Báo chí Thái Bình không ngừng đổi mới, bắt nhịp chuyển đổi số

Thứ năm, 20/06/2024 09:47 AM - 0 Trả lời

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu của mỗi cơ quan báo chí Việt Nam nói chung, báo chí Thái Bình nói riêng. Hòa vào dòng chảy chuyển đổi số, cùng với những cơ hội để phát triển, đặt ra không ít thách thức với các cơ quan báo chí của địa phương này.

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), phóng viên Báo Nhà báo và Công Luận có cuộc trao đổi với ông Đỗ Như Lâm - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Bình xung quanh vấn đề.

bao chi thai binh khong ngung doi moi bat nhip chuyen doi so hinh 1

Đồng chí Đỗ Như Lâm, Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị.

+ Ông có thể thông tin một số kết quả nổi bật trong chuyển đổi số của báo chí Thái Bình thời gian qua?

- Thái Bình có 3 cơ quan báo chí của tỉnh là Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Tạp chí Văn nghệ Thái Bình. Ngoài ra, có 1 Tạp chí khoa học Y Dược Thái Bình thuộc trường Đại học Y Dược Thái Bình. Các cơ quan báo chí của tỉnh cơ bản thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí, đóng góp tích cực trong công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, vị thế tỉnh Thái Bình.

Tại tỉnh Thái Bình, việc chuyển đổi số báo chí được UBND tỉnh phê duyệt trong Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 24/11/2023 triển khai thực hiện Chiến lược chuyển đổi số và phát triển báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đây là cơ sở, căn cứ để các cơ quan báo chí tỉnh nghiên cứu, tập trung nguồn lực, từng bước thực hiện chuyển đổi số báo chí.

Các cơ quan báo chí của tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chuyển đổi số, trong đó xác định chuyển đổi số không chỉ là đầu tư về công nghệ, phần mềm, trang thiết bị mà phải thay đổi tư duy của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, thay đổi quy trình vận hành, phương thức tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản nội dung, quản lý dữ liệu. Từ đó, từng bước xây dựng và hình thành tòa soạn hội tụ, đa phương tiện. Đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung; thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, đồng thời để phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, bảo đảm đúng giá trị nguyên bản của báo chí cách mạng…

Báo Thái Bình có nhiều thay đổi trong nội dung, hình thức thể hiện, hạ tầng kỹ thuật, phương tiện tác nghiệp, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào mọi hoạt động, tạo tiền đề bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số. Hiện Báo có ấn phẩm báo in phát hành hàng ngày, báo điện tử thực hiện đa dạng hình thức thể hiện như phát thanh, truyền hình, infographic, e-magazine, longform…, đáp ứng yêu cầu xây dựng Báo Thái Bình trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Báo Thái Bình đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn cơ quan thông qua việc xây dựng phần mềm Hệ thông tin quản lý chất lượng tin, bài, ảnh để tiếp nhận tin, bài, ảnh từ phóng viên chuyển tiếp liên thông đến các cấp biên tập, giúp Ban biên tập quản lý được chất lượng tin, bài, ảnh và thời gian hoàn thành các nội dung công việc được giao, từ đó chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

bao chi thai binh khong ngung doi moi bat nhip chuyen doi so hinh 2

Một chương trình toạ đàm Báo sử dụng nền tảng công nghệ mới, lấy độc giả làm trung tâm.

Với lợi thế của báo điện tử, Báo Thái Bình điện tử đã mở rộng diện phủ sóng trong nước và quốc tế, đến với đồng bào Việt Nam, đồng hương Thái Bình ở nước ngoài. Báo Thái Bình đã xây dựng App Báo Thái Bình trên các nền tảng iOS, ‎Android, đây là kênh thông tin quan trọng giúp bạn đọc tiếp cận thông tin qua các thiết bị thông minh, được thưởng thức các sản phẩm đa phương tiện thông qua App trên nền tảng số.

Báo Thái Bình điện tử có phần mềm quản trị nội dung CMS, giúp xử lý được các nghiệp vụ “một chạm”, tuần hoàn ngay trong cùng một hệ thống CMS; xây dựng hệ thống sever lưu trữ và truyền tải dữ liệu; đồng thời, thiết lập các tài khoản gửi và nhận dữ liệu cho phóng viên, cộng tác viên gửi về tòa soạn một cách nhanh nhất, gửi và nhận được file có dung lượng lớn. Từ đó giúp việc khai thác dữ liệu thực hiện các tác phẩm được thuận lợi, hiệu quả.

Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Báo Thái Bình ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI sử dụng MC ảo, giọng đọc trí tuệ nhân tạo (Voice AI) thay thế MC, phát thanh viên thật vào sản xuất các chương trình video, chương trình phát thanh giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí, nhân lực, đồng thời thể hiện được phong cách làm báo hiện đại - đa phương tiện, đa nền tảng. Đối với báo in chuyển đổi theo hướng báo chí dữ liệu, đã xây dựng hệ thống đọc báo in trực tuyến, mở ra hướng tiếp cận dữ liệu báo chí chuyên sâu từ những trang báo giấy truyền thống trên máy tính và các thiết bị di động có kết nối internet.

Đối với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, đơn vị đã từng bước đầu tư hệ thống sản xuất và truyền dẫn phát sóng theo tiêu chuẩn và được số hóa từ khâu đầu vào đến khâu phát sóng. Các chương trình của Đài được phát trên các hạ tầng như Truyền hình cáp Thái Bình, Truyền hình cáp Việt Nam, Truyền hình MyTV, Truyền hình FPT, Truyền hình NextTV, Truyền hình MobiTV… Truyền hình trực tuyến trên internet; truyền hình trên mạng xã hội; phát sóng kênh Truyền hình Thái Bình trên nền tảng truyền hình số quốc gia VTVGo...

Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình đã khai thác và sử dụng hiệu quả những tư liệu được lưu trữ phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền, khai thác nguồn thu quảng cáo từ hoạt động trên các hạ tầng đang thực hiện. Bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống, tạo điều kiện cho khán thính giả tiếp cận nhanh nhất các thông tin… Ngoài mảng truyền hình, hàng ngày Đài sản xuất chương trình phát thanh 1H với Radio Thái Bình phát sóng trực tiếp trên sóng phát thanh từ 8 - 9h, đồng thời được đăng tải trực tiếp lên trang facebook của Đài để khán giả có thể tương tác trực tiếp, gửi bình luận hoặc đặt câu hỏi với chương trình.

bao chi thai binh khong ngung doi moi bat nhip chuyen doi so hinh 3

Phòng sản xuất chương trình phát thanh trực tiếp của Đài phát thanh truyền hình Thái Bình

Không chỉ phát huy hiệu quả trên các hạ tầng truyền thống, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình còn đăng tải nhiều nội dung phong phú trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo… đã thu hút được nhiều người dùng tương tác trên các nền tảng mạng xã hội.

Tạp chí Văn nghệ Thái Bình đã nỗ lực sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số phù hợp với điều kiện và khả năng, tạo nên các tác phẩm nghệ thuật có giá trị và tầm cao mới. Phần lớn các văn nghệ sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình thấy được công nghệ giờ đây đã là công cụ hỗ trợ, cầu nối hiệu quả cho công việc và quảng bá những tác phẩm văn học nghệ thuật đến được công chúng trên toàn cầu. Tạp chí Văn nghệ Thái Bình đã số hóa các ấn phẩm, tác phẩm của các tác giả để lưu trữ trong thư viện tác giả, thư viện tác phẩm trên trang thông tin điện tử của Hội và áp dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động của Tạp chí.

+ Theo ông những vấn đề mà báo chí Thái Bình phải đối diện trong tiến trình chuyển đổi số?

- Không thể đứng ngoài cuộc, việc các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số là quá trình tất yếu để tồn tại và phát triển. Nhưng kết quả trên cho thấy thực tế, các cơ quan báo chí của tỉnh Thái Bình đã và đang vào cuộc thực hiện chuyển đổi số báo chí một cách mạnh mẽ, thực chất.

Tuy nhiên, chuyển đổi số là việc mới, chuyển đổi số báo chí đang ở giai đoạn khởi đầu với đa số cơ quan báo chí, nhất là cơ quan báo chí ở địa phương, do đó kiến thức, kinh nghiệm còn hạn chế, có lúc, có việc không tránh khỏi lúng túng (hiện trên cả nước chưa có mô hình chuyển đổi số của cơ quan báo chí nào được đánh giá thành công bằng kết quả đo lường cụ thể, cũng chưa có một mô hình chuẩn cho chuyển đổi số báo chí).

Trên lộ trình chuyển đổi số, thách thức của các cơ quan báo chí nói chung, báo chí Thái Bình nói riêng phải kể đến sự cạnh tranh rất khốc liệt của các loại hình truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội. Nguyên nhân là các trang mạng xã hội hiện nay luôn đáp ứng được nhu cầu nhanh nhạy về thông tin và thị hiếu của nhiều độc giả; mang lại hiệu quả trong chiến lược quảng cáo của các tập đoàn, doanh nghiệp, dẫn đến doanh thu về quảng cáo của các cơ quan báo chí bị tụt giảm.

Cùng với đó là sự cạnh tranh không chỉ là việc đưa thông tin thuần túy, mà nó còn liên quan đến uy tín, sự tin dùng của độc giả đối với từng loại hình báo chí… Nhân lực cho chuyển đổi số cũng đang là thách thức lớn không chỉ đối với báo chí mà với toàn xã hội. Việc ứng dụng công nghệ đòi hỏi người quản lý báo chí phải có trình độ nhất định về khoa học công nghệ, kỹ năng, kỹ thuật khi vận hành... Trong khi việc sử dụng kỹ năng số của phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên còn chưa theo kịp tốc độ phát triển của thông tin số.

