Cuộc chiến dai dẳng của Philippines

Thứ năm, 21/07/2016 07:47 AM - 0 Trả lời

Nhìn vào chiều dài lịch sử có thể thấy tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và Philippines là cuộc chiến pháp lý dai dẳng đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Căng thẳng leo thang dưới thời Tổng thống Bengino Aquino với đỉnh điểm là việc Trung Quốc đánh chiếm Bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012.

(NB&CL) Nhìn vào chiều dài lịch sử có thể thấy tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và Philippines là cuộc chiến pháp lý dai dẳng đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Căng thẳng leo thang dưới thời Tổng thống Bengino Aquino với đỉnh điểm là việc Trung Quốc đánh chiếm Bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012.

15 đệ trình khởi kiện

Ngày 22/1/2013, hơn nửa năm sau sự kiện Scarborough, Philippines gửi cho Trung Quốc một bản thông báo và tuyên bố sẽ khởi kiện theo các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và phụ lục VII của công ước này. Philippines khi đó có thể đệ đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Tuy nhiên, nhược điểm của hai cơ chế này là yêu cầu cả hai bên tranh chấp đồng ý ra tòa.

[caption id="attachment_110506" align="aligncenter" width="600"]Chinese dredging vessels are purportedly seen in the waters around Mischief Reef in the disputed Spratly Islands in the South China Sea in this still image from video taken by a P-8A Poseidon surveillance aircraft provided by the United States Navy May 21, 2015. REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters Một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters.[/caption]

Một tháng sau khi nhận được thông báo của Manila, Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ, tuyên bố không chấp nhận và không tham gia vụ kiện. Bởi vậy, Philippines không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải dựa vào một tòa phân xử theo Phụ lục VII của UNCLOS, vì đây là cơ chế cho phép một bên tranh chấp đơn phương kiện bên còn lại, cụ thể quy định “việc thiếu vắng một bên nào đó trong việc phản biện sẽ không cản trở tiến trình của tòa”. Do Trung Quốc từ chối tham gia cơ chế phân xử bằng trọng tài nên theo quy định của UNCLOS, “nguyên đơn” của vụ kiện là Philippines và Chánh án ITLOS - cơ quan tư pháp độc lập được thiết lập theo UNCLOS, với 21 thành viên tương ứng với 21 quốc gia - đã thành lập tòa trọng tài phân xử vào ngày 21/6/2013. Sau đó Tòa đã họp và lựa chọn Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (tức The Hague) làm Ban thư ký cho vụ kiện. PCA là một tổ chức liên chính phủ gồm 121 quốc gia thành viên, được thành lập vào năm 1899 để hỗ trợ làm trọng tài phân xử và giải quyết tranh chấp giữa các nước, các tổ chức liên chính phủ, các thực thể nhà nước, và các bên tư nhân. Trong vụ kiện Biển Đông, PCA đóng vai trò là cơ chế trung gian hỗ trợ tổ chức tòa phân xử và ban thư ký của vụ kiện.

PCA đã thông báo cho Trung Quốc và Philippines rằng họ có cơ hội trao đổi về dự thảo thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, trong khi Manila rất tích cực và nhiều lần bổ sung hồ sơ vụ kiện cũng như tham gia tranh tụng để giải thích lập trường của mình theo yêu cầu, thì Bắc Kinh liên tục phớt lờ và tuyên bố tòa không có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Philippines đưa ra 15 đệ trình để khởi kiện Trung Quốc với bốn nhóm vấn đề chính: 1/ Sự vô căn cứ của “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vạch ra; 2/ Xác định tính chất và vùng lãnh hải liên quan cho 9 thực thể trên biển (Bãi cạn Scarborough, Đá Chữ thập, Đá Châu viên, Đá Gạc Ma, Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây, Đá Subi, Kennan và Đá Gaven); 3/ Trung Quốc có những hành vi vi phạm chủ quyền lãnh hải của Philippines và hủy hoại môi trường; 4/ Yêu cầu Trung Quốc không được tái diễn các hành vi vi phạm, và không được tuyên bố Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) cũng như thềm lục địa từ các thực thể tại quần đảo Trường Sa.

Phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông

Chiều 12/7/2016 (theo giờ Việt Nam), Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”. Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Theo phán quyết của PCA, yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Phán quyết khẳng định Trung Quốc đã gây ra những nguy hại lâu dài đối với hệ sinh thái dải san hô ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn”. 

Phán quyết của PCA còn khẳng định rằng không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Ngoài ra PCA còn nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông.

PCA cũng khẳng định thực thể Ba Bình (Trung Quốc và Đài Loan gọi là đảo Thái Bình) thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Hoa Nam (Biển Đông) là “bãi đá”, vì vậy Ba Bình không thể có vùng đặc quyền kinh tế.

[caption id="attachment_110507" align="aligncenter" width="600"]philippines Các nhà hoạt động Phillipphines vui mừng sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.[/caption]

Thực hiện tất cả các phán quyết của PCA từng bước một

Ngày 19/7/2016, Ngoại trưởng Philippines Perfeco Yasay cho biết ông đã từ chối một lời đề nghị đàm phám song phương về vấn đề Biển Đông với người đồng cấp Trung Quốc với điều kiện phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7 không được đưa ra thảo luận.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABS-CBN về phán quyết của PCA, ông Perfeco Yasay nói: “Ngoại trưởng Trung Quốc đã đề nghị chúng tôi mở lòng để đàm phán song phương về Biển Đông mà không đề cập đến phán quyết của PCA”. Ông cũng cho biết đã nói với Ngoại trưởng Trung Quốc rằng điều đó là không thể được vì nó trái với Hiến pháp và lợi ích quốc gia của Philippines.  Ngoại trưởng Yasay cũng cho rằng ưu tiên hàng đầu của Philippines là đàm phán để cho ngư dân của nước này được quyền trở lại đánh bắt cá tại bãi Scarborough và thực hiện tất cả các phán quyết của PCA từng bước một.

Trước đó, ngày 15/7, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay khẳng định nước này tôn trọng phán quyết được Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở ở La Hay (Hà Lan) đưa ra hôm 12/7 về vấn đề Biển Đông, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á- Âu (ASEM) ở thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ, Ngoại trưởng Perfecto Yasay cho biết Philippines nỗ lực vì giải pháp hòa bình và sẽ tiếp tục can dự cùng các bên liên quan nhằm làm giảm bớt căng thẳng trong khu vực.

TTXVN bác bỏ thông tin sai lệch của báo chí Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Ngày 18/7/2016, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tuyên bố bác bỏ nội dung sai sự thật của báo chí Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14/7/2016 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) tại thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ). Sau cuộc gặp trên, nhiều cơ quan báo chí chính thức của Trung Quốc, trong đó có hãng thông tấn Tân Hoa xã, trang mạng chinadaily.com.cn (phiên bản đối ngoại tiếng Anh của tờ Trung Quốc Nhật báo) và tờ Nhân dân Nhật báo tiếng Trung Quốc, đã dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp nói rằng: “Việt Nam tôn trọng lập trường của Trung Quốc về vụ kiện trọng tài Biển Đông”, đồng thời cho biết: “Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán song phương về vấn đề biển và quản lý đúng đắn những khác biệt với Trung Quốc nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực”. 

Trên thực tế, trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc, khi đề cập vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10/2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam đối với phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trước đó, ngày 12/7/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016… Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài.

Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

PV (Tổng hợp theo TTXVN)

Tin khác

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 49 năm thống nhất đất nước

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 49 năm thống nhất đất nước

(CLO) Sáng 26/4, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

Tin tức
Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các tuyến đường mới, các khu đô thị

Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các tuyến đường mới, các khu đô thị

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chú trọng phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các tuyến đường mới, các khu đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, quy mô lớn, có lộ trình phù hợp giảm số cửa hàng xăng dầu quy mô nhỏ lẻ, không hiệu quả.

Tin tức
Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới được ưu tiên phát triển không giới hạn

Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới được ưu tiên phát triển không giới hạn

(CLO) Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.

Tin tức
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc để hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích…

Tin tức
Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

(CLO) Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.

Tin tức