Ngay sau khi Thủ đô được giải phóng ngày 10/10/1954, dù còn rất nhiều công việc phải làm, nhưng trước yêu cầu mới của cách mạng, Đảng bộ Hà Nội đã có Nghị quyết số 93/NQ-ĐBHN ngày 26/2/1957 về việc “Xuất bản báo hàng ngày ở Thủ đô”. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 24/10/1957 báo Thủ đô đã chính thức ra mắt bạn đọc số đầu tiên.
Tới đầu năm 1959, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác báo chí và nhằm tăng thêm sức mạnh cho tờ báo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Thành ủy Hà Nội chủ trương hợp nhất báo Thủ đô với báo Hà Nội hàng ngày nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng trong giai đoạn mới. Chủ trương này được báo cáo trực tiếp lên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã đặt tên cho tờ báo là Thủ đô Hà nội.
Đến đầu năm 1968, thực hiện chủ trương nhất quán về báo chí của Đảng, tờ Thời Mới - một tờ báo của các nhân sĩ trí thức tiến bộ lúc đó sáp nhập với báo Thủ đô Hà nội. Lần thứ 2, báo lại được Bác Hồ kính yêu đặt tên là Hànộimới - đây trở thành tên gọi chính thức cho tờ báo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tới hôm nay.
Ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, Báo Hànộimới tiếp tục hợp nhất với Báo Hà Tây - một tờ báo có bề dày truyền thống 40 năm xây dựng và trưởng thành. Kế thừa và phát huy truyền thống của 2 tờ báo, Báo Hànộimới tiếp tục đổi mới tư duy làm báo, bám sát đời sống người dân để nâng cao hiệu quả tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành uỷ cho tập thể Báo Hànộimới và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ trong quá trình xây dựng và phát triển của Báo Hànộimới.
Trong 5 năm gần đây, Báo Hànộimới đã không ngừng nỗ lực thực hiện chức năng, tôn chỉ được giao và ngày càng khẳng định là kênh thông tin quan trọng, góp phần tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và thành phố. Báo cũng tiếp tục đi tiên phong trên mặt trận đấu tranh với các quan điểm sai trái để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của thành phố và tại mỗi cơ quan, đơn vị.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá: Trong suốt 60 năm qua, Báo Hànộimới đã không ngừng phát triển, kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Các thế hệ người làm báo Hànộimới có vinh dự được phục vụ, được cống hiến trong một cơ quan báo chí quan trọng hàng đầu của Thủ đô ngàn năm văn hiến - Trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế. Trong quá trình phát triển, Báo Hànộimới luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa; là cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền với nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Thủ đô và đất nước.
Các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm.
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Báo Hànộimới tập trung làm tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Báo cần chú trọng tuyên truyền, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, các chương trình công tác của Thành ủy, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá của Thành phố và "Năm kỷ cương hành chính 2017" đạt hiệu quả cao.
“Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Báo cần ra sức tự học tập, tự rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ; phải đi sâu, đi sát cơ sở hơn nữa. Mỗi tin, bài phải thể hiện sát hơn hơi thở cuộc sống, của người dân Thủ đô; kịp thời phát hiện, tuyên truyền, cổ vũ, biểu dương những người tốt việc tốt, những tập thể, cá nhân tiêu biểu; đồng thời đấu tranh không khoan nhượng với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí” - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
PV