Bài 2: Chủ tịch UBND xã Văn Đức có dấu hiệu bao che việc thu, chi trái quy định tại bến đò Văn Đức?

Thứ sáu, 06/09/2024 08:13 AM - 0 Trả lời

(CLO) Suốt nhiều năm qua, Ban Chỉ huy bến đò Văn Đức do ông Trần Xuân Điệu – Chủ tịch UBND xã Văn Đức là người ký quyết định thành lập tiến hành thu, chi tiền của những tổ đò một cách “vô tội vạ”, không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ hay quy chế thu – chi được xác lập. Trong khi đó, ông Trần Xuân Điệu lại “nghiễm nhiên” cho rằng, việc – thu chi có thêm hóa đơn, chứng từ chỉ thêm “phức tạp”.

Mới đây, báo Nhà báo và Công luận đã phản ánh sự việc, nhiều năm qua, lãnh đạo UBND xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) là ông Trần Xuân Điệu – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đã tự ý giao, cho thuê nhiều héc ta đất nông nghiệp (là đất công điền) tại khu đất Tàu Đắm (thôn Chử Xá) không qua đấu thầu, đấu giá. Sự việc đã gây bức xúc trong nhân dân và gần đây người dân đã làm đơn tố cáo đến Huyện ủy - UBND huyện Gia Lâm để mong sớm được làm sáng tỏ, xử lý nghiêm sai phạm.

bai 2 chu tich ubnd xa van duc co dau hieu bao che viec thu chi trai quy dinh tai ben do van duc hinh 1

Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Văn Đức.

Bài liên quan

Thu – chi không hóa đơn, chứng từ

Gần đây, người dân tiếp tục tố cáo ông Trần Xuân Điệu có dấu hiệu buông lỏng quản lý, bao che cho những sai phạm tại bến đò Văn Đức (bến đò chở khách qua sông Hồng nối xã Văn Đức và phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).

Cụ thể, theo người dân cho biết, từ năm 2020 đến nay, bến đò Văn Đức hiện hoạt động theo mô hình như một Hợp tác xã có sự quản lý của chính quyền địa phương. Hằng ngày, ông Nguyễn Văn Tú – Trưởng Ban Chỉ huy bến đò Văn Đức (cùng các ông Nguyễn Văn Vụ, Nguyễn Văn Hiền - Thành viên Ban Chỉ huy) thu của những người làm nhiệm vụ chở khách qua sông số tiền là 1.500.000 đồng/ngày, nhưng thực tế chỉ nộp 400.000 đồng/ngày về ngân sách của xã Văn Đức, 200.000 đồng/1 ngày nộp về cho UBND phường Trần Phú. Số tiền chênh lệch là 900.000 đồng/ngày được coi là số tiền bỏ ngoài sổ sách, có dấu hiệu chi tiêu không đúng quy định. Điều đặc biệt, việc thu tiền không có bất kỳ hóa đơn, phiếu thu nào được Ban Chỉ huy bến đò xuất ra cho người nộp tiền.

bai 2 chu tich ubnd xa van duc co dau hieu bao che viec thu chi trai quy dinh tai ben do van duc hinh 2

Các tổ đò thu tiền vé của khách qua sông và hằng ngày phải nộp về cho Ban Chỉ huy bến đò Văn Đức 1.500.000 đồng.

Cũng theo người dân xã Văn Đức, hằng năm, mặc dù gần như có bất kỳ hoạt động cải tạo, sửa chữa hay công tác dân sinh, nhân đạo… gì cho người dân bến đò Văn Đức nhưng qua công bố thu, chi của Ban Chỉ huy bến đò thì số tiền này luôn rơi vào tình trạng “bị âm”.

“Hằng năm, Ban Chỉ huy bến đò tổ chức 2 cuộc họp, công bố thu - chi bằng miệng. Chúng tôi nộp tiền nhưng cũng chẳng nhận được phiếu thu nào; đến việc chi tiền chúng tôi cũng không được hưởng lợi mà Ban Chỉ huy toàn dùng tiền đó đi quan hệ, ăn uống, tiếp khách. Chi tiền vô tội vạ xong mới về thông báo bà con, có vẻ là công khai, minh bạch nhưng thực chất là trục lợi”, ông Ng. V. Nh - người dân xã Văn Đức nói.

bai 2 chu tich ubnd xa van duc co dau hieu bao che viec thu chi trai quy dinh tai ben do van duc hinh 3

Trên những chiếc đò chở khách qua sông, phóng viên ghi nhận việc những chiếc phao cứu hộ, áo phao đã cũ, rách, không đảm bảo an toàn.

Cũng theo phản ánh của người dân, thời gian qua, Đảng ủy - HĐND - UBND xã Văn Đức có chủ trương đẩy mạnh khuyến học khuyến tài, cho giáo viên giảng dạy tại xã Văn Đức cũng như học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú tại xã Văn Đức đang học tại các trường thuộc thành phố Hà Nội đi qua đò ngang được miễn phí, nay giảm 50% tiền phí đò.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tú – Trưởng Ban Chỉ huy bến đò đã bán vé tháng (số tiền là: 90.000 đồng/tháng) không đúng đối tượng quy định; đồng thời cũng không thu vào ngân sách địa phương, nhân dân bến đò không được hưởng từ khoản thu này. Việc này đã làm trái chủ trương, gây thất thu ngân sách nhà nước cũng như khiến bà con phục vụ bến đò thiệt hại.

bai 2 chu tich ubnd xa van duc co dau hieu bao che viec thu chi trai quy dinh tai ben do van duc hinh 4

Nhiều ngày ghi nhận, phóng viên không nhận thấy có bất cứ thành viên nào trong Ban Chỉ huy bến đò Văn Đức trực tại khu vực bến. Người dân cho biết, họ chỉ xuất hiện vào lúc "thu tiền".

Chủ tịch UBND xã Văn Đức phải "hỏi lại" ngành thuế về việc thu - chi

Để làm rõ sự việc trên, phóng viên đã có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND xã Văn Đức gồm: ông Trần Xuân Điệu – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; ông Đinh Văn Yên – Phó Chủ tịch UBND xã; ông Đào Quyết Chiến là công chức tài chính – kế toán và ông Nguyễn Văn Tú – Trưởng Ban Chỉ huy bến đò Văn Đức.

Tại cuộc làm việc, ông Trần Xuân Điệu cho biết, năm 2020, ông có ký Quyết định thành lập Ban Chỉ huy bến đò Văn Đức, giao ông Nguyễn Văn Tú làm Trưởng Ban, nhiệm kỳ 3 năm. Ban Chỉ huy có nội quy hoạt động được căn cứ theo quy định của Nhà nước.

Về việc thu tiền, Chủ tịch UBND xã Văn Đức thừa nhận đúng như phản ánh của người dân là thu 1.500.000 đồng/1 ngày. Sau khi trừ đi 2 khoản tiền nộp về cho UBND xã Văn Đức (400.000 đồng) và UBND phường Trần Phú (200.000 đồng), số tiền còn lại là 900.000 đồng được Ban Chỉ huy bến đò chi cho các hoạt động như: Lúc nước lên – nước xuống, chi cho chủ phương tiện đi đăng kiểm, liên hoan, gặp mặt… Đáng chú ý, ba người trong Ban Chỉ huy bến đò được trả phụ cấp 1.150.000 đồng/1người/1 tháng.

bai 2 chu tich ubnd xa van duc co dau hieu bao che viec thu chi trai quy dinh tai ben do van duc hinh 5

Bảng giá thu tiền đối với người và phương tiện qua sông.

Ông Trần Xuân Điệu nêu con số cụ thể: Tháng 1/2024, Ban Chỉ huy bến đò Văn Đức thu được 27.900.000 đồng. “Tháng này liên quan đến Tết nên chi tiêu nhiều. Hằng năm, vào cuối năm, UBND xã Văn Đức và UBND phường Trần Phú có một cuộc liên hoan, gặp mặt. Ban Chỉ huy bến đò chịu trách nhiệm tổ chức. Tổng chi của tháng này cũng hơi cao, trên 40.000.000 đồng”, ông Điệu thông tin.

Tháng 7/2024, Ban Chỉ huy bến đò Văn Đức thu được 35.000.000 đồng, chi 19.000.000 đồng. “Ban Chỉ huy bến đò có sổ sách ghi chép việc thu, chi”, ông Trần Xuân Điệu nói và cho biết thêm, Ban Chỉ huy bến đò tổ chức họp công bố thu, chi 6 tháng/1 lần.

Tại cuộc làm việc, phóng viên đặt câu hỏi: Khi Chủ tịch UBND xã ký quyết định thành lập Ban Chỉ huy bến đò có ban hành theo Quy chế hoạt động và Quy chế thu, chi hay không? Trả lời nội dung này, ông Trần Xuân Điệu cho biết: Không có Quy chế hoạt động kèm theo Quyết định thành lập mà trong Quyết định chỉ giao Ban Chỉ huy bến đò chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND xã về hoạt động tại bến đò liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Về việc thu - chi, Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết: Định kỳ hoạt động của Ban Chỉ huy bến đò có trách nhiệm trong việc duy trì thu – chi. Còn nếu chi tiêu sai của nhân dân thì UBND xã sẽ kiểm tra. “Thực ra hoạt động chi tiêu của bến đò trong khoản tiền 900.000 đồng này chúng tôi không quan tâm mấy”, ông Trần Xuân Điệu nói và khẳng định không có quy chế chi tiêu và việc này do ba người trong Ban Chỉ huy bến đò tự chịu trách nhiệm.

Còn đối với ông Nguyễn Văn Tú – Trưởng Ban Chỉ huy bến đò Văn Đức, khi được hỏi về việc Ban Chỉ huy thu tiền của người dân có hóa đơn, chứng từ hay phiếu thu hay không? Thì ông Tú cho biết, việc thu tiền “không có” phiếu thu – đây là truyền thống. Việc chi tiền cũng tương tự, không hề có phiếu chi hay hóa đơn, chứng từ thể hiện, chỉ ghi vào sổ sách. Ông Tú cũng không quên đổ lỗ cho việc hạn chế trong học vấn, không biết việc thu, chi phải cần có phiếu thu, hóa đơn, chứng từ.

bai 2 chu tich ubnd xa van duc co dau hieu bao che viec thu chi trai quy dinh tai ben do van duc hinh 6

Hoạt động của các tổ đò trong điều kiện rất đơn sơ, vất vả.

Tiếp đó, phóng viên đặt câu hỏi với ông Đào Quyết Chiến là công chức tài chính – kế toán của UBND xã Văn Đức về việc: Ban Chỉ huy bến đò thu, chi mà không có phiếu thu, không có hóa đơn, chứng từ - việc này có đúng theo quy định của pháp luật hay không? Lúc này, ông Đào Quyết Chiến “im lặng”, không trả lời được.

“Đỡ lời” cho cán bộ của mình, vị Chủ tịch UBND xã Văn Đức lại nghiễm nhiên cho rằng: “Sau khi thu tiền phí, tiền vé qua sông người dân để lại cho Ban Chỉ huy bến đò mấy trăm nghìn mà khi chi tiêu lại hóa đơn, chứng từ thì đáng lẽ bình thường hết 500 đồng nhưng có hóa đơn thành 1000 đồng, cũng chẳng giải quyết gì. Ngày hôm nay, làm việc với đồng chí, tôi phải hỏi lại ngành Thuế xem hoạt động của bến đò cần phải hóa đơn, chứng từ gì thì trao đổi lại để Ban Chỉ huy thực hiện. Tôi tin việc này không đến mức phải như thế”.

Cũng tại cuộc làm việc, vị Chủ tịch UBND xã Văn Đức hứa cung cấp những văn bản, hồ sơ liên quan đến hoạt động thu - chi của Ban Chỉ huy bến đò Văn Đức nhưng đã nhiều tuần trôi qua, phóng viên không nhận được bất cứ hồi âm nào, kể cả việc vị này nói có "hỏi lại" ngành thuế về hoạt động thu - chi tài chính đối với Ban Chỉ huy bến đò. 

Trước sự việc nêu trên, báo Nhà báo và Công luận đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Huyện ủy – UBND huyện Gia Lâm, Công an huyện Gia Lâm chỉ đạo cơ quan chức năng, chuyên môn nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có), công khai trước công luận.

Nhận định về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Hoài Nam – Giám đốc Công ty Luật TNHH Bamboo Star, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 9, Điều 16 Thông tư 344/2016/TT-BTC quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn quy định:

Điều 9. Nguồn thu của ngân sách xã

1. Các khoản thu ngân sách xã hưởng 100% là các khoản thu dành cho xã sử dụng toàn bộ để chủ động về nguồn ngân sách bảo đảm các nhiệm vụ chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển. Căn cứ nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi cho ngân sách xã quy định tại Điều 4 Thông tư này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phân cấp cho ngân sách xã hưởng 100% các khoản thu sau đây:

b) Thu từ các hoạt động sự nghiệp của xã, phần nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Tài chính các hoạt động sự nghiệp của xã

1. Tài chính các hoạt động sự nghiệp của xã bao gồm các khoản thu, chi phát sinh từ các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, văn hóa thông tin, thể dục thể thao, các hoạt động quản lý đò, chợ, đầm, hồ, ao, đất đai, tài nguyên, bến bãi và các hoạt động sự nghiệp khác do Ủy ban nhân dân xã trực tiếp đứng ra tổ chức và quản lý theo chế độ quy định.

2. Tài chính các hoạt động sự nghiệp của xã được tổ chức quản lý thống nhất theo nguyên tắc:

a) Ủy ban nhân dân xã giao cho các bộ phận, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình của xã trực tiếp thực hiện từng loại hoạt động sự nghiệp. Các bộ phận, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được Ủy ban nhân dân xã giao phải lập kế hoạch tài chính hằng năm, tính toán đầy đủ các khoản thu, các khoản chi; số phải nộp ngân sách xã hoặc số hỗ trợ từ ngân sách xã theo chế độ quy định (nếu có) trình Ủy ban nhân dân xã phê duyệt để thực hiện, Ủy ban nhân dân xã có nhiệm vụ tổng hợp báo cáo kế hoạch tài chính và kết quả tài chính hàng năm của từng hoạt động sự nghiệp trình Hội đồng nhân dân xã. Hội đồng nhân dân xã giám sát các hoạt động sự nghiệp này;

b) Bộ phận tài chính, kế toán xã giúp Ủy ban nhân dân xã quản lý tài chính các hoạt động sự nghiệp của xã, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được giao thực hiện các hoạt động sự nghiệp trong việc tổ chức hạch toán và quyết toán thu, chi; thực hiện chế độ báo cáo tài Chính phù hợp với từng hoạt động, kiểm tra thường xuyên và đột xuất tình hình tài chính của các hoạt động này.

Theo quy định nêu trên, đối với khoản thu, chi quản lý bến đò Văn Đức, Ban chỉ huy bến đò Văn Đức phải lập kế hoạch tài chính hằng năm, tính toán đầy đủ các khoản thu, khoản chi, số phải nộp ngân sách xã trình UBND xã phê duyệt để thực hiện, UBND xã có nhiệm vụ tổng hợp báo cáo kế hoạch tài chính và kết quả tài chính hằng năm để trình HĐND xã.

Việc thu chi phải lập phiếu thu, phiếu chi theo quy định pháp luật. Đối với khoản nộp ngân sách xã, khi thu tiền của Ban chỉ huy bến đồ Văn Đức, UBND xã Văn Đức phải lập phiếu thu theo quy định tại Điều 3 Thông tư 70/2019/TT-BTC ngày 03/10/2019 hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã.

Theo thông tin Báo Nhà báo và Công luận phản ánh, Ban chỉ huy bến đò Văn Đức thu, chi tiền không sử dụng phiếu thu, chi; Khi thu, chi tiền không lập kế hoạch tài chính hằng năm trình UBND xã phê duyệt trước khi thực hiện là trái quy định pháp luật. UBND xã là đơn vị ký quyết định thành lập Ban chỉ huy bến đò Văn Đức nhưng không yêu cầu Ban chỉ huy bến đò lập kế hoạch tài chính hằng năm, không tổng hợp báo cáo kế hoạch tài chính và kết quả tài chính trình Hội đồng nhân dân xem xét, thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý.

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Bài 3: Kiến nghị chuyển hồ sơ 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra

Bài 3: Kiến nghị chuyển hồ sơ 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra

(CLO) Trước những sai phạm nghiêm trọng tại Sở Tài nguyên & Môi trường; Văn phòng Đăng ký đất đai và các huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Bạc Liêu, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu kiến nghị chuyển hồ sơ 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.

Điều tra
Bài 2: Nhiều địa phương cho chuyển mục đích sử dụng đất 'bừa bãi', thu sai hàng tỷ đồng của người dân!

Bài 2: Nhiều địa phương cho chuyển mục đích sử dụng đất 'bừa bãi', thu sai hàng tỷ đồng của người dân!

(CLO) Thanh tra tỉnh Bạc Liêu xác định, qua thanh tra tại các huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Bạc Liêu với tổng số tiền sai phạm kiến nghị thu hồi nộp NSNN và chuyển trả cho người sử dụng là 19.521.257.698 đồng. Trong đó, chuyển trả cho người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất chênh lệch thừa lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, xác định sai nghĩa vụ tài chính 7.084.584.901 đồng.

Điều tra
Thừa Thiên Huế: Huyện Nam Đông chỉ đạo xử lý sau phản ánh của báo Nhà báo và Công luận

Thừa Thiên Huế: Huyện Nam Đông chỉ đạo xử lý sau phản ánh của báo Nhà báo và Công luận

(CLO) Ngày 28/8/2024, báo Nhà báo và Công luận đăng bài: “Thừa Thiên Huế: Trạm cân trái phép, ô tô hết hạn đăng kiểm vẫn ngang nhiên hoạt động tại huyện Nam Đông” phản ánh tình trạng các trạm cân thu mua gỗ rừng trồng (cây keo, tràm) hoạt động trái phép và nhiều xe ô tô tải hết hạn đăng kiểm, vẫn ngang nhiên lưu thông, trước sự “ngó lơ” của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng.

Điều tra
Phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng tại Sở Tài nguyên & Môi trường và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bạc Liêu

Phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng tại Sở Tài nguyên & Môi trường và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bạc Liêu

(CLO) Sai phạm tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc (tỉnh Bạc Liêu) trong việc thu phí đo đạc trên địa bàn là nghiêm trọng. Thanh tra tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị chuyển hồ sơ nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.

Điều tra
Nghệ An: Vì sao người dân không “mặn mà” tại 2 khu tái định cư đầu tư hàng chục tỉ đồng?

Nghệ An: Vì sao người dân không “mặn mà” tại 2 khu tái định cư đầu tư hàng chục tỉ đồng?

(NB&CL) Khu tái định cư xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu) và khu tái định cư xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai), tỉnh Nghệ An được đầu tư với tổng số vốn hơn 16 tỉ đồng, tuy nhiên sau 14 năm xây dựng, hai khu tái định cư này vẫn chưa phát huy được hiệu quả, trở thành bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.

Điều tra