xã hội thì vô cùng đa dạng, sinh động. Sự vận động của xã hội cũng một phần có nguyên do của giáo dục, rồi nó lại tác động ngược vào giáo dục. Nhưng suy cho cùng, giáo dục vẫn phải dẫn dắt xã hội và muốn như vậy thì hệ thống cần được vận hành tốt hơn. Và giáo dục, lúc này đang rất cần sự bảo vệ của xã hội trước những điều tiêu cực mà trường hợp như ở Long An là ví dụ điển hình.
Xã hội dần phát triển, mọi người đều lên án việc giáo dục bằng đòn roi và đề cao “kỷ luật không nước mắt”. Kỷ luật không đòn roi trở thành xu thế tất yếu trong sự phát triển của xã hội văn minh. Thế nhưng, không đòn roi không có nghĩa là cha mẹ, thầy cô phải chiều theo mọi ý muốn của con trẻ. Ai cũng thừa nhận, trẻ em ngày nay được chiều chuộng quá đà. Nhiều gia đình 6 người (ông bà nội, ngoại, bố mẹ) chỉ “hầu hạ”, cung phụng một đứa trẻ nên chúng nảy sinh những tư tưởng, suy nghĩ rất ích kỷ, chỉ biết làm theo ý muốn, sở thích của bản thân. Ai động vào con cháu họ là động vào lửa, vào tự ái cá nhân, sự danh giá của gia đình… Họ đã quên rằng, giáo dục con trẻ phải là sự kết hợp hài hòa, thường xuyên giữa nhà trường và gia đình. Không thể có chuyện đứa trẻ về mách bố mẹ rằng con bị phạt lập tức cha mẹ “nhảy” dựng lên đòi “xử” cô giáo, thầy giáo. Làm như vậy, đứa trẻ sẽ không còn tôn trọng thầy cô, tự đề cao bản thân, bất chấp mọi kỷ luật. Khi các con có những suy nghĩ, tư tưởng lệch lạc, méo mó, sẽ ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức, hành xử chung của xã hội. Chúng ta không thể trông mong vào một thế hệ tương lai sống không có kỷ luật, không biết nghe lời người khác, làm gì cũng chỉ biết đến bản thân… và sẵn sàng dùng “luật rừng” để xử lý mọi mâu thuẫn.
Tối 6/3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo. Công văn nêu rõ theo báo cáo nhanh của ngành giáo dục tỉnh Long An, ngày 28/2, cô giáo B.T.C.N (Trường Tiểu học Bình Chánh ở xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã bị một số phụ huynh ép phải quỳ gối xin lỗi ngay tại nhà trường. Sự việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự của nhà giáo và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa; xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục; đồng thời có các giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo. |
Khánh An