26.000 ha lúa đông xuân 2019-2020 tại ĐBSCL mất trắng vì hạn mặn

Thứ bảy, 20/06/2020 19:59 PM - 0 Trả lời

(CLO) Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 ở ĐBSCL là nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sớm và sâu sát của Chính phủ đã giúp ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện tốt các giải pháp ứng phó.

26.000 ha lúa đông xuân 2019-2020 tại ĐBSCL mất trắng vì hạn mặn. Ảnh TL.

26.000 ha lúa đông xuân 2019-2020 tại ĐBSCL mất trắng vì hạn mặn. Ảnh TL.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), xâm nhập mặn đến sớm gây ảnh hưởng cho sản xuất và dân sinh ở khu vực ĐBSCL ngay từ tháng 12/2019, ranh mặn 4g/lít xâm nhập 57km theo sông Hàm Luông, sâu hơn trung bình nhiều năm (TBNN) tới 24km.

Tiếp đó, tháng 1/2020 xâm nhập mặn tiếp tục tăng lấn vào các vùng cửa sông Cửu Long từ 45- 66km, sâu hơn mùa khô năm 2016 từ 6-17km. Vào tháng 2/2020, ranh mặn 4g/lít lấn sâu vào sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tới 110km.

Tháng 5/2020, phạm vi mặn tiếp tục dao động ở mức cao với ranh mặn 4g/lít sâu khoảng 130km trên sông Vàm Cỏ Tây và sang tháng 6 thì mặn trên các cửa sông mới giảm nhanh.

Bộ NN-PTNT cho rằng, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 có 1 số đặc điểm khác quy luật nhiều năm như: Xuất hiện sớm hơn so TBNN gần 3 tháng, sớm hơn so mùa khô năm 2015-2016 gần 1 tháng; thời gian xâm nhập mặn kéo dài hơn 2-2,5 lần so với mùa khô 2015-2016; độ mặn ở vùng các cửa sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh, cao suốt từ tháng 2 đến tháng 5, hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều thấp, khác với đặc điểm thông thường là tăng theo kỳ triều cường, giảm theo kỳ triều thấp.

Theo Bộ NN-PTNT, nguyên nhân khiến xâm nhập mặn tăng cao là do nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công bị thiếu hụt. Mùa khô năm 2019-2020, nguồn nước về ĐBSCL thấp hơn nhiều so với những năm gần đây, từ đó gây ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh trong vùng. Phạm vi ảnh hưởng với ranh 4g/lít là 1,68 triệu ha cao hơn 50.376 ha so với năm 2016.

Chỉ tính riêng tại tỉnh Cà Mau mặc dù thực hiện rất nhiều giải pháp ứng phó, nhưng hạn mặn đã làm cho 16.500ha lúa mùa năm 2019 (trên đất lúa tôm) bị thiệt hại; trong đó mất trắng là 14.000ha.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, mùa khô năm 2019-2020, xâm nhập mặn đã khiến cho hơn 17.000ha cây trồng trên địa bàn bị thiếu nước tưới trong thời gian khoảng 5-7 ngày, trong đó có gần 7.000ha cây lâu năm; ước thiệt hại khoảng 36 tỷ đồng.

Để giúp nông dân phục hồi vườn cây ăn trái sau hạn mặn, ngành đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn về phòng, chống hạn mặn trên cây trồng, cấp phát tài liệu về hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái, quy trình trữ nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn và các giải pháp kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi trong điều kiện hạn, xâm nhập mặn.

Hạn mặn cũng gây thiệt hại khoảng 41.900ha lúa đông xuân 2019-2020 ở các tỉnh ĐBSCL; trong đó mất trắng là 26.000ha. Đối với cây ăn trái có đến 6.650ha bị ảnh hưởng do hạn mặn; trong đó mất trắng khoảng 355ha. Hàng ngàn ha rau màu và hơn 8.715ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... 

Cũng do hạn mặn kéo dài đã khiến 96.000 hộ (khoảng 430.000 người) bị thiếu nước ngọt sinh hoạt (thấp hơn so với mùa khô năm 2015-2016 có tới 210.000 hộ thiếu nước). Đáng lo ngại là thực trạng sạt lở, sụp lún xảy ra nhiều nơi ở ĐBSCL bởi hạn hán, thiếu nước kéo dài làm mực nước trên các kênh trục xuống thấp.

Điển hình như ở vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) xảy ra 112 điểm sạt lở, tổng chiều dài 15.920m; ở Cà Mau tuyến đê biển Tây bị sụt lún dài 240m, nguy cơ sụt 4.215m, lộ giao thông nông thôn bị sụt lún 24.957m; còn ở Kiên Giang sụt lún dài khoảng 1.500m; riêng An Giang có tới 9 điểm sạt lở đất chiều dài 225m, 8 căn nhà phải di dời khẩn cấp, ước thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng...

Trước tình hình hạn mặn phức tạp, Bộ NN-PTNT phối hợp chặt với các bộ ngành liên quan và các tỉnh ĐBSCL chủ động nhiều giải pháp ứng phó; đồng thời triển khai thực hiện nhanh các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống hạn mặn, thiếu nước ngọt vùng ĐBSCL.

