Con số về các doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động trong năm 2013 thật đáng kinh ngạc khi lên tới gần 70.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, thay vì phá sản, giải thể giải pháp tạm ngừng hoạt động lại ít được doanh nghiệp lựa chọn. Vì sao thế?
Số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động trong năm 2013 lên tới gần 70.000 doanh nghiệp.
Doanh nghiệp lập kỷ lục về phá sản
Tổng cục Thống kê cung cấp số liệu cho thấy, trong năm 2013 có khoảng 60.737 doanh nghiệp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm trước đó. Trong đó, có tới 40.116 doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký tăng 8,6% và số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%.
So sánh với con số nói trên, thống kê cũng cho thấy, trong năm 2013 chỉ có 10.803 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. Một con số khá thấp so với số doanh nghiệp “bó tay” chịu chết.
Không chỉ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân, ở lĩnh vực Nhà nước kết quả điều tra tại thời điểm 01/01/2013 cũng cho thấy, cả nước có 3135 doanh nghiệp nhà nước thì kết quả điều tra đối với 2.893 doanh nghiệp cũng có tới 39 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chiếm 1,3%, bao gồm 24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và 15 doanh nghiệp vốn nhà nước trên 50%.
Ngoài ra, trong số 24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước ngừng hoạt động thì tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản là 41,7%; doanh nghiệp chờ sắp xếp lại là 29,2%, doanh nghiệp ngừng để đầu tư đổi mới công nghệ là 12,5%, còn lại là nguyên nhân khác.
Tìm hiểu về nguyên nhân giải thể, ngừng hoạt động, có tới 56,4% số doanh nghiệp trả lời do sản xuất thua lỗ kéo dài, 5,1% trả lời do năng lực quản lý, điều hành hạn chế và 38,5% trả lời do nguyên nhân khác như thiếu vốn sản xuất kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường hoặc đang thuộc diện bán hoặc chờ sắp xếp lại.
Việc hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể cũng đã kéo theo con số hàng triệu lao động thất nghiệp.
Theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Xuân Mai, vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, trong năm 2013 cả nước có khoảng 1 triệu người thất nghiệp, trong đó có tới 48% là thành niên từ 15-24 tuổi. Đặc biệt, có khoảng 101.000 sinh viên ra trường năm qua chưa tìm được việc làm, chiếm gần 10% tổng số người thất nghiệp.
Có giải pháp, vì sao không làm?
Doanh nghiệp giải thể kéo theo lượng lao động thất nghiệp gia tăng và bài toán việc làm là chuyện không phải bàn cãi nhưng điều khiến không ít người quan tâm là tại sao hầu hết các doanh nghiệp chọn con đường phá sản thay vì lựa chọn con đường khác sáng sủa hơn là tạm ngừng hoạt động.
Trong giai đoạn khủng hoảng, thay vì giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp thì tạm ngừng kinh doanh là một giải pháp tốt giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí, tìm cơ hội mới trong việc tiếp cận các nguồn vốn và hưởng chính sách ưu đãi từ nhà nước.
Tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp tạm thời không thực hiện hoạt động kinh doanh, trong khoảng thời gian không quá 2 năm – nghĩa là doanh nghiệp không được ký kết hợp đồng, không được xuất hóa đơn hay bất kỳ giao dịch nào khác. Sau khi hết thời gian tạm ngừng doanh nghiệp phải hoạt động trở lại, hoặc nếu không hoạt động thì phải giải thể, chuyển nhượng.
Về quy định tạm ngừng hoạt động đối với doanh nghiệp, luật sư của PLF cho biết, “Điều 156 Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh”.
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ, thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động (nếu có), trừ trường hợp chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không phải nộp thuế môn bài, không kê khai thuế giá trị gia tăng hàng tháng, không nộp báo cáo tài chính cuối năm.
Theo đánh giá của các luật sư PLF thì tạm ngừng hoạt động là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp thời kỳ kinh tế khó khăn vì khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp có thể bớt đi nỗi lo về tiền lương cho người lao động, thuế, các khoản chi khác. Nhờ đó, doanh nghiệp tập trung nhân lực và vật lực để giải quyết các khó khăn còn tồn đọng; tìm cách huy động vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tái cơ cấu lại doanh nghiệp hoặc cũng có thể “án binh bất động” chờ đợi cơ hội mới tốt hơn.
Khi hội tụ đầy đủ các yếu tố và hết thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trở lại thủ tục rất đơn giản. Nếu hết thời hạn tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp tự hoạt động trở lại còn nếu sớm hơn thời hạn tạm ngừng thì chỉ cần làm công văn thông báo.
Ngược lại nếu doanh nghiệp cảm thấy gánh nặng của doanh nghiệp quá lớn, không còn cơ hội cải thiện để thoát khỏi khủng hoảng thì nên chọn giải pháp giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp.
Một giải pháp khá đơn giản và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tuy nhiên trong năm qua việc chỉ có 10.803 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động trong khi gần 70.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động là một đối trọng thiếu cân bằng, một câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp.
Theo nguoiduatin.vn