Những tồn tại, sai phạm đã được “gọi tên”

Thứ hai, 14/05/2018 11:08 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tháng 2/2018, tại kết luận thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận của thành phố, Thanh tra TP. Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai lát đá vỉa hè tại các quận, trong đó có quận Hà Đông.

Trước đó, trong các năm 2016 - 2017, quận Hà Đông và 10 quận của thành phố Hà Nội triển khai dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè trên một số tuyến phố. Sau đó, tại nhiều tuyến phố được lát đá có tình trạng đá vỉa hè bị vỡ nát, hư hỏng ngay khi vừa được xây dựng, chỉnh trang. Điều này khiến dư luận bức xúc, nghi ngờ việc thực hiện dự án có khuất tất, vi phạm, làm cho chất lượng công trình không đảm bảo...

Báo Công luận
Trụ sở UBND quận Hà Đông 
Ngay sau đó, hàng chục cơ quan báo chí đã phản ánh cụ thể về tình trạng này và UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện dự án, giao thanh tra thành phố thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn các quận.

Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình lát đá vỉa hè "có độ bền 70 năm” trên địa bàn một số quận. Riêng đối với quận Hà Đông, bản kết luận thanh tra nêu rõ: UBND quận "chưa thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố liên quan đến lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên; có những tồn tại, sai phạm trong việc khảo sát, thiết kế các dự án; tồn tại, sai phạm trong việc xác định giá đá lát hè, đơn giá nhân công khi thẩm định, phê duyệt dự án; trong việc đấu thầu, thi công các dự án…".

Theo kết luận thanh tra, tại quận Hà Đông, khi thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè quốc lộ 6A đoạn Phùng Khoang - Ba La, UBND quận "thực hiện chưa đúng quy trình, thủ tục đầu tư, cụ thể là không thông qua HĐND quận chấp thuận đầu tư dự án, dự án không có trong danh mục Kế hoạch đầu tư trung hạn của quận giai đoạn 2013 - 2015. Ngoài ra, UBND thành phố có văn bản chấp thuận dùng nguồn vốn đấu giá QSD đất do thành phố để lại để đầu tư cho 2 tuyến Phùng Khoang - Ba La và đường Bà Triệu nhưng UBND quận lại cải tạo, lát đá cho tất cả các tuyến phố nhánh khớp nối, tiếp giáp quốc lộ 6A mà không xin ý kiến của UBND thành phố".

Một vi phạm khác là tại khu đấu giá QSD đất thuộc các phường Kiến Hưng, Phú Lương, trong khi các hộ dân trúng đấu giá chưa xây dựng nhà thì UBND quận đã cho thực hiện dự án lát đá. Theo Thanh tra thành phố, sau này các hộ dân tiến hành xây dựng thì có thể ảnh hưởng đến kết cấu của phần hè đường đã lát đá. Cả 4 dự án hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá nêu trên có giá trị dự toán gần 26 tỷ đồng, đang trong giai đoạn thi công. Nghiêm trọng hơn, tuyến phố Ngô Thì Nhậm và đường N3, K3 chạy xung quanh UBND quận không nằm trong dự án và chưa hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin nhưng quận Hà Đông vẫn cho tiến hành lát đá.

Báo Công luận
Một tuyến phố được thực hiện lát đá  tại Hà Đông
Thanh tra thành phố cũng chỉ rõ, trong công tác khảo sát, thiết kế dự án của quận Hà Đông cũng có những tồn tại, sai phạm khi dự án cải tạo, nâng cấp đường Bà Triệu thiết kế thiếu lớp giấy dầu; trong hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư, hồ sơ dự thầu của đơn vị trúng thầu thiếu thông tin về chỉ tiêu nhóm đá, chỉ tiêu lát đá hè, nguồn gốc đá. Việc làm này là chưa thực hiện đúng Quyết định số 4340/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND thành phố Hà Nội, trong đó có quy định về quy cách vật liệu lát hè. Đặc biệt, đơn giá đá kích thước 40x40x4 cm tại các dự án của quận Hà Đông là 410.000 đồng/m2 trong khi đơn giá đá cùng kích thước của quận Nam Từ Liêm chỉ từ 270.000 đến 300.000 đồng/m2. Tại dự án cải tạo, nâng cấp đường Bà Triệu có 2/3 tổ hợp mẫu không đạt chỉ tiêu về cường độ chịu nén của lớp bê tông lót nền…

Trong việc quản lý vật tư thu hồi các dự án của quận Hà Đông cũng tồn tại những vi phạm được Thanh tra thành phố nêu trong kết luận. Đó là các vật tư khi hạ ngầm như cột điện, tủ điện, dây điện, trạm biến áp, xà sứ cũ… không được thu hồi về Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng để quản lý, định giá, thanh lý mà lại bàn giao cho Công ty điện lực quận thu giữ, từ đó dẫn tới có thể làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Tại quận Hà Đông có 1 dự án đã đưa vào sử dụng nhưng cho đến thời điểm thanh tra vẫn chưa lập hồ sơ quyết toán. Bên cạnh đó, sau khi lát đá tại đoạn tuyến Phùng Khoang - Ba La, công tác quản lý của chính quyền các cấp tại quận này tỏ ra yếu kém khi tại nhiều vị trí đã để chủ đầu tư các dự án xây dựng để vật liệu, để xe ô tô có tải trọng lớn đi trên hè, tự ý đấu nối hạ tầng kỹ thuật trên vỉa hè gây sạt, lún, bong bật, vỡ đá lát…

Trước hàng loạt những vi phạm nêu trên, Thanh tra thành phố Hà Nội đã kết luận rõ trách nhiệm thuộc về các cá nhân là Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Phó Chủ tịch phụ trách khối, Chủ tịch UBND quận, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hà Đông và cán bộ các phòng ban liên quan được giao theo dõi dự án...

Ngày 2/3/2018, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 816/UBND-ĐT về việc xử lý, khắc phục sau thanh tra đối với các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận “tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, sai phạm trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè”, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hà Đông đã tiến hành “xử lý, khắc phục” sau thanh tra tại các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè, trong đó có việc “kiểm điểm, xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan”. Tuy nhiên, việc “xử lý, khắc phục” của UBND quận Hà Đông lại khiến dư luận bức xúc thêm, bởi lẽ các tổ chức, cá nhân có sai phạm chỉ bị xử lý rất "nhẹ nhàng"; hơn nữa, một số cá nhân là lãnh đạo có sai phạm được Thanh tra thành phố chỉ đích danh nhưng lại không bị kỷ luật dưới bất cứ hình thức nào…

Về vấn đề này, Báo Điện tử congluan.vn sẽ nêu cụ thể trong bài viết sau.

 Việt Cường

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra