An ninh mạng đang trở thành mối quan ngại chung của quốc tế và nhiều nước châu Âu đang cân nhắc các biện pháp tăng cường an ninh, sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa đến từ không gian mạng.
[caption id="attachment_144143" align="aligncenter" width="660"]
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)[/caption] Phát biểu với báo giới ngày 9/1 tại thủ đô Berlin, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định nội giới chức nước này đang nhìn nhận một cách nghiêm túc về các mối đe dọa can thiệp chính sách quốc nội của đất nước, bao gồm cả thông qua không gian mạng. Theo ông, chính phủ cần tăng cường các biện pháp đối phó, cũng như luôn sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp hay các vấn đề tương tự. Cùng ngày, giới chức Litva tuyên bố hủy bỏ kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu lớn nhất thuộc sở hữu tư nhân. Nguyên nhân của quyết định này cũng xuất phát từ những lo ngại bị tấn công mạng. Điều này càng đặc biệt nghiêm trọng sau những cáo buộc gần đây của Mỹ đối với Nga cho rằng Moskva đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016. Trong một thông báo, người đứng đầu cơ quan an ninh của Chính phủ Litva Darius Jauniskis (Đa-ri-út Gia-u-ni-xkít) cho biết cơ quan này quan ngại về "các mối liên quan," bởi trong số các cổ đông tham gia dự án xây dựng trung tâm nói trên có Cơ quan An ninh LB Nga (FSB). Trước đó, ngày 6/1, các cơ quan tình báo Mỹ đã công bố bản đánh giá, trong đó nhận định rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, cụ thể Cơ quan Tình báo quân đội (GRU) của Nga đã sử dụng các công cụ trung gian như trang mạng WikiLeaks, DCLeaks.com và Guccifer 2.0 để phát tán các bức thư điện tử thu thập được từ Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, cũng như từ các chính khách Dân chủ hàng đầu khác. Cho tới nay, Nga phủ nhận mọi cáo buộc của Chính phủ Mỹ về việc Moskva tấn công mạng nhằm vào chiến dịch bầu cử tại Mỹ./.
Theo TTXVN