Nhưng một điều nguy hại là niềm tin của xã hội vào lương tâm, đạo đức nhà giáo bị xói mòn phần nào. Cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực để ngăn chặn tình trạng này. Dường như đã trở thành điệp khúc, mỗi lần có sự việc trẻ bị bạo hành, dư luận xã hội, cơ quan quản lý lại “nóng” lên với những bất cập về thực trạng quản lý giáo dục mầm non, đặc biệt là mầm non ngoài công lập.
Vấn đề làm thế nào để hạn chế nạn bạo hành trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vẫn là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý. Vụ việc bảo mẫu Nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười ở Đà Nẵng hành hạ trẻ trong bữa ăn một lần nữa cho thấy chống bạo hành trẻ trong trường mầm non là vấn đề hết sức cấp bách. Vấn đề đặt ra là giải pháp nào để chấm dứt tình trạng này chứ không phải cứ chặn chỗ này lại xuất hiện ở chỗ khác.
Trong một tọa đàm liên quan đến bạo hành trẻ mầm non cách đây không lâu được tổ chức tại TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng khoa GD Mầm non, Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng nếu không có tâm, giáo viên có rất nhiều "chiêu" bạo hành trẻ mà không để lại dấu tích. Giáo dục mầm non có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc chăm sóc, tưới tắm những mầm non tương lai của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế là việc đầu tư và đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên mầm non chưa tương xứng với áp lực khổng lồ của công việc chăm trẻ và dạy trẻ.
Hệ thống trường mầm non công lập đang quá tải về cơ sở vật chất cùng nguồn nhân lực khiến mỗi lớp học trung bình hơn 30 cháu thường chỉ có hai giáo viên đứng lớp. Các cơ sở mầm non tư thục mở ào ạt, thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng cơ sở không phép vẫn hoạt động, giáo viên đứng lớp lại không có bằng chuyên môn nghiệp vụ. Từ đây, những hành vi tiêu cực, phản cảm có cơ hội “nảy mầm”. Thời gian qua, để chống bạo hành trẻ, việc lắp đặt camera tại các trường mầm non, điểm giữ trẻ đã được triển khai ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá giải pháp này chỉ giải quyết phần ngọn, cái gốc vẫn là đào tạo giáo viên, đội ngũ quản lý. Việc giám sát thì camera cũng không đủ mà cần "tai mắt" của tất cả mọi người. Gắn camera là một lợi thế để họ có được chứng cứ, hỗ trợ đắc lực trong quá trình tham gia bảo vệ trẻ. Đào tạo giáo viên, có được đội ngũ vừa có kỹ năng, có tâm huyết với nghề, có kiến thức về quyền trẻ em mới là yếu tố quyết định chống bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non. Công tác đào tạo và tuyển dụng giáo viên mầm non đang có nhiều lỗ hổng cần thay đổi.
Các trường sư phạm tuyển sinh thông qua kiến thức phổ thông và năng khiếu âm nhạc, hội họa… mà bỏ quên mất một tiêu chí quan trọng: ý chí chọn ngành cũng như những phẩm chất cần thiết của một người giáo viên - bảo mẫu. Bên cạnh trình độ chuyên môn nghiệp vụ cần thiết, người giáo viên mầm non cần có lòng yêu nghề mến trẻ, sự khoan dung, độ lượng và cả đức hy sinh lớn. Nhưng thực tế thì số người đến với nghề bằng lòng yêu trẻ chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong số sinh viên tốt nghiệp mỗi năm? Hay đó là một ngã rẽ bắt buộc phải chọn vì miếng cơm manh áo?
Dẫu biết rằng những “ác mẫu” xuất hiện thời gian qua chỉ là thiểu số nhưng đó là tiếng chuông báo động mạnh mẽ cho ngành giáo dục cần có những đổi thay tích cực hơn. Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cũng như chú trọng bồi dưỡng đạo đức nghề giáo cho đội ngũ giáo viên mầm non là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay. Siết chặt công tác tuyển sinh sư phạm và tăng cường sự giám sát, quản lý đối với cấp học mầm non từ cơ quan chức năng sẽ là những động thái tích cực được dư luận ủng hộ. Người quản lý cần thấy đâu là những giáo viên phù hợp cho công việc.
Ngoài ra, cần đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nếu thấy chưa an tâm và có những biện pháp chế tài phù hợp. Còn với giáo viên, nếu thấy yêu nghề, yêu trẻ thì hãy lựa chọn, còn không hãy dừng lại. Cần mạnh tay xử lý, sàng lọc những giáo viên không đủ năng lực, phẩm chất để làm trong sạch đội ngũ nhà giáo và củng cố niềm tin của xã hội vào giáo dục./.
Huyền Thu