Vận hội mới cho du lịch Lào Cai

Thứ sáu, 15/06/2018 19:45 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Với những tiềm năng to lớn về tự nhiên và văn hóa, lại được chú trọng đầu tư thích đáng, du lịch Lào Cai đang đứng trước những vận hội mới để phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đưa Lào Cai trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất vùng Tây Bắc, một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, và là một trung tâm du lịch lớn của quốc tế vào năm 2015.

“Thiên đường du lịch vùng cao”

Đó là cụm từ mà nhiều du khách, nhiều tờ báo đã dành đặt cho Lào Cai. Quả thực, mảnh đất vùng Tây Bắc này sở hữu quá nhiều lợi thế để có thể trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn với du khách. Đó là Sa Pa “Thị trấn trong mây” - nơi có khí hậu quanh năm mát mẻ cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bình yên, những bản làng ẩn hiện trong sương, trăm hoa khoe sắc; Đó là đỉnh Fansipan cao 3.134m được mệnh danh Nóc nhà Đông Dương cùng những thửa ruộng bậc thang xếp đều theo sườn đồi trong thung lũng Mường Hoa; Vườn quốc gia Hoàng Liên với hệ thống động thực vật phong phú, không khí mát mẻ, rất thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và khám phá. Ngoài tiềm năng về tự nhiên, Lào Cai có tiềm năng rất lớn về văn hóa. Tỉnh là nơi có 25 dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi một dân tộc lại mang nét đặc trưng văn hóa riêng tạo nên một bức tranh văn hóa miền núi sinh động, đầy sắc màu. Những phiên chợ, những lễ hội đặc sắc luôn thu hút du khách hòa cùng nhịp sống đặc trưng theo phong cách vùng cao.

Ngoài ra, tại Lào Cai cũng lưu giữ nhiều đền, chùa cổ để phát triển du lịch tâm linh như đền Thượng, đền Mẫu (thành phố Lào Cai), đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên), chùa Liên Hoa (huyện Bảo Thắng)… Lào Cai còn là mảnh đất của không gian văn hóa ẩm thực độc đáo mang đặc thù các dân tộc thiểu số vùng cao, rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái và văn hóa.

Báo Công luận
 

Biến tiềm năng thành lợi thế

Như một cô gái thông minh ý thức rất rõ về sức hút nhan sắc của mình, Lào Cai đã sớm nhận ra những thế mạnh riêng có về du lịch và với sự năng động, sáng tạo, Lào Cai đã biến du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp 11,5% GRDP toàn tỉnh trong giai đoạn 2010-2015. Năm 2017, Lào Cai đã đón 3.503 triệu lượt khách du lịch, gấp 18 lần năm 2000 và gấp 175 lần so với năm 1991.

Hệ thống lưu trú tiếp tục phát triển với mức tăng trưởng khoảng 14% so với cùng kỳ, các sản phẩm du lịch được đa dạng hóa, chất lượng hơn với nhiều sản phẩm mới đặc sắc kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao; đẩy mạnh việc khai thác các di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực phục vụ du lịch được chú trọng đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Sự liên kết trong hoạt động du lịch đã tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch và dịch vụ đồng bộ, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách trong và ngoài nước.

Báo Công luận
 

Lào Cai đã hoàn thành xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đẩy mạnh xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu Sa Pa - Fansipan; Quy hoạch du lịch các huyện Bắc Hà và Bát Xát, thành phố Lào Cai; xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch; hoàn thành Dự thảo Quy chế quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh; Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch...

Lào Cai bước đầu đã xây dựng được một số “thương hiệu” và sản phẩm du lịch nổi tiếng, đặc trưng, hấp dẫn du khách như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà; Giải Marathone leo núi quốc tế (VMM), Giải đua xe đạp quốc tế một vòng đua hai quốc gia Việt Nam – Trung Quốc, Giải đua xe đạp vượt núi quốc tế theo cung đường thành phố Lào Cai – Bát Xát – Y Tý – Bản Khoang – Sa Pa, Lễ hội 4 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa… Các di tích, di sản văn hóa, danh thắng tiếp tục phát huy giá trị, tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách như: danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa, Bát Xát; các di tích Đền Bảo Hà, Đền Cô Tân An, Đền Thượng, Dinh Hoàng A Tưởng; các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật truyền thống, nghề thủ công truyền thống, chợ phiên… Nhiều dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch như: Khu vui chơi giải trí cáp treo Fansipan, khu sinh thái Topas, khu du lịch cộng đồng Lá Dao, các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao…

Báo Công luận
 

Bên cạnh đó, các dự án đang được tỉnh Lào Cai chỉ đạo và triển khai như: Công viên văn hóa Sa Pa, Khu vui chơi giải trí Bản Qua (Bát Xát), Khu du lịch đồi con gái (Sa Pa)… Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới do người dân trực tiếp đầu tư và thực hiện phát triển với trên 200 cơ sở lưu trú homestay tập trung tại các xã Tả Van, Tả Phìn, Lao Chải (huyện Sa Pa), xã Y Tý (huyện Bát Xát), xã Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền (huyện Bắc Hà), xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên). Hai năm liền (2016-2017) Lào Cai đều được giải thưởng Homestay Asean...

Báo Công luận
 

Những đích đến nhiều kỳ vọng

Lào Cai hiện đã trở thành một trong những địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, khám phá có sức thu hút bậc nhất cả nước, tuy nhiên, so với những tiềm năng lợi thế riêng có, du lịch Lào Cai hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu cao hơn, đi đến những cái đích xa hơn. Đó là việc sẽ đưa Lào Cai trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất vùng Tây Bắc, một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam và là một trung tâm du lịch lớn của quốc tế vào năm 2015. Ngành du lịch Lào Cai cũng đặt mục tiêu phát triển Sa Pa thành khu du lịch quốc gia, đến năm 2020 thu hút được 5-6 triệu du khách và cơ cấu du lịch trong GRDP phải đạt 20%, đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 30% GRDP của tỉnh.

Báo Công luận
 

Tuy nhiên, để biến những mục tiêu thành hiện thực là điều không hề dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - cho rằng: tiềm năng du lịch Lào Cai chưa được khai thác hết, thiếu sự đa dạng hóa và làm mới sản phẩm du lịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc làm việc với tỉnh Lào Cai hồi tháng 4/2017 cũng đã nhấn mạnh Lào Cai nên đa dạng hóa các sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08, trong đó đề ra những giải pháp trọng yếu để phát triển du lịch Lào Cai như: Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch: xác định rõ du lịch là vùng có tính liên ngành, liên vùng, tính xã hội hóa cao, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao…; Đầu tư mạnh vào phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch: đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nhà đầu tư, Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả hàng loạt đề án phát triển du lịch đã được phê duyệt, mở rộng không gian du lịch; Rà soát nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của dịch vụ, sản phẩm du lịch đã có, tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch mới… Phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển du lịch… cũng là những hướng đi trọng tâm sắp tới của du lịch Lào Cai.

Báo Công luận
 

Không có hành trình nào không có trở ngại, không cuộc chinh phục nào không đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm… Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, chung sức, chung lòng của chính quyền, Đảng bộ và nhân dân Lào Cai cùng những hoạch định rõ ràng trong kế hoạch phát triển… tin chắc rằng, du lịch Lào Cai sẽ chớp được vận hội lớn, biến những mục tiêu thành hiện thực.

Việt Cường - Đức Toàn

 


Tin khác

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

(CLO) Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc cả nước truyện kí đặc sắc “Trần Phú” của tác giả Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).

Đời sống văn hóa
6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

(CLO) 6 bộ phim sẽ được chiếu miễn phí phục vụ công chúng trong “Những ngày phim tài liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

(CLO) Nằm trong khuôn khổ của Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế được tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) còn có hoạt động giã gạo truyền thống. Loại gạo ngon nhất thế vừa bén rễ trên vùng sâm tốt nhất.

Đời sống văn hóa
Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) “…Cuối năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc rồi Liên Xô hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Xô Viết và Nguyên soái Stalin. Sau cuộc hội đàm Nguyên soái Stalin đã quyết định tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn cơ giới pháo cao xạ 37 ly mà sau này Trung đoàn pháo cao xã 367 của chúng tôi đảm nhận đưa pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ.”

Đời sống văn hóa
Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

“Vừa kéo pháo vào hôm trước, hôm sau ngày 26/1/1954 lại đột ngột nhận lệnh kéo pháo ra. Chúng tôi bàng hoàng cả người. Nhưng cũng nhờ có quyết định ấy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng…”

Đời sống văn hóa