Hụt hẫng một thế hệ

Thứ năm, 28/12/2017 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đi trọn một chặng đường 60 năm – lục thập hoa giáp âm nhạc - một chặng đường vẻ vang rất đỗi tự hào với sự tiếp nối, làm giàu thêm đời sống âm nhạc của nhiều thế hệ nhạc sĩ tài hoa. Tuy nhiên, khoảng vài thập kỷ trở lại đây, việc tìm kiếm những gương mặt nhạc sĩ trẻ, đủ sức tiếp nối những thế hệ nhạc sĩ “vàng” trước kia, trở thành việc vô cùng khó.

Một thế hệ nhạc sĩ “vàng”

Có thể nói, tạo nên diện mạo nền âm nhạc hiện đại nước nhà trong nhiều thập niên qua là thế hệ nhạc sĩ nay đã ở tuổi từ 70 - 90. Nhiều vị đã qua đời, trong đó có những tên tuổi lớn gắn với những tác phẩm bất hủ mà rất nhiều thế hệ công chúng mãi mãi không thể quên. Đó là những Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Văn Chung, Huy Du, Lê Yên, Lê Lôi, Lương Ngọc Trác, Trọng Loan, Nguyên Nhung, Hoàng Hiệp, Xuân Hồng… Tác phẩm của họ đã ra đời từ trước cách mạng tháng 8/1945 nhằm kêu gọi, cổ vũ tinh thần yêu nước, đứng lên chống giặc ngoại xâm. 

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một đội ngũ nhạc sỹ vừa cầm súng chiến đấu, vừa sáng tác đã ra đời với hàng loạt những tác phẩm nóng hổi hơi thở cuộc kháng chiến như Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Trần Ngọc Xương, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, Lương Ngọc Trác, Văn Ký, Lê Yên, Lê Lôi, Hồ Bắc, Phạm Tuyên, Hoàng Việt, Tô Hải, Tân Huyền, Lưu Bách Thụ… Có thể nói phần lớn những nhạc sĩ ra đời trong giai đoạn này đều chưa có điều kiện học được nhiều kỹ thuật sáng tác. Những tác phẩm của họ được công chúng đón nhận chủ yếu là tiếng hát được cất lên từ những trái tim đang hòa chung một nhịp đập với nhân dân trong công cuộc kháng chiến. Nội dung tất cả mọi ca khúc trong thời kỳ này chỉ xoay quanh hai chủ đề là chiến đấu và tăng gia sản xuất để có lương thực phục vụ kháng chiến.

Báo Công luận
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng hoa cho các nhạc sĩ tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. 
Hòa bình lập lại, một không khí dựng xây đất nước bao trùm trên khắp miền Bắc. Đến tháng 7/1956, do kẻ thù tráo trở, lật lọng, việc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước theo tinh thần của hiệp định Giơ-ne-vơ không thành, chúng ta có thêm một nhiệm vụ rất lớn lao là đấu tranh thống nhất và sau đó là chiến đấu tại miền Nam để giành độc lập trọn vẹn cho dân tộc. Thế là giới sáng tác âm nhạc đã gánh trên vai trọng trách là phải sáng tác gắn với hai nhiệm vụ chiến lược là sản xuất và chiến đấu, tức là biểu hiện hình ảnh của hậu phương và tiền tuyến trong mọi tác phẩm của mình. Chưa bao giờ có một đội ngũ nhạc sỹ hùng hậu như giai đoạn này. Những nhạc sỹ xuất hiện từ trong kháng chiến chống Pháp vừa nhắc ở trên sau hòa bình (1954) đang ở độ tuổi trên dưới 30, còn rất thanh xuân, đang cực kỳ sung sức. Nhiều người trong số họ được đi tu nghiệp âm nhạc chính quy tại một số nước trong phe XHCN lúc bấy giờ, chủ yếu là tại Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Triều Tiên, Bun-ga-ri, CHDC Đức, Hung-ga-ri…

Một lứa nhạc sĩ kế tiếp rất đông đảo với nhiều tài năng và nhiệt huyết cùng với lớp đàn anh nói trên đã tạo nên diện mạo nền âm nhạc đặc sắc những năm tháng hòa bình dựng xây và kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có thể nhắc tới một số tên tuổi tiêu biểu: Nguyễn Tài Tuệ, Ngô Huỳnh, Hoàng Hà, Nguyễn Đình Tấn, Đàm Linh, Nguyễn Văn Nam… Rồi đến thế hệ trẻ hơn như Hồ Hữu Thới, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Dương Thụ, Thanh, Đoàn Bổng. Đàn em nữa (về tuổi) có Phú Quang, Văn Thành Nho, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Hoàng, Nguyễn Đức Trung, Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc, Trọng Đài. Đặc biệt hùng mạnh là một đội ngũ những nhạc sĩ suốt đời hoặc gần như cả đời mặc áo lính gồm nhiều tài năng lớn đóng góp rất đáng kể vào kho tàng những tác phẩm âm nhạc có giá trị: Lương Ngọc Trác, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Trọng Loan, Doãn Nho, Huy Thục, Thuận Yến, Nguyên Nhung, Đôn Truyền, Phong Kỳ, Ánh Dương, Phan Ngọc, Quế Loan, Hoàng Tạo, An Thuyên, Ngọc Khuê…

Đó là những thế hệ nhạc sĩ kế tiếp suốt từ trước cách mạng tháng 8/1945 đến gần đây. Có thể người viết bài này còn bỏ sót một vài tên tuổi nhưng phải khẳng định rằng diện mạo nền âm nhạc hiện đại Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua đã được tạo nên bởi sự đóng góp ít, nhiều của những nhạc sĩ trên. Có nhiều nhạc sĩ được đào tạo bài bản ở trong nước hoặc nước ngoài. Cũng có người chưa có dịp theo học âm nhạc tại những trường, lớp chính quy. Nhưng tác phẩm của họ cũng không kém phần thuyết phục cả về tư tưởng, tình cảm lẫn nghệ thuật biểu hiện.

Bao giờ có được thế hệ tiếp nối?

Khoảng 15 - 20 năm trở lại đây, ngày càng ít thấy xuất hiện những bài hát hay, có giá trị. Có thể các trường âm nhạc của quốc gia và những thành phố lớn như TP.HCM, Huế vẫn ngày càng phát triển chính quy, đào tạo được nhiều nhạc sĩ. Và có thể khí nhạc được phát triển hơn trước với số lượng các tác phẩm có chất lượng nhiều hơn. Nhưng mặt bằng dân trí nước ta chưa cao, nên nhìn trên đại thể, ca khúc vẫn là món ăn tinh thần chính của số đông công chúng. Có thể nói, từ đầu thế kỷ 21 đến nay, rất hiếm thấy những bài hát hay được tất thảy mọi tầng lớp công chúng ưa thích.

Thời gian qua, không phải là không có một số bài hát của một số tác giả trẻ được giới trẻ ưa thích. Nhưng sự đón nhận chỉ ở một bộ phận tuổi trẻ. Sở dĩ nói vậy vì ngay cả công chúng trẻ tuổi cũng chỉ là ở khu vực thành thị và không phải là tất cả. Bằng chứng là có nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên, giới trí thức đã không để ý đến những bài hát của những tác giả trẻ trên mà ưa thích những bài hát truyền thống - nhiều người vẫn quen gọi là “nhạc đỏ”. Người viết bài này trong một số lần đi nói chuyện ở các trường đại học đã thực hiện một vài cuộc điều tra xã hội học với đối tượng là sinh viên đã thấy rõ điều trên. Thậm chí có một số bạn còn không bao giờ nghe loại nhạc gọi là “trẻ”. Những bạn này chưa bao giờ nghe một số “sao”, “ông hoàng”, “bà hoàng” nhạc Việt hát mà thích những ca sĩ dòng nhạc truyền thống.

Báo Công luận
Biểu diễn trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày ra đời Hội Nhạc sĩ VN.  
Hiện tượng này gắn liền với một thực tế là hiện nay đã không có một thế hệ nhạc sĩ kế tiếp những thế hệ đã nói đến ở trên. Tất nhiên là thời nào cũng sẽ có nhạc sĩ trong đó có những người nổi lên, có thể được coi là có tài. Nhưng để gọi được là một thế hệ thì không thể. Hiện nay cũng có một số người trẻ sáng tác bài hát được giới trẻ biết đến. Nhưng số đông công chúng không để ý vì sáng tác của họ không khiến người ta lưu tâm.

Thế hệ nhạc sĩ xuất sắc cuối cùng gắn với những tác phẩm nổi tiếng được công chúng rộng rãi đón nhận nay đã ngoài 60 tuổi. Dưới đó là sự hụt hẫng rõ rệt. Một vài “tên tuổi” trong giới nhạc sĩ trẻ ở độ tuổi trên dưới 40 vừa không đủ sức thuyết phục về tác phẩm, vừa quá ít ỏi không thể gọi được là một thế hệ. Điều cần nói nữa là sáng tác của họ chưa có tầm tư tưởng, tình cảm cần thiết để chạm được vào trái tim của mọi tầng lớp công chúng như thế hệ nhạc sĩ ông, cha, anh trước đây. Họ có thể có học hành chính quy, được trang bị nhiều kiến thức âm nhạc trong nhà trường hơn các thế hệ trước nhưng điều quan trọng nhất để tạo nên giá trị của tác phẩm âm nhạc là vận dụng ngôn ngữ âm nhạc dân tộc để chuyển tải những tình cảm lớn của dân tộc, đất nước thì họ đã chưa có.

Ngay cả những sáng tác về tình yêu đôi lứa – lĩnh vực tưởng như họ sở trường và luôn đề cao – cũng không đủ sức làm rung động trái tim người nghe như những Tình ca của Hoàng Việt, Tình em của Huy Du và Ngọc Sơn, Chiếc khăn piêu của Doãn Nho, Nhớ của Hoàng Vân và Nguyễn Đình Thi, Anh ở đầu sông, em cuối sông của Phan Huỳnh Điểu và Hoài Vũ…

Quả là rất đáng băn khoăn trước một hiện trạng: Rất nhiều người trong thế hệ những nhạc sĩ tài danh đã lần lượt qua đời. Người còn thì không thể sáng tác như trước do tuổi đã quá cao. Và chỉ trong vòng mươi, mười lăm năm nữa, lần lượt họ cũng sẽ theo nhau về cõi vĩnh hằng. Còn lại là thế hệ nào đây có thể lấp được dù chỉ một phần sự hụt hẫng rất lớn như đã nói?❏

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San              

 

Tin khác

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

(CLO) Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc cả nước truyện kí đặc sắc “Trần Phú” của tác giả Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).

Đời sống văn hóa
6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

(CLO) 6 bộ phim sẽ được chiếu miễn phí phục vụ công chúng trong “Những ngày phim tài liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

(CLO) Nằm trong khuôn khổ của Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế được tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) còn có hoạt động giã gạo truyền thống. Loại gạo ngon nhất thế vừa bén rễ trên vùng sâm tốt nhất.

Đời sống văn hóa
Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) “…Cuối năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc rồi Liên Xô hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Xô Viết và Nguyên soái Stalin. Sau cuộc hội đàm Nguyên soái Stalin đã quyết định tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn cơ giới pháo cao xạ 37 ly mà sau này Trung đoàn pháo cao xã 367 của chúng tôi đảm nhận đưa pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ.”

Đời sống văn hóa
Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

“Vừa kéo pháo vào hôm trước, hôm sau ngày 26/1/1954 lại đột ngột nhận lệnh kéo pháo ra. Chúng tôi bàng hoàng cả người. Nhưng cũng nhờ có quyết định ấy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng…”

Đời sống văn hóa