(NBCL) Báo ảnh là niềm đam mê xuyên suốt cuộc đời của Donald R. Winslow, cựu biên tập của tạp chí báo ảnh thuộc Tổ chức nhiếp ảnh gia báo giới nước Mỹ (NPPA). Phóng viên James Estrin của tờ New York Times đã có buổi trao đổi với Donald về tình hình báo ảnh hiện nay.
[caption id="attachment_152060" align="aligncenter" width="2048"]
Donald R. Winslow trước cửa toà soạn Amarillo Globe-News nơi ông đang làm làm tổng biên tập phụ trách mảng nội dung sáng tạo. Ảnh: AGN[/caption]
- Trong 13 năm qua, ông đã đảm nhiệm mảng báo ảnh. 13 năm, nhiếp ảnh báo chí, theo ông đã thay đổi như thế nào?
Với sự phát triển của Internet, những biên tập viên ảnh thay vì cử nhiếp ảnh gia đi vòng quanh thế giới tìm kiếm những bức ảnh báo chí độc đáo, họ sử dụng mạng để tìm kiếm một nhiếp ảnh gia đang ở Bucharest, Prague hay Lagos và đưa ra các yêu cầu của mình. Tại Mỹ, các tạp chí đã dừng việc thuê những nhiếp ảnh gia có tên tuổi, thay vào đó họ chỉ việc lên Google và tìm kiếm một ai đó đang ở Iowa và bằng lòng với bất kỳ cái tin nào họ tìm thấy đầu tiên.
- Điều này xảy ra bởi kinh tế của giới truyền thông đang eo hẹp hơn?
Ở một khía cạnh nào đó thì đúng vậy. Nhưng nó cũng đã dần trở thành một thói quen xấu: "Chúng ta đã làm điều đó vào tuần trước, chúng ta có những bức ảnh đẹp, chúng ta trả một nửa giá so với thông thường, vậy tại sao chúng ta không tiếp tục làm như vậy?" Và những nhiếp ảnh gia cũng đang hạ thấp tham vọng của bản thân, chấp nhận một mức giá cực kỳ "rẻ mạt". Có một sự "mất giá" nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn triết lý đối với nhiếp ảnh.
- Ông có thể nói kỹ hơn về vấn đề này? Thế nào là "mất giá"?
Những bức ảnh được gửi đi đều mang theo góc nhìn của nhiếp ảnh gia. Đó là những gì diễn ra vào trước đây, và mỗi tấm ảnh đều có ẩn ý và góc nhìn sâu sắc của người bấm máy. Giờ chúng ta bằng lòng với bất kỳ thứ gì hợp túi tiền mà bất kỳ ai rao trên mạng. Trong đó không còn cái tôi của nhà báo hay của nhiếp ảnh gia nữa. Tất cả đều vì kinh tế.
- Khi ông bắt đầu làm cho NPPA vào năm 2003, có rất nhiều công việc tại báo dành cho các nhiếp ảnh gia, điều này không còn tồn tại?
Có ngày càng ít tờ báo còn tồn tại, kèm theo đó là ít công việc nhiếp ảnh hơn. Hàng trăm nhiếp ảnh gia báo chí đã trở thành các nhiếp ảnh gia tự do. Trước đây họ chỉ cung cấp ảnh. Giờ họ còn được yêu cầu cung cấp video, âm thanh, slide show, trong khi khoản tiền được trả thì vẫn như vậy.
- Không chỉ công việc nhiếp ảnh tại báo ít hơn mà các công việc dành cho các phóng viên tự do cũng ít dần đi. Điều này có đúng?
Vì các tờ báo thường xuyên lấy ảnh từ Getty hay Comstock, đơn giản vì nó dễ dàng hơn. Họ không đánh giá chúng trên phương diện chất lượng nữa. Đã từng có thời điểm mỗi bức ảnh mang một cá tính riêng. Giờ nhiếp ảnh gần như trở thành nặc danh khi mọi thứ đều na ná nhau.
Báo ảnh từng là một nghề rất cao quý và được theo đuổi nhiều. Việc công việc này bị "mất giá" trong những năm gần đây có liên quan mật thiết tới việc các tờ báo phải cạnh tranh với Internet.
- Khó khăn trong kiếm sống khiến ngành này dần trở nên tách biệt và kén chọn hơn?
Đúng vậy. Giờ đây chỉ những đứa trẻ nhà giàu mới có điều kiện "chơi" với nhiếp ảnh. Điều này ảnh hưởng nặng nề tới việc đa dạng hoá thông tin. Anh và tôi có thể vào nghề với một chiếc túi Domke, vài ba phụ kiện ống lens trị giá 500$ của Nikon. Một túi đồ nghề như vậy hiện nay có giá vào khoảng 25,000$. Đó là mức giá tối thiểu một người phải trả nếu muốn vào nghề báo ảnh. Vì thế chỉ có những gia đình khá giả mới có thể tạo điều kiện cho con cái của họ theo đuổi.
- Vậy anh nghĩ sao về việc một cậu nhóc 24 tuổi kiên quyết trở thành nhiếp ảnh gia?
Nếu như muốn kiếm sống, hãy là một nhiếp ảnh gia độc lập thỉnh thoảng "lấn sân" sang báo ảnh. Cậu ấy có thể làm ảnh cưới, ảnh sự kiện, hay đúng hơn cậu ta phải có khả năng đó.
Hoàng Việt (Theo New York Times)