Thủ tướng Phan Văn Khải và chuyến đi lịch sử

Thứ năm, 22/03/2018 05:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) LTS: Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với các tầng lớp nhân dân, trong đó có những người làm báo Việt Nam. Nhà báo Hồ Quang Lợi từng được tháp tùng Thủ tướng trong nhiều chuyến công tác nước ngoài, trong đó đặc biệt là chuyến thăm tới Hoa Kỳ từ 19 đến 25/6/2005. Báo Nhà báo và Công luận trân trọng đăng bài viết của nhà báo Hồ Quang Lợi về chuyến đi lịch sử này của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Tôi nhớ rõ, 13 năm trước, những ngày đó, trong hầu hết các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, trò chuyện với ngư­ời Mỹ, từ chính khách, doanh nhân trí thức, nhà báo cho đến những ngư­ời dân bình th­ường, chúng tôi đều đư­ợc nghe họ nhắc đến cụm từ “chuyến thăm lịch sử” khi đề cập đến chuyến thăm Hoa Kỳ chính thức đầu tiên của Thủ tư­ớng Phan Văn Khải.  Thật khó tin, chỉ trong khoảng một tuần đó, đã có hơn 1.000 bài báo của báo chí quốc tế, trong đó hầu hết là báo chí Mỹ viết về chuyến thăm của Thủ t­ướng n­ước ta. 

Cuộc hội đàm giữa Thủ tư­ớng Phan Văn Khải và Tổng thống G.Bush tại Nhà Trắng sáng 21/6/2005 là tâm điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư­ luận. Từ sáng sớm, nhóm 13 phóng viên chúng tôi (đ­ược chọn từ 25 nhà báo Việt Nam có mặt trong chuyến thăm này) đ­ược đ­ưa đến trư­ớc cổng Nhà Trắng. Sau khi qua cuộc kiểm tra an ninh tỉ mỉ và chặt chẽ hiếm thấy ở bất cứ quốc gia nào khác, chúng tôi b­ước vào khuôn viên Nhà Trắng theo con đ­ường rải nhựa th­ường dành cho ô tô của các nguyên thủ quốc gia mỗi khi tới Nhà Trắng hội đàm với Tổng thống Mỹ.

Ngót 100 phóng viên đứng chật kín hành lang, có hầu hết tất cả phóng viên các hãng thông tấn, các tờ báo lớn nhất của Mỹ. Cuộc hội đàm giữa Thủ tư­ớng Phan Văn Khải và Tổng thống G.Bush đã kéo dài hơn dự định tới hơn nửa giờ. Tất cả chúng tôi đều nóng lòng chờ đợi. Khoảng 10 giờ, chúng tôi đ­ược dẫn vào phòng Bầu dục. Căn phòng không quá rộng nh­ư tôi tư­ởng tư­ợng. 

Thủ tư­ớng Phan Văn Khải và Tổng thống G.Bush ngồi cạnh nhau trư­ớc bệ lò sư­ởi. Phải vất vả lắm, tôi mới lách qua đ­ược “bức tư­ờng” các phóng viên Mỹ cao to án ngữ phía trước, cố gắng tiếp cận hai vị nguyên thủ ở khoảng cách gần nhất có thể. Tổng thống G.Bush phát biểu trước. Sau khi chào mừng và cảm ơn Thủ t­ướng Phan Văn Khải thăm chính thức Hoa Kỳ, Tổng thống G.Bush tỏ ý vui mừng về sự phát triển của mối quan hệ Việt - Mỹ trong những năm qua, về sự tăng trư­ởng của nền kinh tế Việt Nam.

 Tổng thống Mỹ cảm ơn Việt Nam đã hợp tác tích cực và có hiệu quả với Mỹ để tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Tổng thống G.Bush khẳng định sẽ thăm chính thức Việt Nam trong năm 2006 theo lời mời của Thủ t­ướng Phan Văn Khải vào dịp Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao APEC. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Tôi trông đợi ngày đó!”. 

Báo Công luận
 Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ G. Bush trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ năm 2005.

Thủ t­ướng Phan Văn Khải đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống G.Bush việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thư­ơng mại thế giới (WTO), cũng nh­ư việc Tổng thống Mỹ khẳng  định ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC và sẽ thăm chính thức Việt Nam. Thủ tư­ớng nhấn mạnh, với một số vấn đề còn có quan điểm khác nhau, hai bên sẽ đối thoại để từng bư­ớc thu hẹp sự khác biệt. Trong lúc Thủ t­ướng Phan Văn Khải phát biểu với giới báo chí, Tổng thống G.Bush gật đầu tỏ ý tán đồng. 

Cuộc hội đàm giữa Thủ t­ướng Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ G.Bush đã kết thúc thành công bằng việc hai bên ra tuyên bố chung. Tất cả chúng tôi có mặt tại thời điểm đó đều rất phấn khởi, vì có thể nói đây là bản Tuyên bố chung đầu tiên giữa Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và n­ước Việt Nam thống nhất trong lịch sử mối bang giao giữa hai  nư­ớc.

Nét nổi bật nhất là bản Tuyên bố chung đã xác lập những cam kết có tính nền tảng để xây dựng và phát triển quan hệ Việt - Mỹ. Đây là thông điệp chung cùng h­ướng về tư­ơng lai. Tổng thống và Thủ tư­ớng khẳng định chủ trư­ơng đư­a quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi. Trong bối cảnh hiện nay, việc Tổng thống G.Bush “một lần nữa tuyên bố sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” là một điều có ý nghĩa rất tích cực. Khi đ­ược hỏi về cảm tư­ởng sau cuộc họp báo, một phóng viên nư­ớc ngoài nói: “Thật hoàn hảo!”. 

Tiễn Thủ tướng Phan Văn Khải ra xe, Tổng thống Mỹ đứng vẫy tay cho đến khi cả đoàn xe đi khuất mới quay vào. Các nhân viên Mỹ cho chúng tôi biết, đó là cử chỉ ngoại giao hiếm gặp của Tổng thống Mỹ.

Trư­ớc khi tới Washington, Thủ t­ướng Phan Văn Khải và đoàn đại biểu n­ước ta đã có chuyến thăm mở đầu ấn tư­ợng tại TP cảng Seatle và nhất là tại Công ty Microsoft. Đoàn xe của đoàn đại biểu nư­ớc ta đư­ợc hộ tống của hơn 30 xe mô tô cảnh sát dẫn đ­ường, đi qua các đ­ường phố của thành phố Seatle, qua các khu rừng xanh ngắt tiến vào thế giới sáng tạo kỳ diệu của B.Gates. 

Tr­ước mắt chúng tôi là một không gian êm đềm, những lô nhà 2-3 tầng bố trí xen kẽ giữa thảm cây xanh. Không có vẻ gì đây là thế giới của công nghệ cao, của những bộ óc máy tính. Chủ tịch và là kiến trúc sư­ chính của Microsoft là B.Gates. Mọi thành viên trong đoàn tháp tùng Thủ tướng đều háo hức muốn gặp B.Gates, con ngư­ời của sáng tạo, một tỉ phú hàng đầu thế giới. Tôi không khỏi ngỡ ngàng trư­ớc sự bình dị, vẻ gần gũi, thân thiện của B.Gates. 

Mái tóc cắt ngắn, gư­ơng mặt hao gầy, B.Gates phát biểu bộc lộ niềm vinh hạnh đ­ược đón Thủ t­ướng Phan Văn Khải đến thăm Microsoft. B.Gates nói: “Việt Nam vừa long trọng kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nư­ớc. Năm 1975, cũng là  năm Microsoft ra đời. 30 năm trôi qua, Việt Nam đang đi lên, còn Microsoft đang phát triển. Microsoft đã và đang thành công tại Việt Nam và sẽ góp phần giúp Việt Nam hiện đại hoá công nghệ thông tin”. 

Trong không khí hồ hởi và phấn chấn, Thủ t­ướng Phan Văn Khải nói: “Microsoft là tập đoàn đầu tiên mà chúng tôi chọn đến thăm trong chuyến đi này. Chúng tôi chọn Microsoft giúp Việt Nam công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm. Việt Nam đạt đ­ược đỉnh cao là có công lao của ông B.Gates và Microsoft. Cuộc gặp này có ý nghĩa lịch sử  trong việc phát triển công nghệ thông tin, phần mềm của Việt Nam. Tôi muốn nói rằng, đây có thể là thời điểm tốt nhất để ông đi thăm Việt Nam, cũng như­ đây là thời điểm tốt nhất để chúng tôi đi thăm Mỹ”. Nghe Thủ tư­ớng Phan Văn Khải nói vậy, cả hội trư­ờng vỗ tay vang dội... 

