Ngày 14/11 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An gửi thông báo số 256 đến Đài Phát thanh và Truyền hình Long An cùng Báo Long An về vụ việc nhóm phóng viên ở Long An bị hành hung khi đang tác nghiệp, với nội dung không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, lý do mà Cơ quan Điều tra này đưa ra lại liệt kê hàng loạt yếu tố rất “lạ”, cho rằng các phóng viên không bảo đảm yếu tố “đang thi hành công vụ”.
Sau khi nhận được thông báo của Cơ quan điều tra và đơn thư khiếu nại của 3 phóng viên bị hành hung hiện đang công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Long An và Báo Long An gồm: Nguyễn Đức Cảnh, Cao Thị Kim Ngân và Nguyễn Thị Mận, Hội Nhà báo tỉnh Long An nhận thấy, dù chưa được cấp thẻ Nhà báo, Phạm Đức Cảnh và Cao Thị Kim Ngân hiện là 2 phóng viên chính thức tham gia hoạt động báo chí của Đài PT&TH tỉnh.
Văn bản nêu: “Việc Cơ quan Cảnh sát Điều Tra – Công an huyện Thạnh Hóa cho rằng, 3 phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp mặc trang phục không đeo logo báo, đài là không đảm bảo yếu tố “đang thi hành công vụ” là bất hợp lý, không đúng với quy định của pháp luật. Khi tác nghiệp ở Thạnh Hóa, 3 phóng viên, nhà báo trên được phân công của lãnh đạo Báo, Đài phát thanh và Truyền hình và thực hiện đề tài theo định hướng của cơ quan, đơn vị. đài còn trang bị máy quay phim có logo của Đài và có lệnh điều xe chở phóng viên xuống khu vực trên để tác nghiệp. Đây vẫn được xem là hoạt động báo chí của cơ quan báo chí; …”
Hoạt động tác nghiệp của nhóm nhà báo, phóng viên trong trường hợp này không nằm trong khu vực cấm quay phim, chụp hình; đây là khu vực nằm phía ngoài nhà máy, do đó việc có giấy giới thiệu của cơ quan hay không là không quan trọng. Theo văn bản của HNB tỉnh Long An: “Khi liên hệ trực tiếp làm việc đơn vị cần cung cấp thông tin mới cần trình thẻ Nhà báo, giấy giới thiệu. Tuy nhiên, trong 3 phóng viên có 1 phóng viên có thẻ Nhà báo.”
Trong vụ việc, những người trên không chỉ có hành vi hành hung 3 nhà báo, phóng viên, mà còn thu giữ trái phép phương tiện tác nghiệp (giật máy quay, rút thẻ nhớ).
Trong đơn khiếu nại, các phóng viên không chấp nhận nội dung thông báo của Cơ quan Điều tra huyện Thạnh Hóa, cho rằng có một số sự việc nêu không đúng sự thật, đồng thời bày tỏ sự bức xúc, đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ động cơ, mục đích của các đối tượng khi vô cớ hành hung, đe dọa, cản trở nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp.
Tại khoản 12, Điều 9, Luật Báo chí 2016 quy định rất rõ:ghiêm cấm đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Như vậy, việc nhóm người hành hung phóng viên ở trường hợp này là vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý nghiêm.
Như báo NB&CL đã thông tin: ngày 27/9, 3 phóng viên Nguyễn Thị Mận (Báo Long An), Cao Thị Kim Ngân và Phạm Đức Cảnh (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) đến tìm hiểu, ghi nhận ý kiến bức xúc của người dân về việc một nhà máy xả thải trực tiếp ra kênh 3, ngụ ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, gây ô nhiễm môi trường.
Trong lúc nhóm phóng viên đang ghi nhận thực tế tại phía ngoài khu vực nhà máy này thì có một nhóm người đến hăm dọa và ngăn cản không cho quay phim. Sau đó, 2 thanh niên xông vào quật ngã, đè phóng viên quay phim - Phạm Đức Cảnh xuống đất và liên tục dùng tay, chân đấm, đá vào mặt và người. Các đối tượng này còn giật máy quay phim trên tay phóng viên Cảnh và lấy thẻ nhớ. Đồng thời, các đối tượng liên tục dùng lời lẽ hăm dọa 2 phóng viên nữ.
Hậu quả, phóng viên Cảnh bị xây xát, chấn thương phần mềm ở mặt và tay. Riêng, máy quay phim của phóng viên bị các đối tượng giật đứt dây đeo, rớt xuống đất.
Ngay sau đó, nhóm phóng viên đã đến UBND xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa trình báo sự việc. Công an huyện Thạnh Hóa đã tiếp nhận thông tin và tiến hành điều tra vụ việc.
Trong chiều ngày 27/9, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Long An, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Long An – Phạm Văn Dũng ký công văn báo cáo UBND tỉnh vụ 3 phóng viên đi công tác theo sự phân công nhưng bị hành hung khi đang tác nghiệp ngoài hàng rào Nhà máy xử lý rác tại xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An: "Căn cứ Luật Báo chí, Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ được giao; nhằm ngăn ngừa xảy ra các vụ việc tương tự, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tác nghiệp của những người làm báo, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Long An kính đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi ngăn cản, hành hung phóng viên khi đang tác nghiệp"./.
Thái Sơn