ACV và những “lình xình” chuyện “sân sau” tại sân bay Nội Bài

Thứ năm, 19/04/2018 07:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Cùng nằm trong “hệ sinh thái” ACV – Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam, nhưng đằng sau những Công ty “con” là một hệ thống chằng chịt những công ty “cháu”, công ty “chắt” do các cá nhân sở hữu cổ phần chi phối…

Điểm mặt những “sân sau”

Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), trên cơ sở sáp nhập ba cụm cảng hàng không, với hơn 20 sân bay và các dự án hạ tầng hàng không cả nước. 

5 năm sau quyết định ấy, ACV giờ là “siêu” Tổng Công ty Cổ phần, độc quyền khai thác các sân bay nhà nước, với hàng nghìn tỷ đồng sai phạm vừa “được” Thanh tra Chính phủ kết luận. Nhưng vẫn còn hàng nghìn tỷ đồng doanh thu khác được đẩy vào “sân sau” của doanh nghiệp kinh doanh sân bay này, thì chưa được cơ quan nào “sờ” tới.

Dẫn chứng, trong cơ cấu tổ chức của mình, ACV có 3 công ty con, công ty liên kết hoạt động tại khu vực sân bay Nội Bài. Đó là Công ty Cổ phần dịch vụ nhiên liệu hàng không Nội Bài (NAFSC) – chuyên cung cấp nhiên liệu máy bay, Công ty Cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) – chuyên cung cấp các dịch vụ mặt đất, hành khách tại sân bay, và Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa hàng không (ACSV) – chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới hàng hóa hàng không. 

Đằng sau những doanh nghiệp này lại là một hệ thống các công ty con nữa, sở hữu chằng chịt. Cụ thể, Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài cùng Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế góp vốn thành lập Công ty Cổ phần logistics hàng không (ALS). Đây là công ty chuyên lo các phần việc thủ tục, vận chuyển hàng hóa hàng không của ACV... 

Công ty ALS lại tiếp tục góp vốn cùng Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế… thành lập Công ty Cổ phần dịch vụ sân bay (ASG), chuyên lo thủ tục các hàng hóa, dịch vụ giá trị cao cho các khách hàng của ACV và sân bay Nội Bài.

Việc góp vốn, liên doanh để mở rộng sản xuất kinh doanh là chuyện bình thường. Song, điều đáng lưu ý, đến “cấp” doanh nghiệp thứ 2, 3 này, phần vốn của các công ty con thuộc ACV đã giảm hẳn, mà phần lớn vốn góp thuộc về các công ty TNHH hoặc cá nhân. 

Tại ALS, hiện vốn của Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài chỉ còn 10,063% vốn điều lệ. “Nối dài” tới Công ty ASG, tỷ lệ nắm giữ điều lệ của ALS chỉ còn chưa tới 5%, trong khi một công ty TNHH và một cá nhân còn lại nắm gần 78%. 

Cách đầu tư và bố trí công việc này đưa tới kết quả là những phần việc lợi nhuận tốt nhất trong chuỗi dịch vụ hàng không mà ACV khai thác độc quyền đã tự nhiên rơi vào những doanh nghiệp về danh nghĩa thuộc Tổng Công ty, nhưng thực tế lại là của một số cổ đông cá nhân, hoặc doanh nghiệp ngoài ACV.

Những doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với ACV, hoặc công ty con của ACV mặc nhiên được thuê trụ sở, thuê kho ngay trong khu vực sân bay Nội Bài – một điều mà ngay các doanh nghiệp khác không thể “mơ” tới. 

Đương nhiên, theo quy định về công ty cổ phần: ai nắm giữ nhiều cổ phiếu người đó sẽ được hưởng nhiều lợi nhuận hơn. Nói cách khác, độc quyền kinh doanh ACV có đã chuyển hóa thành một dạng biệt đãi với các công ty sân sau mà các cơ quan chức năng khó có thể lần tới.

Báo Công luận
ACSV là một trong những công ty con của ACV. 

HGS và pha “đánh võng” với đặc quyền của ACV

Ai cũng hiểu, khai thác các dịch vụ có yêu cầu rất cao về an ninh và chất lượng như sân bay là một loại hình kinh doanh đặc thù. Dù mọi doanh nghiệp đều mong muốn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu ấy để kinh doanh trong sân bay. ACV đã khai thác và biến các dịch vụ trong sân bay thành đặc quyền dành cho chuỗi công ty “con”, công ty “cháu”, trong đó có Công ty Cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội - HGS.

HGS được thành lập ngày 2/4/2015 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó, ACV chỉ nắm 20% vốn điều lệ, 80% còn lại được nắm bởi 3 cổ đông pháp nhân khác. Năm 2017, chỉ sau 2 năm thành lập, ACV có tờ trình xin được thoái 20% cổ phần vốn điều lệ đang nắm giữ tại HGS và được Bộ GTVT đồng ý. 

Tại thời điểm này, HGS đang cung cấp và nắm khoảng 30% thị trường dịch vụ mặt đất tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, với khoảng 350 – 400 tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Số doanh thu này tuy vậy vẫn không phản ánh nhiều về tiềm lực thực sự của HGS, vì hiện tại doanh nghiệp này nắm trong tay các hợp đồng cung cấp dịch vụ với các hãng bay hàng đầu thế giới.

Trong số các cổ đông sáng lập của HGS, đầu tiên là Cty CP Cung cấp thiết bị và dịch vụ bảo dưỡng hàng không là cổ đông lớn nhất, nắm 30% vốn điều lệ HGS. Công ty này do Công ty TNHH Danh Minh và ông Nguyễn Tuấn Anh nắm 80% vốn điều lệ. 

Trong đó, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của HGS. Như vậy sau khi ACV thoái vốn, Chủ tịch HĐQT của HGS chính là người sẽ được mua cổ phần HGS với số lượng lớn nhất. 

Các cổ đông còn lại của HGS, tương tự, cũng đều là các Cty TNHH với những cổ đông chủ chốt mà tên còn xuất hiện thêm trong một số doanh nghiệp cổ phần có quan hệ chặt chẽ với ACV.

Sự lạ lùng của câu chuyện này đầu tiên xuất hiện từ “đề xuất thoái vốn” tại HGS. Có thể thấy ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, ACV đã chủ động chỉ nắm 20% vốn điều lệ của HGS. Và lập tức sau khi được thành lập, HGS đã được ACV tạo điều kiện để hiện nắm được tới 30% thị phần dịch vụ tại sân bay Nội Bài.

 Chưa đầy 2 năm sau đó, ACV rút vốn khỏi HGS, hoàn thành thương vụ hỗ trợ HGS “thò chân” vào thị trường dịch vụ hàng không béo bở và đầy đặc quyền tại sân bay Nội Bài.

Bí ẩn cổ phần hóa ACSV

Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được thành lập từ tháng 4/2009, với chức năng chính cung cấp các dịch vụ liên quan tới vận tải hàng hóa cho các hãng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

 Đến năm 2012, Công ty chuyển đổi mô hình sang thành Trung tâm dịch vụ ga hàng hóa Nội Bài, trực thuộc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (thuộc ACV).

Tháng 6/2015, trung tâm được cổ phần hóa với vốn điều lệ 250 tỷ đồng, và chính thức mang tên ACSV cho đến nay. ACSV là công ty “được chọn là đại diện tiên phong của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thực hiện chuyển đổi vốn chủ sở hữu từ nhà nước sang tư nhân thông qua quá trình cổ phần hóa”. 

Đây cũng là nỗ lực nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải và ACV.

Tuy nhiên, theo nhiều người lao động, lợi ích từ việc tái cơ cấu bằng cổ phần hóa này hóa ra lại không hề “lọt” tới người lao động tại ACSV thời điểm đó, bởi có đến 5 pháp nhân chia nhau 100% cổ phần ACSV thời điểm thành lập doanh nghiệp. 

Chưa hết, trong số 5 cổ đông pháp nhân sáng lập, có đến 4 pháp nhân chia nhau góp tới 80% vốn điều lệ của ACSV đều là doanh nghiệp tư nhân, gồm: Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Thăng Long nắm 20% vốn điều lệ (tương đương 50 tỷ đồng), Công ty TNHH đầu tư HMG Việt Nam nắm 30% (tương đương 75 tỷ đồng), Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng bất động sản Lanmak nắm 20% vốn điều lệ (tương đương 50 tỷ đồng), cuối cùng là Công ty cổ phần chứng khoán IB nắm 10% vốn điều lệ (tương đương 25 tỷ đồng). 

Trong khi đó, Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Thăng Long và Công ty TNHH đầu tư HMG Việt Nam cùng các cổ đông của những công ty này tiếp tục tham gia sở hữu cổ phần tại nhiều doanh nghiệp khác đang nắm giữ những phần việc dịch vụ béo bở nhất liên quan tới hàng không tại sân bay Nội Bài.

Vì sao người lao động tại sân bay Nội Bài, hay sân bay Tân Sơn Nhất không tham gia vào quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tốt nhất của ACV hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. 

Trong khi đó, kết luận gần đây nhất của Thanh tra Chính phủ về hoạt động của ACV tuy có nội dung về công tác cổ phần hóa tại Tổng Công ty này, nhưng lại không có dòng nào nói về cổ phần hóa tại hai doanh nghiệp hiện nắm thị phần dịch vụ lớn nhất tại sân bay Nội Bài (ACSV và HGS), cũng là những đơn vị có nhiều hợp đồng dịch vụ với nhiều hãng hàng không thế giới nhất. 

Với những hợp đồng này, hai doanh nghiệp nói trên “mặc định” được sử dụng cơ sở vật chất tại sân bay được đầu tư bằng vốn Nhà nước và vốn vay nước ngoài để kinh doanh, tạo lợi nhuận cho một nhóm các cá nhân chủ các doanh nghiệp nắm giữ phần lớn nhất vốn điều lệ tại đây, đồng thời triệt tiêu luôn tính cạnh tranh dịch vụ trong khai thác sân bay.

Nhóm PVPL

 

Tin khác

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra
Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

(CLO) Công ty CP Tập đoàn Thuận An là nhà thầu quen thuộc với nhiều công trình xây dựng trên cả nước, riêng tại Hà Nội nhà thầu này góp mặt tại 5 gói thầu, với tổng giá trị 778,372,534,000 VND.

Điều tra
Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

(CLO) Mặc dù đang nợ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng Công ty TNHH xây dựng và TM Lam Sơn vẫn được UBND thị xã Nghi Sơn phê duyệt trúng gói thầu trị giá gần trăm tỷ đồng.

Điều tra