Hà Nội: Hàng loạt vi phạm pháp luật về đê điều cần xử lý dứt điểm

Thứ hai, 09/04/2018 09:36 AM - 0 Trả lời

(CLO) Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội còn hàng trăm điểm vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó có những điểm vi phạm tồn tại qua nhiều năm chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý. Để giải quyết thực trạng này, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành công văn số 2242/VP-KT đề nghị sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã có để xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Hà Nội là địa bàn có các con sông lớn như sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Nhuệ... chảy qua; tình trạng vi phạm hành lang an toàn đê điều, hành lang thoát lũ diễn ra hết sức phức tạp. Cuối năm 2017, theo thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội), trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã phát sinh 131 vụ vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai. 

Các vi phạm chủ yếu là: xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và bãi sông, chiếm dụng mái đê để trồng các loại cây; dựng lều quán trên mặt đê, mái đê; tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê… Địa phương để xảy ra nhiều vi phạm như huyện Ứng Hòa: 21 vụ, huyện Sóc Sơn: 16 vụ, huyện Thường Tín: 12 vụ, huyện Phú Xuyên và huyện Ba Vì: 11 vụ. 

Tại các quận, huyện xuất hiện hàng loạt điểm nóng vi phạm pháp luật về đê điều, điển hình như công trình biệt thự xây dựng lấn chiếm đất hành lang đê sông Nhuệ của gia đình ông Nguyễn Văn Túc, chủ xưởng sản xuất giầy da Túc Hồng có địa chỉ tại thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên. 

Công trình được xây dựng trên khu đất rộng hơn 300 m2, khởi công xây dựng từ đầu năm 2017, công trình này đã lấn chiếm hàng chục m2 đất thuộc hành lang đê chạy dọc QL 428 (75 cũ).  Việc lấn chiếm trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy, có nguy cơ phá vỡ kết cấu đê điều.

 

Báo Công luận

Công trình của gia đình ông Nguyễn Văn Túc vi phạm hành lang an toàn đê điều (Phú Xuyên).

  

Tại vực cảng Cống Thôn (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm) tình trạng vi phạm hành lang an toàn đê điều, hành lang thoát lũ diễn ra suốt một thời gian dài nhưng UBND huyện Gia Lâm lại chưa thể xử lý dứt điểm. Khu vực này trước đây là những bãi đất nông nghiệp nhưng được nhiều cá nhân thuê san lấp làm nhà xưởng trái phép sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Chạy dọc theo khu vực mép sông Đuống còn có hàng chục bãi vật liệu xây dựng như cát, đá, sỏi, bãi than... được tàu bè khắp nơi chuyển đến hoạt động một cách rầm rộ. Quan sát thực tế, phóng viên ghi nhận những cụm tre dọc hai hành lang đê cảng Cống Thôn đang bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều cụm tre đã chết khô bởi ô nhiễm.

Quận Long Biên cũng là địa bàn xảy ra nhiều vi phạm hành lang đê điều, hành lang thoát lũ; điển hình như quần thể nhà hàng Nắng sông Hồng (phường Bồ Đề) đã bị báo chí phản ánh trước đây xây dựng vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn thoát lũ sông Hồng. 

Tại khu đất dưới chân cầu Thanh Trì (giáp ranh giữa xã Đông Dư, huyện Gia Lâm và phường Cự Khối, quận Long Biên) dọc tuyến đê Long Biên - Bát Tràng cũng đang tồn tại một trạm trộn bê tông, dãy nhà xưởng vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn đê điều. Trạm trộn bê tông mang tên Ba Đình 05 được người dân cho biết đã hoạt động nhiều năm qua gây ô nhiễm môi trường bởi bụi, tiếng ồn, chất thải nhưng chính quyền địa phương làm ngơ cho tồn tại.

 Cách trạm trộn bê tông Ba Đình 05 chỉ vài chục mét hiện xuất hiện thêm một trạm trộn bê tông khác cùng nhà xưởng hoạt động suốt ngày đêm nhưng cũng không bị xử lý.

 

Báo Công luận
 
Báo Công luận

Khu vực cảng Cống Thôn, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm cũng là khu vực tồn tại vi phạm nhiều năm nhưng chưa bị xử lý.

  

Thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố ban hành hơn 50 văn bản chỉ đạo, đồng thời, Sở NN&PTNT, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cũng đã có hàng trăm văn bản đôn đốc các địa phương xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

 Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ việc đã được giải quyết còn rất thấp so với tổng số vụ vi phạm.  10 vụ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra nhiều năm gây bức xúc dư luận nhưng các quận, huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín, Tây Hồ, Long Biên… chưa xử lý.

Để đốc thúc xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có công văn số 2242/VP-KT đề nghị sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã có đê xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Công văn này cho biết UBND TP. nhận được các văn bản của Tổng cục Phòng, chống thiên tai thông báo kết quả thực hiện dự án cấp bách, xung yếu đê điều, phòng chống thiên tai, kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều và công tác quản lý đê điều năm 2018 và đề nghị xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. 

Báo Công luận
 
Báo Công luận

Trạm trộn bê tông và nhà xưởng tại khu vực chân cầu Thanh Trì  vi phạm an toàn hành lang đê điều.  

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu: Chính quyền các cấp tổ chức xử lý dứt điểm các vụ vi phạm, đồng thời, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính về đê điều, nhất là những vụ vi phạm mới phát sinh; thông báo rộng rãi kết quả chỉ đạo, xử lý đến người dân,  tạo sự đồng thuận; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân.

 Các cấp, các ngành tăng cường phối hợp thực hiện trách nhiệm trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định của pháp luật.

Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão các tỉnh, thành phố và các Hạt quản lý đê tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các hoạt động liên quan đến đê điều. Đồng thời thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả, tiến độ thực hiện dự án cấp bách xung yếu đê điều, phòng chống thiên tai, kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều (phân loại rõ hành vi vi phạm, mức độ và tính chất vi phạm) và công tác xử lý vi phạm của địa phương về Tổng cục Phòng, chống thiên tai trước ngày 25 hàng tháng để tổng hợp... 

UBND TP. Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận, huyện, thị xã có công trình vi phạm pháp luật về đê điều, khẩn trương có phương án, nghiêm túc chỉ đạo, thực hiện xử lý dứt điểm, báo cáo UBND thành phố.

Trước đó, UBND thành phố đã giao các sở, ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đê điều, quy trách nhiệm, xử lý người đứng đầu các cấp chính quyền buông lỏng quản lý dẫn tới vi phạm gia tăng. Kiên quyết rút giấy phép đối với các hành vi khai thác, kinh doanh cát sỏi, tập kết vật liệu xây dựng không đúng quy định làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều, bờ sông, dòng chảy trên địa bàn thành phố…

Quốc Trần

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra