Thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN 10 tháng đầu năm 2018 là 224,8 nghìn tỷ đồng (Ảnh TL)
Tỉ lệ giải ngân thấp
Số liệu của Bộ Tài chính cho hay, ước thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN 10 tháng đầu năm 2018 là 224,8 nghìn tỷ đồng, đạt 56,24% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 57,82% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2017 đạt 53,73% kế hoạch Quốc hội giao và 59,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong 224,8 nghìn tỷ đồng đã giải ngân, vốn trong nước là gần 205,7 nghìn tỷ đồng, đạt 60,59% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 61,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn trái phiếu Chính phủ là gần 14,2 nghìn tỷ đồng, đạt 28,54% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 32,19% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 6,2 nghìn tỷ đồng, đạt 56,41% kế hoạch giao.
Vốn ngoài nước là 19,1 nghìn tỷ đồng, đạt 31,77% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 34,84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2017 đạt 52,07% kế hoạch Quốc hội giao và 53,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Đánh giá về kết quả giải ngân, Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính cho rằng: Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trong nước (không bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ và chương trình mục tiêu quốc gia) đạt cao hơn so với cùng kỳ khoảng 3%; đặc biệt là khối các Bộ, ngành Trung ương cao hơn khoảng 7%.
Tuy nhiên, do nguồn vốn nước ngoài giải ngân thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ (khoảng 19%) nên nhìn chung, số liệu giải ngân kế hoạch vốn của các bộ, ngành trung ương và địa phương 10 tháng năm 2018 đạt thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2017.
Về mặt tích cực, có 2 bộ, ngành Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 85% kế hoạch, đặc biệt có tỉnh Nam Định đã giải ngân đạt trên 90% kế hoạch. Song, bên cạnh đó vẫn còn nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương có số giải ngân thấp. Cụ thể: 32/56 bộ, ngành Trung ương và 46/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch 10 tháng đầu năm 2018 thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (dưới 60% kế hoạch năm).
13 bộ, ngành Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%. Thậm chí 5 trong số đó mới giải ngân chưa được 10% là Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Tổng công ty thuốc lá; Liên minh các hợp tác xã Việt Nam; Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao.
Việc giao kế hoạch vốn chưa sát với khả năng giải ngân
Đối với nguồn vốn trong nước, theo báo cáo của các đơn vị, nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bao gồm: các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, dự án phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh hạng mục, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, dự án khi thực hiện phát sinh nội dung quản lý của các bộ, ngành, cần xin ý kiến thống nhất; do ảnh hưởng của địa hình phức tạp, thời tiết; năng lực của một số nhà thầu còn chưa đảm bảo; các dự án chuyển tiếp đang triển khai thi công chưa nghiệm thu khối lượng hoàn thành để giải ngân thanh toán vốn.
Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, một số đơn vị phản ánh việc giao kế hoạch vốn chưa sát với khả năng giải ngân của các bộ, ngành, địa phương.
Đơn cử, tổng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế là 17.047 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các dự án đều là dự án khởi công mới nên hầu hết các dự án vẫn trong quá trình vừa mới hoàn thiện công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công. Việc lựa chọn đơn vị thi công xây lắp và giải ngân theo báo cáo của các đơn vị sẽ chủ yếu được thực hiện từ quý 4/2018. Điều này dẫn đến khả năng các bộ sẽ không giải ngân hết số vốn đã được giao kế hoạch năm 2018.
Ở địa phương, nhiều dự án khởi công mới đã giao hết trong kế hoạch vốn trái phiếu giai đoạn 2017-2020 trong năm 2017 và 2018 nên một số dự án vượt quá khả năng giải ngân trong năm 2018.
Dĩ nhiên, Bộ Tài chính cũng chỉ rõ, bên cạnh nguyên nhân khách quan, một số đơn vị, một số chủ đầu tư vẫn chưa thực sự chủ động và quyết liệt trong việc triển khai kế hoạch; chậm hoàn thiện trong công tác hoàn thành công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn đơn vị thi công,...
Với nguồn vốn nước ngoài, các báo cáo từ cơ sở gửi đến Bộ Tài chính liệt kê khá nhiều nguyên nhân, từ vướng mắc về cơ chế, đến vướng mắc do giao kế hoạch vốn chưa phù hợp và cả do sự chậm trễ của nhà đầu tư trong việc hoàn thành hồ sơ, thủ tục.
Đức Minh