(CLO) Sau phản ánh của Báo Nhà báo và Công luận về việc Công ty TNHH thương mại và khai thác khoáng sản Núi Huyền có dấu hiệu thực hiện dự án tại xã Huyền Sơn trái với chủ trương được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt. Mới đây, UBND huyện Lục Nam vào cuộc kiểm tra toàn diện dự án của doanh nghiệp này.
Đáng chú ý, theo thông tin phóng viên nắm được, cầu cảng của Công ty TNHH thương mại và khai thác khoáng sản Núi Huyền trong bến thủy nội địa được Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang cấp phép có dấu hiệu 'nằm ngoài dự án' được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, doanh nghiệp vẫn có thể "làm tròn" hồ sơ để xin cấp phép?
UBND huyện Lục Nam vào cuộc
Trước đó, Báo Nhà báo và Công luận đã thông tin đến bạn đọc sự việc, ông Hoàng Văn Tự - Giám đốc Công ty TNHH thương mại và khai thác khoáng sản Núi Huyền (Công ty Núi Huyền - xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) bị người dân tố cáo trong quá trình thực hiện “Dự án bãi trung chuyển vật liệu xây dựng và hoạt động bến thủy nội địa” tại xã Huyền Sơn thực hiện trái với chủ trương đầu tư đã được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt.
Ủy ban nhân dân huyện Lục Nam đang tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai và môi trường đối với dự án: Bãi trung chuyển vật liệu xây dựng và hoạt động bến thủy nội địa của Công ty TNHH Thương mại và khai thác khoáng sản Núi Huyền
Sau phản ánh của Báo Nhà báo và Công luận, mới đây, tại Quyết định số 5355/QĐ-UBND ngày 4/8/2022, UBND huyện Lục Nam đã quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai và môi trường đối với dự án: Bãi trung chuyển vật liệu xây dựng và hoạt động bến thủy nội địa của Công ty TNHH Thương mại và khai thác khoáng sản Núi Huyền. Quyết định do ông Hoàng Văn Toán – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam ký.
Tại Quyết định nêu trên, lãnh đạo UBND huyện Lục nam giao ông Nguyễn Duy Quảng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm Tổ trưởng. Các ông: Hoàng Đình Giang – Phó Phòng TN&MT, ông Nguyễn Trọng Thi – Phó Trưởng Công an huyện làm Tổ phó. Cùng các thành viên là cán bộ, chuyên viên: Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang – Lục Nam; Chủ tịch UBND xã Huyền Sơn Trần Quang Tuyến và công chức Địa chính – Xây dựng xã này là bà Diệp Thu Thủy…
Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành các quy định về đầu tư xây dựng, đất đai và môi trường đối với dự án. Tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND huyện xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định (nếu có).
Hiện trạng ngoài cầu cảng, nhà bảo vệ đã được xây dựng từ nhiều năm trước đó. Dự án của Công ty Núi Huyền vẫn chỉ là bãi đất trống.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đình Giang – Phó Phòng TN&MT huyện Lục Nam cho biết, sau buổi công bố quyết định kiểm tra, vào ngày 9/8/2022, Tổ Công tác đã xuống kiểm tra việc chấp hành các quy định về đầu tư xây dựng, đất đai và môi trường đối với dự án của Công ty Núi Huyền. Việc kiểm tra này do liên ngành làm việc nên các ngành sẽ có tổng hợp để làm báo cáo UBND huyện.
Ông Nguyễn Duy Quảng – Trưởng phòng TN&MT khẳng định, Tổ Công tác sau khi kiểm tra báo cáo UBND huyện ra thông báo kết luận về sự việc liên quan đến Công ty Núi Huyền sẽ có trao đổi, cung cấp thông tin đến báo chí.
Sở GTVT sẽ thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp làm sai, vi phạm
Liên quan đến văn bản số 141/QĐ-SGTVT ngày 29/3/2022 Quyết định về việc công bố lại hoạt động bến thủy nội địa do bà Đỗ Thị Lan – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang (Sở GTVT) ký. Quyết định nêu rõ: Công bố hoạt động bến thủy nội địa: Công ty TNHH thương mại và khai thác khoáng sản Núi Huyền. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 16/4/2069.
