Hải Phòng: Liên doanh Thép Việt - Hàn giải thể, trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ ba, 18/12/2018 11:17 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sau hơn 24 năm, UBND TP Hải Phòng không thực hiện quyết định của Chính phủ, liên doanh Thép Việt – Hàn với vốn đầu tư hàng chục triệu USD đã phải giải thể một cách đáng tiếc.

Như đã phản ánh ở những kỳ trước, UBND TP Hải Phòng không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Thép VSC – POSCO (gọi tắt là VPS, là công ty liên doanh giữa Tập đoàn POSCO Hàn Quốc, Tổng Công ty Thép Việt Nam và Xí nghiệp Cơ khí vật liệu xây dựng Hải Phòng (nay là Công ty CP Thép và Cơ khí vật liệu xây dựng Hải Phòng, gọi tắt là HASCOM)) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1994 đến nay.

Sau nhiều năm VPS kiến nghị tới Thành ủy, UBND TP Hải Phòng; Sở TN&MT Hải Phòng và Văn phòng Chính phủ… ngày 18/10, Sở TN&MT Hải Phòng đã có văn bản số 4134/STN&MT-VPĐKĐ trình UBND TP Hải Phòng đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho liên doanh VPS theo đúng chỉ đạo của Chính phủ từ năm 1994.

Tại văn bản này, Sở TN&MT Hải Phòng chỉ đề xuất thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH 866999 đã cấp cho HASCOM trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, nếu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho VPS nữa thì sẽ xảy ra tình trạng một mảnh đất có “2 sổ đỏ”.

Chính việc chậm trễ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho VPS đã dẫn tới nguy cơ đổ vỡ của dự án liên doanh này. Đồng thời, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HASCOM trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khiến nhà đầu tư Hàn Quốc tỏ ra nghi ngại và đây được cho là lí do dự án này có nguy cơ đổ bể.

Báo Công luận
Văn bản của VSA gửi tới UBND TP Hải Phòng

 

Buộc phải giải thể ?

Gần đây, tại phòng họp của Tổng công ty thép Việt Nam (Hà Nội, Việt Nam), các bên liên quan trong liên doanh Công ty TNHH Thép VSC-POSCO (VPS) đã tổ chức cuộc họp. Trong cuộc họp này, các bên không đạt được một thỏa thuận thống nhất giải pháp gia hạn công ty VPS và chỉ còn hướng cuối cùng là thanh lí công ty VPS.

Để tìm hiểu liên quan đến sự việc trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện VPS. Theo đó, vị đại diện cho hay, liên doanh VPS được thành lập cách đây 24 năm đúng vào thời điểm hai nước Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Trong suốt 24 năm với rất nhiều khó khăn, nhưng các cán bộ người Việt Nam và Hàn Quốc đã luôn cùng hợp sức để xây dựng và phát triển Liên doanh cho đến nay. Và Liên doanh VPS cũng thường xuyên có những hoạt động cống hiến xã hội cho địa phương dưới các hình thức ủng hộ kinh phí, gạo cho Hội người mù, trẻ em khuyết tật hay các trại trẻ mồ côi tại Hải Phòng.

Báo Công luận
Trụ sở VPS tại Hải Phòng

 

Tuy nhiên, những nỗ lực của cán bộ công nhân viên đều không đạt được kì vọng bởi liên doanh phải chấm dứt hoạt động. Điều buồn nhất là những cán bộ gắn bó làm việc gần 25 năm từ khi liên doanh mới thành lập nhưng vẫn chưa đến tuổi nghỉ hưu, một số người mới vào được vài năm. Tất cả đều như một gia đình lớn mà bỗng chốc tan thành mây khói, nỗi lo chưa biết ngày sau sẽ ra sao.

“Nếu như UBND TP Hải Phòng có những cố gắng khắc phục thì liên doanh đã không rơi vào tình trạng như thế này, nhưng kết quả vẫn là công ty phải đóng cửa dừng hoạt động, không có gì đáng tiếc hơn”, vị đại diện VPS xót xa chia sẻ.

Theo vị đại diện VPS, nguyên nhân lớn nhất trong việc phải dừng liên doanh VPS nằm ở chủ quyền sử dụng đất.

