Ông bảo, đã 72 năm rồi, kể từ lần đầu tiên được gặp Bác Hồ và sau đó nhiều lần nữa, hình ảnh Bác lúc nào cũng choán ngợp tâm hồn ông, nhờ Bác chỉ đường dẫn lối mà trong cả cuộc đời làm cách mạng cũng như làm lãnh đạo, ông đã không vướng phải những sai phạm, tì vết gì. Trong tỉnh Hà Giang, mà nói rộng ra nữa là tỉnh Hà Tuyên cũ, ông Vù Mí Kẻ luôn được người dân, lãnh đạo cùng kỳ và tầng lớp lãnh đạo sau này coi là “công dân số 1” của tỉnh. Vốn là người Mông, mồ côi cha từ lúc bé, học hành không được đến nơi đến chốn nhưng ông Kẻ nổi tiếng lắm. Từ một đứa trẻ kiếm ăn bằng nghề chăn ngựa rồi trở thành cận vệ thân tín của Vua Mông nổi tiếng Cực Bắc có tên Vương Chí Sình, ông đã được cách mạng chỉ lối soi đường.
Thấy cách mạng với những điều lợi dân lợi nước nên ông đã có một sự chuyển biến dữ dội về tinh thần và quyết tâm đi theo cách mạng. Từ thân phận một người chăn ngựa, xác định được mục đích và lý tưởng nên ông sớm đến với cách mạng, uy tín của Vù Mí Kẻ được nâng dần. Từ cán bộ trong Ủy ban Kháng chiến huyện Đồng Văn, ông đã được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và được bầu làm Đại biểu Quốc Hội khoá II ở tuổi 21. Ông trở thành Đại biểu trẻ nhất lúc bấy giờ và giữ cương vị này trong 5 khóa liên tục.
Ông nhớ nhất lần đầu tiên được gặp Bác Hồ ấy là lần ông tháp tùng Vương Chí Sình tới gặp một nhân vật quan trọng. Năm đó là năm 1946, ông cùng Vương Chí Sình xuống Hà Nội, nhân vật quan trọng mà ông được thông báo trong buổi gặp ấy không ai khác đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đang lãnh đạo cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, tên tuổi đã nổi tiếng khắp mọi nơi. Sau lần gặp gỡ ấy, cảm phục trước con người Hồ Chí Minh ông đã quyết tâm theo Bác, lên tiếng ủng hộ cách mạng và tuyên truyền những ưu việt của cách mạng với người Mông trên toàn bộ cao nguyên đá.
Cũng trong năm này, khi “tuần lễ vàng” được phát động, ngoài việc vận động nhân dân trong tỉnh đóng góp ngân khố cho cách mạng, với tư cách một người thân tín, Vù Mí Kẻ đã tới vận động Vương Chí Sình đóng góp. Sau hơn hai giờ nói chuyện, bằng tài thuyết khách của mình, Vương Chí Sình đã nghe ông, quyết định đem số tài sản khổng lồ gồm 22.000 đồng bạc trắng hoa xòe và 9kg vàng để góp quỹ. Vàng, bạc được góp, Vương Chí Sình đã tin cẩn giao cho Vù Mí Kẻ nhiệm vụ áp tải số tài sản đó về Hà Nội để bàn giao cho chính quyền cách mạng.
Chuyện trò, tôi hỏi ông về một kỷ niệm lớn lao nhất trong đời, đôi mắt đã chuyển màu thời gian của ông chợt xốn xang, ông như trẻ lại. Và cái mà ông nhớ nhất, lưu lòng nhất đấy là những lần gặp Bác. Là người có vinh dự vì đã được Bác mời cơm riêng độ 10 lần tại Phủ Chủ tịch thì in đậm trong tâm trí ông nhất ấy là lần đầu tiên gặp Bác ở kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II, khi ông đã là một lãnh đạo, một người theo cách mạng toàn tâm, toàn ý. Ông bảo lần ấy, giữa ngút ngàn Đại biểu Quốc hội đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, ai Bác cũng dành cho những sự quý trọng. Nhưng có lẽ sự chú ý của người luôn dành cho các Đại biểu người dân tộc như ông, vì theo Bác, người dân tộc thiểu số ở nơi xa xôi, khó khăn về điều kiện sống và khó khăn trong sự đi lại.
Cũng trong lần này, cuối buổi, công việc họp hành đã lấy của Bác khá nhiều sức, ấy thế mà Bác đã không về ngay mà tìm đến nói chuyện với các Đại biểu là người dân tộc và mời họ ăn cơm riêng. Trong bữa cơm đầu tiên ấy, Bác đã hỏi ông Kẻ rất nhiều điều nhưng do xúc động nên ông không trả lời được. Ông vẫn nhớ nhất câu nói của Bác với ông cũng như các đại biểu khác: Cán bộ phải coi mình là đầy tớ của nhân dân. Là đầy tớ thì phải khổ. Mình khổ thì dân mới được hạnh phúc.
Chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời ông Kẻ còn là Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tuyên.
Sau buổi gặp ấy, Bác đã đưa các ông về Hà Tây thăm ruộng đồng và dạy cấy lúa. Không ngờ một lãnh đạo tối cao và anh minh như Bác cũng xắn quần, cũng lội ruộng cầm mạ cấy như mọi người nông dân khác. Bác bảo riêng với ông Kẻ, cháu ở vùng cao, trên ấy người Mông trồng ngô và trồng lúa nương. Nhưng làm như vậy năng suất sẽ không cao được vì phải phụ thuộc vào ông trời. Cháu phải học cấy để về vùng cao dạy dân mở ruộng cấy lúa lấy thóc ăn cho no bụng. Phải có thóc, phải no bụng thì mới làm được nhiều việc. Từ buổi đầu tiên và những buổi được gặp Bác sau này ông và tất cả mọi người đều coi Bác như cha như mẹ và luôn cố gắng phấn đấu để không phụ lòng Người. Cái phục nhất của ông với Bác là Bác nói gì thì Bác làm được đó. Không lý thuyết suông, không kinh kệ sách vở. Bác là sự hòa đồng của tất cả dân tộc, mọi con người, mọi nghề nghiệp, từ quân sự, chính trị đến những việc làm của một nông dân bình thường Bác cũng đều làm được hết.
Tuy là cán bộ tiền khởi nghĩa, một cán bộ uy tín của tỉnh, nhưng noi gương Bác, ông Kẻ đã toàn tâm toàn ý với công việc của mình. Ông không vụ lợi, hết tuổi công tác, ông về. Không nhà cao cửa rộng mà ông chỉ nhận một căn hộ nhỏ nằm trong khu tập thể lắp ghép thời bao cấp cũ kỹ của tỉnh. Giờ, ngoài sinh hoạt với tổ hưu và tham gia các công tác đoàn hội ông lại dành thời gian để dạy dỗ con cháu và tập thể dục để giữ sức khỏe bằng cách đi bộ. 89 tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng, ông vẫn tâm niệm: Tất cả những gì ông có hiện nay là đều do Bác chỉ đường, dẫn lối.
Bài và ảnh: Đức Tuyền