Bất kể Donald Trump hay Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ ở nhiệm kỳ tới, người đứng đầu Chính phủ mới sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn chưa từng có. Đại dịch COVID-19 đang tàn phá nước Mỹ ở mọi góc độ, từ nhân lực với hơn 236.000 người chết cùng gần 9,5 triệu ca nhiễm, tới vật lực với hàng chục triệu người mất việc làm, rơi vào cảnh nghèo đói, nợ nần và phá sản… từ hình ảnh của một quốc gia lãnh đạo bị mai một, đến một vị thế của một siêu cường thế giới bị lung lay.

Phải thừa nhận rằng, trong 4 năm qua, chính quyền của Tổng thống Trump đã làm được rất nhiều việc, trong đó nổi bật là vấn đề kinh tế khi nước Mỹ có chuỗi thời gian tăng trưởng dài nhất và có lúc tỷ lệ người thất nghiệp ở mức thấp nhất trong suốt 50 năm qua, ở mức 3,5%. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Tổng thống Mỹ đã trở thành vô nghĩa sau khi đại dịch COVID-19 ập đến. Theo những dự liệu từ Chính phủ Mỹ, GDP năm 2020 dự báo giảm 6,5% do các tác động từ đại dịch. Bất chấp báo cáo tăng trưởng quý III đã tăng 33,1%, nền kinh tế Mỹ vẫn cần một thời gian dài để hồi phục trước khi tăng trưởng trở lại, nhất là trong bối cảnh 11 triệu việc làm đã biết mất kể từ tháng 3 và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức xấp xỉ 8%, cao gấp đôi trước đại dịch.

Từ vị trí của một người hùng với cơ hội tái đắc cử rất lớn, Donald Trump dần trở thành “tội đồ” và mục tiêu của những chỉ trích về cách xử lý chậm trễ trước đại dịch, khiến tình trạng lây nhiễm bùng phát nhanh chóng.

Những cáo buộc và đổ lỗi nhắm vào Trung Quốc, nơi đại dịch phát sinh ở thành phố Vũ Hán, hay Tổ chức Y tế thế giới của chính quyền ông Trump không đủ làm nguôi cơn giận dữ của cử tri Mỹ, đặc biệt kể từ sau cái chết của George Floyd - một người đàn ông Mỹ gốc Phi bị một sỹ quan cảnh sát da trắng ghì cổ đến chết vào ngày 25/5/2020 ở thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota.

Giữa bối cảnh u ám của nền kinh tế sau nhiều tháng bị phong tỏa, các hạn chế đi lại khiến người dân bức bối, vụ việc dẫn đến cái chết của George Floyd chẳng khác nào “giọt nước làm tràn ly” ở một xã hội mà vấn đề bất bình đẳng chủng tộc vốn tồn tại dai dẳng và dường như không có cách nào để giải quyết.

Những cuộc biểu tình hòa bình, sau đó dẫn tới bạo lực, đốt phá và cướp bóc khiến hình ảnh nước Mỹ văn minh, tự do, bình đẳng và bác ái bị hoen ố bởi các phong trào đòi bình đẳng Black Lives Matter. Nước Mỹ đang còn bối rối và chưa kịp hồi phục sau cú sốc COVID-19, Black Lives Matter diễn ra trên toàn nước Mỹ khiến xã hội trở nên ngày càng hỗn loạn.

Sau ngày 3/11, ông Trump hay Joe Biden giành chiến thắng, thì họ sẽ phải đối mặt với quá nhiều vấn đề, phải làm rất nhiều việc để xoa dịu những mất mát, hàn gắn những vết rạn nứt trong lòng xã hội Mỹ. Mà trước mắt, bài toán đại dịch COVID-19 cần được giải đầu tiên. Hơn 10 tháng kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được công bố tại Mỹ và hơn 4 tháng kể từ khi các công ty sản xuất vắc-xin Mỹ tuyên bố tiến hành thử nghiệm lâm sàng, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các bệnh nhân COVID-19 của Mỹ sẽ được tiếp cận nó cho đến ít nhất đầu năm 2021. Điều này có nghĩa là một mùa Đông ảm đạm được những nhà bình luận dự báo sẽ bủa vây nước Mỹ. Sẽ có rất nhiều sinh mạng nữa có thể bị cướp đi mạng sống bởi COVID-19.

Trong phiên tranh luận Tổng thống lần thứ 3, Tổng thống Donald Trump đã tự hào là người đã làm được rất điều cho nước Mỹ. Ông tuyên bố đã bắt các quốc gia phải trả tiền cho người dân Mỹ bằng các cuộc chiến thuế quan. Ông Trump cũng khẳng định giúp “ngăn chặn chiến tranh hạt nhân” với Triều Tiên mà chính quyền tiền nhiệm đã khơi mào, hay việc có “lập trường cứng rắn nhất với Nga” và đưa xe tăng tới gần biên giới nước này.

Tuy nhiên, phải nói rằng, hình ảnh “nước Mỹ lãnh đạo” trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump không được thể hiện một cách rõ nét. Nổi bật nhất chính là vai trò đầu tàu khá “mờ nhạt” trong nỗ lực kết hợp với các nước, các tổ chức mà cụ thể là Tổ chức Y tế thế giới để ngăn chặn đại dịch. Không những thế, thay vì bắt tay với Tổ chức Y tế thế giới, chính quyền ông Trump mải mê chỉ trích và đổ lỗi trong lúc thế giới cần một tiếng nói, sự đóng góp quan trọng và lớn lao của một quốc gia như Mỹ. Thậm chí, Tổng thốngTrump còn tuyên bố cắt viện trợ đối với WHO, khiến cộng đồng quốc tế và ngay cả những chính trị gia của Mỹ cũng cảm thấy hụt hẫng và thất vọng.

Nhưng việc rút khỏi một tổ chức không phải là điều gì đó quá ngạc nhiên, trước đó vào ngày 4/11/2019, Tổng thống Trump cũng đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mỹ - nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới trong lịch sử, trở thành quốc gia duy nhất đứng ngoài Hiệp định.

Cần biết rằng, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là cam kết toàn cầu đầu tiên về khí hậu, được đàm phán trong Hội nghị lần thứ 21 của các Bên của Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu ở Paris (COP21). Hiệp định được 197 quốc gia ký kết ngày 12/12/2015, 185 nước thông qua và chính thức có hiệu lực ngày 4/11/2016.

Về cơ bản, các quốc gia ký kết Hiệp định đều nhất trí cắt giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ đốt nhiên liệu hóa thạch, nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Theo đó, các quốc gia thành viên COP21 đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp và cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C. Nếu không, các nhà khoa học cảnh báo, Trái đất sẽ tiến đến ngưỡng thảm họa mà không thể xoay chuyển được. Để đạt mục tiêu này, các nhà khoa học khuyến cáo, thế giới cần cắt giảm đến một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030.

Quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu của Donald Trump gây thất vọng thực sự đối với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đưa ra đầy đủ lý do và giải thích một cách hợp lý cho quyết định rút lui của Mỹ. Triết lý “Nước Mỹ là trên hết”“làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” chính là động lực thúc đẩy ông Trump làm mọi việc để đạt được mục đích, mà đầu tiên chính là giúp người dân có việc làm, có thu nhập và nền kinh tế phát triển…

Ngoài quyết định rút khỏi COP21, ông Trump còn quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 (JCPOA); rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA); rút khỏi Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung (INF); Hiệp ước Bầu trời mở với Nga; rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc; rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; rút khỏi Liên minh Bưu chính thế giới…

Hàng loạt sự thoái lui của Mỹ trong các vấn đề quốc tế song phương và đa phương là điều chưa từng thấy trong lịch sử quan hệ quốc tế của Mỹ - điều mà nước này luôn dẫn đầu và tiên phong trong việc tạo lập các nguyên tắc và quy định đối với phần còn lại của thế giới.

Nếu Donald Trump thắng cử, các chính sách đối ngoại và đối nội của Mỹ có thể sẽ không có nhiều thay đổi. Ở trong nước, ông Trump sẽ có thêm thời gian để thể hiện tuyên bố về “Pháp luật và trật tự”. Tổng thống đảng Cộng hòa sẽ thực hiện cải cách lực lượng cảnh sát, nhưng về cơ bản tiếp tục duy trì chính sách “cứng rắn với tội phạm”, như trong chiến dịch tranh cử mà ông Trump đã khẳng định.

