(CLO) Xung quanh đề án hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội (Đề án), nhiều chuyên gia có ý kiến ủng hộ song vấn đề này không thể làm ngay mà cần phải có lộ trình cụ thể.
Chung cư cao tầng mọc như nấm
Ủng hộ Đề án hạn chế xe cá nhân ở Hà Nội, Ông Đỗ Thụy Đằng, nguyên giảng viên Trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội cho rằng đây là việc phải làm để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, cần xem xét lộ trình cho phù hợp bởi làm được việc đó thì phải phát triển phương tiện công cộng (PTCC). Hơn thế nữa hiện nay, việc xây dựng các chung cư cao tầng được triển khai rầm rộ trong trung tâm TP phá vỡ hạ tầng, đô thị… Thực tế Hà Nội trong vài năm qua đã chứng minh việc xây dựng tràn lan các công trình cao tầng trong nội thành cũ (nhà ở, văn phòng hay dịch vụ, siêu thị, trung tâm thương mại ..), khiến phương tiện tập trung vào đã gây quá tải, khiến hạ tầng giao thông không đáp ứng được, kinh khủng hơn hạ tầng xã hội không thể chịu đựng nổi...
“Hơn thế, cấm xe máy lúc này tức là ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của những người chưa có điều kiện, người nghèo mà ở đây chiếm số lượng lớn. Nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về an ninh, chính trị… Vì thế cần phải tính toán hợp lý” ông Đằng nhấn mạnh.
[caption id="attachment_123752" align="aligncenter" width="533"]
Việc cho phép nhiều chung cư, tòa nhà xây dựng trong nội đô, nhưng không tính đến chỉ số mật độ dân cư đã tạo thêm gánh nặng cho giao thông Thủ đô[/caption]
Đồng quan điểm ủng hộ Đề án này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội: Việc này cần phải làm nhưng cần có lộ trình bởi, trong lịch sử phát triển phương tiện giao thông đường bộ, các phương tiện vận tải được đào thải theo quy luật tự nhiên, theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đây, việc cấm Xích lô, Ba gác, xe Đầu ngang, xe Lam, xe Tự chế, xe Lôi, đã được xã hội đồng tình vì mục tiêu của nó là nâng cao chất lượng cuộc sống về văn hóa giao thông, đồng thời phát triển loại hình giao thông công cộng như xe Buýt, xe Taxi. Hình ảnh giao thông của Hà Nội đã hơn hẳn một số nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Myanma và Ấn Độ.v.v.
Tuy nhiên, hiện nay đường phố chật hẹp, dân cứ tăng theo cấp số cộng, phương tiện cá nhân tăng theo, gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Có lẽ đã đến thời điểm mọi người dân và Nhà nước phải tính đến giảm phương tiện cá nhân và thay thế bằng loại hình vận tải khác để nâng cao, chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người dân.
Cụ thể, các tuyến phố trung tâm: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo và khu vực lân cận được thiết kế và xây dựng đã hơn 100 năm, nhưng đến nay vẫn thông thoáng, ít khi ùn tắc: Đường và Nhà ở khu vực này được quy hoạch hợp lý và được thực hiện theo quy hoạch, tôn trọng quy hoạch.
Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể nhưng quy hoạch trở thành quy hoạch treo, dân chiếm đất xây dựng nhà, xây dựng trụ sở cơ quan, bây giờ mới triển khai dẫn đến giá thành đền bù xây dựng quá cao.
Phương tiện công cộng có đáp ứng được?
Hơn thế, Hà Nội lại mở rộng, kinh tế thị trường chuyển sang phát triển dịch vụ thương mại, di dân tự do để tìm công ăn việc làm, các khu công nghiệp và đô thị phát triển ở trung tâm làm cho dân số tăng theo cấp số cộng, vượt quá tầm kiểm soát, nhu cầu đi lại của người dân tăng lên, vận tải hành khách công cộng phát triển nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, do đó phương tiện cá nhân phát triển là điều tất yếu.
[caption id="attachment_123750" align="aligncenter" width="533"]
Và tắc đường, ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra[/caption]
Sự bùng nổ xe máy vượt quá diện tích sử dụng của đường bộ, xả khí thải làm ô nhiễm không khí, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tỷ lệ bệnh đường hô hấp trẻ em và người già tăng cao, ùn tắc giao thông, ảnh hưởng giờ học, giờ làm,...
“Xe máy là phương tiện tiện ích của người dân trong thời gian qua nhưng lại gây ra nhiều hệ quả. Tôi ủng hộ Đề án này nhưng không thể cấm xe máy ngay được. Cấm xe máy thì dân đi bằng phương tiện gì? Đó là thách thức không những đối với cơ quan Nhà nước mà là hệ thống chính trị vì đây là chính sách liên quan đến an sinh xã hội” ông Liên đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, ông Liên cũng cho rằng, ô tô cá nhân cũng là đối tượng gây ách tắc giao thông. Xe máy là tài sản của người dân có thu nhập trung bình, ô tô là phương tiện của người dân thu nhập trên trung bình, nó an toàn và văn minh hơn, do đó để hài hòa và công bằng: Cấm xe máy cũng phải hạn chế ô tô cá nhân.
Như vậy mục tiêu đi đến có lẽ là để người dân tự nguyện loại bỏ xe máy, đối với ô tô tiến hành hạn chế hợp lý bằng giải pháp điều tiết thu nhập và diện tích đỗ xe.
“Chúng tôi khẳng định rằng: Cấm xe máy chỉ được thực hiện khi đại đa số người dân tự nguyện loại bỏ và chấp nhận phương tiện giao thông công cộng. Kinh nghiệm các nước cho thấy: phát triển giao thông công cộng chất lượng tốt, giá thành hạ, hạn chế có lộ trình sẽ đạt được mục tiêu cấm xe máy”, ông Liên phân tích.
Trên cơ sở đó, ông cũng đề xuất, trước mắt TP tiếp tục thực hiện chủ trương di chuyển nhà máy, trường học ra khỏi nội đô. Cải tạo, xây dựng trụ sở, chung cư cao tầng có số tầng một cách hợp lý, không làm tăng dân số nội đô, tiếp thu thực hiện đề án giảm tải dân cư khu phố cổ. Đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch các diện tích sân chơi, trường học, bãi đỗ xe, siêu thị để giảm bớt mật độ tham gia giao thông.
Đẩy nhanh đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển nhanh các loại hình giao thông công cộng. Việc chậm tiến độ các dự án đường sắt đô thị làm mất lòng tin của người dân. Việc kết nối phương tiện giao thông giữa các khu dân cư, các Bến xe, các trục đường hướng tâm, các khu công nghiệp, sân bay, nhà ga, các đô thị liền kề… phải được triển khai trước một bước.
Việc hạn chế xe cá nhân là một quá trình vận động thay đổi nhận thức của con người nhằm phục vụ lợi ích của người tham gia giao thông và của toàn xã hội.Do đó, Đề án này khởi động bây giờ là hợp lý, có lộ trình, có giải pháp để trả lời được câu hỏi của người dân: Cấm xe máy thì người dân đi làm bằng cái gì?
Nhóm PV