Sáng 14/12, hơn 3.000 đại biểu, đại diện cho 32.000 học sinh miền Nam từ khắp mọi miền đất nước, cùng các thầy cô giáo hội tụ về trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội tham dự lễ kỷ niệm 60 trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-2014).
Những học trò, thầy cô của trường miền Nam khi xưa, giờ đã tóc bạc, da nhăn, người chống gậy, người được con cháu dìu đi tham dự lễ kỷ niệm. Gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, họ tay bắt mặt mừng, rơi nước mắt. "Đây có lẽ là lần cuối cùng gặp lại bạn bè, thầy cô vì nhiều người tuổi đã cao, không ít thầy cô giáo đã mất", ông Hòa, một học sinh quê Quảng Ngãi nói.
Các học sinh miền Nam trên đất Bắc khi xưa
sau bao năm gặp lại nhau, tay bắt, mặt mừng... Ảnh: Quỳnh Trang.
Tham dự buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận và nhiều lãnh đạo ban ngành khác.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: "Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trong những trang sử vẻ vang của nền giáo dục Việt Nam". Chủ tịch nhắc lại câu chuyện năm 1954, thực hiện hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, Đảng và nhà nước đã đưa hàng vạn cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết.
Cùng với việc chuyển quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã lựa chọn một số con em cán bộ, gia đình chính sách... đưa ra Bắc để bảo vệ, nuôi dạy. Đây là những "hạt giống đỏ" của miền Nam được đào tạo, bồi dưỡng nhằm phục vụ cho sự nghiệp của đất nước sau này.
"Thời kỳ ấy, miền Bắc vừa giải phóng sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, sau đó lại đương đầu với chiến tranh phá hoại của kẻ địch. Đời sống khó khăn nhưng các cấp, ngành và đồng bào đã nhiệt thành đón tiếp, chăm sóc tận tình học sinh miền Nam như con em ruột thịt. Các giáo viên tài năng cũng được tuyển về đào tạo những 'hạt giống đỏ' của miền Nam", Chủ tịch Trương Tấn Sang nói.
Cho đến năm 1975, hệ thống trường học sinh miền Nam lên đến gần 30 trường rải khắp miền Bắc và Nam Ninh (Trung Quốc), với khoảng 32.000 học sinh.
Khi đất nước thống nhất, phần lớn học sinh miền Nam trở về xây dựng quê hương, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Rất nhiều người đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, trung ương, tướng lĩnh, giáo sư, nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...
"Thời gian đã lùi xa, chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định rằng, trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục đào tạo cách mạng. Sự thành công của trường học này trong việc đào tạo lớp người vừa hồng vừa chuyên gắn bó với vận mệnh của đất nước là thành tựu to lớn, khẳng định tính ưu việt của nền giáo dục. Các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là biểu hiện đẹp đẽ của tình cảm Bắc - Nam ruột thịt", ông Trương Tấn Sang khẳng định.
Hơn 3.000 người, đại diện cho 32.000 học sinh miền
Nam trên đất Bắc (1954-1975) và các giáo viên của nhà trường,
tham dự lễ kỷ niệm 60 năm. Ảnh: Hoàng Phương.
Thầy Lê Ngọc Lập, giáo viên gần 20 năm "vác ba lô" đi theo các trường học sinh miền Nam, đã bắt đầu đến dạy ở trường từ năm 1956, khi ông 22 tuổi. Những năm tháng công tác tại nhiều trụ sở của trường như: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh... để lại trong ông nhiều kỷ niệm đẹp và kinh nghiệm làm việc quý giá.
Cựu học sinh miền Nam - Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Lê Văn Kiểm nhớ lại những năm tháng sống, học tập trên đất Bắc. "Tôi không bao giờ quên thầy cô, bè bạn, những buổi tắm sông, tăng gia sản xuất với bà con, cùng nhân dân đón Trung thu, ăn Tết... Đồng bào miền Bắc khi ấy bữa cơm rất thiếu thốn nhưng học sinh miền Nam chúng tôi lúc nào cũng được nhường miếng ngon, ăn no, mặc ấm", ông Kiểm nói.
Theo ông, những nghĩa tình, trí tuệ, phẩm chất được rèn rũa trong trường là động lực, nhân tố quan trọng giúp nhiều học sinh miền Nam vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
- Theo Quỳnh Trang/vnexpress.net