“Một quyết định hành chính không thể hiểu được (quyết định số 1348/QĐ-UBND cho phép HASCOM gia hạn sử dụng đất và thuê 30 năm, từ 11/7/2016 đến 11/7/2046 –PV) và việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật (cấp cho HASCOM trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ -PV) của UBND TP Hải Phòng đã dẫn đến bất đồng quan điểm sâu sắc của các chủ đầu tư và thoả thuận tiếp tục gia hạn dự án thất bại”, vị đại diện VPS nhấn mạnh.

Thời hạn của liên doanh đến tháng 1/2019 nhưng UBND TP Hải Phòng lại gia hạn quyền sử dụng đất cho một bên có cổ phần trong liên doanh là HASCOM từ 11/7/2016, thời gian hai dự án chồng nhau gần 3 năm. Bên cạnh đó, năm 2017, Sở TN&MT Hải Phòng chính thức cấp chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian 30 năm cho đơn vị này.

Điều mà vốn dĩ liên doanh VPS phải được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1994. Chính vì lẽ đó, trên cùng 1 vị trí đất có hai dự án thép khác nhau (dự án cũ 200.000 tấn/năm, dự án mới 350.000 tấn/năm).

“VPS đã liên tục gửi rất nhiều công văn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hải Phòng cũng như các cơ quan ban ngành có liên quan để yêu cầu huỷ bỏ Quyết định 1348/QĐ-UBND ngày 11/7/2016 của UBND Thành phố Hải Phòng cho HASCOM được gia hạn thời hạn sử dụng đất với thời hạn 30 năm từ 11/7/2016 đến 11/7/2046, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH 866999 được cấp cho HASCOM ngày 18/7/2017 và Hợp đồng thuê đất số 92/HĐ ngày 18/7/2017 giữa UBND Thành phố Hải Phòng và HASCOM. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được hỗ  trợ  giải quyết thấu đáo.

Và một trong những cản trở lớn nhất làm cho việc thoả thuận gia hạn hoạt động liên doanh của các chủ đầu tư thất bại là việc phía HASCOM đưa ra mức chi phí cao phi lí để chuyển giao quyền sử dụng lô đất đáng ra phải thuộc về Liên doanh VPS cho hai chủ đầu tư còn lại là POSCO và Tổng công ty Thép Việt Nam.

Uỷ ban nhân dân Thành phố Hải Phòng đã để những lợi ích về đất đai làm cho một dự án liên doanh vốn là biểu tượng cho sự hợp tác về kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc phải đi đến thanh lý giải tán và hơn 240 người lao động vốn đã gắn bó hơn 20 năm với nhà máy mất công ăn việc làm, chưa biết phải sinh sống ra sao”, đại diện VPS chia sẻ.

Hải Phòng sửa sai không toàn diện?

Cùng thông tin về vấn đề trên, đại diện Công ty TNHH Luật Bea Kim&Lee, đơn vị tư vấn, hỗ trợ tư pháp cho Tập đoàn POSCO tại Việt Nam cho biết, việc chậm trễ và làm trái Quyết định của Thủ tướng khi chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho VPS lỗi trước tiên là từ phía HASCOM (trước đây thuộc sở hữu nhà nước), tiếp theo là Sở Tài nguyên và môi trường Hải Phòng và UBND TP Hải Phòng.

“Việc cấp dự án (350.000 tấn thép /năm từ 2016 đến 2046 –PV) và quyền sử dụng đất cho HASCOM của UBND TP Hải Phòng đã gián tiếp thừa nhận, cho phép những sai phạm, việc làm trái Quyết định của Thủ tướng từ năm 1994.

Đồng thời, trực tiếp tạo ra những vi phạm mới xâm phạm đến quyền lợi của các bên trong Liên doanh. Những sai phạm này cần phải được chấm dứt và khắc phục ngay để đem lại sự công bằng và minh bạch về môi trường đầu tư tại Hải Phòng”, đại diện Công ty TNHH Luật Bea Kim&Lee chia sẻ.

Theo đại diện Công ty TNHH Luật Bea Kim&Lee, thông thường, sau khi có quyết định cho thuê đất thì phải tiến hành các thủ tục đo đạc, bàn giao thực địa, tính toán tiền thuê, ký hợp đồng thuê, và trả tiền thuê rồi mới cấp GCNQSDĐ.