Nếu Quyết định của Sở GTVT có căn cứ theo Quyết định số 1042/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang. Và Quyết định 1042 đã nêu rõ: Hoàn thành dự án và đưa vào khai thác hoạt động: tháng 5/2023 thì Quyết định của Sở GTVT phải tuân thủ theo Quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang, không thể cho dự án vào hoạt động khi chưa hoàn thành, nghiệm thu?
Việc cho hoạt động bến thủy nội địa của Công ty Núi Huyền được cấp phép liệu rằng có "trái" với chủ trương đầu tư được UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận. Trong khi đó, có dấu hiệu cầu cảng nằm ngoài phần đất dự án của doanh nghiệp, cải tạo sửa chữa từ phần cầu cảng cũ hình thành từ 10 năm trước.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Minh Định – Phó Trưởng Phòng Quản lý vận tải - Phương tiện và Người lái (Phòng QLVTPT&NL), Sở GTVT tỉnh Bắc Giang cho biết: Vào năm 2020 - 2021, Công ty Núi Huyền có xin được Chủ trương đầu tư dự án “Bãi trung chuyển vật liệu xây dựng”. Phía doanh nghiệp có làm hồ sơ xin cấp phép bến thủy nội địa nhưng phía Sở không cấp phép bởi phải làm đúng Chủ trương đầu tư của tỉnh. Bến thủy là bến thủy, bãi vật liệu là bãi vật liệu mặc dù lúc đó, phía doanh nghiệp được giao đất.
Tiếp đó, Công ty Núi Huyền có đi xin thay đổi Chủ trương đầu tư. Đến tháng 10/2021 mới thay đổi được Chủ trương đầu tư và bổ sung thêm nội dung “bến thủy nội địa” vào.
Chấp thuận đơn xin cấp phép của doanh nghiệp, Sở GTVT đã có văn bản gửi Cục Đường thủy nội địa và nhất trí cho Công ty Núi Huyền xây dựng bến thủy nội địa. “Bãi tập kết ở phía trên, bến thủy chỉ là cái cầu cảng ở phần tiếp giáp mép sông chứ không phải cả khu vực ấy làm bến thủy”, ông Định nói.
Theo ông Hoàng Văn Tự, Giám đốc Công ty Núi Huyền cho chiết, cầu cảng được xây dựng từ 10 năm qua. Tuy nhiên, cơ quan chức năng huyện Lục Nam, UBND xã Huyền Sơn lại "làm ngơ" cho sai phạm, không hề xử lý, rồi cho đến nay được "hợp thức hóa".
Ông Ngô Minh Định cũng cho biết, khi được điều chỉnh Chủ trương đầu tư thì Công ty Núi Huyền đã xin cấp phép xây dựng. Trong giấy phép xây dựng có hai phần: một phần là bãi tập kết có nhà điều hành, đường bê tông; một phần bến thủy nội địa là cầu cảng.
Sau khi cơ bản xây dựng xong phần cầu cảng để đủ điều kiện hoạt động bến thủy, có ý kiến chấp thuận Cục Đường thủy nội địa thì Sở công bố cho Công ty Núi Huyền được phép hoạt động. “Việc hoạt động được xác định là, có bến này thì mới xây dựng được hạng mục bên trên để ông Tự có thể tập kết vật liệu xây dựng vào bởi vì đường ở đấy có đâu. Mới vừa rồi mới làm được cái đường, trước đây chưa có. Ý nghĩa của cái bến thủy có mục đích để doanh nghiệp thi công được các công trình ven sông, tức là phải có bến vào thì mới thi công được các công trình ấy. Chính vì vậy sinh ra cấp bến tạm là như thế”, ông Định cho biết.
Cầu cảng có ý nghĩa phục vụ hoạt động xây dựng dự án nhưng thực chất, đây là nơi Công ty Núi Huyền "tạo nguồn thu chính" bằng việc cho ô tô rót đất xuống thuyền đi tiêu thụ.
Cũng theo ông Ngô Minh Định, trong chủ trương đầu tư của tỉnh thể hiện 2 giai đoạn: 1. Giai đoạn từ 2021 đến 2023 là hoàn tất thủ tục về bến thủy nội địa. Khi hoàn thành hạng mục nào thì có thể cấp phép cho họ hoạt động hạng mục đó. Còn dự án chính của Công ty Núi Huyền là bãi trung chuyển vật liệu xây dựng chứ không phải bến thủy nội địa. Bến thủy là được bổ sung sau vào chủ trương đầu tư.
Thông tin được vị Phó Phòng QLVTPT&NL, Sở GTVT tỉnh Bắc Giang cung cấp đến phóng viên là như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, cầu cảng hiện nay được cấp phép trong mục “bến thủy nội địa” của Công ty Núi Huyền đã hình thành từ 10 năm về trước. Ông Hoàng Văn Tự cũng đã thừa nhận điều này đến phóng viên tại buổi làm việc trước đó.
Sau khi xin cấp phép xây dựng, Công ty Núi Huyền chỉ tiến hành “cải tạo” lại cầu cảng chứ không hề có chuyện “xây mới”, thậm chí qua thông tin phóng viên nắm được, cầu cảng này có dấu hiệu nằm ngoài khu vực đất dự án. Tuy nhiên, không hiểu vì sao hạng mục này sau đó vẫn được nghiệm thu để đủ điều kiện, hồ sơ, thủ tục trình đến Sở GTVT tỉnh Bắc Giang để “hợp thức hóa” – cấp phép hoạt động?
Về sự việc này, ông Ngô Minh Định cho rằng, doanh nghiệp đã nộp đủ hồ sơ thì Sở GTVT phải cấp phép. Việc nghiệm thu, thẩm định các hạng mục dự án do doanh nghiệp tự làm, tự chịu trách nhiệm, nếu doanh nghiệp làm sai, Sở sẵn sàng thu hồi giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đã cấp.
Cây cầu ông Hoàng Văn Tự xây dựng lấn chiếm kênh Huyền Sơn cũng không hề được UBND huyện Lục Nam, UBND xã Huyền Sơn cho kiểm tra, xử lý.
Trong khi đó, theo hình ảnh phóng viên ghi nhận và bạn đọc cung cấp, cầu cảng của Công ty Núi Huyền đã được Sở GTVT cấp phép với “ý nghĩa để doanh nghiệp tập kết vật liệu, thi công được các công trình ven sông thuộc dự án” thì lại hoạt động chỉ với một mục đích đó là làm nơi cho các xe ô tô thuận tiện “rót” đất xuống thuyền để đi tiêu thụ. Khu vực dự án ngoài đường bê tông, nhà bảo vệ thì tuyệt nhiên không có vật liệu xây dựng được tập kết để thi công dự án mà chỉ là nơi để xe ô tô ra vào, quay đầu chở đất.
Sự việc nêu trên được Công ty Núi Huyền hoạt động ngay giữa thanh thiên bạch nhật nhưng chính quyền sở tại là UBND xã Huyền Sơn không hề có bất kỳ động thái nào để ngăn chặn, thậm chí có dấu hiệu bao che cho vi phạm.
Báo Nhà báo và Công luận đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, Sở GTVT tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thanh kiểm tra những dấu hiệu vi phạm của Công ty Núi Huyền. UBND huyện Lục Nam chỉ đạo Tổ Công tác kiểm tra một cách quyết liệt, làm rõ những dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm minh và công khai trước công luận.
(CLO) Giỗ Tổ Hùng Vương là một nghi lễ truyền thống quan trọng, được tổ chức hàng năm vào ngày 10/3 Âm lịch để tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng – những vị vua đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để tri ân tổ tiên mà còn là biểu tượng thiêng liêng gắn kết cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
(CLO) Mức thuế quan cao mà Tổng thống Donald Trump đưa ra sẽ khiến Mỹ trở thành một trong những quốc gia bảo hộ nhất thế giới. Vậy trong lịch sử, có những nước “siêu bảo hộ” khác không và tác động của chính sách này với họ như thế nào?
(CLO) Tính riêng tháng 3, chỉ số giá thịt heo tăng 3,58% so với tháng liền trước. Nguyên nhân đẩy giá và gây khan hiếm thịt heo đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh, hậu quả của cơn bão số 3 năm 2024 khiến nhiều trang trại chăn nuôi chưa kịp tái đàn.
(CLO) Sáng ngày 6/4/2025, tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thị xã Hồng Lĩnh cùng Công ty CP Đầu tư Victory tổ chức hội thi “Gói và nấu bánh chưng, bánh dày dâng Quốc Tổ”.
(CLO) Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lâm Đặng Thanh Quân - người tông CSGT rồi bỏ chạy, về tội "Chống người thi hành công vụ".
(CLO) Mưa lớn đã trút xuống một số khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất ở Myanmar vào cuối tuần, điều này có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực cứu trợ và tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
(CLO) Một nghiên cứu đã xếp hạng các quốc gia ít dùng tiền mặt nhất thế giới, dựa trên nhiều yếu tố như tỷ lệ sở hữu tiền điện tử, việc sử dụng thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ, mức độ phổ biến của thanh toán di động và tỷ lệ giao dịch phi tiền mặt trong tổng thanh toán.
(CLO) Theo Ban quản lý dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều hạng mục dự án đang bước vào giai đoạn nước rút với một số công trình cán đích trước ngày 30/4 và một số hạng mục khác dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
(CLO) Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa 2 xe máy xảy ra vào đêm 5/4 trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình khiến 2 người thiệt mạng và 1 người khác bị thương nặng.
(NB&CL) Thanh tra Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra tài chính tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp), chỉ ra hàng loạt vấn đề liên quan đến quản lý tài sản, đầu tư tài chính, nợ phải thu - phải trả và hạch toán doanh thu, chi phí...
(NB&CL) Dự án Nhà máy nước Hương Khê được phê duyệt đầu tư từ năm 2016 với kỳ vọng mang lại nguồn nước sạch cho hàng chục nghìn người dân. Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, khiến người dân bức xúc vì thiếu nước sạch suốt nhiều năm qua.
(CLO) Dự án “Chỉnh trang đô thị, lắp đặt hệ thống chiếu sáng trang trí trên địa bàn xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc” có kỳ vọng mang lại diện mạo mới cho xã. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu bất thường liên quan tới công tác đấu thầu và thi công dự án đang rất được dư luận quan tâm.
(CLO) Mặc dù bị UBND huyện Như Xuân xử phạt hành chính, thế nhưng Công ty Cổ phần chế biến lâm sản Thanh Lâm vẫn tiếp tục xây dựng công trình khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền giao đất.
(CLO) Dù chưa được cấp phép khai thác khoáng sản, nhưng cả ngàn khối đất vẫn được vận chuyển ra khỏi dự án rồi đổ rải rác tại các điểm khác nhau. Vụ việc được phát hiện khi một bãi đất trống trong khu vực dân cư bỗng đầy lên bất thường.
(CLO) Theo ghi nhận của phóng viên tại một số công trình do Công ty Huy Cường đã và đang thực hiện trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội) có dấu hiệu chất lượng không đảm bảo.
(CLO) Trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Lương Tài, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản giao các sở, ngành phối hợp xem xét đưa toàn bộ diện tích đã giao cho Công ty TNHH Kỹ thương Đông Đô ra khỏi Cụm công nghiệp Lâm Bình.
(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo và Công luận, Hạt Kiểm lâm Thạch Thành đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, phối hợp với chính quyền địa phương xác minh, xác định đối tượng có hành vi khai thác rừng trái phép.
(CLO) Công ty Cổ phần Vân Đức mặc dù phải khẩn trương thực hiện chuyển đổi sản xuất gạch theo công nghệ tuylen xong trước ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn, doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên sản xuất gạch theo công nghệ cũ (lò hoffman) trước dấu hiệu buông lỏng quản lý, bao che của chính quyền địa phương.
(CLO) Quá trình tác nghiệp, phóng viên đã trực tiếp có mặt và ghi hình các đối tượng cắt hạ gỗ rừng tự nhiên có dấu hiệu trái phép tại khu vực Nông trường Thạch Quảng, xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.