Chính sách nhập cư vẫn tiếp tục bị thắt chặt với các quy định hạn chế người nhập cảnh vào Mỹ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Và tất nhiên, chương trình Hành động hoãn dành cho trẻ em vào Mỹ (DACA) được khởi xướng dưới chính quyền Tổng thống Obama có nguy cơ “chết yểu”, bất chấp việc Quốc hội đã can thiệp khi chỉ cho phép chính quyền ông Trump gia hạn kéo dài một năm, giảm so với thời hạn hai năm hiện tại.

Bức tường biên giới Mỹ - Mexico sẽ hoàn tất sau khi đã hoàn thành gần 400 dặm của bức tường biên giới vào cuối tháng Mười, với mục tiêu 450 dặm vào cuối năm, để thay thế gần như toàn bộ cấu trúc hàng rào hiện có.

Chính sách chăm sóc sức khỏe, Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (Obamacare) và Medicaid (Bảo hiểm y tế) sẽ không được triển khai và thay vào đó là một hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn, ít tốn kém hơn, theo lời Tổng thống Trump, nhưng có điều vẫn chưa được tiết lộ.

Trong cuộc tranh luận Tổng thống lần thứ 3 vào ngày 22/10, Tổng thống Trump khẳng định, vắc-xin COVID-19 sẽ được triển khai vào đầu năm tới và điều này thúc đẩy chính quyền Trump ra quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế nhanh nhất có thể, ngay cả khi tình trạng lây nhiễm tăng đột biến.

Điều này đồng nghĩa, cho tới khi vắc-xin COVID-19 chưa được sản xuất và triển khai tiêm chủng trên diện rộng, các ca nhiễm sẽ tiếp tục gia tăng và những hạn chế đi lại cũng như các quy tắc giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang là điều không bắt buộc thực hiện.

Trong quan hệ quốc tế, chính sách của ông Trump với Trung Quốc sẽ không thay đổi và căng thẳng giữa hai siêu cường thế giới có thể sẽ lên một mức mới, khi mà xung đột đã mở rộng sang hầu hết các lĩnh vực. Trong bối cảnh, Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ bất chấp sự ngăn cản từ Mỹ và một số đồng minh, cuộc chiến công nghệ, các chiến dịch quân sự và liên kết quốc tế để tạo một vành đai ngăn chặn sự vươn xa của Trung Quốc có thể sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh thực sự, thúc đẩy nhanh quá trình phân ly thế giới.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh đặc biệt là Đức trong NATO có thể sẽ tiếp tục xấu đi, bởi thái đối cứng rắn của ông Trump trong việc yêu cầu các quốc gia đồng minh gia tăng chi tiêu quốc phòng cũng như phải có trách nhiệm đóng góp ngân sách hoạt động cho Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương. Tất nhiên, hy vọng cho một sự trở lại Tổ chức Y tế thế giới hoặc các Hiệp ước mà chính quyền Mỹ tuyên bố rút lui sẽ không còn. Thậm chí, Mỹ còn có thể sẽ thực hiện thêm những cuộc rút lui mà Tổng thống Trump cho rằng điều đó gây thiệt hại cho nước Mỹ.

Thế giới sẽ tiếp tục phải chịu những “cơn đau tim” giống như trong suốt 4 năm qua, khi mà ông Trump liên tục có những tuyên bố và hành động sốc.

Còn với Joe Biden, một thành viên đảng Dân chủ có xu hướng bớt diều hâu hơn, nước Mỹ hậu bầu cử Mỹ sẽ ra sao?

Không ai dám chắc ông Biden có thể tạo ra một cú “lột xác” nước Mỹ đang chịu nhiều thương tích bởi đại dịch COVID-19, nhưng hình ảnh một nước Mỹ “dịu hơn” có thể sẽ được thúc đẩy. Với tuyên bố sẽ chi hàng nghìn tỷ USD để tạo việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng sạch, sản xuất và chăm sóc sức khỏe, đồng thời giảm bớt bất bình đẳng kinh tế chủng tộc, Joe Biden có thể sẽ làm giảm sự gia tăng của đại dịch bởi ứng viên đảng Dân chủ vốn tỏ ra thận trọng với chính sách mở cửa, thúc đẩy việc đeo khẩu trang bắt buộc trên khắp đất nước.

Ông Biden sẽ khởi động lại Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng từ thời Obama với kế hoạch 750 tỷ đô-la trong 10 năm, nhưng sẽ tăng thuế đối với người giàu; sẽ đề xuất giảm độ tuổi đủ điều kiện tham gia Medicare (bảo hiểm y tế) từ 65 xuống 60 - một sự thay đổi như vậy sẽ có khả năng mở rộng tài trợ Medicare cho khoảng 20 triệu người Mỹ nữa.

Và Joe Biden chính là niềm vui lớn nhất với những người nhập cư khi ông sẽ tạo điều kiện tối đa cho người nhập cư, bởi “người nhập cư giúp phát triển nền kinh tế và tạo việc làm”.

Chủ trương thúc đẩy nền kinh tế xanh, Joe Biden sẽ đưa Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo về biến đổi khí hậu toàn cầu, thông qua việc nối lại Hiệp định khí hậu Paris năm 2015. Ông cũng khẳng định sẽ đề xuất chi tiêu 2 nghìn tỷ đô la trong nhiệm kỳ 4 năm đầu tiên của mình và đặt mục tiêu đạt được 100% điện sạch vào năm 2035, và chú ý đến những lời kêu gọi về việc chuyển đổi nhanh hơn khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Trong cuộc tranh luận Tổng thống cuối cùng, Joe Biden nói rằng ông sẽ lên kế hoạch loại bỏ trợ cấp cho nhiên liệu, áp đặt lệnh cấm khai thác dầu đá phiến nhằm làm giảm lượng phát thải khí carbonic, đồng thời hỗ trợ đầu tư vào các cộng đồng than bằng cách cung cấp các giải pháp thay thế cho công việc khai thác.

Về chính sách đối ngoại, thay vì chính sách gây áp lực tối đa lên Bắc Kinh, Joe Biden sẽ thực hiện “Áp lực toàn cầu đối với Trung Quốc”, thông qua các tổ chức quốc tế và mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ.

Tổng thống đảng Dân chủ cũng sẽ hâm nóng lại các mối quan hệ đồng minh đang bị nguội lạnh hoặc bất đồng, mà việc đầu tiên là sẽ xem xét lại vấn đề quân đội Hoa Kỳ ở Đức. Thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 có thể sẽ được nối lại và sẽ đưa phần lớn quân đội Mỹ từ Afghanistan về nước, cũng như có thể chấm dứt sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến của Ả Rập Xê-út ở Yemen, điều mà ông Trump đã bảo vệ.

Các cử tri Mỹ đã có 4 năm để cân nhắc lá phiếu dành cho Tổng thống Trump và họ cũng có nhiều hơn thế thời gian để đánh giá sự ủng hộ đối với cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 2020 là đưa ra một bài toán vô cùng khó khăn đối với các cử tri, bởi nước Mỹ và thế giới đang ở hoàn cảnh chưa từng có, với một đại dịch khiến họ bị phân tán và tổn thương bởi những tác động ghê gớm của COVID-19. Chưa bao giờ lịch sử bầu cử Mỹ ghi nhận số tiền được chi ra nhiều đến thế trong các chiến dịch bầu cử của các ứng viên. Center for Responsive Politics (CRP) - tổ chức độc lập chuyên theo dõi hoạt động chi tiêu trong chính trị ở Mỹ cho biết, tổng chi phí bầu cử Mỹ 2020 lên tới gần 14 tỷ đô-la, phá vỡ các kỷ lục trước đó, đồng thời phá vỡ ước tính trước đó là 11 tỷ đô-la.

Cuộc bầu cử năm 2020 được xem tốn kém hơn gấp đôi so với cuộc bầu cử đang giữ vị trí đắt đỏ thứ hai là cuộc bầu cử năm 2016. Song, cuộc bầu cử năm 2020 cũng được xem là cuộc bầu cử thu hút nhiều cử tri đi bỏ phiếu nhất lịch sử, khi hai ngày trước cuộc bỏ phiếu chính thức, đã có gần 100 triệu người đã đi trao niềm tin của mình cho một trong hai ứng cử viên Tổng thống.

