Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Cuộc đua quá khốc liệt và ai sẽ làm nên lịch sử?
Để hiểu tính chất khốc liệt của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, chúng ta phải quay ngược thời gian ít nhất về gần như đúng thời điểm này 4 năm trước. Đó là vào ngày 6 tháng 11 năm 2020, sau cuộc bầu cử nghẹt thở và đầy tranh cãi, các tổ chức thăm dò và hàng loạt các hãng tin lớn đều đồng loạt khẳng định ông Joe Biden đã giành chiến thắng.
Gần như ngay sau đó, các cuộc biểu tình phản đối và cả ủng hộ ông Trump đã diễn ra ở rất nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, hàng trăm người đã bị cảnh sát bắt giữ vì gây ra bạo lực. Những lời cáo buộc và cả phủ nhận gian lận không ngừng xuất hiện, rồi cả những yêu cầu kiểm phiếu lại ở các bang chiến trường.
Đó là một hành trình dài và khó khăn đối với nước Mỹ cho đến ngày 3/1/2021, khi Quốc hội Mỹ được triệu tập lại để kiểm phiếu và chứng nhận kết quả lựa chọn của Đại cử tri đoàn. Một số nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện và Thượng viện cho biết họ sẽ phản đối kết quả bầu cử tại một số bang, trong đó ông Trump khi đó đang là Tổng thống gây sức ép buộc “phó tướng” Mice Pence với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ và người đứng đầu Thượng viện dùng địa vị của mình để lật ngược kết quả tại các bang chiến trường. Nhưng ông Pence cho rằng luật pháp không cho mình quyền hạn này.
Cảnh sát thủ đô lo lắng và Vệ binh Quốc gia đã được báo động vì một số cuộc tụ tập quần chúng vào tháng 12 năm 2020 đã trở nên bạo động. Ngày 6 tháng 1 năm 2021, những người ủng hộ Trump đã xông vào Điện Capitol làm gián đoạn cuộc kiểm phiếu đang diễn ra, khiến những nghị sĩ và nhân viên báo chí phải sơ tán như trong thời chiến. Những người nổi loạn đột nhập vào cả Hạ viện và Thượng viện và phá hoại các văn phòng. Một người bị cảnh sát bắn chết, 1 cảnh sát cũng chết do bị thương nặng sau khi xô xát với những người bạo loạn và 3 người khác chết vì những lý do y tế. Ông Trump bị buộc tội đã kích động bạo loạn.
Tối hôm đó, Quốc hội Mỹ tiếp tục họp lại sau khi những kẻ bạo loạn đã bị tống đi. Khoảng trước 4 giờ sáng ngày hôm sau, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã kết thúc công việc và chính thức xác nhận ông Biden đắc cử. Ngày đầu tiên ông Biden đắc cử đó cũng có thể xem là ngày chính thức bắt đầu cuộc đua trở lại Nhà Trắng của ông Trump. Và 4 năm từ đó đến nay là một chặng đường dài, ly kỳ và đầy biến động với cả ông Biden, bà Harris và tất nhiên cả ông Trump. Và giờ cuộc “tái đấu” chỉ còn ít giờ nữa sẽ bắt đầu.
Trước khi nói về hành trình tranh cử khốc liệt suốt 4 năm qua giữa các ứng viên, chúng ta cần phải nói về hình thái và cách thức bầu cử tổng thống của Mỹ.
Dù Mỹ có tới 50 bang, tuy nhiên thực ra hầu hết các bang không có tính cạnh tranh trong bầu cử do phần lớn có xu hướng bỏ phiếu cho một đảng phái trong mọi cuộc bầu cử. Cùng với cách thức Đại cử tri đoàn trong bầu cử Mỹ và việc tỷ lệ phiếu đại cử tri giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở các bang “thắng chắc” luôn khá cân bằng, nên cuộc đua thường chỉ dựa vào kết quả ở một số bang chiến trường.
Ở cuộc bầu cử năm nay, có 7 bang chiến trường. Trong số 7 bang này, có 3 bang được ví là “Bức tường xanh” Wisconsin, Michigan và Pennsylvania do có phần thiên về Đảng Dân chủ. Trong khi đó, Arizona, Georgia, Nevada và Bắc Carolina được gọi là “Bức tường đỏ” do Đảng Cộng hòa được đánh giá nhỉnh hơn về ưu thế.
Hãy trở lại với cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ khốc liệt và đầy biến động năm nay. Vào ngày 25/4/2023, Tổng thống Biden dù đã bước vào tuổi 81 song vẫn chính thức tuyên bố tái tranh cử, để có thể tiếp tục xô đổ kỷ lục của mình là Tổng thống Mỹ già nhất trong lịch sử. Không thể phủ nhận một trong những lý do ông Biden chưa muốn nghỉ hưu là mối đe dọa từ ông Trump, do lo ngại rằng nếu không tái tranh cử thì khó có ai có thể đối đầu được với ứng viên Đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, gánh nặng tuổi tác và việc phải đối mặt với quá nhiều công việc căng thẳng bởi tình hình chính sự bất ổn ở cả nước Mỹ và quốc tế đã khiến người ta có thể dễ dàng nhận thấy ông già và yếu hơn sau từng ngày. Những bước đi của ông đã không còn vững vàng.
Không chỉ các cử tri Mỹ mà ngay cả những người quan tâm tới nền kinh tế số một thế giới cũng không khỏi băn khoăn làm sao ông có thể tiếp tục điều hành nước Mỹ trong 4 năm nữa, và nước Mỹ sẽ ra sao với một tổng thống quá lớn tuổi, đồng thời đã quá sa sút về cả sức khỏe và tinh thần như vậy?
Như đã biết, ông Biden vốn đã là Tổng thống Mỹ già nhất nhậm chức ở tuổi 78 sau cuộc bầu cử 2020, điều này sẽ khiến ông 82 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ này và 86 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai nếu tái đắc cử. Một cuộc thăm dò vào tháng 4 năm 2023 chỉ ra rằng 70% người Mỹ, bao gồm 51% đảng viên Dân chủ, tin rằng ông Biden không nên tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, với gần một nửa nêu lý do là tuổi tác của ông.
Dẫu vậy, trước sức ép quá lớn và nỗi sợ hãi về viễn cảnh ông Trump trở lại Nhà Trắng khiến Tổng thống Biden vẫn tiếp tục tranh cử và cuối cùng vẫn giành được sự đề cử chính thức của Đảng Dân chủ sau các cuộc bầu cử sơ bộ.
Nhưng rút cuộc mọi cố gắng của ông Biden cũng phải dừng lại sau màn tranh luận đầu tiên và duy nhất với ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm nay, khi sức khỏe sa sút đã khiến ông Biden có một màn tranh luận “thảm họa”, khi trình bày “lắp bắp”, “không rõ ràng” và thậm chí có lúc gần như đã “ngủ gật”.
Tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ đối với ông Biden giảm sút không phanh, còn nỗi sợ thất bại trong Đảng Dân chủ thì tăng theo cấp số nhân. Và rồi sau nhiều phát biểu níu kéo, ông Biden đã rút lui khỏi cuộc đua vào ngày 21/7, ủng hộ bà Harris làm người thay thế.
Màn “thay tướng giữa trận” gần như vào phút chót này cũng là một điểm nhấn hiếm có trong lịch sử bầu cử nước Mỹ và có thể nói đã giúp Đảng Dân thay đổi cục diện, để có được một vị thế cạnh tranh cân bằng với ông Trump và Đảng Cộng hòa trước thềm Ngày Bầu cử Mỹ 5/11 tới đây.
Sau khi lĩnh “ấn tiên phong” từ ông Biden, bà Harris nhanh chóng được Đảng Dân chủ đề cử và chính thức trở thành ứng viên vào ngày 5/8, chỉ trước Ngày bầu cử Mỹ tròn 3 tháng và khi cuộc đua đã bước vào giai đoạn nước rút. Bà đứng trước cơ hội trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Ông Donald Trump sau khi thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 đã không ngừng nuôi kế hoạch “trả thù” như nhiều lần ông tuyên bố công khai, ngay lập tức tái tranh cử khi cuộc đua Nhà Trắng mở màn. Nếu giành chiến thắng, ông sẽ sẽ là tổng thống thứ hai giành chiến thắng trong nhiệm kỳ không liên tiếp, sau Grover Cleveland năm 1892.
Tuy nhiên, đó là một hành trình chông gai và thậm chí đầy nguy hiểm của ông. Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump xuất hiện trong các phiên tòa nhiều hơn là trên bục vận động, trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị kết tội phạm tội. Tổng cộng, ông bị đối mặt với 4 vụ án hình sự và hàng loạt án dân sự, gồm tội kích động vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1 và đặc biệt phải chịu tới 34 tội danh hình sự liên quan đến vụ án làm giả hồ sơ kinh doanh tại New York.
Bất chấp những rắc rối pháp lý kể trên, ông Trump vẫn không từ bỏ chiến dịch tranh cử, khi mà luật pháp Mỹ vẫn cho phép người bị kết tội tham gia tranh cử tổng thống và quan trọng hơn ông nhận thấy những người ủng hộ vẫn đông đảo, cơ hội chiến thắng vẫn rất lớn. Đến ngày 18/7, ông Trump đã chấp nhận đề cử từ Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa để lần thứ ba liên tiếp trở thành ứng cử viên tổng thống.
Tất cả những rắc rối pháp lý trên chưa phải là những điều tồi tệ nhất mà ông Trump phải trải qua trong nỗ lực trở lại Nhà Trắng. Điều khủng khiếp nhất đã xảy ra vào ngày 13/7. Trong một cuộc vận động tại bang chiến trường Pennsylvania, ông Trump chỉ cách cái chết vài cm, khi kẻ ám sát đã bắn sượt tai ông. Đây là lần đầu tiên một tổng thống hoặc ứng cử viên tổng thống lớn bị thương trong một nỗ lực ám sát, kể từ cố Tổng thống Ronald Reagan năm 1981.
Chưa dừng lại, ông Trump phải đối mặt với một nỗ lực ám sát thứ hai vào ngày 15/9 trong lúc ông đang chơi golf tại Florida, khi kẻ ám sát đã nằm phục ông suốt nhiều giờ với một khẩu súng trường, trước khi bị mật vụ phát hiện và sau đó bị bắt giữ. Tiếp đến, khi cuộc bầu cử chỉ còn hơn một tháng, thêm một âm mưu ám sát ông Trump nữa được ngăn chặn tại bang California vào ngày 12/10, chưa đầy một tháng trước Ngày bầu cử. Một nghi phạm với hồ sơ bất hảo đã bị bắt giữ trong vụ này.
Sau tất cả, cuộc bầu cử Mỹ cũng đã được định hình với 2 ứng viên Donald Trump và Kamala Harris. Cuộc tranh luận tổng thống thứ hai và cuối cùng trong cuộc đua Nhà Trắng được tiến hành vào ngày 10/9, thu hút 67,1 triệu người xem trên truyền hình và hàng trăm triệu người trên các nền tảng xã hội. Lúc này, cục diện cuộc đua đã đảo chiều, khi bà Harris được đánh giá có màn trình diễn tốt hơn. Đảng Dân chủ lần đầu được đánh giá nhỉnh hơn Đảng Cộng hòa trong cuộc đua 2024.
Dựa trên các cuộc thăm dò và những kết quả bầu cử sớm, cuộc đua đang diễn ra cân bằng và rất khó đoán định. Song, dù kết quả thế nào, đây cũng sẽ là một cuộc bầu cử có ý nghĩa lịch sử, sẽ có tác động sâu rộng tới tương lai của nước Mỹ và có thể cả trên thế giới.
Liệu ông Trump sẽ lần thứ hai trở lại Nhà Trắng trong vị thế của một ứng viên đang chịu hàng chục tội danh hình sự và sau 3 lần bị ám sát hụt? Hay bà Harris với tư cách là ứng viên “bất đắc dĩ” sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ? Câu trả lời sẽ sớm có trong ít ngày tới!
(CLO) Dù kết quả thế nào, đây cũng sẽ là một trong những cuộc bầu cử khốc liệt và ồn ào nhất trong lịch sử nước Mỹ, với những phiên tòa, màn “thay tướng” khi ông Joe Biden trao “ấn tiên phong” cho bà Kamala Harris; những vụ tranh cãi không hồi kết, thậm chí máu cũng đã đổ khi ông Donald Trump có tới 3 lần bị ám sát hụt trong chiến dịch tranh cử mà ông nhiều lần tuyên bố là để “trả thù”.
(CLO) Liên hợp quốc báo cáo rằng vào năm 2023, cứ 10 người tử vong trong các cuộc xung đột vũ trang thì có 4 người là phụ nữ. Con số này cao gấp đôi so với năm 2022 và có thể còn tăng lên hơn nữa khi năm 2024 khép lại.
(CLO) Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học của Liên hợp quốc lần thứ 16 (COP16) diễn ra từ ngày 21/10-1/11/2024 tại thành phố Santiago De Cali, Colombia.
(CLO) Tại các trận đấu bóng đá ở Ukraine lúc này, quy mô khán giả không phải phụ thuộc vào sức chứa sân vận động hay sự cuồng nhiệt của người hâm mộ, mà được xác định bởi sức chứa của… hầm trú bom gần nhất.
(CLO) Hành lang điện toán của Trung Quốc được thiết kế để gửi tín hiệu máy tính trên khắp đất nước, trong khi Mỹ đã đi theo hướng tập trung. Hai siêu cường chọn cách phát triển năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) của mình theo hai con đường hoàn toàn đối lập.
(CLO) Chỉ mới một thập kỷ trước, Azamat Sarsenbayev từng nhảy xuống Biển Caspi xanh ngắt. Nhưng giờ đây, người ta chỉ thấy một vùng đất đá trơ trụi trải dài đến tận chân trời.