Năm của các sự cố
Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng, 11 tháng của năm 2018, cả nước xảy ra 79 sự cố liên quan đến an toàn hàng không. Trong đó, có 2 sự cố nghiêm trọng (mức B), 8 sự cố uy hiếp an toàn mức cao (mức C) và 69 sự cố uy hiếp an toàn (mức D).
Đây thực sự là một con số đáng báo động về công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động hàng không dân dụng. Đối với hàng không, chỉ một sự cố xẩy ra đã là quá nhiều vì hậu quả sẽ là rất thảm khốc. Có thể điểm lại một số các sự cố nghiêm trọng như:
Ngày 11/4, máy bay của Vietjet Air đi từ Đà Nẵng - TP.HCM bị hỏng hai động cơ cùng một lúc khi vừa mới cất cánh khỏi đường băng và chỉ mới lên độ cao hơn 1.200 mét.
May mắn là sự cố đã được phát hiện sớm và ngay lập tức cơ trưởng đã quyết định quay trở lại sân bay Đà Nẵng và hạ cánh chỉ sau 39 phút khởi hành, bảo đảm an toàn cho 213 hành khách.
Máy bay Vietjet Air gặp sự cố nghiêm trọng khi hạ cánh tại sân bay Buôn Ma Thuột. Ảnh: L. Dương.
Ngày 29/4, máy bay của Vietnam Airlines số hiệu VN7344, loại máy bay A321, bay chặng TP.HCM - Cam Ranh đã hạ cánh xuống đường băng CHC số 2 chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Rất may không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra, và Vietnam Airlines đã phải lên tiếng xin lỗi hành khách.
Trong khi những sự việc trên chưa lắng xuống thì mới đây nhất, sự cố xảy ra đối với máy bay của hãng hàng không Vietjet Air lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo đảm an toàn hàng không.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, vào lúc 23h03 phút ngày 29/11/2018, chuyến bay VJ356 của hãng hàng không Vietjet Air bay từ Tp. Hồ Chí Minh đi Buôn Ma Thuột đã gặp sự cố nghiêm trọng.
Hai bánh trước của tàu bay đã bị sự cố trong quá trình hạ cánh. Rất may mắn là tàu bay đã dừng lại an toàn trên đường cất hạ cánh tại sân bay Buôn Ma Thuột. Toàn bộ 207 hành khách đã thoát hiểm an toàn.
Trong đó, có 06 hành khách bị chấn thương đã được đưa vào bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để kiểm tra sức khỏe. Hiện tại, cả 6 hành khách đã được xuất viện với tình trạng sức khỏe bình thường.
Tuy nhiên, từ góc độ an toàn hàng không, rõ ràng sự cố này là một tình huống trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của 207 hành khách và toàn bộ phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay.
Được biết, chuyến bay VJ356 được thực hiện bởi tàu bay A321 số đăng ký quốc tịch VN-A653 được hãng hàng không Vietjet Air mới tiếp nhận từ nhà chế tạo Airbus và đưa vào khai thác thuơng mại từ ngày 15/11/2018.
Vấn đề an ninh hàng không cũng đang rất đáng báo động khi thời gian qua, tình trạng xâm nhập trái phép, gây rối tại sân bay, vận chuyển vũ khí, hàng cấm, hàng lậu diễn biến rất phức tạp.
Điển hình như: Ngày 03/3/2018, một nam thanh niên chỉ mất thời gian 11 giây để vượt qua nhiều chốt an ninh tại sân bay Vinh (Nghệ An), trước khi đột nhập lên 01 máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Hay như gần đây nhất, khoảng 14h20 ngày 23/11, một nhóm người đã vào sân bay Thọ Xuân tiễn bạn đi TP HCM. Họ yêu cầu nhân viên hàng không Lê Thị Giang chụp ảnh chung nhưng chị Giang từ chối do đang làm việc.
Không được đáp ứng, nhóm người này đã chửi bới, tát vào mặt và đạp ngã chị Giang. Một nữ cán bộ quản lý chứng kiến chạy ra can thì bị đấm vào đầu, đạp ngã. Hai nhân viên an ninh cũng bị một thanh niên giật mũ, đấm vào người...
Ngày 25/11, Công an huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) đã khởi tố nhóm thanh niên để điều tra tội danh gây rối trật tự công cộng. Đồng thời, Cảng vụ hàng không miền Bắc cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính bốn nhân viên an ninh sân bay Thọ Xuân do không làm đúng quy định tại sân bay.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Điều may mắn nhất là các sự cố nói trên chưa để lại những hậu quả nghiêm trọng, hành khách có mặt trên các chuyến bay có sự cố đều được bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, không thể mãi mong chờ vào sự may mắn.
Tàu bay số hiệu VN7344 từ TP. HCM đi Cam Ranh đã hạ cánh nhầm đường băng chưa đưa vào khai thác tại Cam Ranh. Ảnh: GT.
Với hàng loạt các sự cố nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, đã đến lúc ngành hàng không dân dụng Việt Nam và các hãng hàng không như Vietjet Air, Vietnam Airlines… cần nghiêm túc kiểm tra lại công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không cho mỗi chuyến bay.
Theo đó, các hãng hàng không và các tổ chức bảo dưỡng rà soát, bố trí hợp lý nguồn lực gồm nhân viên bảo dưỡng tàu bay, vật tư dự phòng, dụng cụ trang thiết bị… tại các cảng hàng không nhằm tăng cường năng lực khắc phục hỏng hóc, sự cố tàu bay, giảm tối đa thời gian dừng tàu bay do hỏng hóc kỹ thuật.
Đặc biệt, thành viên các tổ bay, tiếp viên hàng không phải tuân thủ nghiêm các quy trình khai thác tiêu chuẩn đã được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.
Trong đó, chú trọng công tác chuẩn bị trước chuyến bay đảm bảo đầy đủ các thông tin cần thiết cho chuyến bay, nghiên cứu kỹ sơ đồ sân bay hạ cánh, điều kiện thời tiết tại sân bay hạ cánh; phối hợp kiểm tra chéo các thông tin quan trọng trong quá trình bay; tuân thủ quy định về khai thác tàu bay trong điều kiện thời tiết bất lợi (gió đứt, gió giật, gió cạnh, gió đuôi, mưa giông lớn, tầm nhìn giảm đột ngột …) tại các cảng hàng không, sân bay.
Đối với các cảng hàng không có mật độ bay cao như Nội Bài, Vinh, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cát Bi..., cơ quan chức năng cần tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư các trạm ADS-B, trạm ra đa PSR/SSR nhằm tăng cường đảm bảo an toàn hoạt động bay; phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra canh gác bảo đảm an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, đặc biệt cơ sở cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động bay.
Yếu tố con người luôn là mấu chốt và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các rủi ro uy hiếp an ninh, an toàn hàng không. Cả 2 sự cố nghiêm trọng và 6 sự cố uy hiếp an toàn mức cao xảy ra đều liên quan đến nhân viên hàng không.
Chất lượng lực lượng An ninh hàng không ở các sân bay cũng không đồng đều. Tại một số sân bay địa phương, dù chất lượng nhân viên an ninh không phải là tồi, song phản ứng chưa nhanh, hành xử chưa thực sự chuyên nghiệp.
Nhân viên hàng không bị hành hung mà nhân viên an ninh đứng lơ ngơ, không thể xử lí được tình huống như vậy là điều khó có thể chấp nhận. Ngành hàng không và các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air… cần bổ sung thêm nhân sự, đào tạo và đào tạo lại để nâng cao chất lượng an ninh tại các sân bay.
Với hàng không, xảy ra một vụ tai nạn cũng đã là quá nhiều vì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng nên cần tuyệt đối nâng cao cảnh giác.
Đảm bảo an ninh, an toàn cho mỗi chuyến bay không chỉ là đảm bảo cho sự phát triển của các hãng hàng không mà còn là sự đảm bảo tính mạng của hàng trăm triệu lượt hành khách trên các chuyến bay mỗi năm.
Quan trọng hơn, nó còn là sự đảm bảo cho an ninh, an toàn xã hội và là hình ảnh đẹp của Quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.
Hoàng Thao