bai 4 xay dung chinh don dang de cung co xung dang voi niem tin cua nhan dan hinh 1
Bài liên quan

Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của Nhân dân. Dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vì thế luôn là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng ngay từ khi mới thành lập. Tại Đại hội Đảng XIII, phát huy vai trò của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiếp tục xác định là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Điều căn cốt nhất lúc này là phát huy như thế nào cho hiệu quả nhất vai trò của Nhân dân trong xây dựng Đảng. Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xung quanh nội dung này.

+ Thưa Phó Giáo sư, công tác xây dựng Đảng luôn được coi là nhiệm vụ then chốt của Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ qua, ông thấy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được những kết quả như thế nào?

- PGS.TS Lê Văn Cường: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa rồi chúng ta thấy rõ, Đại hội XIII là lần đầu tiên đưa ra tổng thể 5 mặt công tác xây dựng Đảng gồm: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tổng thể 5 mặt này được triển khai một cách bài bản, toàn diện thành 10 nhiệm vụ lớn. Hơn nửa nhiệm kỳ nhìn lại, chúng ta có thể đánh giá được rất nhiều kết quả.

Thứ nhất, chúng ta mở rộng nội hàm. Trước kia, chúng ta nói về xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì lần này ta mở rộng nội hàm ra thành “và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Cái này tạo một chỉnh thể thống nhất. Không bao giờ có câu chuyện Đảng mạnh mà chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể yếu kém được. Nó có quan hệ biện chứng với nhau.

Công cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều tiến bộ rất quan trọng. Công tác cán bộ được tách ra và chú trọng. Bộ Chính trị tiến hành kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 26 năm 2018 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, uy tín, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, cho nên chú trọng đến vấn đề này. Thế rồi, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cũng được quán triệt một cách rất bài bản. Chúng ta thấy hàng loạt các quy định ở nhiệm kỳ XII cho đến sang nhiệm kỳ này về vấn đề nêu gương, rồi về vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng cũng được tính đến. Trước kia, ta chỉ nói “phương thức lãnh đạo” thì bây giờ chúng ta dùng cụm từ kép là “phương thức lãnh đạo, cầm quyền”. Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, ta có Nghị quyết 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Trong đó, “tách” ra một phương thức mới, đó là lãnh đạo thông qua phương thức nêu gương. Từ xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, mà bây giờ lại còn trong sáng, nêu gương nữa thì rất tốt.

bai 4 xay dung chinh don dang de cung co xung dang voi niem tin cua nhan dan hinh 2

Một nét nữa rất đáng mừng, đó là vấn đề “thể chế hóa”. Trong các khâu đột phá của Đại hội XIII đưa ra có “đột phá về thể chế”. Tôi chỉ nói ngay trong xây dựng các quy định, Đảng cũng ban hành các văn bản rất đầy đủ, toàn diện, đồng bộ. Ngay sau Đại hội, chúng ta đã ban hành Quy định 22 thay cho Quy định 30 về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật; ban hành Quy định 24 thay Quy định 29 về thi hành điều lệ Đảng; ban hành Quy định 37 thay Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm; ban hành Quy định 69 về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên trên cơ sở kế thừa, hợp nhất Quy định 102 và 07, đồng thời bổ sung những điểm mới rất đáng chú ý. Tóm lại, liệt kê một số văn bản như vậy để ta thấy rất rõ việc hoàn thiện xây dựng đồng bộ văn bản.

Điểm mới nữa mà tôi thấy rất hay là lần này chúng ta có sự đồng bộ giữa quy định của Đảng với chính quyền. Trước đây, có những quy định của Nhà nước có khi “vênh” với quy định của Đảng, hay nói chính xác hơn là “không phù hợp”. Tôi lấy ví dụ, trên cơ sở Quy định 69 về vấn đề kỷ luật thì chúng ta đã đồng nhất thời hiệu kỷ luật Đảng với kỷ luật của chính quyền. Trước kia, kỷ luật Đảng - “khiển trách” là 5 năm, còn chính quyền chỉ có thời hiệu 2 năm thì bây giờ “đồng bộ hóa” lên là 5 năm.

Ví dụ nữa là “Kết luận 14” về bảo vệ cán bộ năng động, dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thì bên chính quyền cũng có Nghị định 73 của Chính phủ về bảo vệ cán bộ. Tức là nó có sự đồng bộ hóa, sự liên thông, kết nối.

Công tác dân vận cũng có sự phát triển rất tích cực. Từ phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thì nay ta đã mở rộng là “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Tiếp tục đẩy mạnh bài học kinh nghiệm thứ ba mà Đại hội XIII rút ra, trong mọi công việc của Đảng luôn luôn phải quán triệt quan điểm “dân là gốc” và “dựa vào dân để xây dựng Đảng”. Hàng loạt phong trào dân vận tốt, dân vận khéo và rất hay.

Có thể nói, qua những sự kiện thăng trầm của đất nước, chúng ta cũng thấy có những điều thêm tin tưởng và tự hào. Ví dụ đợt dịch Covid-19, tôi được chứng kiến tận nơi những hình ảnh “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, nhân dân sẵn sàng chia sẻ cho nhau từ quả bầu, quả bí, từ mớ rau… tinh thần tương thân, tương ái rất cao. Hay gần đây, qua hình ảnh đám tang của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi nhớ lại một câu nhân dân ta đã tổng kết được: “Dân đã thờ ai thì không sai bao giờ”. Lòng dân được kết nối lại, tình người được lan tỏa. Đó là tấm gương sáng của những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hết lòng vì nước, vì dân. Đó cũng là cội nguồn tạo ra sức mạnh, là yếu tố gắn bó, tương trợ, đoàn kết trong thời kỳ mới.

bai 4 xay dung chinh don dang de cung co xung dang voi niem tin cua nhan dan hinh 3

Đại hội XIII, chúng ta đưa ra 4 kiên định. Trước kia là 2 kiên định với nền tảng tư tưởng, với mục tiêu. Đại hội XII bổ sung thêm “kiên định với đường lối đổi mới” và Đại hội XIII bổ sung thêm “kiên định với các nguyên tắc xây dựng Đảng”. Tôi cũng mong muốn về công tác xây dựng Đảng là phải có đoàn kết, thống nhất thực lòng!

Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua đã đạt được những thành tựu như vậy. Đây cũng là cơ sở để chúng ta tiếp tục phát huy, đạt được những thành tựu mới trong thời gian tới.

+ Phó Giáo sư có thể chỉ ra những thách thức lớn nhất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là gì? Làm thế nào để Đảng có thể vượt qua những thách thức đó một cách hiệu quả?

- PGS.TS Lê Văn Cường: Tôi cho rằng, có một số thách thức thế này. Tiếng Việt của chúng ta có câu: “Trong nguy có cơ, biến nguy thành cơ”. Cho nên những thời cơ và thách thức đan xen nhau. Phải thẳng thắn nhìn vào như vậy mới biện chứng. Chứ không có chuyện cái gì cũng tốt cả, bàn tay còn có ngón dài, ngón ngắn.

Hiện nay, tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường. Đó là thách thức đầu tiên. Vị trí địa chính trị của chúng ta rất quan trọng. Thế thì phải làm sao để giữ vững được độc lập, thống nhất chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà lại không bị chi phối, không bị ngả nghiêng, dao động. Đó là thử thách năng lực, trí tuệ, bản lĩnh chính trị của Đảng ta.

Thứ hai, chúng ta cũng phải nhìn nhận rất rõ là kinh tế có vấn đề. Đảng lãnh đạo, vì vậy, những hạn chế, khuyết điểm cũng gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng ta thấy kinh tế tăng trưởng có thể nói là chưa bền vững, tăng trưởng chậm lại. Hàng loạt các căn bệnh kinh niên được chỉ ra, rồi cán bộ “mắc bệnh sợ trách nhiệm”… Vấn đề này cần được lưu ý.

bai 4 xay dung chinh don dang de cung co xung dang voi niem tin cua nhan dan hinh 4

Về xã hội, có những điểm sáng nhưng vẫn có nhiều vấn đề. Chính sách với người có công đã thực sự tốt chưa? Chính sách với những người có thu nhập thấp thế nào? Lương, giá tăng thế nào? Rồi chính sách về các loại thuế đã ổn chưa?... Chúng ta cần rà soát thật kỹ để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Đối với vấn đề về nội bộ Đảng, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo tôi, thách thức lớn nhất vẫn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Cái này, điểm tốt là chúng ta đã xử lý kỷ luật theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Ra ngoài xã hội, Nhân dân thường nói nhỏ với nhau là “trước kia, chỉ tắm từ vai trở xuống thì giờ đã tắm từ đầu trở xuống”.

Nhưng, cái chúng ta lưu tâm là nó có tính hai mặt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đương thời đã từng nói, ta đã kỷ luật nhiều, kỷ luật nặng như thế rồi nhưng tại sao vẫn còn tình trạng vi phạm nhiều đến như thế? Phải chăng người ta không biết sợ nữa, phải chăng luật pháp, cơ chế, chính sách của chúng ta không nghiêm? Ta thấy đã xử lý đồng bộ, kỷ luật Đảng, kỷ luật chính quyền, kể cả xử lý hành chính và xử lý hình sự, thế nhưng vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm. Cái này là cái gốc của vấn đề.

Tôi rất đồng tình trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra tham ô, tham nhũng, lãng phí chỉ là các biểu hiện của tiêu cực; cái gốc của tiêu cực chính là sự suy thoái về đạo đức.

Tôi nói đơn giản thế này, đứng trước một vấn đề, người mà đạo đức trong sáng thì người ta sẽ lựa chọn vì lợi ích chung, như Bác Hồ đã dạy: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Cho nên người ta sẽ chọn phương án làm lợi cho cái chung, cho Đất nước, cho Đảng, cho Tổ quốc. Nhưng những người suy thoái về đạo đức thì sẽ tranh thủ ngay, cơ hội ngay để trục lợi, vơ vét, kiếm chác, có khi còn cho mình là người khôn ngoan, thông minh. Cái đấy là cái gốc của vấn đề - chính là đạo đức.

bai 4 xay dung chinh don dang de cung co xung dang voi niem tin cua nhan dan hinh 5

Do đó, thách thức này, tôi nghĩ rằng cần phải làm đúng như cái tên của cuốn sách là “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Giống như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi nhậm chức cũng nói rằng, “cuộc chiến” này vẫn tiếp tục. Và tôi nhớ lại, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói, đây là “mệnh lệnh của cuộc sống”. Bởi vì, theo số liệu điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được 93% người dân đồng tình, ủng hộ. Đó là mệnh lệnh của cuộc sống, cho nên phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tức là ngăn chặn tận gốc của vấn đề từ sự suy thoái - đây là điều cần phải làm.

Cái thách thức này cũng đi kèm vấn đề, đôi lúc các thế lực thù địch, chống phá, nhìn thấy chúng ta xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, chúng ta làm trong sạch đội ngũ, loại bỏ những phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất, thì lại cũng tạo cớ cho các thế lực thù địch chống phá. Họ xuyên tạc rằng, đây là đấu đá nội bộ, thanh trừng phe cánh… Đó cũng là những thách thức để chúng ta phải vượt qua, chứng minh cho Nhân dân, cho cán bộ đảng viên và bạn bè quốc tế thấy rằng, đây là quyết tâm chính trị, biến lời nói thành hành động trong thực tế, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân dành cho Đảng.

+ Để có được niềm tin rất lớn ở Nhân dân là do Đảng ta đã thẳng thắn đánh giá, chỉ rõ những khuyết điểm, tồn tại trong lãnh đạo, chỉ đạo, để từ đó đề ra giải pháp phù hợp, quyết liệt nhằm sửa chữa, khắc phục. Vậy, theo Phó Giáo sư, công tác kiểm tra, giám sát nội bộ trong Đảng cần chú trọng vấn đề gì để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên?

- PGS.TS Lê Văn Cường: Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng còn có lúc được ví như “thanh bảo kiếm” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp. Muốn phát huy vai trò của nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, góp phần vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống thì như Đại hội XIII xác định là phải “đi trước mở đường”. Nhưng phải lưu ý là góp phần phòng ngừa sai phạm khuyết điểm từ sớm, từ xa. Có nghĩa là, chúng tôi rất mong muốn, khi tiến hành kiểm tra, giám sát phải nhớ được phương châm “giám sát phải có mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”. Trong đó, mục tiêu của giám sát là không để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành vi phạm nghiêm trọng, vi phạm của một người trở thành vi phạm của nhiều người.

Chứ nếu không bây giờ lại kiểm tra theo góc độ là chỉ đi “bới lông tìm vết”, chỉ đi kỷ luật người khác thì không đúng. Cái đó chỉ là “cái ngọn”. Cái đúng phải là kiểm tra để góp phần ngăn chặn, phòng ngừa khuyết điểm vi phạm ngay từ khi mới manh nha, qua kiểm tra biết được có những cái sai, những lỗ hổng, những kẽ hở trong quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để rồi đề xuất khắc phục, để chúng ta ban hành quy định mới; hoặc có những quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp nữa thì qua công tác kiểm tra, giám sát phải phát hiện để đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Đó là những điều cần lưu ý, cần làm.

Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, anh phải nhận thức đúng vấn đề kiểm tra, giám sát, kỷ luật. Việc đó không có nghĩa là chỉ tìm ra sai phạm để rồi xử lý kỷ luật mà ở đây phải góp phần phòng ngừa khuyết điểm ngay từ đầu, từ xa, từ sớm, rồi góp phần giáo dục, rèn luyện. Từ kiểm tra, thấy ai làm tốt thì kịp thời biểu dương, khen thưởng. Chương 8 điều lệ Đảng nêu rõ “khen thưởng và kỷ luật”. Tức là kiểm tra phải nói đến cả khen thưởng để phát huy, nhân lên diện rộng, lấy “cái đẹp dẹp cái xấu”. Còn nếu làm không tốt thì nhắc nhở, giám sát, kiểm tra chấp hành, xử lý vi phạm. Chứ không phải nhận thức theo kiểu cứ nghĩ kiểm tra là “đồng hành” với kỷ luật.

Thứ hai, phải hoàn thiện các quy chế, quy trình trong công tác kiểm tra, chứ không thể chung chung, kết luận theo cảm tính. Ví dụ như Ủy ban Kiểm tra Trung ương có Quyết định 354 về các quy trình thực hiện kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng của Ủy ban Kiểm tra các cấp; Ban Bí thư cũng mới ban hành Quy định 89 về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật Đảng của cấp ủy tỉnh đến cơ sở… Phải có quy định rõ ràng như thế thì người ta mới khâm phục.

Thứ ba, tôi cho rằng cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan như cơ quan kiểm tra Đảng, Thanh tra Chính phủ, cơ quan điều tra… để tránh chồng chéo. Nếu như không có sự phối hợp thì dễ xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, mà thậm chí đối tượng được thanh, kiểm tra cũng cảm thấy rất khó chịu. Hôm nay thì cơ quan này đến làm việc, mai lại đến cơ quan khác, gây cảm giác khó chịu. Muốn “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” thì phải có sự phối hợp.

Thứ tư, đó là con người. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra là phải “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ đức, đủ tài. Nếu giao “vũ khí” vào tay người tốt thì nó sẽ tốt!

Thứ năm là phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào Dân để xây dựng Đảng, chứ không được tách rời. Công tác kiểm tra là của Đảng thế nhưng phải dựa vào Dân. Ý Đảng phải hợp với lòng Dân. Thực tiễn cho thấy, sau khi công khai các kết quả kiểm tra thì chúng ta rất tự hào là được các đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ. Nghĩa là phải dựa vào Dân.

Thứ sáu là phải sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện. Nơi nào tốt thì phát huy, nhân rộng học tập.

Đó là những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong giai đoạn hiện nay, góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!

bai 4 xay dung chinh don dang de cung co xung dang voi niem tin cua nhan dan hinh 6

“Thế nước do lòng dân tạo nên, mà có thế nước, có lòng dân là vận Đảng phát triển. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất dung dị, đại ý: Đảng muốn còn thì phải được lòng dân, mất lòng dân là mất Đảng hay Còn dân thì còn Đảng, Đảng muốn vững mạnh phải dựa vào Nhân dân” - Đó là nhấn mạnh của TS. Nhà báo Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - trong cuộc trò chuyện cùng Báo Nhà báo và Công luận xung quanh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã, đang được Đảng Nhà nước ta thực hiện một cách quyết liệt, xem đó là một trong những giải pháp cốt lõi trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từ đó củng cố, phát huy nhân lên niềm tin của Nhân dân với Đảng.

+ Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 diễn ra tháng 12/2020, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá: Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2/2013) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt. Là người từng có rất nhiều những phân tích tâm huyết về cuộc chiến chống tham nhũng, theo ông, ý nghĩa lớn nhất từ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hơn 1 thập kỷ qua là gì?

- TS. Nhà báo Nhị Lê: Thực tiễn chứng minh, không có một quốc gia nào trên thế giới phát triển mà không phòng, chống tham nhũng. Xếp loại của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International, viết tắt là TI) cho thấy, những nước văn minh nhất là những nước chống tham nhũng mạnh mẽ nhất và họ thành công nhất.

Tham nhũng là gì? Nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đó khuyết tật bẩm sinh của quyền lực.

Tôi nghĩ, về tầm nhìn, đó là cái bóng ma quái và mặt trái biến ảo của quyền lực; là sự tha hoá, thoái hoá và những biến thái khác của quyền lực một cách vô pháp vô đức… Nếu còn quyền lực với tất cả sự phức tạp tự nhiên và tất yếu ấy, nếu không được kiểm soát và khắc chế, thì còn tham nhũng. Vì thế, đại cuộc phòng, chống tham nhũng là công việc của tất cả các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới xưa nay và ngày càng phức tạp và khó khăn, chứ không riêng gì là công việc của Việt Nam. Vì thế, chúng ta không hoảng loạn càng không rơi vào yếm thế!

bai 4 xay dung chinh don dang de cung co xung dang voi niem tin cua nhan dan hinh 7

Thực tiễn đã và đang tiếp tục đặt ra và đòi hỏi cấp bách nhưng mang tầm chiến lược là, tiếp tục nhận thức mang tính chỉnh thể ba phương diện quan trọng nhất chung quanh tham nhũng và liên quan tới tham nhũng là, quyền lực, đạo đức và pháp quyền.

Về quyền lực, xét về tính chất: sử dụng quyền lực hay sở hữu quyền lực dù là về chính trị, kinh tế, quyền lực xã hội; về quy mô: quyền lực cá nhân, quyền lực cộng đồng, quyền lực nhà nước. về hình thức: việc sử dụng hay sở hữu và các biến thái quyền lực… Muốn phòng, chống tham nhũng, phải tìm các phương thức kiểm soát và khắc chế quyền lực bảo đảm cân bằng quyền lực và quyền lực cân bằng.

Phương thức ở đây là, thể chế, rộng hơn là cơ chế được thực thi bằng và bởi luật pháp với đạo đức thực thi làm căn bản của đội ngũ và lực lượng rộng lớn làm công tác này thật tương dung và hiệu quả.

Công cuộc chống tham nhũng 10 năm là đỉnh cao, sự nỗ lực của Đảng ta trong điều kiện mới. Đó là hiện thực hóa tầm nhìn, quyết tâm chiến lược ngay từ ngay Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng (từ ngày 20 đến ngày 25/01/1994), hoá giải 4 nguy cơ: tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng và diễn biến hòa bình. Nguy cơ tham nhũng đã trở thành “đại nạn” càng cho thấy, sự tiên liệu của Đảng ta rất đúng, ngay từ rất sớm, rất xa.

Và, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng (họp từ ngày 12 đến 19/1/2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đốt ngọn lửa đầu tiên, và việc phòng, chống tham nhũng trở thành trọng sự, có ý nghĩa sinh tử đối với quốc gia, dân tộc, sự mất còn đối với thể chế, đối với Đảng.

bai 4 xay dung chinh don dang de cung co xung dang voi niem tin cua nhan dan hinh 8

Có thể thấy rằng, thành quả 10 năm vừa qua, trước hết là một bước tiến lớn của dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng, vì sự phồn thịnh của quốc gia, danh dự của con người Việt Nam, củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân vào Đảng và nâng cao vị thế đất nước trước bạn bè quốc tế.

Thứ hai, cho chúng ta thấy rõ hơn nhận rõ hơn bộ mặt tham nhũng, quy mô và tính chất của tham nhũng trong tổng thể những công việc mà quốc gia phải giải quyết.

Thứ ba, mở tầm rộng và rõ hơn, khẳng định quyết tâm chính trị, cương lĩnh hành động của Đảng, Nhà nước và của hệ thống chính trị thống nhất và đồng bộ hơn, với sự lựa chọn những bước đi vững chắc hơn và hiệu quả hơn trong cuộc đấu tranh này.

Thứ tư, khẳng định rõ hơn, vững chắc hơn vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng và phát triển đất nước nói chung.

Thứ năm là, chúng ta đặt vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tổng thể phát triển đất nước một cách toàn diện.

Tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thật sự khắc sâu và khẳng định sự kiên định và triệt để trọng sự này, tới tận chi bộ và cơ sở.

+ Với vai trò là người đứng đầu của Đảng và là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân. Xin ông phân tích rõ hơn về tác động tích cực của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến đông đảo người dân?

- TS. Nhà báo Nhị Lê: Qua cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lòng dân tin tưởng hơn vào thể chế, vào Đảng, vào Nhà nước. Đặc biệt, công cuộc chống tham nhũng hiện nay đã và đang nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể Nhân dân và sự hợp tác chặt chẽ từ quốc tế. Đó là sức mạnh của cơ chế phòng, chống tham nhũng. Lòng dân thật sự là những cơn sóng bao vây và vùi lấp tham nhũng. Đó là biểu hiện khát vọng và sức mạnh của toàn Dân. Thế nước - lòng Dân – vận Đảng.

bai 4 xay dung chinh don dang de cung co xung dang voi niem tin cua nhan dan hinh 9

Thế nước do lòng dân tạo nên, mà có thế nước, có lòng dân là vận Đảng phát triển. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất dung dị, đại ý: Đảng muốn còn thì phải được lòng dân, mất lòng dân là mất Đảng hay còn dân thì còn Đảng, Đảng muốn vững mạnh phải dựa vào Nhân dân.

Chúng ta phải cổ vũ, giữ niềm tin trong đại cuộc này của Nhân dân. Phải bằng mọi phương pháp để người dân để họ hiểu được tham nhũng là kẻ hút máu dân, đục khoét sức dân; từ đó, mỗi người dân cùng tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải xây dựng cơ chế bảo vệ Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khi được lòng dân tin tưởng, khi Nhân dân ủng hộ và tham gia thì công cuộc tất thành.

Để giữ niềm tin của Nhân dân trong phòng chống, tham nhũng, tiêu cực, nhất định phải nắm chắc pháp luật, phải xử thật nghiêm mọi đối tượng tham nhũng. Quyết định nhất là, nói đâu làm đấy. Người dân luôn mong như vậy.

+ Tham nhũng đang “từng bước được kiềm chế, ngăn chặn” nhưng rõ ràng có loại bỏ được tận gốc hay không vẫn còn là câu hỏi ngỏ. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, đâu là thách thức lớn nhất của công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực?

- TS. Nhà báo Nhị Lê: Khi đất nước mở cửa, tham nhũng không chỉ là “giặc nội xâm” mà luôn biến ảo trong lộ trình hội nhập, thậm chí cấu kết với “giặc ngoài” hết thức thâm hiểm, sức mạnh của nó hết sức kinh khủng, có sức công phá, thậm chí “tung thâm” khó có thể ngờ.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, khi âm mưu “Nội công ngoại kích” cộng với “diễn biến hòa bình” mà tham nhũng đủ loại đi trước mở đường thì không một sức mạnh của quốc gia nào chịu nổi. Có thể lấy ví dụ nạn tham nhũng bùng nổ ở Trung Á, gần đây ở Châu Phi là minh chứng về sự càn quét khốc liệt không từ một quốc gia nà, với quy mô ngày càng rộng lớn, mức độ ngày càng nguy hiểm, đến mức người ta không thể phân biệt được đâu là tham nhũng truyền thống, đâu là phi truyền thống, đâu là hiểm hoạ bất ổn chính trị, đâu là hậu hoạ từ tham nhũng, đủ loại tham nhũng khiến quốc gia, dân tộc rối loạn.

bai 4 xay dung chinh don dang de cung co xung dang voi niem tin cua nhan dan hinh 10

Đối với chúng ta, tham nhũng không chỉ chiếm hoạt cái hữu hình mà còn chiếm đoạt cái vô hình, tức là “lòng tin”. Tham nhũng không chỉ tước đoạt thành quả của Đảng, Nhà nước và Nhân dân mà nguy cơ sâu xa hơn, nguy hiểm hơn là, có thể gây nên sự bất ổn về phát triển kinh tế, gây nên sự bất công trong xã hội, dẫn đến sự bất ổn về chính trị và sự rối loạn về xã hội. Nếu không giải quyết tốt sẽ thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng, thách thức vai trò quản lý của Nhà nước, thách thức chế độ, đe dọa đến vị thế - uy tín - sức mạnh của quốc gia.

Nhiều năm qua, trên cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Ban Chấp hành Trung ương đã từng bước giải quyết đại sự nguy hiểm đó và nhận được sự ủng hộ rất rộng và sâu của nhân dân. Đó cũng là cơ sở chính trị, kinh tế và xã hội hết sức quan trọng để đảm bảo sự thành công 10 năm đổi mới vừa qua, đưa đất nước cất cánh và tạo vị thế mới của mình. Nói cách khác, đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng, ngày càng thể hiện sức mạnh, uy tín, vị thế mới của mình. Đó là cái được lớn nhất.

Đặc biệt 10 năm vừa qua, quốc tế đánh giá rất cao công cuộc phòng chống tham nhũng, vị thế của Việt Nam. Theo Báo cáo do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố đầu năm 2023, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi bật về phòng, chống tham nhũng, hơn 30 bậc trong 10 năm. Như vậy, có thể thấy, Việt Nam tiến những bước rất dài và rất quan trọng trong phòng, chống tham nhũng; và đặc biệt, vị thế của Đảng trong xã hội từng bước được nâng cao.

bai 4 xay dung chinh don dang de cung co xung dang voi niem tin cua nhan dan hinh 11

+ Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp căn cơ, bài bản gì để công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được hiệu quả cao nhất?

- TS. Nhà báo Nhị Lê: Càng hội nhập sâu rộng càng phải chủ động đối mặt và giải quyết hiệu quả tham nhũng ngày càng phát triển một cách rộng lớn hơn, tinh vi hơn và nguy hiểm hơn.

Có thể hình dung và dự báo, càng đẩy mạnh hội nhập càng thách thức ngay từ trong nội bộ sự phân hóa về quyền lợi, dẫn tới nguy cơ phân hoá về quyền lực, phá vỡ sự thống nhất trong Đảng và nội bộ đất nước, nếu không chủ động và kịp thời giải quyết sẽ bùng nổ thành những mâu thuẫn lớn với những hậu hoạ khôn lường. Do đó, việc bảo đảm tốc độ phát triển chính trị tương dung và hài hoà với tốc độ phát triển kinh tế và xã hội một cách đồng bộ và thống nhất là hết sức cơ bản và quan trọng. Sự mất cân bằng kinh tế đối nội và kinh tế đối ngoại, sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng đô thị và nông thôn, những hệ lụy về phát triển kinh tế - xã hội quá “nóng” hoặc quá “lạnh” luôn là những nguy cơ lớn rình rập. Tình trạng đó cộng với nạn tham nhũng đủ loại “chui sâu”, “leo cao” nguy cơ sẽ dẫn tới nguy cơ bùng nổ xã hội, sẽ rất nguy hiểm.

Điều cần cảnh báo là, sự liên minh tăm tối giữa những chính trị gia hủ bại với các doanh gia vô đạo đức, nếu không được khắc chế sẽ không chỉ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài mà có thể làm tan rã nội bộ. Nếu trước kia tham nhũng thường đơn tuyến thì nay thành “liên minh” đa tuyến từ trên xuống dưới, bên trong với bên ngoài… có sức công phá, lũng đoạn làm tan tã hệ thống chính trị.

Do đó, tiếp tục dự liệu những “vật cản" hữu hình và vô hình từ bên ngoài với sự “liên minh” với bên trong hệ thống, khi tình thế thay đổi, là đặc biệt quan trọng.

Chủ trì phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh công tác này mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội.

Chỉ đạo mang tầm chiến lược đó càng khẳng định sự kiên định và đồng bộ của chúng ta trong giải quyết mang tầm tổng thể các công việc phát triển đất nước ở thời kỳ mới.

bai 4 xay dung chinh don dang de cung co xung dang voi niem tin cua nhan dan hinh 12

Hơn hết lúc nào, trước hết về nhận thức, đây chính là tầm viễn kiến, tinh thần chủ đạo từ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Chống tham nhũng trước hết là chống giặc rất tinh vi và nguy hiểm từ bên trong đồng thời với chống giặc từ bên ngoài, bảo đảm đất nước phát triển trong ổn định, hoà bình và thống nhất. Do đó, đặt vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tổng thể những “trọng sự” phát triển quốc gia là chỉ đạo đặc biệt quan trọng.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải lấy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm gốc trong tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống, lấy danh dự, liêm sỉ làm đầu, nhất là đội ngũ người đứng đầu tất cả các cấp của hệ thống chính trị. Bảo vệ và phát huy đạo đức cán bộ, đảng viên.

Thứ ba, quốc pháp bất vị thân - tức là phải xử lý những đối tượng tham nhũng, tiêu cực đến cùng không loại trừ bất kỳ ai, bằng và bởi pháp luật. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là bộ thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.

Thứ tư, phải chọn bộ máy cho đúng. Sau khi có đường lối đúng thì quyết định thành bại là do con người. Phải xây dựng đội ngũ người đứng đầu ngang tầm, trước hết không vi phạm xung quanh tham nhũng. Quyết không dung thứ những người ăn cắp dù là nhỏ nhất để đi làm việc “chống ăn cắp”.

Thứ năm, giữ vững lòng dân và bảo vệ sự ủng hộ của Nhân dân, nếu không muốn thất bại. Cần thiết phải có Đạo luật về Nhân dân một cách toàn diện, trong đó có phòng, chống tham nhũng nhằm đảm bảo về mặt pháp lý một cách hệ thống và khả thi.

Cuối cùng là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

bai 4 xay dung chinh don dang de cung co xung dang voi niem tin cua nhan dan hinh 13

Tin khác

Huy động các nguồn lực xã hội bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc

Huy động các nguồn lực xã hội bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc

(CLO) Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội bấm nút thông qua, nêu rõ, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm và phát triển hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

(CLO) Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

Quan hệ Việt Nam - Malaysia phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới

Quan hệ Việt Nam - Malaysia phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới

(CLO) Chiều 23/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Malaysia từ 21 - 23/11/2024, theo lời mời của Thủ tướng Malaysia và Phu nhân.

Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

(CLO) Sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Ông Hà Sỹ Đồng, giữ chức vụ Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị

Ông Hà Sỹ Đồng, giữ chức vụ Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị

CLO) Chiều 22/11, Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký quyết định số 1458 giao ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, giữ chức vụ Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2021-2026.

Hà Nam: Sẽ dôi dư 143 cán bộ, công chức xã sau sáp nhập đơn vị hành chính

Hà Nam: Sẽ dôi dư 143 cán bộ, công chức xã sau sáp nhập đơn vị hành chính

(CLO) Dự kiến tỉnh Hà Nam có 19 đơn vị hành chính cấp xã phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025. Sau sắp xếp sẽ dôi dư 143 cán bộ, công chức (cán bộ 92 người, công chức 51 người).