Luật Khám bệnh, chữa bệnh không cho phép bác sĩ bán thuốc dưới mọi hình thức (trừ bác sĩ đông y, lương y có bài thuốc gia truyền). Thế nhưng, quy định này dường như không tồn tại với các phòng khám tư, nơi mà việc bán thuốc diễn ra vô tư, phổ biến.
Ngay tại tại Phòng khám chuyên khoa Nội ở 392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, bác sĩ phụ trách Nguyễn Thị Kim Cúc đã không chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân. Hành vi sai phạm ở đây là: Phòng khám được cấp phép khám chuyên khoa Nội nhưng khám nhi, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép (không được phép nhưng vẫn truyền dịch để điều trị, khiến bệnh nhi tử vong). Sau sự việc đau lòng diễn ra tại phòng khám này khiến bé trai Nguyễn Gia B. tử vong, nhiều bà mẹ có con nhỏ đã “tố” bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc bán thuốc uống, thuốc tiêm, truyền dịch cho bệnh nhi.
Tương tự, việc bác sĩ khám, kê đơn, bán thuốc diễn ra thường xuyên ở nhiều phòng khám tư. Chị Nguyễn Thu Hằng (37 tuổi, ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết hai con của chị là “khách ruột” của một phòng khám tư gần nhà. Mỗi lần đến khám bệnh, bác sĩ khám rồi kê đơn và nói nếu không mua thuốc ở đây thì bên ngoài không có. “Phòng khám nào chẳng vậy, họ vừa khám vừa bán thuốc luôn”, chị Nguyễn Thu Hằng nói.
Không chỉ vậy, vào tháng 9 vừa qua, Phòng khám Đa khoa Thiên Hòa (73 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đã phải trả lại hơn 6 triệu đồng cho bệnh nhân V.T.T (sinh năm 1994, ở Nam Định) do thu nhiều khoản sai quy định. Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt 3 triệu đồng đối với phòng khám này vì không niêm yết công khai giá dịch vụ.
Trước đó, bệnh nhân V.T.T tới đây khám và được chẩn đoán nhiễm nấm nên phải đốt với mức giá 4 triệu đồng (khuyến mại còn 2,6 triệu đồng). Bệnh nhân còn phải làm hàng loạt xét nghiệm với mức phí 3,7 triệu đồng... Tổng số tiền mà bệnh nhân này phải trả cho phòng khám sau khi điều trị hết hơn 16,3 triệu đồng. Điều đáng nói, không chỉ mất số tiền lớn, bệnh tình của bệnh nhân V.T.T. không khỏi...
Công khai phạm vi hành nghề
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên toàn thành phố có 3.526 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh ngoài công lập, trong đó có 35 bệnh viện, 165 phòng khám đa khoa, 668 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 2.658 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế. Từ tháng 4/2018 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đối với 38 cơ sở hành nghề y, 30 cơ sở hành nghề dược tư nhân. Qua đó, Sở đã thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của hơn 10 cơ sở.
Các lỗi phổ biến được xác định là: Phòng khám không đủ điều kiện về diện tích, cơ sở vật chất; không có giấy phép hành nghề, không đủ điều kiện hành nghề hoặc hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép; quảng cáo sai sự thật; tự ý kê đơn, bán thuốc cho người bệnh…
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, nhiều phòng khám hoạt động tốt, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công, nhưng vẫn có nơi hoạt động không tốt. Tới đây, Sở Y tế cùng các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện đúng các thủ tục pháp lý, quy chế chuyên môn… nhằm chấn chỉnh hoạt động của các phòng khám; đồng thời sẽ công khai cơ sở vi phạm quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để chấm dứt tình trạng các phòng khám tư không được phép nhưng vẫn truyền dịch, tiêm và bán thuốc, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ngoài việc phải công khai giá dịch vụ y tế, từ tháng 11/2018 Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải công khai danh mục dịch vụ được phép thực hiện để cơ quan quản lý và người dân cùng giám sát.
“Khi phát hiện hành vi sai phạm ở phòng khám tư, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng. Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được ý kiến của người dân về sai phạm tại một số phòng khám tư và cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý nghiêm khắc một số cơ sở”, ông Nguyễn Khắc Hiền nói.
Sự phát triển của hệ thống cơ sở y tế tư nhân là tất yếu. Thế nhưng, việc xảy ra sai phạm tại hàng loạt phòng khám tư khiến dư luận bức xúc, hoài nghi về chất lượng khám, chữa bệnh cũng như công tác quản lý.
Để nghiêm khắc chấn chỉnh hoạt động của các phòng khám tư, nhất là cơ sở đã có vi phạm, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên hơn để sớm ngăn ngừa được sai phạm.
Mai Nguyễn