(NB&CL) Người ta gọi Deborah Nelson (sinh năm 1953) là “ký giả của những sự thật được chôn giấu” bởi bà là chủ sở hữu của những phóng sự điều tra sắc sảo gây tiếng vang trong dư luận. “Phía sau cuộc chiến” là một minh chứng rõ nét khi tác phẩm đã lột tả những tình tiết thật về tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Nhân dịp bà đến Việt Nam, Nhà báo & Công luận đã may mắn trò chuyện cùng nữ ký giả trứ danh này, nghe bà kể lại những kỷ niệm khó quên khi thực hiện tác phẩm “Phía sau cuộc chiến” và chia sẻ kinh nghiệm về báo chí điều tra. Đếm Xác Cuốn sách xuyên suốt hơn ba trăm trang sách là những số liệu gây kinh ngạc về hiện thực của cái gọi là chiến dịch Tìm Diệt, biện pháp giết người số một của Sư đoàn 9 là quy định bắn nếu họ chạy, không chỉ tù nhân hay người tình nghi, những người có vũ khí, mà là bất cứ ai... Đếm Xác là chương IV, từ trang 162 – 202 trong phóng sự điều tra về tội ác chiến tranh của Mỹ trên mảnh đất miền Trung Việt Nam, phanh phui tận gốc rễ nguyên nhân những cuộc thảm sát dân thường của binh sĩ Mỹ, phơi mở trước công chúng Mỹ cái nhìn chân thực về chiến tranh Việt Nam, về tội ác không thể chối bỏ của quân đội Mỹ. [caption id="attachment_169463" align="aligncenter" width="640"]
Nhà báo Deborah Nelson.[/caption] Sở dĩ chúng tôi muốn nhấn mạnh phần này, bởi ở đây chứa đựng những cảm xúc tưởng chừng Deborah Nelson không thể vượt qua khi thực hiện những cuộc phỏng vấn, cũng tại đây, bà đã gặp được Hồ Thị Vân, một nhân chứng sống sót với câu chuyện cảm động, làm Deborah Nelson ám ảnh nhất xuyên suốt cuộc hành trình đi tìm sự thật cuộc thảm sát tai tiếng ở Mỹ Lai tại một ngôi làng nhỏ. Deborah Nelson kể, tháng 2 năm 1968, một tháng trước cuộc thảm sát tai tiếng ở Mỹ Lai, một đơn vị lính Mỹ ở miền Trung Việt Nam đi càn qua một ngôi làng nhỏ cách Hội An chừng 15km về phía Tây, bắt được 19 người dân bao gồm phụ nữ, trẻ em, thiếu niên và một người đàn ông lớn tuổi. Hôm đó, toán lính nhận được mệnh lệnh “giết sạch những gì di động”. Họ dồn dân làng vào nơi trống trải rồi nã đạn. Tuy nhiên, vụ việc bị chìm xuồng, không ai bị kết tội. Với khát vọng đi đến tận cùng sự thật vốn được cả bộ máy quyền lực đồ sộ che giấu, bà cùng đồng sự đã lần theo từng cái tên tưởng chừng mờ nhạt, kiên nhẫn đứng trước những ngôi nhà đóng sập cửa và kìm nén trước những cựu binh một mực phủ nhận tội ác của mình. Hành trình điều tra cũng đưa bà tới mảnh đất miền Trung Việt Nam, nơi hàng loạt cuộc thảm sát tương tự như Mỹ Lai đã không được các cấp chỉ huy của quân đội Mỹ ngăn chặn... và đến nay vẫn sống trong nỗi ám ảnh của những người dân.
“Tôi đến ngôi làng xảy ra thảm sát vào đầu năm 1968 và ghé vào ngôi nhà của một lão nông 74 tuổi mất vợ con trong cuộc tấn công nhưng ông ấy nói đây là lính Nam Hàn nhúng tay chứ không phải lính Mỹ. Sau đó chúng tôi đi thêm vài km đến một tảng đá lớn nằm giữa khu vườn chung, đây là nơi tưởng niệm 32 mạng người trong 2 làng bị lính Mỹ và Nam Hàn giết hại vào tháng 8/1968 nhưng theo người dân thì chỉ có thủ phạm duy nhất là lính Nam Hàn. Lúc này, người phiên dịch của tôi không còn biết phải dẫn đi đâu. Quyết không từ bỏ kế hoạch, tôi hỏi dân làng liệu họ có nghe nói đến cuộc thảm sát dính dáng đến quân đội Mỹ không. Một ông lão gật đầu và dẫn chúng tôi xuống Mỹ Lược, một ấp ở huyện Duy Xuyên cạnh đó. Những chữ vàng khắc trên bia tưởng niệm ghi rõ Trung đoàn Thủy quân Lục chiến 5 và lính Việt Nam Cộng hòa đã thảm sát 33 người dân và làm bị thương 16 người khác trong 3 đợt tấn công khác nhau giữa các năm 1967 – 1970 nhưng không ghi ngày chính xác, cũng không phải mục tiêu tôi cần tìm. Tiếp đó, chúng tôi gặp thêm vài nhân chứng kể lại thêm những cuộc thảm sát khiến nhiều người chết nữa, nhưng một lần nữa không phải vụ thảm sát ngày 8/2/1968”. “Chúng tôi lại đi tiếp tới ấp Vĩnh Cường 3 và gặp được Hồ Thị Vân (54 tuổi). Bà ấy kể, vào một đêm mưa lạnh, Hải quân Mỹ đã bắn tên lửa vào làng để tìm du kích. Mẹ bà giục bà và 5 anh em ruột chạy vào hầm trú ẩn, một số người lính Mỹ đi đến cửa hầm và gọi “Mama-san, baby-san”, mẹ tôi đẩy tôi về phía lối thoát ẩn đằng sau và bà bảo đi gặp ông chú ở ngoài sông. Buổi chiều hôm ấy, khi trở lại ấp, một đống thi thể nằm bên ngoài hầm trú ẩn, dưới mưa họ gục chết trong tư thế co quắp, người nọ chồng lên người kia. Xung quanh cũng rải rác xác chết”. Bà Vân đã mô tả lại tư thế và những vết thương của các thành viên trong gia đình khi bà gỡ rời từng thi thể ra:
