70 năm Báo Nhân Dân: Tự hào báo Đảng

Thứ năm, 11/03/2021 09:24 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hôm nay, ngày 11/3/2021, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân kỷ niệm 70 năm ra số đầu (11/3/1951 – 11/3/2021). 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo Nhân Dân đã trải qua hành trình phát triển đầy tự hào, gắn liền với lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc, với lịch sử chiến đấu vinh quang của Đảng.

70 năm trước, từ yêu cầu về “một tờ báo lấy tên là Nhân Dân”…

Về nguyên cớ để có tờ báo mang tên Nhân Dân ngày hôm nay, không phải ai cũng tỏ tường. Chuyện là, mùa xuân năm 1951, Đại hội Toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại Việt Bắc từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951. Đại hội thông qua Nghị quyết về việc xuất bản Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ II chỉ rõ việc yêu cầu cần phải “xuất bản một tờ báo, lấy tên là Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng” thay cho tờ Sự Thật. Cũng từ Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ II, mục tiêu hoạt động, đối tượng độc giả của tờ báo đã được chỉ rất rõ: Để tuyên truyền chủ nghĩa, động viên đảng viên và quần chúng nhân dân thực hành chính sách của Đảng, Đại hội quyết định Đảng Lao động Việt Nam xuất bản một tờ báo, lấy tên là Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng. Đối tượng chính của Nhân Dân là đảng viên ở các chi bộ và quần chúng nhân dân.

70 nam bao nhan dan tu hao bao dang hinh 1

Báo Nhân Dân số đầu tiên xuất bản ngày 11/3/1951 tại bản Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Thái Nguyên). Ảnh: TL

Cũng từ bản Nghị quyết này, những độc giả yêu quý tờ báo Đảng còn được biết thêm nhiều chi tiết thú vị: “Trong thời kỳ kháng chiến, vì sự giao thông liên lạc khó khăn, ngoài báo Trung ương sẽ có hai tờ báo Đảng ở Liên khu V và Nam Bộ lấy tên là Nhân dân Liên khu V và Nhân dân Nam Bộ, Báo Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương phụ trách, báo ở Liên khu V và Nam Bộ do các Ban Chấp hành của hai địa phương ấy phụ trách. Báo Nhân Dân địa phương phải theo đúng đường lối chính trị của báo Nhân Dân Trung ương và đăng xã luận của Báo Nhân Dân. Cơ quan chỉ đạo các cấp của Đảng, nhất là Trung ương, các khu và các cán bộ phụ trách mọi ngành của các cấp ủy ấy, có nhiệm vụ viết bài cho Báo Nhân Dân. Mỗi cấp ủy Đảng, từ tỉnh trở lên, phải chỉ định một đồng chí cấp ủy viên làm thông tin viên cho tờ báo. Các tỉnh Đảng bộ phải đảm bảo việc phát hành đều đặn tờ báo của Đảng xuống tận chi bộ”.

Và cũng từ bản Nghị quyết, độc giả còn được biết thêm một chi tiết: Báo Nhân Dân ra hằng tuần, khi nào có điều kiện sẽ ra hằng ngày.

Theo hồi ký của nhà báo lão thành Phan Quang, Ban Biên tập đầu tiên của báo Đảng gồm tám người thì có đến năm vị là Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương: các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương. Đồng chí Trường Chinh làm chủ nhiệm, phụ trách chung, Trần Quang Huy làm thư ký ban biên tập.

Cũng theo hồi ức của nhà báo Phan Quang, Đại hội Toàn quốc của Đảng vừa bế mạc, vào khoảng từ ngày 19 đến ngày 25 tháng 2 năm 1951, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Trung ương Đảng và đồng chí Tố Hữu, khi đó là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, họp bàn việc ra số đầu Báo Nhân Dân. Nơi làm việc là một cái rẫy của đồng bào, cạnh địa điểm họp Đại hội Toàn quốc, thuộc xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Người giúp việc hai đồng chí là Thép Mới, phóng viên báo chí tại Đại hội Đảng.

Từ buổi họp bàn ấy, ngày 11/3/1951 báo Nhân dân ra số đầu tiên. Trên trang nhất, báo đăng Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam; bài của đồng chí Trường Chinh: Hồ Chủ tịch, Người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta. Trên các trang tiếp theo, báo giới thiệu Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ II của Đảng, bài Phong trào mua công trái của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh C.B. Tất cả các bài, tin, tranh minh họa số báo ấy đều được hai đồng chí phụ trách là Trường Chinh và Tố Hữu đọc lại một lượt, sau đó cho ý kiến cụ thể về cách trình bày các trang báo, rồi giao cho Thép Mới nhiệm vụ trực tiếp mang bản thảo đến nhà in.

Theo hồi ức của những người trong cuộc, ngày ấy Báo Nhân Dân được sắp chữ, lên khuôn, in ấn tại Nhà in Việt Hưng. Nhà in này đặt ở triền tây chân Đèo Khế, phía Tuyên Quang. Số báo đầu năm ngày 11/3/1951, từ trạm quân bưu đặt tại Sơn Dương (Tuyên Quang), Báo Nhân Dân được chuyển ra mặt trận, chuyển đến mọi miền đất nước.  

Dấu ấn Hồ Chí Minh

Nhìn lại hành trình 70 năm tờ báo của Đảng, không thể không nói đến dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà báo lớn Hồ Chí Minh không chỉ là người chủ trương thành lập Báo Nhân Dân mà còn là nhà lãnh đạo vô cùng gắn bó với tờ báo Đảng. Không chỉ có những chỉ đạo trực tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã viết cho Báo Nhân Dân hàng nghìn bài.