Ngoài ra, thi công nhanh các công trình thủy lợi để đưa vào vận hành như Cống Âu Ninh Quới (thuộc Quản lộ Phụng Hiệp); trạm bơm Xuân Hòa (Tiền Giang); các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (thuộc dự án Nam Măng Thít); 18 cống kiểm soát mặn thuộc dự án Bắc Bến Tre...

Các công trình này đã chủ động kiểm soát mặn khoảng 83.000ha và hỗ trợ kiểm soát mặn hơn 300.000ha. Song song đó, các địa phương đã đắp nhiều đập ngăn mặn, nạo vét kênh mương dẫn nước, tổ chức bơm chuyền cho các vùng sản xuất lúa, kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt... Vận chuyển nước ngọt cấp miễn phí cho khoảng 20.600 hộ, hỗ trợ người dân lắp đặt bồn trữ nước cho 37.300 hộ, hỗ trợ bình nước uống các loại 11.800 hộ, lắp đặt thiết bị lọc nước cấp nước khoảng 4.000 hộ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, hạn mặn mùa khô năm 2019- 2020 ở ĐBSCL là nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, sự chỉ đạo sớm và sâu sát của Chính phủ đã giúp ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện tốt giải pháp ứng phó; cộng với công tác dự báo tốt nên các tỉnh đã bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp trong điều kiện thiếu nước... Nhờ đó, mức độ gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp và dân sinh giảm thiểu đáng kể. Cần thấy rằng, mốc hạn mặn lịch sử này chưa phải là cuối cùng, bởi biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng khó lường.

Vì vậy, các tỉnh ĐBSCL cần coi hạn mặn là hiển nhiên để chủ động nhiều giải pháp ứng phó. Tới đây, tiếp tục đẩy mạnh dự báo hạn mặn, nguồn nước nhằm phổ biến cho người dân biết, phòng chống giảm thiểu thiệt hại. Tăng cường xây dựng các công trình thủy lợi, chú trọng ứng dụng phù hợp công nghệ làm đập tạm, thi công nhanh, khả năng thích ứng nhiều loại địa hình.  

Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng hợp lý theo hướng giảm lúa ở vùng hạn hán, thiếu nước, xâm mặn để chuyển sang cây trồng cạn. Đối với nguồn nước sinh hoạt cần thực hiện độc lập, tách bạch nguồn nước sản xuất nhằm tránh ô nhiễm; xây dựng thêm các nhà máy cấp nước tập trung, các khu trữ nước ngọt dành cho sinh hoạt trong mùa khô, hỗ trợ dân thiết bị lọc nước mặn...

Theo Bộ NN-PTNT, tới đây cần rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch vùng, tiểu vùng theo hướng tích hợp đa ngành; quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai, đảm bảo an toàn trước ảnh hưởng của bão, lũ, nước biển dâng, ngập mặn.

Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh thích ứng với biến đổi khí hậu cho các ngành hàng với sự tham gia và liên kết giữa các cơ quan khoa học, tổ chức khuyến nông, doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền địa phương. Xây dựng các bộ quy tắc ứng xử chung về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, dự báo biến động nguồn nước.

PV

Tin khác

Ninh Thuận muốn trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước

Ninh Thuận muốn trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước

(CLO) Cho biết năng lượng tái tạo và du lịch được quy hoạch là 2 trong những mũi nhọn kinh tế, Ninh Thuận sẽ hiện thực hóa quy hoạch để trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước.

Đời sống
Thiếu niên 13 tuổi mất tích khi tắm sông

Thiếu niên 13 tuổi mất tích khi tắm sông

(CLO) Chiều 19/4, thông tin từ UBND xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ đuối nước khiến 1 thiếu niên mất tích.

Đời sống
Hà Nội: Phát hiện 1 tấn thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc

Hà Nội: Phát hiện 1 tấn thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc

(CLO) Đội 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) vừa phát hiện 2 cơ sở kinh doanh tại huyện Thanh Trì đang bày bán hơn 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Đời sống
Bán vàng giả mạo nhãn hiệu, một doanh nghiệp tại Nghệ An bị phạt 85 triệu đồng

Bán vàng giả mạo nhãn hiệu, một doanh nghiệp tại Nghệ An bị phạt 85 triệu đồng

(CLO) Ngày 19/4, Đội 11, Cục Quản lý thị trường Nghệ An (QLTT) cho biết đã lập biên bản vi phạm hành chính trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt 85 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu.

Đời sống
“Sống hẹp” trong khu phố nghìn tỷ giữa lòng Thủ đô

“Sống hẹp” trong khu phố nghìn tỷ giữa lòng Thủ đô

(CLO) Con ngõ chỉ vừa vặn một người đi, bước vào trong ngỡ đến một thế giới khác được xuất hiện ngay sau những hàng quán xa hoa, lộng lẫy là “đặc sản” của phố cổ Hà Nội.

Đời sống