Ngoài yếu tố nguồn nhân lực thì một trong những rào cản đối với cơ quan báo chí Thái Bình trong tiến trình chuyển đổi số chính là cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí. Hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan báo chí tỉnh Thái Bình tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, tương xứng với nhiệm vụ ngày càng tăng, yêu cầu ngày càng cao trong khi kinh phí hoạt động còn hạn chế, nhân lực giảm, nguồn thu quảng cáo khó khăn.

bao chi thai binh khong ngung doi moi bat nhip chuyen doi so hinh 4

Chương trình phát thanh dựa trên nền tảng số của Đài phát thanh và Truyền hình Thái Bình

+ Trước những thách thức phải đối diện, báo chí Thái Bình cần làm gì để bắt nhịp chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay?

- Hiện nay, chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu, xuất phát từ việc cần phải củng cố vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin của các cơ quan báo chí, đáp ứng việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của báo chí, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí ở địa phương trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm an toàn an ninh mạng; xây dựng nền tảng số dùng chung cho báo chí; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cũng như chuyển đổi mô hình làm báo tòa soạn hội tụ, mô hình kinh doanh, phân phối nội dung trên không gian mạng. Đồng thời, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường đào tạo, tập huấn cho các cơ quan báo chí về nội dung, lộ trình chuyển đổi số báo chí và đầu tư nguồn nhân lực cho nội dung số.

Cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan báo chí của tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số120/KH-UBND, ngày 25/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg, ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, bảo đảm sắp xếp hệ thống báo chí tinh gọn, hiện đại, phát huy hiệu quả các cơ quan báo chí của tỉnh.

Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý thông tin, truyền thông; lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số của tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh những tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong quá trình chuyển đổi số báo chí để chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa, nhân rộng.

Cùng với đó, đối với mỗi cơ quan báo chí của tỉnh, nhất là đối với người đứng đầu các cơ quan báo chí cần nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay; quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của các bộ, ngành và của tỉnh về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số báo chí nói riêng.

Các cơ quan báo chí cần phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả. Thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả. Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa để thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung.

Ứng dụng nền tảng số cho các cơ quan báo chí của tỉnh. Ứng dụng các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí; chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; nền tảng phát thanh số (trực tuyến) và nền tảng truyền hình số (trực tuyến); nền tảng báo chí điện tử. Ứng dụng nền tảng số cho các cơ quan báo chí thực hiện phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí; khuyến khích cơ quan báo chí có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính xây dựng nền tảng riêng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử.

Các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đào tạo nguồn nhân lực số có chất lượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số báo chí. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, quay phim, biên tập viên, kỹ thuật viên phải xác định rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là vấn đề sống còn của các cơ quan báo chí, từ đó đoàn kết, thống nhất trong triển khai, tổ chức thực hiện. Tăng cường hợp tác, học tập kinh nghiệm của các địa phương có báo chí số phát triển mạnh. Bố trí kinh phí và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thuộc địa phương triển khai chuyển đổi số.

M.Tùng

Bình Luận

Tin khác

Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 27/6, tại Hà Nội, Ban Thanh niên Quân đội, Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức chương trình gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí, giới thiệu về hai cuộc thi: Tìm hiểu truyền thống "80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân;" Tìm hiểu 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nghề báo
Báo Hànộimới tổ chức giao lưu trực tuyến về bán hàng trực tuyến

Báo Hànộimới tổ chức giao lưu trực tuyến về bán hàng trực tuyến

(CLO) Chiều 27/6, Báo Hànộimới phối hợp Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội, tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bán hàng trực tuyến (livestream) qua sàn thương mại điện tử - Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt vượt khó”.

Nghề báo
Báo Công an nhân dân và Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng ký kết chương trình hợp tác

Báo Công an nhân dân và Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng ký kết chương trình hợp tác

(CLO) Chiều 27/6, tại Hà Nội, Báo Công an nhân dân (CAND) phối hợp với với Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng (TNTP&NĐ) tổ chức Lễ ký kết chương trình hợp tác giữa hai đơn vị.

Nghề báo
Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận hiện vật quý tại tỉnh Tuyên Quang

Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận hiện vật quý tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 27/6/2024, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang và Công ty Cổ phần in và Dịch vụ Tuyên Quang tổ chức “Lễ trao tặng hiện vật báo chí”.

Nghề báo
Nghệ An vinh danh 34 tác phẩm xuất sắc tại lễ trao Giải Báo chí Nghệ An 2023

Nghệ An vinh danh 34 tác phẩm xuất sắc tại lễ trao Giải Báo chí Nghệ An 2023

(CLO) Sáng 27/6, tại TP. Vinh, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức trao Giải Báo chí Nghệ An năm 2023.

Nghề báo