Đời sống con người hiện nay ngày càng gắn chặt vào các thiết bị và ứng dụng công nghệ. Con người hiện đại, đặc biệt tại các đô thị lớn, giới trí thức, nghệ sĩ, giới trẻ, viên chức nhà nước hầu như không thể tách rời các hoạt động của đời sống cá nhân và công việc khỏi các thiết bị công nghệ và nền tảng số hoá.
“Nghiện smartphone”, “nghiện Facebook”, “nghiện mạng xã hội” đã và đang trở nên xu thế phổ biến, qua đó, mọi kênh tiếp cận thông tin và hưởng thụ thông tin của người dùng cũng ngày càng được số hoá.
Theo một thống kê của Hiệp hội báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA), những trang web được xem nhiều nhất thế giới hiện nay là: Google, YouTube, Facebook, Wikipedia, Amazon… Như vậy, có thể thấy các kênh tiếp nhận, tìm kiếm thông tin tổng hợp (Google, Yahoo, Wikipedia), mạng xã hội (Facebook), giải trí và tương tác video (YouTube), kênh thương mại điện tử (Amazon), tức là chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính, hoặc mở máy tính bảng, smartphone, người dùng có thể thoả mãn mọi nhu cầu của mình, từ tiếp nhận thông tin, giao tiếp xã hội, giải trí và thực thi các nhu cầu cá nhân.
Với các điều kiện đó, họ không có nhu cầu bắt buộc phải tìm đến các nhà cung cấp truyền thống về mặt thông tin như phát thanh qua radio, truyền hình xem qua tivi hay đọc báo qua báo giấy.
Đời sống con người hiện nay ngày càng gắn chặt vào các thiết bị và ứng dụng công nghệ (Ảnh: internet)
Trước thách thức đặt ra với phát thanh, truyền hình, báo chí truyền thống trong thời đại số; với nhiều người, từ người lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà báo, nhà tuyên truyền… là cần phải trang bị cho mình tư duy, kỹ năng, công cụ, thói quen nắm bắt thông tin, tâm trạng xã hội qua báo chí, thông tin truyền thống và phi truyền thống, chính thống và cả phi chính thống (mạng xã hội), từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc được giao.
Theo các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Cambridge của Anh thì phát thanh, truyền hình công (của Nhà nước) đang đứng giữa ngã tư đường - hoặc chí ít cũng là ngã ba đường, trong một thời gian dài. Tuy nhiên, vấn đề không phải là chọn con đường nào mà là làm thế nào để xác định đúng vị trí, cách tồn tại và phát triển của mình. Hay nói cách khác là phải xác định vai trò, tác dụng, hiệu quả hoạt động của các đài phát thanh, truyền hình công trong kỷ nguyên số hóa.
Phát thanh, truyền hình công vẫn được tổ chức, vận hành và quản lý theo mô hình cũ trong quá khứ; ngày càng có nhiều hơn sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty truyền thông tư nhân và sự giảm mạnh nhu cầu xem - nghe với những nội dung phải trả tiền của công chúng. Chính phủ nhiều nước thiếu quan tâm đến các đài phát thanh, truyền hình công, chưa tạo điều kiện, cơ chế cho các đài này thích ứng với môi trường truyền thông mới. Đó là những điều sẽ khiến các đài phát thanh, truyền hình truyền thống gặp khó khăn trong thời đại Internet.
Sự phát triển của công nghệ Internet, số hóa đã thay đổi công chúng phát thanh, truyền hình. Từ việc các đài phát thanh, truyền hình quyết định cho thính giả, khán giả nghe gì, xem cái gì; nghe, xem khi nào và như thế nào, thì đến nay, công chúng phát thanh, truyền hình đã chuyển sang vai trò chủ động, kiểm soát, lựa chọn cái mình muốn nghe, xem.
Người xem truyền hình dành nhiều thời gian để xem các video online gấp đôi so với các khán giả xem truyền hình truyền thống. Việc chuyển sang số hóa giúp định vị lại vai trò của phát thanh, truyền hình, nó không chỉ tạo ra khó khăn, thách thức mà nó còn mang lại rất nhiều cơ hội mới và lớn.
Sự phát triển của Internet và việc thay đổi cách thức truy cập vào nhiều nguồn phương tiện truyền thông đã bắt buộc các tập đoàn truyền thông phải tiến hành tìm hiểu sâu hơn, nghiên cứu kỹ hơn về cách công chúng sử dụng các công nghệ truyền thông mới, về cách họ tiếp cận và tương tác với các nội dung phát sóng của các đài phát thanh, truyền hình trực tiếp trong thời gian tới.
PV