Sự quan tâm của các cử tri đối với cuộc bầu cử năm 2020 cũng cho thấy một điều rằng, người Mỹ đang quan tâm đến vận mệnh của nước Mỹ và chính cuộc sống của họ hơn bao giờ hết, thay vì bày tỏ sự thờ ơ và phó mặc cho lưỡng đảng như nhiều cuộc bầu cử trước đó.

Hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden mỗi người đều có những ưu điểm và nhược điểm. Tựu chung lại, họ đều là những nhân vật xuất sắc, đại diện cho hai đảng: Dân chủ và Cộng hòa.

Suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ, các Tổng thống đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau chèo lái đất nước và dù người chiến thắng trong các cuộc bầu cử có là ai, giá trị Mỹ luôn được đề cao và đều hướng tới sự thịnh vượng. Điều khác biệt chỉ là cách vận hành chính phủ của mỗi cá nhân, gắn với những lợi ích của mỗi chính đảng trong mỗi thời kỳ.

Câu trả lời ai là người chiến thắng đang nằm trong tay cử tri Mỹ. Họ muốn nước Mỹ 4 năm nữa ra sao, do chính họ quyết định.

Tin khác

Israel tăng cường tấn công sau khi Mỹ lần thứ tư phủ quyết ngừng bắn ở Gaza

Israel tăng cường tấn công sau khi Mỹ lần thứ tư phủ quyết ngừng bắn ở Gaza

(CLO) Israel đã tiến hành một loạt các cuộc không kích vào Dải Gaza khiến gần 90 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em đang ngủ, sau khi Mỹ một lần nữa phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu ngừng bắn.

Ukraine công bố video tấn công sở chỉ huy Nga ở Kursk, khiến nhiều sĩ quan cao cấp thiệt mạng

Ukraine công bố video tấn công sở chỉ huy Nga ở Kursk, khiến nhiều sĩ quan cao cấp thiệt mạng

(CLO) Lực lượng Hệ thống Không người lái của Ukraine vào ngày 21/11 đã công bố đoạn video cho thấy một cuộc tấn công vào một sở chỉ huy của Nga gần làng Maryino ở Tỉnh Kursk.

Ông Trump thay ứng viên Tổng chưởng lý, sau khi Matt Gaetz rút lui vì nhiều cáo buộc nhạy cảm

Ông Trump thay ứng viên Tổng chưởng lý, sau khi Matt Gaetz rút lui vì nhiều cáo buộc nhạy cảm

(CLO) Hôm thứ Năm, Đảng viên Cộng hòa Matt Gaetz đã rút tên khỏi danh sách ứng viên Tổng chưởng lý của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, sau khi phải đối mặt với các cáo buộc về hành vi trong quá khứ.

Ông Putin nói chiến tranh Ukraine đang lan rộng toàn cầu, Trung Quốc kêu gọi 'hạ nhiệt'

Ông Putin nói chiến tranh Ukraine đang lan rộng toàn cầu, Trung Quốc kêu gọi 'hạ nhiệt'

(CLO) Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Năm cho biết chiến tranh Ukraine đang leo thang thành một cuộc xung đột toàn cầu sau khi Mỹ và Vương quốc Anh cho phép Ukraine tấn công Nga bằng vũ khí tầm xa của họ, đồng thời cảnh báo phương Tây rằng Nga có thể đáp trả.

Những phản ứng trước việc Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt Thủ tướng Israel

Những phản ứng trước việc Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt Thủ tướng Israel

(CLO) Vào thứ Năm (21/12) Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cùng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant trong chính quyền của ông, cũng như thủ lĩnh Ibrahim Al-Masri của Hamas với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột ở Gaza.

Nga tuyên bố căn cứ tên lửa Mỹ tại Ba Lan là mục tiêu, Hungary tăng cường phòng không

Nga tuyên bố căn cứ tên lửa Mỹ tại Ba Lan là mục tiêu, Hungary tăng cường phòng không

(CLO) Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Ba Lan từ lâu đã được coi là mục tiêu ưu tiên để Lực lượng vũ trang Nga có thể vô hiệu hóa.