Bất thường chọn sách giáo khoa: Ai hưởng lợi, ai “đổ vỏ”?

Thứ năm, 28/05/2020 09:55 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đến thời điểm này, kết quả chọn sách giáo khoa của các tỉnh đã gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo và các số liệu của nhiều tỉnh cho thấy có dấu hiệu bất thường. Trong đó có những tỉnh 100% các trường học chọn sách giáo khoa của một bộ sách.

Những con số đầy mâu thuẫn

Công tác lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 trong năm học 2020 – 2021 nhận được sự quan tâm của dư luận trong suốt thời gian dài. Nhiều ý kiến từng lo lắng việc chọn sách sẽ bị tác động bởi nhiều yếu tố ngoài chuyên môn dẫn tới kết quả không khách quan. Sợ nhất là chọn sách theo chỉ đạo và bóng dáng của nhóm lợi ích.

Trước ý kiến dư luận đặt ra, Thông tư 01 hướng dẫn chọn SGK của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có những quy định rất chặt chẽ để việc thực hiện chọn SGK nghiêm túc theo nguyên tắc dân chủ và trao quyền hoàn toàn cho các nhà trường. Với quy định này, nếu thực hiện nghiêm túc sẽ vô hiệu hóa việc chỉ đạo, can thiệp, tiêu cực trong chọn SGK.

Phải tôn trọng tuyệt đối quyền tự chọn sách của giáo viên, phụ huynh và các nhà trường (ảnh minh họa – nguồn internet).

Phải tôn trọng tuyệt đối quyền tự chọn sách của giáo viên, phụ huynh và các nhà trường (ảnh minh họa – nguồn internet).

Tuy nhiên, khi thông tin kết quả chọn SGK được công bố, trong đó có tỉnh báo cáo có đến 100% các trường chọn một bộ sách khiến nhiều người hồ nghi về sự khách quan trong công tác này. Đơn cử, tại tỉnh Long An 100% các trường tiểu học của tỉnh này sẽ sử dụng sách “Cánh diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam VEPIC cho năm học 2020-2021.

Còn tỉnh Khánh Hòa có 100% trường học trên địa bàn chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ngoài ra, các tỉnh khác thì việc chọn SGK cũng có nhiều dấu hỏi vì con số quá đẹp. Cụ thể, tại Lai Châu, Yên Bái, Khánh Hòa, Quảng Bình, Đắc Nông tỷ lệ 100% chọn sách của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 

Trong khi đó, bộ sách "Cánh diều" cũng chiếm ưu thế tại nhiều tỉnh như Sơn La, 100% trường chọn sách giáo khoa 5 môn: Toán, Đạo đức, Âm nhạc, Giáo dục Thể chất, Hoạt động trải nghiệm; tại Phú Thọ, 100% trường chọn sách giáo khoa bốn môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên Xã hội và Giáo dục Thể chất; tại Thái Nguyên, 100% trường chọn sách giáo khoa 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên Xã hội; ở Nam Định, 100% trường chọn sách giáo khoa hai môn: Tiếng Việt, Tự nhiên Xã hội.

Đem so sánh hai tỉnh có điều kiện địa lý, kinh tế xã hội tương đồng như Lai Châu và Sơn La để thấy kết quả lựa chọn sách trái ngược nhau hoàn toàn, tỉnh thì sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế tuyệt đối, tỉnh thì sách "Cánh diều" nắm thế thượng phong. Để hiểu rõ hơn quy trình chọn SGK trong thực tế tại các nhà trường như thế nào, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã trao đổi với bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng giáo dục quận Hà Đông, Hà Nội.

Theo đó, kết quả chọn lựa SGK của quận Hà Đông là dàn đều ra nhiều bộ sách, tất cả các bộ sách đều được chọn. Trong một trường thường có sách của 2 đến 3 bộ sách. Kết quả này có được là do các nhà trường làm việc theo đúng tiêu chí quy định. Các nhà trường, giáo viên nghiên cứu, đưa ra ý kiến, sau đó tổng hợp gửi lên Phòng, Phòng gửi lên Sở.

Bà Hằng cho rằng: “Kết quả không tập trung vào bộ sách nào nhiều. Hầu như bộ sách nào cũng được lựa chọn. Việc chọn SGK không ảnh hưởng đến việc tập huấn giáo viên. Bởi tập huấn căn cứ vào chuẩn kiến thức kỹ năng”.

Đem so sánh việc kết quả chọn SGK tại quận Hà Đông dàn đều ở các bộ sách với việc 100% các trường trong một tỉnh chọn một bộ sách hay việc 100% các trường chọn sách cho một môn học giống nhau là một sự khập khiễng quá lớn.

