Độc đáo Gốm Bàu Trúc- Di sản phi vật thể quốc gia vừa được công nhận

Thứ bảy, 21/10/2017 06:32 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm (tỉnh Ninh Thuận) vừa được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Làng Gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng nghề gốm lâu đời nhất Đông Nam Á.

Ngày 20/10, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức công bố và đón nhận bằng chứng nhận “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 

Dịp này, UBND huyện Ninh Phước vừa đầu tư trên 500 triệu đồng tu sửa làm mới nhà trưng bày và xây dựng khu chế tác gốm nghệ thuật Bàu Trúc.

Báo Công luận
Các tiết mục tái hiện lại nghề làm gốm của đồng bào Chăm. Ảnh: Dân Việt 
Làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) hiện có khoảng 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm. Trong đó, có 1 hợp tác xã và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm. Nghề này đang tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động, thu nhập trung bình trên 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đây được xem là một trong những làng nghề gốm lâu đời nhất Đông Nam Á.

Báo Công luận
Sản phẩm gốm của người Chăm rất đa dạng, độc đáo. Ảnh: Dân Việt

Theo sử sách, người khai sáng nghề gốm Chăm ở đây là vợ chồng ông Poklong Chanh. Chí ít cũng hơn 300 năm trước, vợ chồng ông Poklong Chanh đã dạy cho dân làng Bàu Trúc cách lấy đất sét về nắn, nung thành những dụng cụ sinh hoạt như nồi, niêu, chén, tách và một số đồ vật trang trí khác. Nghề gốm đã được dân làng gìn giữ phát triển hàng trăm năm qua. Hiện nay, làng Bàu Trúc còn đền thờ Pô Klong Chanh, được dân làng cúng tế vào dịp lễ hội Katê hằng năm để tưởng nhớ công ơn vị tổ nghề gốm. Sản phẩm gốm của người Chăm rất phong phú như chum, vại, lục bình, ấm nước, nồi niêu… với mẫu mã đa dạng, độc đáo. Bà Sử Thị Dinh, một trong những nghệ nhân gạo cội của Bàu Trúc cho biết: “Từ chỗ làm đồ gốm để sử dụng trong gia đình, dần dần, dân làng dùng các sản phẩm này để trao đổi, mua bán. Nghề gốm Chăm Bàu Trúc ra đời từ đó”.

Theo thống kê, làng Bàu Trúc có hơn 400 hộ thì trên 95% trong số này sinh kế bằng nghề gốm. Người dân Bàu Trúc khá nhạy bén nên sản phẩm gốm ngày càng đa dạng. Ngoài các mặt hàng truyền thống như chum, vại, nghệ nhân Bàu Trúc còn chế tác tháp Chăm siêu nhỏ, tượng nữ thần Siva, thiếu nữ Chăm Pa... Thậm chí, những chiếc lục bình cao đến trên 2 m cũng được người Bàu Trúc sản xuất thành công.

Báo Công luận
Nghệ nhân Bàu Trúc chế tác một sản phẩm gốm đất     - Ảnh: T.L
Nghệ nhân Đàng Xem - người được dân Bàu Trúc đánh giá là “cao thủ” của nghề gốm- cho biết nghề làm gốm đất rất vất vả, công phu. Đầu tiên, người Bàu Trúc phải đi lấy đất sét ở khu vực sông Quao, cách làng gần 1 km. Chỉ có đất sét ở vùng này mới đủ độ dẻo, mịn để chế tác gốm.

Ông Đàng Xem tiết lộ: “Đất đem về được đập nhỏ, rưới nước vừa đủ, trùm ủ một đêm. Hôm sau, đất được trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Các nghệ nhân nắn và tạo hình gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay như những trường phái gốm khác”.

Nhiều du khách tham quan Bàu Trúc đã phải tròn mắt thán phục sự khéo léo của đôi tay các nghệ nhân làm gốm. Những sản phẩm được nhào nặn đẹp đến “từng centimet” và rất có hồn, như cái tình của nghệ nhân đã gửi trọn vào đất.

