Bài 5: Ngăn chặn quyền lực không chính danh

Thứ sáu, 25/05/2018 08:58 AM - 0 Trả lời

(CLO) Quá trình thực hiện chủ trương phòng chống tham nhũng lãng phí, chúng ta đều nhận ra rằng, trong cuộc chiến đầy cam go và phức tạp này, sự biến thái của quyền lực đang là một trong những tâm điểm cần phải được hóa giải. Nội dung, cơ chế, cách thức kiểm soát quyền lực đang được Trung ương Đảng định hình định hướng, có những khâu, những mặt đã có qui định và đang triển khai thực hiện cùng với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7, khoá XII.

Tuy nhiên, để bảo đảm việc kiểm soát được quyền lực bằng quyền lực, bằng pháp luật, bằng đạo đức, bằng báo chí và truyền thông xã hội, phát động được nhân dân tham gia giám sát, kiểm soát quyền lực. 

Muốn vậy phải xây dựng một hệ thống văn bản pháp lý,quy chế, quy định và tuyên truyền hướng dẫn thực hiện. Có nghĩa là phải có thời gian, có lộ trình mới triển khai đồng bộ được. 

Trong khi chưa “nhốt” được quyền lực, thì không ít người sử dụng quyền lực là những kẻ suy thoái vẫn tranh tối tranh sáng lạm dụng nó để đạt được mục đích cá nhân. Khi quyền lực chưa được kiểm soát thì sự tha hoá quyền lực vẫn cứ diễn ra. 

Đây cũng là một nguyên nhân của thực trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”, “trên vội vã, dưới thư thả”. Và do vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nguyên nhân của sự rối loạn kỷ cương, bất công xã hội vẫn còn hiện hữu.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến một phần “góc khuất” của kiểm soát quyền lực và mong muốn Đảng ta cần có giải pháp thật mạnh mẽ để ngăn chặn ngay quyền lực không chính danh.

Quyền lực không chính danh theo chúng tôi, là quyền lực không hợp pháp, không được cơ quan có thẩm quyền giao, không được quy định trong các văn bản pháp lý về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức;Chức trách, nhiệm vụ của cá nhân. 

Quyền lực không chính danh thường được người có quyền lạm dụng, người có tiền, có tình chi phối vì mục đích cá nhân. Quyền lực không chính danh thường được thể hiện bằng miệng, bằng thư tay, bằng tin nhắn, điện thoại trực tiếp hoặc bằng truyền đạt qua những người thân hữu, thuộc hạ tin cậy. 

Người tiếp nhận và thực thi thường là những người bị lệ thuộc, ràng buộc, ảnh hưởng về chính trị, lệ thuộc về kinh tế và tình cảm đối với những người “ban hành” những yêu cầu không thuộc quyền hạn, trách nhiệm của họ.

   

Báo Công luận
 
 Một vài thí dụ về quyền lực không chính danh

- Chúng ta dễ dàng nhận thấy, câu chuyện bộ máy nhà nước ngày càng phình ra, chất lượng cán bộ công chức ngày càng suy giảm, tỷ lệ suy thoái ngày càng cao... một phần cũng do quyền lực không chính danh. Rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thừa cán bộ lãnh đạo, thừa nhân viên so với quy định, nhưng số lượng thừa vẫn tiếp tục tăng.

 Nhiều trường hợp cơ quan cần tuyển những người giỏi, nhưng không thể tuyển được. Công tác tuyển dụng theo định kỳ và đột xuất vẫn cứ diễn ra, mặc cho trong cơ quan còn một bộ phận công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Nhiều nơi tiếp tục được bổ sung vào cơ quan, đơn vị những kẻ ăn bám, không đủ tiêu chuẩn tuyển dụng nhưng lại đủ điều kiện về quan hệ. 

Và theo đó những người đủ tiêu chuẩn phải xếp hàng chờ năm này qua năm khác, hoặc tìm kế sinh nhai theo những ngành, nghề không được đào tạo... Khi cấp ủy, hội đồng tuyển dụng họp có những ý kiến có trách nhiệm nêu vấn đề, lại có nhiều ý kiến cho rằng: Biết thế nhưng phải chấp nhận, vì nhiều lẽ phải “quan tâm”.

 Để rồi việc tuyển dụng, ý chí từ những yêu cầu của chủ thể không chính danh được hợp thức hóa, hợp pháp hóa vào nghị quyết của tập thể hội đồng, của cấp ủy. 

Trong khi còn tồn tại cơ chế xin cho, trong khi còn phải tranh thủ quan hệ vừa có lợi cho tập thể, vừa có lợi cho cá nhân... có rất nhiều lýdo mà không thể nào khác được vẫn phải nhận người, tuyển dụng người từ những yêu cầu không chính danh. 

- Việc bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua là thí dụ điển hình nhất về sự áp đặt quyền lực không chính danh. Mua chức, mua quyền không chỉ mua ở nơi có quyền bán, mà mua cả nơi không chính danh, mua những người chi phối được quyền bán, mua. Có nhiều trường hợp, thực chất người “có quyền” chi phối là người quyết định việc bổ nhiệm. 

- Trong thực tiễn điều hành hoạt động thực thi nhiệm vụ của các cơ quan công quyền chúng ta dễ nhận thấy sự hiển hữu quyền lực ngầm, không chính danh dường như phổ biến. Ở một địa phương nọ, việc lập lại trật tự kỷ cương trong xây dựng là chủ trương có trong nghị quyết của cấp uỷ, hội đồng nhân dân, và người dân rất bức xúc với những trường hợp xây dựng trái phép. Thế nhưng có vụ việc đang tổ chức cưỡng chế, thi hành quyết định chính danh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong khi lực lượng phương tiện đã huy động, đang tiến hành tháo dỡ... thì có một cú điện thoại từ một chủ thể không chính danhyêu cầu dừng việc cưỡng chế. Sau đó lực lượng cưỡng chế được giải tán. Câu chuyện tương tự này không phải là cá biệt trong thực thi nhiệm vụ của nhiều lĩnh vực.

- Trong hoạt động tư pháp cũng vậy, Luật tố tụng quy định: Điều tra viên, kiểm soát viên, thẩm phán hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Nhưng khi có sự can thiệp của quyền lực không chính danh người thực thi quyền lực chính danh cũng sẵn sàng làm mất đi tính khách quan, công minh và công bằng của pháp luật. Nhiều vụ việc người yếu thế phải chịu thiệt thòi, oan ức mà không thể giải quyết thoả đáng.

- Báo chí có chức năng phản ánh đúng sự thật, nhưng khi có sự can thiệp không chính danh, nhiều nhà bảo vẫn phải bẻ cong ngòi bút...

Tác hại của quyền lực không chính danh

Quyền lực không chính danh như là một thứ quyền lực ngầm, đang là lực cản vô cùng lớn, vừa là nguyên nhân của những rào cản trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, vừa là tác nhân góp phần bảo vệ thành trì của nhóm lợi ích, gây khó khăn cho nhiệm vụ xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, là môi trường dung dưỡng sự thiếu minh bạch,mất dân chủ...

Quyền lực không chính danh đôi khi còn chi phối thay đổi cả một chủ trương, chính sách đúng đắn của cấp uỷ, làm biến thái các quy trình,quy phạm, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị. Đôi khi vì phải thực thi một yêu cầu không chính danh mà đảo lộn đổi ngôi các giá trị. Hoặc nhập nhèm thiếu minh bạch về nhiệm vụ chung, gây mất đoàn kết cơ quan đơn vị. 

Khi quyền lực không chính danh còn “được nuôi dưỡng” thì sự lợi dụng hiệu lực của nó để chạy chọt, có khi còn gian dối, lừa lọc,nhằm mưu cầu lợi ích riêng vẫn diễn ra. 

Cũng có nhiều trường hợp quyền lực không chính danh xung đột lẫn nhau, và rồi chủ thể của quyền lực chính danh phải tìm cách thu xếp cho ổn thỏa, gây thêm nhiều phức tạp trong thực hiện chính danh. 

Trong xã hội đương thời, nhiều người có địa vị cao sang, họ đi lên chủ yếu bằng con đường sử dụng quyền lực không chính danh. Chính danh của họ trong xã hội lại được xây dựng, nâng đỡ từ lực đẩy không chính danh. Họ có sự trải nghiệm, muốn có thành công trên con đường danh lợi phải bằng sự quan hệ, chạy chọt, mua bán, xin cho, mới có được. 

