Bà mẹ có hơn 30 con giữa lòng Thủ đô

Thứ sáu, 08/03/2019 12:47 PM - 0 Trả lời

(CLO) Năm nay đã 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Đỗ được các cán bộ và các con trong Làng trẻ em SOS Hà Nội gọi với cái tên thân thương “mẹ Đỗ”. Suốt hơn 30 năm qua, bà đã làm mẹ của hơn 30 người con tại mái ấm đặc biệt này...

Bà Nguyễn Thị Đỗ rạng rỡ khi kể về những đứa con ở làng trẻ em SOS Hà Nội. Ảnh: P.V.

Bà Nguyễn Thị Đỗ rạng rỡ khi kể về những đứa con ở làng trẻ em SOS Hà Nội. Ảnh: P.V.

Khát khao nghe hai tiếng “mẹ ơi”

Đó là lời chia sẻ của “mẹ Đỗ” (quê Sóc Sơn, Hà Nội) khi chúng tôi hỏi lý do tại sao bà lại quyết định trở thành một bà mẹ của Làng trẻ em SOS Hà Nội.

“Tôi vào ở đây cũng đã được 30 năm, là một trong những bà mẹ đầu tiên của làng và cũng là bà mẹ nhiều tuổi nhất. Tính đến nay cũng đã nuôi nấng được 30 người con rồi”, bà Đỗ chia sẻ.

Bà kể trước kia bà đã từng có một cuộc hôn nhân hơn chục năm trời nhưng bà không có may mắn được làm mẹ như những người phụ nữ khác. “Hạnh phúc thì có nhưng tương lai thì không.

Dù chạy chữa khắp nơi nhưng chắc do trời không thương. Ông ấy lại là con trai một, vậy nên tôi quyết định ra đi cũng là cách để giải thoát cho cả hai, để ông ấy đi tìm những hạnh phúc riêng cho mình”.

Cho đến một ngày, Làng trẻ em SOS Hà Nội tuyển người làm mẹ, tình nguyện chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Ngay khi biết tin, bà Đỗ đã đăng ký thi tuyển vào làng: “Lúc đấy mình cũng chỉ mới nghe sơ qua chứ cũng chưa mường tượng được cụ thể về tổ chức, vào đó sẽ có những khó khăn vất vả ra sao. Nhưng vẫn cứ quyết tâm đi”

Ngày tôi đi, gia đình ai cũng khóc. Mẹ tôi thì cứ nói ở nhà cho có mẹ có con chứ vào đấy nào ai có biết rồi sướng khổ thế nào.

Nhưng cái niềm khát khao cháy bỏng được nghe hai tiếng “mẹ ơi” cùng với tình yêu thương trẻ đã thôi thúc bà Đỗ đến với ngôi làng trẻ em SOS Hà Nội. “Tôi chỉ nói vỏn vẹn với mẹ rằng mẹ cứ yên tâm để cho con đi mà không ai ngăn cản được”, bà Đỗ tâm sự.

Vừa làm mẹ, vừa làm cha

Sau những ngày “tập huấn” kiến thức về làm mẹ, bà Đỗ chính thức nhận nhà và những đứa trẻ đầu tiên của mình. Khó khăn bắt đầu đến với người phụ nữ chưa một lần làm mẹ.

“Mình sinh con bao giờ đâu mà biết nuôi một đứa trẻ sẽ thế nào. Đã vậy một lúc làm mẹ của hơn 10 đứa. Vừa mừng mà cũng vừa lo. Các con lại không cùng huyết thống, mỗi đứa một tính một nết, từ tứ phương về đây, không biết rồi anh chị em nó có biết hòa thuận yêu thương nhau hay không”.

Nhớ lại những kỷ niệm của ngày đầu làm mẹ, bà Đỗ bùi ngùi: “Thương chúng nó lắm, không nơi nương tựa, vì hoàn cảnh mà vào đây. Nhớ nhất có lẽ là những lúc đón các con về, cũng là lần đầu gặp gỡ. Tôi trực tiếp được làng đưa ô tô đi về các quận, huyện, xã để đón con.

Không phải trẻ nào cũng ngay lập tức theo các mẹ về. Có những lần bắt buộc mình phải nói dối vì con cứ bảo cha mẹ con tai nạn mất hết rồi, con không chịu theo về làng.

Thế là phải nói do mẹ ốm, mẹ nằm viện. Giờ mẹ khỏi rồi, mẹ về đón con. Đúng là không được phép nói dối nhưng lúc ấy không biết làm thế nào. Sau này khi các con lớn mình mới dám nói thật.

Với những trẻ lớn hơn, nhiều khi các con cũng hay tủi thân, lại bảo “Giờ con chẳng biết đi đâu” Nghe mà tội nghiệp. Lúc ấy mình cũng chỉ biết vỗ về: “Sao con lại nói thế, có mẹ ở đây mà! Mẹ đi đâu thì con đi đó”.

Vất vả nhất là khi chăm những em bé sơ sinh. Khi đó cơ sở vật chất ở làng chưa được đủ đầy, hoàn thiện như bây giờ. Bà Đỗ phải bê bếp điện lên tận phòng pha sữa cho con uống. Phải mua vải về tự cắt làm tã chéo, nhờ các mẹ khác cùng khâu giúp.

Riêng các mẹ trong Làng trẻ em SOS chăm trẻ sơ sinh khó khăn hơn bình thường rất nhiều. Đêm hôm con khóc quấy các bà mẹ khác có thể ngay lập tức cho con ăn sữa mẹ, nhưng những bà mẹ ở đây phải dậy, phải pha sữa ngoài cho con.

“Nhà lại đông, các anh các chị tuy lớn nhưng cũng không thể giúp nhiều. Mình vừa làm mẹ, vừa phải làm cha. Cái quan trọng nhất vẫn là tình thương dành cho các con. Có tình thương, lòng kiên trì thì mình mới vượt qua được tất cả những khó khăn ấy”, bà Đỗ chia sẻ

Gieo yêu thương, gặt hạnh phúc

Nhìn lại quá trình 30 năm gắn bó với ngôi nhà SOS, bà Đỗ không giấu nổi bồi hồi khi nhắc tới những đứa con của mình. Bà cười, nhìn chúng tôi nói với giọng đầy tự hào: “Các con đứa nào cũng để lại cho mẹ những ấn tượng khó quên, đứa nào cũng dành sự yêu thương, quan tâm đến mẹ. Ngẫu nhiên mình có một đàn con gọi mình là mẹ, giờ thì có một đàn cháu gọi là bà thì vô cùng hạnh phúc và sung sướng”.

Khi những đứa trẻ nam ở Làng trẻ em SOS Hà Nội đến 15 tuổi, các em sẽ phải chuyển sang ở khu lưu xá thanh niên, còn các trẻ gái sẽ ở với mẹ cho đến khi 18 tuổi. Bà Đỗ kể: “Giây phút chia tay các con vừa buồn vừa lo. Ngày thường ở với mẹ, mẹ lo cho giờ các con phải tự chăm sóc cho mình. Nhưng mà các con cũng phải lớn khôn, tự bươn chải với cuộc sống”.

Với khuôn mặt luôn rạng rỡ cười, dáng người nhanh nhẹn, ít ai biết được bà Đỗ đã ở độ tuổi 70, bà nói: “Tôi ở tuổi 70 chỉ tội gầy thế thôi chứ còn khỏe dai lắm. Hôm qua là ngày mừng thọ của tôi, các con, các cháu đoàn tụ đông đủ về làng thăm mẹ”.

Bà Đỗ khoe với chúng tôi: “Tôi có 30 người con, giờ có thêm 23 người cháu nội, ngoại. Cháu nào cũng ngoan. Các con có việc cần đi đâu đều gửi cháu về cho mẹ trông hộ. Có hai đứa sơ sinh bé nhất nên thường xuyên được tôi chăm sóc để bố mẹ chúng đi làm. Còn lại các cháu lớn đều đã đi học, cứ ngày nào được nghỉ cũng vào bà chơi”.

“Dẫu trông cháu có hơi vất vả một chút nhưng mà vui lắm, bố mẹ đón nó về là mình cứ nhớ, cứ mong nó”, bà Đỗ nói thêm.

Trải qua bao khó khăn, vất vả, bà Đỗ vẫn tình nguyện dành cả cuộc đời mình để chăm sóc, nuôi dưỡng cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại làng trẻ em SOS Hà Nội.  Để rồi, đây là lúc bà Đỗ xứng đáng được hưởng những “trái ngọt” mà mình đã tự tay “ươm trồng”.

“Tài sản vô giá mà tôi có được chính là các con, các cháu. Đặc biệt đứa nào cũng yêu thương, quan tâm mẹ, quan tâm bà hết lòng. Tôi có cơ hội làm một người mẹ, một người bà như vậy, đã là quá mãn nguyện, hạnh phúc”, bà Đỗ quan niệm.


Huyền Trang - Như Hồ

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương