Năm 2013 gần khép lại với những biến động của thị trường BĐS. Đây là năm mà thị trường địa ốc trải qua cơn “bĩ cực” vô cùng khó khăn. Cùng Tamnhin.net điểm lại 10 sự kiện BĐS nổi bật nhất trong năm qua.
1. Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết “cứu” BĐS
Báo cáo thị trường quý 4/2012 cho thấy, thị trường BĐS vẫn “èo uột” trong năm 2013. Giá nhà đất giảm mạnh, sự khốc liệt của thị trường cùng với nền kinh tế khó khăn đã khiến BĐS dường như đóng băng. Để mở lối cho thị trường, vào đầu tháng 1/2013 Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết “cứu” BĐS: cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê mua và làm các công trình dịch vụ như: Bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại đang có nhu cầu nhưng phải phù hợp quy hoạch và điều kiện cơ sở hạ tầng.
2. Bộ Xây dựng đồng ý chia nhỏ căn hộ và chuyển nhà thương mại sang nhà ở xã hội
Ngày 08/3, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2013/TT-BXD hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Bộ xây dựng cũng có hướng dẫn chi tiết về việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại có diện tích lớn sang loại căn hộ có diện tích nhỏ.
3. Giảm 30% thuế VAT cho loại căn hộ dưới 15 triệu/m2
Bộ Tài chính đã trình lên Chính phủ 2 nội dung liên quan đến thuế GTGT để kích cầu và hỗ trợ cho thị trường BĐS. Từ 1/7 các hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở sẽ áp dụng mức thuế suất VAT là 5%. Từ 01/07/2013 đến 30/06/2014, thực hiện giảm 50% mức thuế suất thuế VAT đối với các hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
4. Người mua nhà sẽ được vay lãi suất 6% trong 10 năm
Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng Thông tư quy định chính sách cho vay nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Theo đó, NHNN dành khoảng 30.000 tỷ đồng để cho vay các đối tượng là cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, đối tượng thu nhập thấp để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội cũng như là các doanh nghiệp xây dựng các loại nhà ở này. Trong đó, điểm mới đáng quan tâm nhất là thời hạn áp dụng cho lãi suất cho vay 6%/năm có thể được áp dụng 10 năm đối với cá nhân mua nhà, và 5 năm đối với doanh nghiệp phát triển dự án.
5. Từ ngày 1/6 gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ cho BĐS có hiệu lực
Gói hỗ trợ này dành cho người mua nhà ở xã hội, người mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng là nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11/ 2013 vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói tín dụng này.
6. Chỉ cấp “sổ đỏ” thời hạn 50 năm cho người nước ngoài
Thời gian sở hữu tối đa là 50 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, thời hạn này được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Trong thời hạn 12 tháng kể từ khi hết thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người nước ngoài phải bán hoặc tặng cho nhà ở đó. Cá nhân người nước ngoài được sở hữu 1 căn hộ chung cư.
7. Căn hộ chung cư mini được cấp “sổ đỏ”
Theo Quyết định số 13 của UBND thành phố Hà Nội, chung cư mini phải có Giấy phép xây dựng, đảm bảo quy chuẩn xây dựng và quy hoạch 1/500 được duyệt thì được cấp Giấy chứng nhận với hình thức sử dụng đất là sử dụng chung.
8. “Giá nhà đã trở về mốc 7 năm trước"
Theo Bộ Xây dựng, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006. Hầu hết các dự án đã giảm từ 10%-30% giá bán, thậm chí có vài dự án đã giảm giá tới gần 50% so với giá bán tại thời điểm “nóng” cách đây hơn 2 năm.
9. Quốc hội chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi
với nhiều điểm thay đổi, bổ sung chặt chẽ hơn đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh các dự BĐS. Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung hàng loạt quy định mới về chuyển nhượng dự án BĐS. Dự thảo cũng quy định chỉ được "bán nhà trên giấy" khi ngân hàng đứng ra bảo lãnh và bỏ quy định bán nhà thông qua sàn giao dịch. Đồng thời, dự thảo cũng gây nhiều tranh cãi đối với việc thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở, là tổ chức tín dụng được thành lập theo hình thức công ty cổ phần và hoạt động theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng để huy động vốn và cho vay phát triển nhà ở. Thứ hai là đối với trường hợp nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì thời hạn sở hữu nhà chung cư là 70 năm. Hai con số quan trọng được Bộ Xây dựng đề cập đến trong báo cáo tháng 11 là tạm dừng 524 dự án BĐS và tồn kho BĐS cả nước khoảng 102 nghìn tỷ đồng.
10. UBND Hà Nội chính thức đồng ý tách Từ Liêm thành 2 quận
Sáng 6/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm với tên gọi là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Theo tamnhin.net