Theo thông tin từ Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Nhà máy ô tô thương mại Samco (SCV) tọa lạc tại lô E3, E4 Khu công nghiệp Cơ khí ô tô TPHCM ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi có diện tích gần 40.000m2. Tổng vốn đầu tư hơn 114 tỷ đồng với công suất 1.000 xe/năm.
Dự án Nhà máy ô tô thương mại Samco (SCV) có diện tích gần 40.000m2. Tổng vốn đầu tư hơn 114 tỷ đồng với công suất 1.000 xe/năm.
Dự án được khởi công từ tháng 11/2014 và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2015. Nhà máy sản xuất ô tô thương mại Samco sử dụng công nghệ tiên tiến của Fuso (Nhật Bản) và là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam được Công ty TNHH Mercedes Benz Việt Nam chọn làm đối tác chiến lược để sản xuất ra dòng xe khách 29 chỗ mang thương hiệu Fuso Rosa.
Tuy nhiên, đến tháng 12/2017 thì dòng xe khách Fuso Rosa cũng đã không còn tiếp tục được sản xuất tại Samco mà chuyển giao cho một đơn vị khác.
Mặc dù dự án "khủng" SCV bị tạm ngưng nhưng thông tin từ Samco cho thấy những con số khá "lạc quan". Cụ thể, báo cáo tài chính bán niên 2018 của Tổng công ty Samco, doanh thu thuần 6 tháng 2018 đạt 2.454 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 312 tỷ đồng, tăng trưởng 40%.
Ai chịu trách nhiệm trong việc "đóng cửa" nhà máy ô tô Samco?
Tăng trưởng lợi nhuận của Samco đến từ khoản lợi nhuận đột biến hơn 203,8 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Cùng kỳ 2017, khoản lợi nhuận này chỉ ở mức 12 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý II/2018, tổng tài sản của Samco đạt 6.394 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 43%, tương đương 2.763 tỷ đồng.
Báo cáo của Samco với những con số "đẹp". Tuy nhiên, không thấy Samco đề cập gì đến dự án nhà máy ô tô thương mại Samco - SCV thua lỗ đến mức phải chấm dứt hoạt động. Trong "Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TPHCM giai đoạn 2013 - 2017", cũng không thấy Samco báo cáo nội dung liên quan đến SCV với cơ quan đại diện chủ sở hữu là UBND TPHCM.
Không chỉ "quên" báo cáo việc thua lỗ tại SCV, trong "Báo cáo sơ kết công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018" cũng có những phần được cho là thiếu trung thực.
Cụ thể, ở cột lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng 2018 trong báo cáo trên, Samco ghi là 988,051 tỷ đồng. Thế nhưng, con số chính xác khi cộng lại chỉ là... 875, 965 tỷ đồng.
Ngoài ra, cũng tại báo cáo trên, nếu nhìn vào Bảng tổng hợp kết quả kinh doanh tổng công ty ước 6 tháng năm 2018 có thể dễ dàng nhận thấy 80% lợi nhuận của Samco đến từ các liên doanh, còn lại chỉ khoảng 20% lợi nhuận của Samco là thu từ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Samco.
Bảng tổng hợp kết quả kinh doanh tổng công ty ước 6 tháng năm 2018 có nhiều con số bị "vênh"?!
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, một mảng rất lớn tại Samco đó là mảng dịch vụ, nhưng kết quả của mảng này cũng không mấy khả quan. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu chỉ có... 8% (bằng lãi suất ngân hàng), nếu tính cả liên doanh, còn nếu tách ra riêng 100% vốn Nhà nước thì tỷ suất lợi nhuận này chỉ có... 1%. Doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm giảm trên 1.000 tỷ so với cùng kỳ.
Kết quả chính đến từ 2 mảng kinh doanh: liên doanh và vận chuyển. Đối với liên doanh thì Samco không nắm chi phối. Đối với mảng vận chuyển, chủ yếu đến từ các công ty cổ phần. Điều này cho thấy, Nhà nước cần đẩy nhanh phương án cổ phần hóa, thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp sớm (trong đó có bộ máy nhân sự) thì mới có thể mang lại hiệu quả cao hơn. Thiết nghĩ, với một khối tài sản đang nắm giữ như Samco, nếu biết khai thác tốt thì sẽ mang về cho Nhà nước lợi nhuận nhiều hơn rất nhiều so với hiện nay.
Được biết, lãnh đạo hiện tại của Samco là ông Nguyễn Hồng Anh, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc. Đây là 2 "thuyền trưởng" trực tiếp quản lý, điều hành "con thuyền" Samco.
P.V