Nghi ngờ có sự can thiệp trong chọn sách giáo khoa

Để làm rõ hơn những nghi vấn về sự không khách quan, phóng viên đã trao đổi với thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) và được biết, ông nghi ngờ về kết quả chọn lựa SGK. Bởi, hiện có 46 đầu SGK của 9 môn học lớp 1 để các thầy cô lựa chọn cho việc học tập trong năm học 2020 -2021. Môn tiếng Việt 1 có 5 đầu sách, Toán 1 có 5 đầu sách, Đạo đức có 5 đầu sách... nên trong một trường nếu thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Thông tư 01 thì kết quả ở tất cả môn học 100% chọn cùng một bộ SGK đã là điều khó xảy ra.

Tại Trường Marie Curie, các giáo viên đào tạo chính thống để dạy tiểu học – hiện đang dạy lớp 1 được tham gia chọn 5 đầu sách của 5 môn học (Tiếng Việt 1, Toán 1, Đạo đức 1, Tự nhiên và Xã hội 1, Hoạt động trải nghiệm 1). Còn giáo viên chuyên biệt thì chọn sách liên quan đến chuyên môn như giáo viên dạy tiếng Anh chọn một trong 7 đầu sách tiếng Anh được phê duyệt. Giáo viên âm nhạc chọn một trong 5 đầu sách về âm nhạc...

Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng nhưng phải hạn chế được các tiêu cực phát sinh (ảnh minh họa – Minh Triết).

Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng nhưng phải hạn chế được các tiêu cực phát sinh (ảnh minh họa – Minh Triết).

Sau khi nghiên cứu, đánh giá nhận xét, các giáo viên bỏ phiếu chọn 1 trong những đầu sách đã được phê duyệt. Kết quả của Trường Marie Curie là đã chọn xong sách của 9 môn học và các sách này nằm ở ba bộ sách khác nhau. Thầy Khang nhấn mạnh: “Trong một trường kết quả lựa chọn của 9 môn học không nằm vào một bộ sách thì nhiều trường trong một quận, nhiều quận trong một tỉnh lại chọn 100% sách của một bộ là nghi lắm.

Hình như có can thiệp, bởi nếu để bỏ phiếu kín, không ai chỉ đạo thì rất dễ khác nhau. Sự ngẫu nhiên theo cách nhìn nhận của mỗi người khác nhau nên kết quả sẽ khác nhau. Còn cả tỉnh chọn một bộ sách cả 9 môn thì hơi nghi ngờ về sự can thiệp. Còn can thiệp như thế nào thì không ai biết được”.

Đồng quan điểm, Giáo sư Trần Đình Sử nêu quan điểm: 100% các trường trong tỉnh chỉ chọn một bộ sách là vô lý. Việc trao quyền cho các nhà trường và giáo viên thì không thể có kết quả như vậy. Đã quy định các trường tự chủ thì làm sao có con số này được.

Nếu các địa phương thực hiện đúng Thông tư chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thì kết quả như vậy là không bình thường. Hiện vấn đề đặt ra lúc này là yếu tố nào đã tác động để dẫn đến việc này chưa thể khẳng định nhưng sự nguy hại của việc chọn sách nếu theo chỉ đạo hay theo lý do nào khác sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Bởi, khi sách giáo khoa do chính giáo viên chọn lựa thì họ sẽ có thiện cảm hơn, có cảm xúc hơn trong dạy học, hơn là những sách mà chính họ không đồng ý lựa chọn.

Bây giờ đã trao quyền cho giáo viên được tự do, được chủ động chọn SGK thì nên tôn trọng tuyệt đối. Năm nay, nếu làm chệch choạc thì sang năm có dớp, rồi loang ra nhiều tỉnh. Tỉnh này làm được, tỉnh kia cũng làm được thì Thông tư của Bộ sẽ “vứt đi”.

Qua trao đổi có thể thấy, trong việc lựa chọn SGK sẽ có nhiều lý do đằng sau dẫn tới các kết quả lựa chọn. Nhưng oái oăm là các chi phí như vậy đều được khấu hao trong giá sách và cuối cùng đổ lên đầu phụ huynh học sinh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, hiện tượng này khiến người ta suy nghĩ. Nếu thực hiện đúng Thông tư 01 thì không thể xảy ra kết quả như vậy. 

Như vậy có thể thấy với kết quả lựa chọn SGK đã được thông báo thì những nghi vấn mà dư luận đặt ra trước khi công tác này được tiến hành nay có dấu hiệu trở thành hiện thực. Để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm thuộc về ai? Cơ chế nào có thể xóa bỏ được câu chuyện đi đêm, móc ngoặc trong chọn lựa SGK? Nếu để thực trạng này tồn tại như một điều tất yếu thì người hưởng lợi sẽ không phải là giáo viên, học sinh, phụ huynh mà họ chính là các đối tượng bị tác động tiêu cực.

Minh Triết

Tin khác

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục
Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục
Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục