Nhà đấu giá Chọn: Lái buôn tranh hay “vô tình” thiếu chuyên nghiệp?

Thứ năm, 06/09/2018 07:47 AM - 0 Trả lời

(CLO) Chiều ngày 5/9, Nhà đấu giá Chọn đã tổ chức buổi đối thoại 3 bên giữa nhà sưu tầm Phạm Việt Phương, họa sỹ Nguyễn Đông và ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc Nhà đấu giá Chọn cùng sự có mặt của đông đảo các cơ quan báo chí quan tâm đến sự kiện này.

Báo Công luận
Bức tranh lụa "Con gái nhà văn Dương Thu Hương" của nhà sưu tập Phạm Việt Phương (bên trái) và bức tranh em bé của họa sĩ Phạm Văn Đông. Ảnh: Tử Hưng.

Từ một bức tranh được mang ra đấu giá

Đầu tháng 7/2018, Nhà sưu tập Phạm Việt Phương (Tây Hồ, Hà Nội) gửi đến Nhà đấu giá Chọn một bức tranh lụa chân dung bé gái, kích thước tranh 50x40cm, tên tác phẩm: “Con gái nhà văn Dương Thu Hương”, tác giả Vũ Giáng Hương, sáng tác năm 1995, chữ kí “g Huong 95” góc dưới phải, mức giá đề xuất 3000 USD. Sau khi Nhà đấu giá thẩm định, tác phẩm đã được trưng bày công khai trước công chúng tại nhà đấu giá Chọn số 17 Trần Quốc Toản (Hà Nội) từ ngày 23/7 đến ngày 28/7/2018.

Ngày 29/7/2018, Nhà đấu giá Chọn đem bức tranh này bổ sung vào danh sách tác phẩm đấu giá trong phiên đấu số 15: lot 21 với mức giá khởi điểm 70 triệu đồng (3000 USD). Tuy nhiên bức tranh không được giao dịch và đã được trả lại cho ông Phạm Việt Phương.

Báo Công luận
Ông Phạm Việt Phương tại cuộc họp báo. Ảnh: Tử Hưng.

Ngày 3/9/2018, hoạ sĩ Nguyễn Văn Đông (tài khoản facebook Nguyễn Đông Đông) đã tăng tải lên facebook cá nhân nội dung khẳng định bức tranh lụa được đấu giá ở lot 21 phiên đấu giá số 15 tại Nhà đấu giá Chọn không phải tranh của cố hoạ sĩ Vũ Giáng Hương, mà là một bức tranh chép lại từ tác phẩm của anh.

Theo đó, cách đây khoảng 8 tháng, hoạ sĩ Nguyễn Văn Đông nhận lời vẽ một bức chân dung sơn dầu bé gái theo đơn đặt hàng của gia đình chị Phạm Quỳnh (Hà Nội), nhân vật trong tác phẩm là bé Bảo Khánh, con gái chị Quỳnh.

Tháng 4/2018, hoạ sĩ Nguyễn Văn Đông đồng ý cho một bạn sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tên là Bùi Thị Hằng (tài khoản facebook Surry Hằng) chuyển thể bức chân dung bé Bảo Khánh từ chất liệu sơn dầu sang lụa để làm bài tập tại trường.

Đến tháng 7/2018, hoạ sĩ Nguyễn Văn Đông phát hiện bức tranh lụa do Surry Hằng chuyển thể được kí tên “g Hương 95” thuộc sở hữu của Nhà sưu tầm Phạm Việt Phương và nằm trong danh sách đấu giá phiên số 15 tại Nhà đấu giá Chọn.

Trước sự việc này, chị Phương Nga, con gái của họa sĩ Vũ Giáng Hương cho biết, nhìn cách vẽ và chữ ký đề trên bức tranh, chị dám khẳng định đây là bức tranh giả và đã cố tình nhái tranh của mẹ chị để nâng giá.

Trong thông cáo chính thức gửi các cơ quan truyền thông, nhà đấu giá Chọn nói: “Đây là sự việc liên quan trực tiếp đến Nhà đấu giá Chọn và tác phẩm đã được Nhà đấu giá Chọn đưa ra trưng bày, đấu giá. Để xảy ra sự việc tranh cãi này, Nhà đấu giá Chọn không thể chối bỏ trách nhiệm và mong muốn cùng các bên liên quan xác minh thông tin một cách rõ ràng, trung thực”.

Đến cuộc họp báo bất thành

Chiều 5/9, tại Nhà đấu giá Chọn, cuộc họp báo do Chọn tổ chức đã diễn ra với sự tham dự của họa sĩ Nguyễn Văn Đông và nhà sưu tập Phạm Việt Phương.

Chọn cho biết đã “đã gửi lời mời tham dự đến gia đình cố hoạ sĩ Vũ Giáng Hương, bạn Bùi Thị Hằng (tài khoản facebook Surry Hằng), sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, và gia đình bé Bảo Khánh (nguyên mẫu của bức tranh theo thông tin của hoạ sĩ Nguyễn Văn Đông)”. Tuy nhiên, tất cả những nhân chứng liên quan đóng vai trò “giải mã” sự việc đều không xuất hiện.

Tại cuộc họp báo, nhà sưu tập Phạm Việt Phương cho biết: Ông mua được bức tranh này cách đây khoảng 3 năm từ một vị khách “sau vài lần qua lại cafe”. Khi phóng viên đặt vấn đề liên hệ với người bán tranh thì ông Phương cho biết, chính ông cũng không gặp lại người này từ... “hai năm nay” (?!). Nghĩa là, cho đến lúc này không thể xác thực được việc mua bán nếu chỉ căn cứ vào lời ông Phạm Việt Phương. Trong khi cuộc họp báo đang diễn ra và rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp thì ông Phương cáo bận và đứng dậy ra về.

Báo Công luận
 Họa sĩ Phạm Văn Đông trả lời báo chí. Ảnh Tử Hưng.

Họa sĩ Nguyễn Văn Đông - người tố bức tranh lụa được mang ra đấu giá là giả thì cho biết, hiện anh không được phép cung cấp thông tin về chị Phạm Quỳnh và nhân vật em bé nguyên mẫu trong tranh do “yêu cầu từ phía gia đình”. Còn với bạn sinh viên Bùi Thị Hằng - người chép lại tranh của họa sĩ Đông - hiện đã đóng tài khoản facebook và không thể liên lạc được.

Họa sĩ cho biết: Anh phải đưa sự việc ra công luận bởi lẽ anh bị nhiều đồng nghiệp đánh giá là người đi sao chép tranh của nghệ sĩ Giáng Hương. Điều này ảnh hưởng đến danh dự và uy tín cá nhân anh.

Đối với Nhà đấu giá Chọn, trong thông cáo báo chí có nói rõ “không thể chối bỏ trách nhiệm”, nhưng ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc Nhà đấu giá Chọn thì trả lời vòng vo, đôi co với các phóng viên về quy trình thẩm định tính thật - giả của bức tranh lụa đã mang ra đấu giá nói riêng và các tác phẩm tranh khác nói chung.

Báo Công luận
Nhiều nghi ngờ về tính chuyên nghiệp của Nhà đấu giá Chọn trong khâu thẩm định tác phẩm nghệ thuật sau sự việc này. Ảnh: Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Nhà đấu giá Chọn và họa sĩ Nguyễn Văn Đông. Ảnh: Tử Hưng.

Ông nói, Nhà đấu giá Chọn có đội ngũ thẩm định cả trong và ngoài Nhà đấu giá. Tuy nhiên, việc thẩm định bức tranh này chỉ thực hiện “bằng mắt” mà không áp dụng các biện pháp mang tính kỹ thuật nào khác.

Khi được hỏi về thông tin người có chuyên môn đứng ra thẩm định tính thật - giả, ông Hùng dứt khoát “việc này không thể công bố”.

Cuộc họp báo kết thúc trong khi còn rất nhiều câu hỏi về tính thật - giả của bức tranh chưa được giải đáp.

Trước những câu trả lời của ông Trần Quốc Hùng, cộng đồng chơi tranh, sưu tập tranh đang đặt ra nhiều câu hỏi về tính thật - giả của những tác phẩm mà Nhà đấu giá Chọn đã từng mang ra đấu giá thành công.

Tử Hưng

Tin khác

Du khách ấn tượng với 46 tác phẩm độc đáo tại Triển lãm 'Thăng Long hội tụ'

Du khách ấn tượng với 46 tác phẩm độc đáo tại Triển lãm "Thăng Long hội tụ"

(CLO) Nhân Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2024), ngày 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra khai mạc Triển lãm mỹ thuật mang tên "Thăng Long hội tụ" do các nghệ sĩ, họa sĩ tài hoa từ thị xã Sơn Tây và Hà Nội phối hợp tổ chức.

Đời sống văn hóa
Liên hoan Múa rối quốc tế 2024 diễn ra tại Hà Nội

Liên hoan Múa rối quốc tế 2024 diễn ra tại Hà Nội

(CLO) Theo dự kiến, Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2024 sẽ diễn vào tháng 10 tại Hà Nội. Sự kiện do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.

Đời sống văn hóa
Ngỡ ngàng với không gian nghệ thuật đặc sắc trên cầu đi bộ ở Hà Nội

Ngỡ ngàng với không gian nghệ thuật đặc sắc trên cầu đi bộ ở Hà Nội

(CLO) Những ngày gần đây, người dân Thủ đô Hà Nội đi trên cầu đi bộ bắc qua phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật được nên ý tưởng từ "hầm thủy cung" đẹp lung linh, qua nghệ thuật sắp đặt ánh sáng.

Đời sống văn hóa
Lễ hội Sen Đồng Tháp năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay

Lễ hội Sen Đồng Tháp năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay

(CLO) Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ khai mạc ngày 16/5, tại Quảng trường Văn Miếu, tại TP Cao Lãnh.

Đời sống văn hóa
Tàu du lịch không được đón khách xem Carnaval Hạ Long 2024 trên biển

Tàu du lịch không được đón khách xem Carnaval Hạ Long 2024 trên biển

(CLO) Sở GTVT Quảng Ninh đề nghị không cấp phép cho các tàu du lịch trên biển đón khách du lịch xem chương trình Carnaval Hạ Long 2024, để bảo đảm an toàn.

Đời sống văn hóa