Theo các số liệu lưu trữ, trong 18 năm, kể từ số đầu đến số 5526 (ngày 1/9/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 1205 bài đăng Báo Nhân Dân với 23 bút danh (có tài liệu nói 30 bút danh khác nhau). Tính đến ngày 14/10/1954, riêng trong mục “Nói và nghe’’ đã đăng 236 bài của Bác Hồ qua bút danh CB. Bài báo cuối cùng của cuộc đời Hồ Chí Minh có nhan đề “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, ký tên T.L. với 450 từ đăng trên Báo Nhân Dân số 5526 ngày 1/6/1969.

70 nam bao nhan dan tu hao bao dang hinh 2

Bác Hồ đến thăm và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Báo Nhân Dân năm 1957.

Trên Báo Nhân Dân số 197, ngày 24/6/1959, Người đã có bài viết “Cần phải xem báo Đảng” trong đó nhắc nhở: “Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta”.

70 năm - Sự tín nhiệm to lớn 

Kể từ những ngày mùa xuân tháng 3 tại chiến khu Việt Bắc ngày ấy, đến nay, trải qua hành trình 70 năm qua, Báo Nhân Dân liên tục phát triển, mở rộng và trải qua nhiều dấu ấn ấn tượng: Năm 1954, báo chuyển về 71 Hàng Trống và nơi đây thành trụ sở chính của báo cho đến ngày nay; Ngày 7/9/1954, từ số báo 222, Báo Nhân Dân ra hai ngày một số; Ngày 20/10/1954, từ số báo 241, Báo Nhân Dân ra hằng ngày; Ngày 12/2/1989, báo ra số 1 Báo Nhân Dân chủ nhật (ngày 3/2/1995, đổi tên thành Nhân Dân cuối tuần; Ngày 1/1/1997, Báo Nhân Dân ra hằng ngày, từ 4 trang tăng lên 8 trang; Tháng 5/1997, ra số 1 Báo Nhân Dân hằng tháng;  Ngày 21/6/1998, Báo Nhân Dân điện tử tiếng Việt hòa mạng internet. Ngày 11/3/1999: Báo Nhân Dân điện tử tiếng Anh hòa mạng internet. Ngày 4/1/2010, Báo Thời Nay (ấn phẩm của Báo Nhân Dân) ra số đầu. Ngày 30/8/2012, Báo Nhân Dân điện tử tiếng Trung Quốc , ngày 20/6/2014, Báo Nhân Dân điện tử tiếng Pháp; ngày 3/2/2017, Báo Nhân Dân điện tử tiếng Nga; Ngày 25/1/2019, Báo Nhân Dân điện tử tiếng Tây Ban Nha hòa mạng internet. Đặc biệt, ngày 1/9/2015, Truyền hình Nhân Dân phát sóng chính thức.

Trên hết, trên hành trình phát triển ấy, tờ báo Đảng đã có những đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng hành cùng đất nước trên con đường đổi mới và hội nhập. Tờ báo đã được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, hai lần Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới… 

Ngày 9/3/1996, tại cuộc mít-tinh trọng thể kỷ niệm 45 năm ngày Báo Nhân Dân ra số đầu, nhà báo Hoàng Tùng - người hơn 30 năm làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, đã có bài viết về một chặng đường phát triển của tờ báo Đảng. Bài viết có đoạn: Là tiếng nói chung của Đảng, đồng thời là tiếng nói của Nhà nước và nhân dân ta, là cơ quan tuyên truyền, cổ động, tổ chức của T.Ư Đảng, tờ báo dẫn đầu hệ thống thông tin đại chúng cách mạng nước ta, Báo Nhân Dân đã luôn luôn cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, góp phần có ý nghĩa vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng ta, phổ biến đường lối, chính sách, bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, ý chí độc lập tự do, hướng dẫn hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Nó là tờ báo cách mạng kế thừa những truyền thống quý báu của những tờ báo đi trước, kể từ báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập, người biên tập chủ yếu, trực tiếp là kế thừa báo Cờ Giải Phóng, báo Sự Thật.

Đó là sự tín nhiệm to lớn và đánh giá xứng đáng dành cho Báo Nhân Dân, cho hành trình đi cùng lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc, với lịch sử chiến đấu vinh quang của Đảng. Và từ hành trình phát triển đầy tự hào ấy, Báo Nhân Dân, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lần  thăm, chúc mừng Báo Nhân Dân nhân dịp 21/6/2020: Báo Nhân Dân ngày càng phong phú, có tính chiến đấu cao; đầy bản lĩnh, đổi mới và sáng tạo với nhiều ấn phẩm. Tập thể cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân với truyền thống hào hùng, sẽ luôn đoàn kết, quyết tâm, giữ gìn và phát triển Báo xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.q

Hà Anh

Tin khác

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản

(CLO) Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tiến hành kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác tuân thủ chính sách pháp luật về khoáng sản và môi trường, đảm bảo an toàn lao động. 

Tin tức
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo rà soát việc gia tăng nhập khẩu thép cán nóng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo rà soát việc gia tăng nhập khẩu thép cán nóng

(CLO) Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

Tin tức
Chính phủ thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

Chính phủ thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

(CLO) Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sẽ tập trung đánh giá tình hình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số từ đầu năm tới nay và thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thời gian tới.

Tin tức
Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

(CLO) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kinh tế báo chí rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển như hiện nay. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nên nghiên cứu chính sách để đưa vào dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tin tức
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32

(CLO) Chiều 23/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32 sau 4,5 ngày làm việc.

Tin tức