Một sản phẩm sinh thái đảm bảo công năng
Là một người có uy tín chuyên môn cao, kiến trúc sư Hồ Khuê được một cơ sở sản xuất hàng và phụ kiện may mặc nằm trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM “chọn mặt gửi vàng” để biến một khu nhà xưởng cũ nát rộng 8.000m2 thành một khu văn phòng, xưởng làm việc mới.
Khu nhà máy cũ này bị bỏ hoang và không được sử dụng trong một thời gian dài. Chủ sở hữu đã yêu cầu cải tạo khu nhà cũ này thành nơi làm việc lý tưởng cho nhân viên có nhiệt độ tự nhiên mát mẻ, một không gian xanh tự nhiên được bao quanh bởi nhiều cây xanh; Các khối văn phòng thiết kế mở dành cho các nhóm thiết kế làm việc cho phép tự do di chuyển và thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm.
Từ “đề bài” này, kiến trúc sư Hồ Khuê đã thiết kế một công trình mang mục tiêu “giảm áp lực của công nhân khi làm việc”. Đánh giá về công trình này, tạp chí kiến trúc nổi tiếng Arch Daily viết: “Công trình cho một cảm giác công bằng và cho các công nhân khả năng tiếp cận với Ban Giám đốc và quản lý. Không gian làm việc được mở rộng, có tầm nhìn xuyên suốt, không bị phân chia ngăn cách bằng các vách ngăn hoặc các phòng kín đã làm tăng khả năng tự do kết nối, tương tác. Chính điều này đã loại bỏ cảm giác bị bóc lột và không công bằng của các công nhân và làm tăng năng suất lao động”.
Môi trường lao động xanh và nhiều ánh sáng tự nhiên. Ảnh: Hiroyuki Oki.
Vật liệu để thi công công trình rất đơn giản, chủ yếu là kính, gỗ và thép. Khối văn phòng được thiết kế nằm ở trung tâm của Nhà máy 1 nằm gần lối vào chính của hội thảo khuôn viên trường. Tầng 1 là không gian sáng tạo, trưng bày mẫu, khu vực hội họp và khu vực tiếp khách. Ở giữa được thiết kế sân vườn xanh mát, cho cảm giác dễ chịu, phục hồi sức lực khi lao động.
Tầng 2 được thiết kế cho công việc không gian văn phòng, quản lý và Ban Giám đốc. Các bức tường của khối văn phòng được làm từ kính trong suốt, công nhân trực tiếp kết nối với nhau và tăng cường tương tác. Tất cả được đặt giữa các khu vườn tạo cảm giác phục hồi cho tất cả mọi người. Điều này cũng được đánh giá cao bởi những khách hàng của nhà máy thích trực tiếp xem sản xuất.
Lớp phủ tường sử dụng đá ong thông gió cho phép thông gió tự nhiên cho toàn bộ cấu trúc. Hệ thống vườn, cây xanh hỗn hợp bao phủ toàn bộ công trình, bao gồm cả mặt tiền làm giảm sự xâm nhập trực tiếp của ánh sáng mặt trời.
Đặc biệt, khu vườn trên mái không chỉ làm mát tòa nhà mà còn trồng nhiều loại rau, hỗ trợ trực tiếp thực phẩm sạch vào bữa ăn của các công nhân đang làm việc tại đây.
Quan tâm đến cảm giác của người lao động
Tạp chí kiến trúc Arch Daily đã gọi tên công trình này là “một khu văn phòng, nhà xưởng sinh thái”, đồng thời đánh giá thiết kế này là một thiết kế “tiên phong và táo bạo khi tập trung vào một không gian làm việc lành mạnh, tiếp thêm sinh lực và quan tâm đến cảm giác của các công nhân”.
Khu nhà xưởng trước khi cải tạo. Ảnh: Hiroyuki Oki.
Nói về “đứa con” của mình, kiến trúc sư Hồ Khuê nói: “Trong các khu công nghiệp, hầu hết người lao động, nhất là những công nhân may, thường phải làm việc trong các khu nhà xưởng kín mít trong bốn bức tường, rất tù túng và gây cảm giác ngột ngạt.
Từ trước tới giờ, xu hướng thiết kế của tôi luôn chú trọng tới yếu tố môi trường xanh, gần gũi với thiên nhiên và quan tâm tới cảm xúc của con người. Khi bắt tay vào thiết kế, tôi đã thay đổi tư duy sáng tác về thể loại nhà xưởng. Tôi muốn tạo một không gian mở cho công nhân để họ được làm việc trong một môi trường thông thoáng, nhiều ánh sáng tự nhiên.
Với thiết kế này, các công nhân sẽ không có cảm giác yếm thế, bị áp chế khi lao động, có khả năng tiếp xúc, tương tác với nhau và cả với những người quản lý.
Ngoài tính tiện ích, công năng sử dụng, tôi muốn hướng tới cảm xúc của con người mà trực tiếp là những người lao động. Ngoài sử dụng nhiều cây xanh, công trình này còn sử dụng nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm điện năng, tái sử dụng năng lượng nằm trong tổng thể của cả nhà máy”.
Nhìn những hình ảnh cũ của hệ thống 8.000m2 nhà xưởng cũ nát, khó mà tin được rằng nơi đây lại có thể trở thành một công trình xanh, ngoài đảm bảo được tính công năng sử dụng, còn gần gũi với thiên nhiên, cải tạo cảm xúc của con người, nhất là những người lao động trực tiếp làm việc và sinh hoạt tại đây.
Hoàn toàn không giáo điều, không sáo rỗng, bằng công trình kiến trúc này, bằng chuyên môn và trái tim của mình, thực sự kiến trúc sư Hồ Khuê đã tiếp thụ thành công tinh thần, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó là tư tưởng nhân văn xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp của Người – Quan tâm đến con người, vì chính con người, vì những người trực tiếp lao động sản xuất.
Arch Daily là một tạp chí điện tử uy tín trên thế giới về ngành kiến trúc. Hiện nay, Arch Daily có 13 triệu độc giả thường xuyên, khoảng 169 triệu lượt đọc mỗi tháng. Trên mạng xã hội Facebook, tạp chí này có 3 triệu người hâm mộ và khoảng 230 nghìn người theo dõi tài khoản Twitter. |
Tử Hưng