“Chúng tôi nghi ngờ có rất nhiều vấn đề thiếu minh bạch trong quyết định số 1348/QĐ-UBND cho phép HASCOM gia hạn sử dụng đất và thuê 30 năm, từ 11/7/2016 đến 11/7/2046.

Trong đó, ngày 11/7/2016 là thời điểm bắt đầu thuê đất chứ không phải ngày thực hiện dự án. Vì thế, chúng tôi có nhiều cơ sở để tin rằng việc cấp dự án mới cho HASCOM là không thực tế và trái pháp luật.

Một dự án sản xuất thép với quy mô 350.000 tấn/năm thì quá trình chuẩn từ khi khảo sát, lập báo cáo cho đến khi phê duyệt sẽ mất rất nhiều thời gian với nhiều thủ tục khác nhau”, đại diện Công ty TNHH Luật Bea Kim&Lee thông tin

Vị đại diện Công ty TNHH Luật Bea Kim&Lee cho biết thêm, mới đây, Sở TN&MT Hải Phòng đã có văn bản số 4134/STN&MT-VPĐKĐ trình UBND TP Hải Phòng đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho liên doanh VPS theo đúng chỉ đạo của Chính phủ từ năm 1994.

Tại văn bản này, Sở TN&MT Hải Phòng chỉ đề xuất thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH 866999 đã cấp cho HASCOM.

“Chúng tôi cho rằng, đây là hành vi sửa sai không toàn diện của Sở TN&MT Hải Phòng. Rõ ràng hành vi này chỉ nhằm mục đích tránh việc làm trái Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn lấp liếm sai phạm trong việc cấp dự án và quyền sử dụng đất cho HASCOM.

Sở TN&MT chưa bao giờ trả lời đúng và cụ thể lý do tại sao trước đây lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HASCOM chứ không phải là Liên doanh? Đã thực sự có một dự án do HASCOM lập để xin cấp quyền sử dụng đất hay không? Và tại sao cơ quan nhà nước lại chấp thuận một dự án trái luật như thế?”, vị đại diện Công ty TNHH Luật Bea Kim&Lee đặt nghi vấn.

Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam kỳ vọng Hải Phòng giải quyết thấu đáo

Liên quan đến việc chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho VPS, ảnh hưởng đến việc kinh doanh cũng như hợp tác giữa POSCO (Tập đoàn Thép Hàn Quốc) và các đối tác trong liên doanh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Kim Eui Joong, Tùy viên Thương mại, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ông Kim Eui Joong cho biết, hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ từ sau khi hai nước thiếp lập quan hệ ngoại giao chính thức vào tháng 12 năm 1992.

Hiện tại, có hơn 7.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, và Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Ông rất cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam để các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể đạt được thành tích này.

Như chúng ta đã biết, ngay sau khi quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước được thiết lập, POSCO - một trong những doanh nghiệp tiêu biểu và có lịch sử lâu dài của Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam, là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên hợp tác với Tổng công ty Thép Việt Nam, thành lập ra Liên doanh VPS (VSC-POSCO Steel), hay còn gọi là Thép Việt Hàn, và được coi là một biểu tượng cho thành công trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển hết sức mạnh mẽ, và có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang cân nhắc về việc đầu tư vào Việt Nam, thì gần đây đã phát sinh vấn đề liên quan đến việc cấp quyền sử dụng đất của Liên doanh VPS cho một doanh nghiệp khác ngay khi Liên doanh VPS vẫn đang trong thời gian hoạt động.

Chúng tôi cảm thấy rất đáng tiếc và lo ngại rằng vấn đề này sẽ ảnh hưởng không tốt đến ý nghĩa và thành quả hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Chúng tôi hi vọng rằng các cơ quan hữu quan sẽ có những biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề về quyền sử dụng đất của Liên doanh VPS, như huỷ bỏ quyết định cấp quyền sử dụng đất trùng lặp ngay trong thời gian hoạt động của liên doanh.

Giải quyết vấn đề này một cách triệt để cũng là một cơ hội để cho các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam, cũng như những doanh nghiệp nước ngoài đang xúc tiến đầu tư vào Việt Nam thấy ý chí của Chính phủ Việt Nam trong việc kiến tạo một môi trường đầu tư an toàn tuân thủ pháp luật, luôn bảo hộ quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Kim Eui Joong, Tùy viên Thương mại, Đại sứ quán Hàn Quốc thông tin.

