Số hóa trong lĩnh vực y tế:

Bài 1: Xu hướng phát triển hệ thống khám chữa bệnh từ xa trong ngành y tế

Thứ sáu, 19/06/2020 10:36 AM - 0 Trả lời

(CLO) Những nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được đánh giá dễ triển khai, không chỉ giúp giảm tải các bệnh viện, mà còn giúp tiết kiệm nhiều chi phí cho người dân.

Sự kiện: ngành Y

LTS: Dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy nhiều lĩnh vực dần dịch chuyển sang mô hình theo hướng số hóa, trong đó có lĩnh vực y tế. Đã có nhiều đơn vị triển khai các nền tảng khám, chữa bệnh từ xa và nhận được sự quan tâm của xã hội.

Bằng chứng là ngay trong thời điểm dịch bệnh, bất chấp dòng vốn vào Việt Nam đang chậm, một doanh nghiệp khởi nghiệp bằng cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ứng dụng công nghệ di động lại được 4 quỹ đầu tư lớn trên thế giới rót vốn 1,2 triệu USD.

Điều này cho thấy, khám chữa bệnh từ xa, chăm sóc sức khỏe tại nhà và chăm sóc sức khỏe chủ động là các định hướng lớn và là các mô hình dịch vụ đang được người dân quan tâm, do đó có nhiều nhà đầu tư đang chú ý vào lĩnh vực này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi tham dự khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa do Viettel phát triển và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19 đã nhấn mạnh, đây là khởi đầu để hướng tới chuyển đổi số của ngành y tế và hướng tới mục tiêu lớn hơn là quốc gia số, quốc gia thông minh.

Congluan.vn sẽ có loạt bài xung quanh xu hướng y tế đang được đón đợi này. 

Giải pháp chấm dứt tình trạng quá tải ở các bệnh viện

Có mặt tại một số bệnh viện: 108, Xanh Pôn. Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội tại các khu vực đăng ký khám chữa bệnh theo bảo hiểm hoặc theo yêu cầu đều chật cứng người xếp hàng. Tình trạng quá tải là vấn đề chung đang gặp phải của các bệnh viện tuyến trung ương mà đến nay vẫn chưa tìm được lời giải. Bất kể bệnh nặng hay nhẹ, người dân luôn chỉ có “niềm tin” vào các bệnh viện tuyến trung ương cho nên lúc nào cũng sẵn sàng vượt tuyến để khám và điều trị.

Theo thống kê của ngành y tế, có khoảng gần 74% bệnh nhân vượt tuyến, 1 bác sỹ tại các bệnh viện này phải khám cho từ 60-100 bệnh nhân mỗi ngày, công suất giường bệnh thiết kế thì luôn vượt khoảng 200%. Uớc tính, mỗi năm, chi phí di chuyển, chụp chiếu không cần thiết có thể tiêu tốn của người dân và xã hội lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trung tâm Điều hành khám chữa bệnh từ xa tại BV Đại học Y Hà Nội

Trung tâm Điều hành khám chữa bệnh từ xa tại BV Đại học Y Hà Nội

Như tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, một bệnh viện vừa thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, vừa phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, chuyển giao công nghệ. Với hơn 4.000 lượt người bệnh tới đăng ký khám chữa bệnh mỗi ngày, khả năng đáp ứng của đội ngũ y bác sỹ ở đây thật sự là vấn đề lớn. Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Bích, trưởng phòng công tác xã hội – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, trong những đợt cao điểm thì 5h sáng khi bắt đầu mở cửa thì đã có đến gần 200 bệnh nhân đợi để được khám.

Hay như tại bệnh viện 108, mặc dù mới mở thêm khu dịch vụ khám chữa bệnh nhằm giảm tải, thế nhưng lượng bệnh nhân vẫn cứ “ùn ùn” kéo đến đăng ký khám, chữa bệnh, mặc dù giá không rẻ chút nào.

Theo các chuyên gia, tình trạng quá tải này sẽ được cơ bản giải quyết khi triển khai các hệ thống nền tảng khám chữa bệnh từ xa. Như tại mốt số nước, nền tảng bệnh viện internet đã phát triển từ lâu, thu hút sự tham gia của người dân và góp phần giảm tải cho các bệnh viện. Một số bệnh viện sẽ cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh trực tuyến, kết nối bệnh nhân với các bác sĩ của bệnh viện qua ứng dụng video.

Tại Việt Nam, vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã khai trương nền tảng khám, chữa bệnh từ xa. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu -Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y, nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa  sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn. Việc khám chữa bệnh theo phương pháp truyền thống vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy, nhưng khám, chữa bệnh từ xa sẽ là một công cụ hỗ trợ. Nó không thể thay thế tuyệt đối, nhưng sẽ hỗ trợ cho hệ thống y tế. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện cơ sở. Giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện trung ương. Đặc biệt là giảm tỷ lệ tái khám của người bệnh.

“Lợi cả đôi đường”

Bệnh nhân Hoàng Bùi Chấn, ở xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa gần đây hay bị đau đầu, chảy máu mũi, đau các khớp xương. Ở tuổi 86, việc di chuyển quãng đường xa ra Hà Nội khám bệnh đối với ông không hề dễ dàng. Tuy vậy, nhờ có nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, ông Hoàng Bùi Chấn đã được các bác sĩ đầu ngành ở Hà Nội thăm khám, tư vấn ngay tại gia đình.

Hay như vừa qua, các bác sĩ bệnh viện Đại học Y Hà nội đã tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cho một bệnh nhân bị bệnh tim đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Các chỉ số của người bệnh, các hình ảnh chụp chiếu được truyền dẫn và gửi đến các bác sĩ tại điểm cầu Hà Nội, chỉ ít phút sau, các bác sĩ tại Đại học Y Hà Nội đã nắm được tình trạng bệnh của bệnh nhân, tiến hành hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị, tư vấn.

Hai trường hợp nói trên sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Y tế phối hợp chỉ đạo, Tập đoàn công nghiệp- viễn thông Quân đội Viettel phát triển. Đây là nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được đánh giá dễ triển khai với chi phí ban đầu không cao, không chỉ giúp giảm tải các bệnh viện tuyến trên, mà còn giúp tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian cho người dân, nhất là chi phí đi lại.

Gần đây, một số bệnh viện, bác sĩ, doanh nghiệp cũng đang phát triển các ứng dụng khám chữa bệnh. Điển hình là ứng dụng VOV bác sĩ 24 cũng được nhiều người bệnh sử dụng để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Theo đó, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet và sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến, người dân ở các tỉnh có thể dễ dàng nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các bác sĩ đầu ngành mà không phải vượt qua quãng đường vài trăm cây số và mất cả buổi để chờ đợi tại các bệnh viện đông đúc.

Theo anh Trần Thanh Lịch, ở phường An Tường, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, vài năm nay gia đình anh đã chuyển qua sử dụng dịch vụ khám bệnh từ xa. Ứng dụng này giúp người bệnh được tiếp cận với các chuyên gia, các bệnh viện lớn của tuyến trung ương. Thậm chí liên tục nhận được tư vấn và xử lý những tình huống tại nhà. Mặc dù các bác sĩ khám từ xa còn 1 số hạn chế, nhưng cũng đạt được khoảng 95% so với khám trực tiếp.

Theo Bác sĩ Hồ Thị Thu Hoài, nguyên trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, thông qua cuộc gọi video call, bằng kinh nghiệm của mình, bác sĩ có thể phát hiện ra mầm bệnh của những bệnh thông thường. Khám bệnh từ xa rất thuận tiện cho những trường hợp bệnh nhân ở xa, chưa có điều kiện đi đến tận bệnh viện. Cũng thuận lợi cho những trường hợp bệnh nhẹ nhàng, bệnh da liễu cũng không phải là bệnh cấp cứu lắm. Khi mà khám từ xa thấy cần thiết bệnh nhân phải đến bệnh viện  cần phải làm thủ thuật, xét nghiệm thì bác sĩ sẽ giới thiệu cho bệnh nhân đến các cơ sở.

Gần đây nhất, Bệnh viện Phổi trung ương cũng đã đưa vào thử nghiệm ứng dụng khám bệnh từ xa, thực hiện cho cả bệnh nhân đang điều trị, quản lý tại bệnh viện viện và những trường hợp khám mới. Nhờ việc kết nối với hàng nghìn hồ sơ, y bạ của bệnh nhân mà bệnh viện đang quản lý, các bác sĩ có thể nhanh chóng đưa ra những lời tư vấn, điều chỉnh đơn thuốc cho các bệnh nhân. Thời gian qua, trung bình mỗi ngày đã có khoảng 30 trường hợp đặt lịch khám cùng hàng trăm lượt khám thực hiện thành công.

Hiệu quả của khám chữa bệnh từ xa đã rõ, tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, các chuyên gia cũng cho rằng, khám bệnh từ xa nên chỉ áp dụng cho cho vấn từ đối với những trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh thông thường như cảm cúm hay bệnh mãn tính, bác sĩ đã thực hiện thăm khám trước đó. Bên cạnh đó, việc quản lý các đơn thuốc của các bác sĩ cũng cần được quan tâm nhằm minh bạch với người bệnh. Ngoài ra, hiện người dân cũng e ngại việc mở rộng mạng lưới các bác sĩ, cơ sở y tế cũng đồng nghĩa với thông tin cá nhân sẽ dễ bị lộ, lọt. Đây là điều mà các nhà phát triển ứng dụng trực tuyến cần phải bảo đảm mới thu hút được người dùng.

Gia Hân

Tin khác

Dự thảo quy định mới của trung tâm y tế cấp huyện

Dự thảo quy định mới của trung tâm y tế cấp huyện

(CLO) Theo dự thảo, trung tâm y tế huyện chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, an toàn thực phẩm, dân số và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật.

Sức khỏe
Uống Detox Táo giảm cân, người phụ nữ bị mất thị lực

Uống Detox Táo giảm cân, người phụ nữ bị mất thị lực

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phát thông tin kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân có chứa Sibutramin là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Sức khỏe
Dự thảo luật bảo hiểm y tế: Tăng quyền lợi cho người mắc bệnh hiểm nghèo

Dự thảo luật bảo hiểm y tế: Tăng quyền lợi cho người mắc bệnh hiểm nghèo

(CLO) Tại dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất quy định mức hưởng BHYT 100% cho các trường hợp không phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT, phân cấp chuyên môn, kỹ thuật...

Sức khỏe
Nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Điện Biên

Nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Điện Biên

Ngày 8/3/2024 Sở y tế tỉnh Điện Biên đã ra kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên. Tại đây xảy ra nhiều vi phạm.

Sức khỏe
Bộ Y tế chỉ đạo không được từ chối người bệnh trong dịp nghỉ lễ

Bộ Y tế chỉ đạo không được từ chối người bệnh trong dịp nghỉ lễ

(CLO) Bộ Y tế vừa có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Y tế các Bộ, ngành.

Sức khỏe