Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, ngày 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Cho ý kiến đối với dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế số, xã hội số. Các quốc gia đều chú trọng khẳng định và thúc đẩy để bảo vệ các quyền lợi, nhất là về chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh. Việc cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện là việc làm cần thiết và quan trọng. Do đó, trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án Luật cần phải quán triệt quan điểm lớn này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hạ tầng số hiện đại và niềm tin vào an ninh số của một quốc gia là yếu tố đảm bảo phát triển và hội nhập quốc tế. Việt Nam xây dựng xã hội số, hạ tầng số nhưng lại trong môi trường hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần có đánh giá tác động cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng các điều lệ, thông lệ quốc tế khi doanh nghiệp Viêt Nam tham gia và hội nhập với quốc tế; đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ điều kiện đối với chủ thể được phân bổ băng tần để đảm bảo hiệu quả sử dụng cao nhất, tránh tích tụ băng tần gây lãng phí tài nguyên quốc gia.
Về phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, luật hiện hành đang quy định 3 phương thức là cấp giấy phép trực tiếp, thông qua thi tuyển và đấu giá. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay chưa có trường hợp nào đấu giá hay thi tuyển mà toàn cấp trực tiếp, vậy phải lý giải việc này, xem có vướng mắc gì mà không làm được.

Toàn cảnh phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ quy trình đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ theo quy định của Luật Đấu giá tài sản hay theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện. Ngoài ra, cần làm rõ việc các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài tham gia thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng băng tần thì có ràng buộc nào không, để đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh, bởi đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền số.
Về chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo an ninh quốc phòng và việc việc cấp cho doanh nghiệp thì dựa vào tiêu chí cụ thể nên cần có sự rà soát thêm. Việc sử dụng băng tần trong điều kiện, tình trạng khẩn cấp cũng cần có quy định rõ ràng, cụ thể…
N.H