Trong thời gian sắp tới, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam mong rằng Việt Nam và Hàn Quốc không chỉ phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, mà triển vọng còn đẩy mạnh tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực văn hoá, thể thao và xã hội.

VSA đề xuất hủy bỏ quyết định về việc cho HASCOM thuê đất với dự án cán thép 350.000 tấn/năm

Trước đó, ngay khi biết thông tin về sự việc xảy ra tại VPS, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã ký văn bản gửi UBND thành phố Hải Phòng, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Thép VSC-POSCO.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận được đơn xin cứu xét của Công ty TNHH Thép VSC-POSCO (VPS) liên quan tới việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho VPS. Sau khi nghiên cứu các tài liệu liên quan, VSA xin gửi tới UBND TP Hải Phòng một số nội dung sau:

Ngày 18/1/1994, Công ty TNHH Thép VSC-POSCO (VPS) được thành lập theo giấy phép đầu tư số 769/GP giữa các nhà đầu tư Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), Công ty Posco, Công ty Posco Processing & Service Co.ltd và Công ty Cổ phần Thép và Cơ khí Vật liệu Xây dựng Hải Phòng (gọi tắt là HASCOM).

Trong đó, vốn pháp định của Công ty liên doanh là 16.836.000 (mười sáu triệu, tám trăm ba mười sáu nghìn) đô la. Xí nghiệp Cơ khí Vật liệu Xây dựng Hải Phòng góp 2.700.000 (hai triệu bảy trăm nghìn) đô la, chiếm 16% vốn pháp định bằng quyền sử dụng 6ha đất trong 25 năm. Thời gian hoạt động của công ty liên doanh là 25 năm kể từ ngày được cấp giấy phép.

Ngày 12/9/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 488/TTg, trong đó quy định thu hồi 60.093m2 đất để xây dựng nhà máy cán thép, thời hạn 25 năm kể từ ngày cấp phép đầu tư.

Căn cứ vào điều 1 của quyết định này, UBND thành phố Hải Phòng có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Thép VSC-POSCO (VPS).

Tuy nhiên, cho đến nay, Công ty TNHH Thép VSC-POSCO (VPS) vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBNDTP Hải Phòng cấp như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Ngày 11/7/2016, UBND TP Hải Phòng có quyết định số 1348/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty Cổ phần Thép và Cơ khí Vật liệu Xây dựng Hải Phòng (HASCOM) gia hạn sử dụng đất và chuyển sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với dự án xây dựng dây chuyền cán thép 350.000 tấn/năm tại xã An Hồng (huyện An Dương) và phường Quán Toan (quận Hồng Bàng)

Tại thời điểm này, khi thời gian liên doanh của Công ty TNHH Thép VSC-POSCO (VPS) vẫn còn gần 3 năm (18/1/2019) mà UBND TP Hải Phòng đã có văn bản trên để chuyển quyền sử dụng đất riêng cho HASCOM – chỉ là một đối tác trong liên doanh.

“Chúng tôi nhận thấy rằng, việc ban hành quyết định 1348 của UBND TP Hải Phòng ngày 11/7//2016 là không hợp lý. Đồng thời, không nhất quán với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định số 488/TTg, tạo ra mâu thuẫn giữa các bên trong liên doanh”, văn bản VSA nêu rõ.

VSA kiến nghị UBND TP Hải Phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Thép VSC-POSCO (VPS) theo quyết định 488/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kiến nghị UBND TP Hải Phòng tiếp tục gia hạn cho Công ty TNHH Thép VSC-POSCO (VPS) được thuê đất để duy trì hoạt động của nhà máy theo chủ tương trên của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, hủy bỏ quyết định số 1348/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty Cổ phần Thép và Cơ khí Vật liệu Xây dựng Hải Phòng gia hạn sử dụng đất và chuyển sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với dự án xây dựng dây chuyền cán thép 350.000 tấn/năm tại xã An Hồng (huyện An Dương) và phường Quán Toan (quận Hồng Bàng). 

Hoàng Dương

 

 

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra