Đó là trích đoạn mở đầu trong các bài giảng của doanh nhân Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam tại các lớp đào tạo bồi dưỡng doanh nhân tỉnh Thanh Hóa và các diễn đàn khởi nghiệp của tuổi trẻ xứ Thanh thời gian qua. Nó vừa cho thấy sự khiêm nhường nhưng cũng vừa cho thấy sự quyết liệt trong suy nghĩ và hành động của một người chưa bao giờ ngừng khát vọng làm giàu.
Từ đến án 20.000 doanh nghiệp....
Tỉnh Thanh Hóa đất rộng, người đông, giàu tiềm năng phát triển nhưng chỉ số bình quân doanh nghiệp trên một vạn dân chưa bao giờ ngang bằng với mức bình quân chung của cả nước. Đó là nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng như cá nhân bầu Đệ, với tư cách là lớp doanh nhân đầu tiên ở xứ Thanh và là người có liên tiếp 4 khóa là chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Năm 2016, sau khi Nghị quyết 35 của Chính phủ được ban hành, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương tổ chức ký cam kết thực hiện sớm nhất với VCCI nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh đã xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Một trong những nội dung của đề án là mở các lớp khởi sự doanh nghiệp và bỗi dưỡng doanh nhân. Với uy tín, thương hiệu và những đóng góp của mình đối với cộng đồng doanh nghiệp cùng khả năng diễn thuyết của mình, bầu Đệ nghiễm nhiên trở thành “thầy giáo” trong các lớp bồi dưỡng dành cho doanh nghiệp, doanh nhân và những ai có ý định khởi nghiệp. Lớp học mời giảng viên là chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế có tiếng từ rất nhiều địa chỉ đào tạo có uy tiến như các Trường Đại học, Viện nghiên cứu chuyên về kinh tế, doanh nghiệp. Tuy nhiên, giờ “dạy” của “thầy” Đệ vẫn có sức hút riêng. Nói như một học viên cao niên vốn là giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng ở thành phố Thanh Hóa thì: “ngoài những kiến thức cơ bản trong sách vở, chúng tôi rất cần những trải nghiệm thực tiễn. Anh Đệ thuộc mẫu người miệng nói tay làm, thậm chí làm có thành tựu rồi mới nói nên có sức thuyết phục cao. Với những lớp đào tạo ngắn ngày như thế này, chúng tôi rất cần những chia sẻ kiểu ...cầm tay chỉ việc của một doanh nhân từng trải như anh Đệ”.
Bầu Đệ chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn Thanh niên Thường Xuân khởi nghiệp
...đến khát vọng truyền lửa cho doanh nhân.
Chỉ trong vòng 5 tháng cuối năm, theo tiến độ của đề án, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phải tổ chức 14 lớp bồi dưỡng doanh nhân tại thành phố Thanh Hóa và một số huyện, thị, chưa kể các diễn đàn khởi nghiệp của thanh niên toàn tỉnh. Ước tính, chỉ trong tháng 10, tháng kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam, có tuần, ông bầu một thời của bóng đá xứ Thanh phải lên lớp đến 4 buổi. Mọi việc kinh doanh của công ty, thậm chí các cuộc họp của 2 hiệp hội do ông đứng đầu đều phải gác lại, ưu tiên cho việc đi truyền lửa khát vọng doanh nhân, khát vọng làm giàu. Chỉ cần nghe tiếng “bầu” Đệ, các lớp học gần như không còn một chỗ trống. Thậm chí mới đây nhất, lớp bồi dưỡng doanh nhân ở thành phố Sầm Sơn, ban tổ chức lớp học còn không kịp in đủ tài liệu cho học viên. Ngoài lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ đoàn, nhiều chủ hộ kinh doanh lớn tuổi cũng đến để được tiếp thêm lửa kinh doanh và khát vọng làm giàu. Hay như tại huyện miền núi Thường Xuân, nghe danh bầu Đệ, đích thân chủ tịch UBND huyện đã trực tiếp đến mời ông làm khách mời đặc biệt tại diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp toàn huyện. Tại diễn đàn, rất nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề làm thế nào để khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công đã được các bạn trẻ đặt ra. Phần trả lời, trao đổi của bầu Đệ đã nhận được nhiều tràng pháo tay không ngớt. Dẫn chứng được đưa ra từ chính cuộc đời lập nghiệp của ông.
Năm 41 tuổi bầu Đệ khởi nghiệp chỉ với 5 triệu đồng góp chung với 2 người bạn, nhưng 20 năm sau, trong tay ông có cả ngàn tỷ. Nếu 5 triệu ấy mang đi gửi ngân hàng, hoặc lựa chọn đầu tư không đúng hướng, không đúng năng lực sở trường của bản thân, thì có lẽ bây giờ không có doanh nhân Nguyễn Văn Đệ. Mấu chốt của khởi nghiệp không hẳn là vốn mà là khát vọng và ý tưởng. Phải chọn được lĩnh vực khởi sự doanh nghiệp mà bạn say mê, thị trường có nhu cầu, làm từng bước từ nhỏ đến lớn, luôn kiền trì theo đuổi, vấp ngã thì tìm cách đứng dậy. Nếu khởi nghiệp có nhiều vốn, có người đỡ đầu tuổi trẻ dễ nảy sinh tư tưởng dựa dẫm, ỉ lại. Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng như người đi vào rừng rậm, buộc anh phải vắt óc ra mà tìm đường và trui rèn bản lĩnh cho anh. “Lúc tôi rủ bạn bè góp được 5 triệu đồng để mở hợp tác xã vận tải, 2 người vợ của bạn nản quá khuyên chồng rút lại phần vốn của họ khiến tôi lao đao, phải đi vay nặng lãi để trả lại cho bạn. Thế nhưng tôi vẫn quyết tâm làm vì lĩnh vực vận tải lúc đó có thị trường tốt, tôi lại có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mấy năm sau đó, khi thấy tôi phát triển mạnh, rồi mở rộng đầu tư sang bệnh viện, 2 người bạn cảm thấy tiếc nhưng rõ ràng, chính họ đã không có đủ bản lĩnh, khát vọng để theo đuổi đam mê. Tôi không trách bạn, thậm chí phải cảm ơn họ. Bởi chính sự nản lòng của họ lại là cơ hội để mình bứt lên mạnh mẽ.” – bầu Đệ chia sẻ thêm về cơ hội và bản lĩnh trong khởi nghiệp.
Bầu Đệ trao chứng chỉ khóa đào tạo bồi dưỡng Doanh nhân tỉnh Thanh Hóa
Dù là “thầy giáo” không chuyên nhưng bầu Đệ lên bục giảng không bao giờ cần giáo án hay đề cương. Thế nhưng “tiết giảng” vẫn diễn ra đúng như giáo án đã soạn sẵn. Nói một cách văn hóa thì “cái gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến nhiều trái tim”. Điều quan trọng từ những bài giảng của “thầy” Đệ chính là bầu nhiệt huyết nóng hổi khát vọng làm giàu được truyền tới mọi người. Khát vọng làm giàu, khát vọng trở thành doanh nhân như những đợt nham thạch cứ bốc lên ngùn ngụt trong những cuộc trò chuyện của bầu Đệ. Có lẽ vì thế mà xuyên suốt 3 tiếng đồng hồ trao đổi, đối thoại, cả diễn giả và học viên đều không muốn...giải lao. Thậm chí, ngay sau khi bầu Đệ kết thúc phần “truyền lửa” tại diễn đàn thanh niên khởi nghiệp huyện Thường Xuân, hơn 20 đoàn viên thanh niên của huyện miền núi này đã ký biên bản ghi nhớ thành lập doanh nghiệp thông qua huyện đoàn. “Hãy bỏ tư duy biên chế nhà nước đi nếu các bạn có khát vọng lớn. Nhà nước đang tinh giản biên chế, đừng suy nghĩ theo hướng học xong kiếm một chân trong nhà nước cho an phận. Hãy làm kinh tế, làm doanh nhân cho giỏi rồi sau này phấn đấu trở thành lãnh đạo, quản lý nhà nước cũng chưa muộn. Đảng ta luôn rộng mở trong tư duy chọn người tài. Kinh nghiệm từ thương trường là vốn sống rất quan trọng để sau này các bạn có mơ ước khởi nghiệp bằng con đường chính trị.” Đó là chia sẻ rất thẳng thắn và cũng nhận được nhiều sự đồng tình tại diễn đàn thanh niên Thanh Hóa khởi nghiệp 2017 mà bầu Đệ được mời với tư cách diễn giả.
Năm nào, trong ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, bầu Đệ cũng thay mặt cho giới doanh nhân toàn tỉnh phát biểu tại lễ tôn vinh doanh nghiệp doanh nhân. Và, lần nào phát biểu, người ta cũng thấy ông khát khao truyền lửa cho khát vọng doanh nhân. Theo ông chưa bao giờ Đảng và Chính phủ lại quan tâm, hỗ trợ và đánh giá cao vai trò của doanh nhân, của kinh tế tư nhân như giai đoạn hiện nay. Mỗi một doanh nhân hãy sống, lập nghiệp, kinh doanh xứng đáng với danh xưng được hiến định trong Hiến pháp 2013, đừng để xã hội xem mình là con buôn, con phe như trước đây. Đã đến lúc xã hội phải nhìn nhận lại kinh doanh như một nghề cao quý, vì chính nó đang tạo ra phần lớn của cải vật chất và việc làm cho người lao động.
5 năm là “bầu” bóng đá Thanh Hóa từng được doanh nhân Nguyễn Văn Đệ, đúc kết là dài và vất vả bằng ...20 năm làm doanh nghiệp. Tuy nhiên ít ai ngờ rằng, rời xa bóng đá mới hơn 2 năm, nhưng trong 2 năm qua, ông còn bận rộn hơn cái thời ..ăn bóng đá, ngủ bóng đá. Với hơn chục doanh nghiệp được thành lập mới; đồng thời là người đứng mũi chịu sào, đầu tầu cho 2 tổ chức xã hội nghề nghiệp có uy tín là: Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa và Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cũng đã lấy đi gần hết quỹ thời gian của vị doanh nhân gan góc này.
Hồng Khang