Theo ông Craig Chittick, Việt Nam và Australia cũng đã có nhiều hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, như 05 năm hợp tác về biến đổi khí hậu, 20 năm hợp tác cùng phát triển Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều năm hợp tác trong khai thác khoáng sản bền vững. Đặc biệt, nhiều nhà khoa học của Australia đã đến làm việc và hỗ trợ trực tiếp cho Chính phủ Việt Nam chính là sự thể hiện tuyệt vời nhất cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn những lời nói tốt đẹp về hợp tác giữa Chính phủ và nhân dân hai nước cũng như tình cảm và sự quan tâm của Ngài Đại sứ đối với ngành tài nguyên và môi trường.
Bộ trưởng cho biết, trước đây, Việt Nam đã chú trọng vào phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đúng mực đến xử lý những vấn đề môi trường và khai thác tài nguyên bền vững. Sau Đại hội Đảng lần thứ XII, Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy phải thay đổi tư duy và mô hình phát triển, đó là hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
“Để thực hiện những thay đổi lớn như vậy, Việt Nam rất mong muốn học tập kinh nghiệm của các nước phát triển hàng đầu như Australia về các chính sách, chiến lược và cách thức quản lý tài nguyên và môi trường.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Về các lĩnh vực ưu tiên hợp tác, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong 08 lĩnh vực mà Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là hai vấn đề “nóng” cần được ưu tiên hiện nay. Bên cạnh đó, về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, việc đánh giá được tiềm năng nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Việt Nam.
[caption id="attachment_123456" align="aligncenter" width="650"]
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam hiện nay đã thay đổi tư duy và mô hình phát triển, đó là hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet)[/caption]
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ Australia tiếp tục thúc đẩy hợp tác truyền thống giữa hai nước về khai thác khoáng sản trong Sáng kiến hợp tác khoáng sản bền vững Việt Nam - Australia. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác toàn diện từ xây dựng cơ chế, chính sách; tăng tính minh bạch trong khai thác khoáng sản; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Australia tham gia khai thác khoáng sản bền vững tại Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề cập đến tình hình khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mê Công và những vấn đề đặt ra đối với Đồng bằng sông Cửu Long khi các nước thượng nguồn xây dựng nhiều đập thủy điện trên dòng chính của sông Mê Công và trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
“Tình hình này đặt ra cần phải thúc đẩy một khuôn khổ pháp lý về chia sẻ lợi ích nguồn nước giữa các quốc gia; có cơ chế trao đổi thông tin để giám sát dòng chảy, dự báo khí tượng thủy văn nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân ở hạ nguồn; đồng thời, đặt ra yêu cầu cần thay đổi kịch bản quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Trước những ưu tiên phát triển mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề cập, ông Craig Chittick khẳng định sẽ kiến nghị Chính phủ Australia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết bền vững các vấn đề như quản lý môi trường, khai thác khoáng sản, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước sông Mê Công hiệu quả.
Giang Phan