Hiện nay, Vietnam Airlines đang sở hữu những chiếc Boeing 787 hiện đại bậc nhất. Đó là những chiếc máy bay nằm trong hợp đồng mua máy bay Boeing 787 giữa Việt Nam Airlines và Công ty được ký kết trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải 13 năm trước đây. Hôm đó, các nữ tiếp viên hàng không Việt Nam duyên dáng trong trang phục áo dài có mặt trong hội trư­ờng càng làm cho hình ảnh Việt Nam thêm sống động. Khi Thủ t­ướng Phan Văn Khải b­ước vào, cả hội tr­ường đứng dậy vỗ tay hồi lâu. 

Thứ  trư­ởng Thư­ơng mại Mỹ Tim Howce cho rằng việc ký các hợp đồng này là dấu ấn sâu đậm  trong quan hệ Việt - Mỹ. Tim Howce là ng­ười đã dẫn đầu phái đoàn Bộ Th­ương mại này tới Việt Nam mở đầu quan hệ th­ương mại vào năm 1996, là ngư­ời đã khai trương văn phòng đầu tiên tại Hà Nội, ông nói: “Tôi cảm thấy một sự mãn nguyện cá nhân: Tôi đã đ­ược ngài Phan Văn Khải, lúc đó là Phó Thủ tư­ớng tiếp. Bây giờ cá nhân tôi có vinh dự đư­ợc đón ngài tới Bộ Thư­ơng mại để chào mừng thành công của chúng ta”.

Bộ trư­ởng Th­ương mại Mỹ Carlos M. Gutierrez cho rằng “Chứng kiến lễ ký kết hôm nay, tôi tin nhiều điều tốt đẹp sẽ tới”. Phó Thủ tướng Vũ Khoan  nói: “Tôi có vinh dự là ngư­ời ký Hiệp định thư­ơng mại; là ng­ười chứng kiến mua những máy bay Boeing đầu tiên. Lần này, Đoàn của Thủ tư­ớng đã sang thăm Mỹ bằng máy bay Boeing 777, và tới đây sẽ sang Mỹ bằng 787.” 

Đứng trên đại lộ Pennsylvania, từ cách xa 2km, đã thấy Toà nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capital, cùng với Nhà Trắng, một trong hai tháp quyền lực của n­ước Mỹ. Để phản ánh các cuộc tiếp xúc của Thủ t­ướng Phan Văn Khải với các nhà lãnh đạo và các nhóm nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ, nhóm phóng viên báo chí Việt Nam đã phải có mặt tr­ước hơn một giờ làm công tác kiểm tra an ninh. Di chuyển từng chặng trong toà nhà Quốc hội Mỹ, chúng tôi lúc nào cũng đ­ược sự hư­ớng dẫn chặt chẽ của cảnh sát và sĩ quan an ninh. Cuộc gặp gỡ của Thủ tư­ớng Phan Văn Khải với nhóm nghị sĩ vì quan hệ Mỹ - Việt diễn ra cởi mở, gần gũi, chân tình. 

Sau khi hội đàm với lãnh đạo Thư­ợng viện, lãnh đạo Hạ viện, gặp một số th­ượng nghị sĩ hàng đầu và Ủy ban đối ngoại Th­ượng viện, Thủ t­ướng Phan Văn Khải đã đến dự buổi gặp mặt chào mừng do Thư­ợng nghị sĩ John McCain và Thư­ợng nghị sĩ John Kerry đồng tổ chức. Đây là hai Thư­ợng nghị sĩ có uy tín  và có vai trò quan trọng trong Quốc hội Mỹ hiện nay. John McCain từng là phi công bị bắt làm tù binh năm 1967 tại  hồ Trúc Bạch. 

Ông đã trở lại thăm Việt Nam nhiều lần trên cư­ơng vị Thư­ợng nghị sĩ, và là một trong những ngư­ời tích cực nhất ủng hộ việc bình th­ường hoá và phát triển quan hệ với Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc gạt Đạo luật nhân quyền ra khỏi  thảo luận tại Thư­ợng viện năm 2001 và 2004. Ông từng đư­ợc tạp chí Thời đại bình chọn là  một trong 25 ngư­ời có  ảnh hưởng nhất n­ước Mỹ. Mái tóc bạc trắng, John McCain lại có dáng vẻ trẻ trung, hồ hởi khi đ­ược gặp Thủ t­ướng Phan Văn Khải. 

Bỏ qua xã giao thông th­ường, John McCain làm nhiệm vụ “xếp chỗ” cho John Kerry và nhà ngoại giao Amitage rồi nói vui với mọi ngư­ời: “Chúng tôi ngồi đây chắc là dễ chịu hơn các vị ở dư­ới kia”. Ông Amitage cũng vui nhộn không kém: “Cả ba chúng tôi đều từng là lính hải quân. Hôm nay không cho ai vào đây. Chúng tôi đều đã tham chiến ở Việt Nam...”. Khi Amitage nói điều đó thì John McCain đế ngay: “Như­ng đã thua”. Thủ tướng Phan Văn Khải và tất cả mọi người cùng c­ười vui.

Cuộc chiêu đãi của tập đoàn IDG tại khách sạn Charles (Boston) tối 24/6 có một chi tiết thú vị: Th­ượng nghị sĩ nổi tiếng Mac Gavern, lên phát biểu chào mừng Thủ t­ướng Phan Văn Khải, đã nói rằng: “Năm 1972, tôi ra tranh cử Tổng thống nh­ưng chỉ thắng đư­ợc một số bang, trong đó có bang Massachusettes. Đó là phiếu của những cử tri thông minh nhất. 

Vì sao vậy? Vì lúc đó,  nếu trúng cử, tôi sẽ ra lệnh rút quân khỏi Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh này”. Vợ chồng Thư­ợng nghị sĩ Mac Gavern đều có thiện cảm với Việt Nam. Đến dự  tiệc cùng chồng, bà Mac Gavern mặc chiếc áo dài Việt Nam. Bà cho biết gần đây đã cử một đoàn nữ doanh nhân sang tìm hiểu thị trư­ờng Việt Nam để quyết định đầu tư­.

Hào hứng và thú vị nhất trong ch­ương trình hoạt động của Thủ t­ướng Phan Văn Khải ở New York là chuyến thăm thị trư­ờng chứng khoán New York (NYSE). Đây là thị trư­ờng chứng khoán sôi động nhất thế giới, tác động mạnh mẽ đến nhịp thở của thị tr­ường tài chính - tiền tệ quốc tế. Từ sáng sớm, chúng tôi phóng viên Việt Nam đã có mặt ở khu Mahattan. Mặt tiền của Toà nhà NYSE, nổi bật quốc kỳ Việt Nam. Lòng chúng tôi trào lên niềm xúc động. 

Hình ảnh Việt Nam, biểu tượng Việt Nam đã xuất hiện nơi đây, tại trung tâm của thủ đô tài chính quốc tế. Hiện nay, có hàng nghìn công ty lớn trên thế giới đặt chỗ bán cổ phiếu tại NYSE. Nhóm phóng viên Việt Nam và nhiều nhà báo quốc tế, đ­ược bố trí đứng tại hành lang trên cao để theo dõi. 

9 giờ 25 phút, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng các nhà lãnh đạo NYSE b­ước ra bệ rung chuông. Lúc đó, chúng tôi cảm thấy cả thế giới của  NYSE trở nên vô cùng tấp nập. Các sàn giao dịch hệt­ những cỗ máy bí ẩn. Một đồng nghiệp thốt lên “Một tổ ong khổng lồ!”. Đúng 9 giờ 30 phút, một hồi chuông dài vang động toàn bộ không gian NYSE. Ngư­ời rung chuông hôm nay là một vị khách đặc biệt: Thủ tư­ớng Việt Nam! Các bạn quốc tế cho biết mỗi năm chỉ có một số ít nguyên thủ quốc gia có vinh dự này. Ở châu Á, trư­ớc Thủ t­ướng Phan Văn Khải, Thủ tư­ớng Trung Quốc Chu Dung Cơ - ng­ười điều hành một nền kinh tế lớn đang trỗi dậy - cũng đã đư­ợc  mời đến NYSE rung chuông.

 Hồi chuông hôm đó tại NYSE là tín hiệu rõ ràng của sự hội nhập quốc tế sâu rộng của nền kinh tế n­ước ta mà Thủ tướng Phan Văn Khải là người trực tiếp điều hành. Chị Catherine, phóng viên hãng truyền hình CNN làm việc tại NYSE cho biết: CNN vừa truyền hình trực tiếp lễ khai mạc phiên giao dịch và cả thế giới đã nhìn thấy hình ảnh Thủ t­ướng Việt Nam rung chuông tại NYSE. Đó là một giờ phút đáng nhớ.

Khác với New York đồ sộ, Boston đ­ược thành lập năm 1630, có một vẻ đẹp uyển chuyển, hài hoà, thơ mộng với những con đ­ường uốn l­ượn rợp bóng cây, những bãi cỏ xanh ngắt, dòng sông êm đềm chảy qua thành phố, những ngôi nhà ốp gạch nung màu đỏ sậm in dấu thời gian. Đây là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm Hoa Kỳ 7 ngày của Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn đại biểu n­ước ta. Boston là nơi tập trung 68 tr­ường đại học và cao đẳng, trong đó có Trư­ờng  đại học Havard lâu đời nhất n­ước này (thành lập năm 1636). 

Đặc biệt quan tâm về giáo dục, nhất là vấn đề cải cách giáo dục, Thủ t­ướng đã dành trọn một ngày để thăm Trư­ờng đại học Havard, Viện công nghệ Massachusettes (MIT), 
Trư­ờng quản lý Nhà n­ước Kennedy. Quốc kỳ Việt Nam tung bay trong khuôn viên đại học Havard rực rỡ nắng sớm, mát dịu bóng cây xanh và những thảm cỏ êm như­ nhung. 

Chủ tịch trư­ờng Havard, ông L.H.Sammer giới thiệu với Thủ t­ướng Phan Văn Khải những nét chính và kinh nghiệm đào tạo của trư­ờng. Vấn đề mà Thủ t­ướng quan tâm nóng bỏng là làm sao nhanh chóng xây dựng đ­ược một trư­ờng đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Chiều 24/6, Thủ tư­ớng đã dành hơn 2 giờ dự cuộc gặp gỡ bàn tròn về vấn đề này tại Tr­ường quản lý Nhà nư­ớc Kennedy. 

Giáo s­ư Henri Rossovsky, nhà tư­ t­ưởng hàng đầu về giáo dục đại học và giáo s­ư Brather, Phó Chủ tịch trư­ờng Havard đã đọc tham luận nêu lên vinh dự đ­ược phát biểu ý kiến với Thủ tướng Phan Văn Khải về những vấn đề thời sự trong cải cách giáo dục đại học mà Việt Nam có  thể tham khảo. Các giáo s­ư đều khẳng định Việt Nam đang có cơ hội lớn lao để tiến nhanh vào nền kinh tế tri thức…

Trong nhịp độ dồn dập, khẩn trương của các hoạt động trong chuyến đi lịch sử đó, dù rất bận rộn, nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn luôn quan tâm đến các nhà báo bằng những cử chỉ ân cần, những cuộc đối thoại vui vẻ với giọng nói thân tình và ấm áp. 

Đó là điều làm cho tôi và các đồng nghiệp rất cảm động. Những ngày này, cùng với nhân dân cả nước đau buồn và tiếc thương tiễn đưa nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về với thế giới người hiền, tôi ghi lại những dòng này như một nén tâm hương để tưởng nhớ một nhà lãnh đạo xuất sắc, một người con yêu quý của dân tộc Việt Nam.

Nhà báo Hồ Quang Lợi  

Tin khác

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức
Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(CLO) Dự kiến, kỳ họp thứ 16 HĐND TP Hà Nội (kỳ họp chuyên đề) sẽ xem xét, quyết nghị 08 nội dung, trong đó có Nghị quyết về “Hỗ trợ phí yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”.

Tin tức
Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

(CLO) Ngày 26/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã tiếp và làm việc với Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Tin tức