“Tôi có đứa em gái mới 3 tuổi, má tôi ngã nằm trên người nó. Bà đã chết vì bị đánh và bị những cơ thể khác đè lên, chứ không phải chết vì bắn. Và một người anh tôi đang cõng em trai tôi trên lưng khi bị bắn, một viên đạn xuyên cả hai. Họ chết cùng một tư thế, người này chồng lên lưng người kia”. Tôi hỏi Vân, đến giờ cô còn căm phẫn quân đội Mỹ không, Vân nói
: “Tôi không còn tức giận họ nhưng nếu lĩnh Mỹ còn quay lại xâm chiếm Việt Nam, tôi sẽ giết chết họ”. Đó là những kỷ niệm, cảm xúc Deborah Nelson không bao giờ quên đến tận bây giờ. Và cũng từ những thông tin của bà Vân, Deborah Nelson và cộng sự đã tìm đến được cuộc thảm sát ở Mỹ Lai khiến 19 người bị giết ngày 8/2/1968. Công sức của Nelson đã được đền đáp xứng đáng khi năm 2005, nhà báo đoạt giải Pulitzer Deborah Nelson và nhà sử học quân sự Nicholas Turse cùng hợp tác tìm hiểu sự thật phía sau những chồng hồ sơ.
Bền bỉ, kiên nhẫn- gốc rễ của báo chí điều tra “Phía sau cuộc chiến” là điển hình của báo chí điều tra, mỗi một câu chuyện trong tác phẩm, tác giả đã thể hiện những tinh túy về kỹ năng thu thập thông tin, tiếp cận hiện trường, phỏng vấn nhân vật nhằm tìm kiếm sự thật và chọn lọc đích đến. Phóng sự cũng toát lên đặc tính cần thiết của điều tra là sự bền bỉ, kiên nhẫn, không bỏ cuộc dù chỉ còn một tia hy vọng. Theo Deborah Nelson, báo chí điều tra liên quan đến việc phơi bày những vấn đề công cộng bị che giấu – hoặc là cố ý bởi ai đó ở một vị trí quyền lực, hoặc là vô tình, phía sau một mớ hỗn độn của các sự kiện và hoàn cảnh không rõ ràng. Báo chí điều tra đòi hỏi sử dụng cả nguồn tài liệu bí mật và nguồn mở. Bởi vậy, đưa tin điều tra phụ thuộc vào tài liệu được thu thập hoặc tạo ra thông qua sáng kiến của phóng viên, được gọi là báo chí dám nghĩ dám làm. Báo chí điều tra tập trung vào các yếu tố: ai, cái gì, ở đâu và khi nào. “Ai” không chỉ là một cái tên và một tiêu đề, đó là một tính cách, có đặc điểm nhân vật và phong cách. “Khi nào” không phải là hiện tại của tin tức, đó là một sự liên tục của lịch sử - một câu chuyện kể. “Cái gì” không chỉ đơn thuần là một sự kiện mà còn là một hiện tượng với các nguyên nhân và hậu quả. “Ở đâu” không chỉ là một địa chỉ, nó là một bối cảnh, trong một số thứ nào đó cần nhiều hoặc ít hơn. Những yếu tố đó giúp báo chí điều tra có chất lượng thẩm mỹ mạnh mẽ để nhấn mạnh tác động về mặt cảm xúc của bài viết trong điều kiện tốt nhất. Việc thu thập thông tin để trả lời những câu hỏi đó là những việc rất phức tạp. Đó là khối lượng công việc lớn đòi hỏi nhà báo phải cần cù, đào bới trong các công việc khó khăn. Khi điều tra, nhà báo không chỉ tìm kiếm những sự kiện, mà còn phân tích, tìm hiểu thấu đáo về chúng để cuối cùng tìm ra sự thật, tức là nắm được bản chất của vấn đề mình điều tra. Lựa chọn câu chuyện điều tra là vấn đề khá quan trọng tạo nên sự thành công của tác phẩm. Làm được điều đó, theo bà Deborah Nelson, chúng ta phải theo dõi truyền thông để phát hiện những điều bất thường xảy ra, tại sao điều đó lại xảy ra để điều tra. Một vấn đề nữa là cần chú ý đến những gì đang thay đổi trong môi trường của bạn và không coi nó là điều hiển nhiên. Thêm vào đó phải biết lắng nghe những phàn nàn của người dân; Tại sao mọi thứ lại phải diễn ra theo cách đó? Không thể làm gì được? Bất cứ nơi nào mà mọi người tụ tập - chợ làng, diễn đàn internet, các buổi tiệc tối - bạn sẽ nghe thấy nhiều điều kỳ lạ, gây sốc hoặc hấp dẫn. Cuối cùng, đừng chỉ nhìn vào những thứ liên quan đến hành vi sai trái, thường thì rất khó để đưa tin hấp dẫn về một điều gì đó đúng - như để hiểu một tài năng mới, hoặc một dự án phát triển đạt được mục tiêu của nó...
Thành Vinh (Ghi)