Chính sự trải nghiệm đó tạo ra cuộc sống hai mặt khác biệt trong mỗi con người. Sự chân thật và giả dối đan xen, đảo chiều, hoán vị đồng hành trong suốt quá trình cá nhân thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Quyền lực không chính danh đang biến nhiều chính trị gia, nhiều người có quyền cao, chức trọng “nói một đường làm một nẻo” với những phát ngôn mỵ dân ấn tượng có thể xếp vào loại “kinh điển”. Nhưng đến khi pháp luật phanh phui, chiếc mặt nạ rơi xuống, sự thật mới được phơi bày... 

Có nghĩa là trên sân khấu chính trị họ là những diễn viên xuất sắc, nhưng thực tế đời thường, tư tưởng, tình cảm, động cơ và hành động của họ chứa đầy những tham vọng cá nhân. Họ có thể ký ban hành nhiều văn bản đúng đắn, có lợi cho đất nước, cho nhân dân, nhưng suy nghĩ và sự quan tâm của họ lại hướng về danh lợi của cá nhân là chủ yếu. 

Sự vận hành thực thi quyền lực không chính danh cũng là một biểu hiện của vấn nạn “chạy” và cũng là nét đặc trưng biến thái trong quan hệ xã hội đương thời ở nước ta hiện nay. Việc ngăn chặn quyền lực không chính danh là góp phần quan trọng để chống “giặc nội xâm”. 

Ngăn chặn quyền lực không chính danh có thể thực hiện được ngay bằng các quyết định, chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng, không phải chờ sửa luật.

Ngăn chặn quyền lực không chính danh

1. Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 khoá XII của Trung ương Đảng, đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc cần sớm ban hành các văn bản và triển khai thực hiện đồng bộ trong hệ thống chính trị từ trên xuống việc kiểm soát quyền lực cả chính danh và không chính danh. 

Cần rà soát lại các quy chế, quy định của các cấp,nhất là nội dung liên quan đến những vấn đề hay xẩy ra các can thiệp không chính danh để bổ sung, sửa đổi hoàn chỉnh các văn bản kiểm soát quyền lực chặt chẽ và hữu hiệu. Cần tuyên truyền phát động mọi người dân tham gia phát hiện, tố giác những hành vi can thiệp không chính danh.

2. Các cơ quan Đảng, các ngành các cấp của nhà nước từ trung ương đến cơ sở và các cá nhân nắm giữ trọng trách trong hệ thống chính trị khi thực hiện vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, chức trách công tác của cá nhân mình cần thường xuyên bảo đảm sử dụng quyền lực chính danh, hợp pháp, hợp lý một cách độc lập và chịu trách nhiệm cao nhất với việc sử dụng quyền lực của mình. 

Có các biện pháp ngăn ngừa, ngăn chặn quyền lực không chính danh chi phối việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, chức trách của cơ quan, đơn vị, cá nhân mình.

 Không thể để những cú điện thoại, những lá thư tay, những lời nhắn tin, những trao đổi bên lề hội nghị... làm khuynh đảo những nghị quyết, kế hoạch, quyết định đã thông qua tập thể, làm sai lệch bản chất chế độ, chính sách, chủ trương... 

Không vì nể nang, né tránh, muốn được lòng cấp trên, người thân mà các sự vụ thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan, đơn vị, cá nhân mình lại cứ đùn đẩy, để dùng dằng hoặc cho “chìm xuồng” các vụ việc gây hệ lụy xấu. Người cán bộ chủ chốt các cấp có bãn lĩnh là phải biết từ chối những yêu cầu, can thiệp không chính danh.

3. Trung ương Đảng cần có quy định xử lý người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền có hành vi hợp pháp hoá, hợp thức hoá những yêu cầu,những can thiệp, nhằm tạo thuận lợi cho quyền lực không chính danh thao túng. Khi kiểm tra, thanh tra, kiểm điểm và xử lý các vụ việc tiêu cực thì “can thiệp không chính danh” cũng không được coi là yếu tố giảm nhẹ tính chất vi phạm.

4. Từng cơ quan, đơn vị cần đăng tải công khai trên báo chí các quy định về kiểm soát quyền lực. Sử dụng công nghệ phầm mềm để kiểm soát có hiệu quả quyền lực chính danh và không chính danh. 

Những yêu cầu can thiệp không chính danh được đăng ký, lưu giữ và giám sát bằng các ứng dụng kỹ thuật phần mềm sẽ là một biện pháp hữu hiệu trong ngăn chặn quyền lực không chính danh.

​​​​​​Nguyễn Hòa Văn

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn