Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam lần thứ nhất năm 2023, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra tại tỉnh Phú Thọ, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch.
Được biết, các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên là những địa phương đang nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật bài chòi Trung bộ đã được UNESCO vinh danh.
Các nghệ nhân trình diễn Nghệ thuật bài chòi tại Phố cổ Hội An, Quảng Nam. Ảnh: TL
Nhã nhạc Cung đình Huế phát triển với sự đa dạng và phong phú về thể loại. Ảnh: TGDS
Ca trù có lối hát phong phú và đa dạng nhưng phổ biến nhất vẫn là “hát nói”, một thể văn vần có tính cách tự do phóng khoáng
Các nghệ nhân gốm Chăm vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm tuyệt đẹp
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương trên sẽ tham gia vào hoạt động này để nhằm góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia, quốc tế; trình diễn, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật bài chòi; nâng cao nhận thức, kỹ năng trình diễn cho cộng đồng chủ thể của di sản…
Ngoài di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật bài chòi Trung bộ, còn có 14 di sản văn hóa phi vật thể khác đã được UNESCO ghi danh cũng được trình diễn tại Liên hoan này.
Đó là Nhã nhạc - âm nhạc cung đình triều Nguyễn; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ; hát ca trù của người Việt; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; Hát ví dặm Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ; Hát xoan ở Phú Thọ; Thực hành then Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật xòe Thái; Nghề làm gốm của người Chăm.
Hiện các tỉnh có di sản đang xây dựng kế hoạch, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức đoàn nghệ nhân tham gia trình diễn tại Liên hoan.
Thế Vũ