Sản phẩm sau khi tạo hình được đem phơi nắng độ 4-6 giờ. Nghệ nhân dùng mảnh sành hoặc nẹp tre để cắt, gọt làm láng, sau đó mang vào trong mát khoảng 7 ngày rồi cho vô lò nung. Lò nung được đốt nóng hơn 500 độ C, sau 4-5 giờ thì lửa được giảm dần đến khi tắt hẳn.

Làng gốm Bàu Trúc cách TP. Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10 km về hướng Tây Nam. Do làng tọa lạc gần những ao hồ (tiếng địa phương gọi là bàu) và có nhiều tre, trúc nên dân làng đặt tên là Bàu Trúc. Cư dân Bàu Trúc là người dân tộc Chăm theo chế độ mẫu hệ nên chỉ có con gái mới được người mẹ truyền những bí kíp làm gốm. Vì thế, các cô gái từ 13 tuổi trở lên bắt đầu học nghề. Chỉ vài năm sau là họ làm được các sản phẩm gốm đất. Điều này lý giải vì sao hàng mấy trăm năm qua, nghệ nhân gốm ở Bàu Trúc toàn là nữ. Vài năm trở lại đây, do chính sách bảo tồn làng nghề, đã có một số nam giới học nghề gốm và… vượt lên, được phong tặng danh hiệu nghệ nhân.

Các nghệ nhân Bàu Trúc cho biết gốm đất không tự lên men mà phải dùng màu sơn chế từ trái dông, trái thị rừng để quét lên lớp da trước khi nung. Sản phẩm gốm Bàu Trúc sau khi nung sẽ có các màu đặc trưng: vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, nâu… mang dấu ấn độc đáo của gốm Chăm Pa.

Để giữ gìn và phát triển làng gốm Bàu Trúc, năm 2011, UBND tỉnh Ninh Thuận đã triển khai đề án “Chiến lược marketing gốm mỹ nghệ Bàu Trúc, giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020” với tổng kinh phí 26,3 tỉ đồng”.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện đồng loạt các chương trình về quảng bá, tiếp thị gốm tại những hội chợ thương mại, làng nghề được tổ chức trong nước; xây dựng trung tâm trưng bày, kinh doanh sản phẩm gốm lưu niệm phục vụ du lịch; hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho các hộ làm gốm; đổi mới mẫu mã, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu...

Tuy nhiên, đến nay, gốm Chăm Bàu Trúc vẫn chưa tạo được thương hiệu rõ rệt trên thị trường. Thậm chí, các nghệ nhân Bàu Trúc cũng không mấy mặn mà với việc quảng bá sản phẩm, càng không chấp nhận mở rộng cơ sở sản xuất ra bên ngoài. Họ quan niệm đây là nghề truyền thống, phải giữ gìn bí quyết. Nhiều nghệ nhân cho rằng sản phẩm Bàu Trúc thực sự đẹp thì khách sẽ tự tìm đến, nếu không thì dù có quảng bá đến cỡ nào cũng không ai ngó ngàng. 

Hy vọng với việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nghề gốm cổ truyền Bàu Trúc sẽ có cơ hội để quảng bá sản phẩm đồng thời bảo tồn và phát triển được làng nghề lâu đời có một không hai này.

Nguyễn Tuyết

Tin khác

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

(CLO) Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc cả nước truyện kí đặc sắc “Trần Phú” của tác giả Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).

Đời sống văn hóa
6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

(CLO) 6 bộ phim sẽ được chiếu miễn phí phục vụ công chúng trong “Những ngày phim tài liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

(CLO) Nằm trong khuôn khổ của Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế được tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) còn có hoạt động giã gạo truyền thống. Loại gạo ngon nhất thế vừa bén rễ trên vùng sâm tốt nhất.

Đời sống văn hóa
Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) “…Cuối năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc rồi Liên Xô hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Xô Viết và Nguyên soái Stalin. Sau cuộc hội đàm Nguyên soái Stalin đã quyết định tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn cơ giới pháo cao xạ 37 ly mà sau này Trung đoàn pháo cao xã 367 của chúng tôi đảm nhận đưa pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ.”

Đời sống văn hóa
Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

“Vừa kéo pháo vào hôm trước, hôm sau ngày 26/1/1954 lại đột ngột nhận lệnh kéo pháo ra. Chúng tôi bàng hoàng cả người. Nhưng cũng nhờ có quyết định ấy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng…”

Đời sống văn hóa