"Bên Trời" & những câu thơ đẹp

Thứ năm, 29/10/2020 10:50 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hình như chưa ai nói những câu thơ đẹp mà chỉ nói những câu thơ hay mà thôi. Có lẽ vì tôi là người yêu cái đẹp, nên khi đọc tập thơ “Bên Trời” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020) của nữ sỹ Trần Kim Hoa, tôi liên tưởng tới cái đẹp trong thơ.

...“Hoa của mùa thu mỏng mảnh se lòng” (Thu đã hóa thiên thu), chỉ một câu thơ này thôi, tôi đã nhận ra vẻ đẹp dịu dàng, e lệ, nhiều nữ tính của người thơ.

Không biết trong cuộc đời Trần Kim Hoa có dịu dàng, nữ tính hay không? Điều này có lẽ những người gần chị sẽ rõ.

Nhưng ở đây tôi chỉ nói về thơ, về hình ảnh đẹp, ngôn ngữ đẹp, ý tưởng đẹp, tình cảm đẹp..., một vẻ đẹp nhiều nữ tính, ý nhị, dịu dàng, sâu xa, khiến người đọc như tôi thực sự nao lòng!

13dec7e7ba3f44611d2e

Khi người thơ sống hết mình, yêu hết mình, chân thật hết mình thì những câu thơ viết ra thường mang cái đẹp nội tâm sâu sắc:

“...Để cảm nhận niềm vui thật thà như đếm

Và nỗi buồn lẳng lơ

Để tằn tiện từng xu kiếm được trong đáy giếng lợi danh

Để khóc những giọt nước mắt ngày xưa thì trong bây giờ thì đục

Đi hết giấc mơ dẫu ngắn hay dài...”

(Sống)

Một nhà thơ Nga từng viết: “Anh có thể dối em, thơ anh không thể dối”. Bây giờ không ít người làm thơ thường bày vẽ ra những câu, chữ, mà người đọc không thấy được cái tôi bản ngã của người làm thơ, thấy nó giả giả thế nào ấy. Vì cái giả trong thơ khó giấu lắm!

Có lẽ cái đẹp mà tôi thích nhất trong tập thơ “Bên Trời” ấy là cảm thức chân thật trong từng câu thơ, cảm thức về tình yêu, tình bạn, tình người, tình cảm quê hương đất nước được đặt trong cảm thức nhân sinh, trong sự hữu hạn của đời người trước sự vô hạn của thời gian, về sự hư vô của cõi người, để con người biết sống sao cho xứng đáng là con người:

“Mặt trời mỗi ngày dán lên cánh cửa

Mệnh lệnh duy nhất

Sống...”

(Sống)

Nhà thơ Trần Thị Kim Hoa giới thiệu tập thơ

Nhà thơ Trần Thị Kim Hoa giới thiệu tập thơ "Bên Trời".

Cái đẹp trong thơ cũng như trong đời không phải tìm đâu xa, là cái đẹp của sự sống. Như nhà thơ Trần Kim Hoa đã viết: “Mệnh lệnh duy nhất/Sống...”.

Sống với mọi cảm thức: “...nẻo mùa xa xứ / nẻo trời phân vân/nẻo tình lữ thứ /nẻo vời cố nhân...” (Tháng mười). Sống với nhiều tâm trạng: “...Đôi vai đường mệt mỏi/Chân trời tít tắp xa/Mới hay đêm thật mỏng/Giấc mơ nhìn thấu ta...” (Sáng hôm nay lại có tâm trạng). Câu thơ cuối của bài thơ này tôi rất thích, gợi và mở, thực và ảo, có và không: “Giấc mơ nhìn thấu ta…”.

Tôi cho rằng điều mang đến cảm xúc đẹp trong thơ ấy là sự bất ngờ đầy biến hóa của tâm trạng, suy nghĩ, trong hình tượng cũng như cấu tứ. Chỉ một cái gác bếp mùa về mà người thơ đã viết nên những câu thơ hay, làm người đọc thực sự bất ngờ: “...Củi khô cay mắt nhớ/Cánh rừng ngày trẻ trai/Bạn bè tản mát/Bồ kết ám khói/lặng lẽ tóc dài” (Gác bếp mùa về).

Khi đọc bài thơ “Tháng mười một” đến hai câu thơ cuối cùng tôi giật mình vì sự bất ngờ, sự bất ngờ làm tôi thích thú:

“...Bồng bột

Ngã tư đèn đỏ”.

Hay bài “Viết ở cổ Loa”:

“...Phong rêu bùa chú

Ngày ngày mây trắng bay

Thương giọt lệ ngàn năm còn son...”

Một sự liên tưởng thật bất ngờ và cũng thật logic khi Trần Kim Hoa viết về thành Cổ Loa với truyền thuyết gần như ai cũng biết: chuyện tình đẫm nước mắt Mỵ Châu - Trọng Thủy: “Thương giọt lệ ngàn năm còn son...” Thơ là vậy. Đời là vậy. Cái hay trong thơ tôi thiển nghĩ cũng là vậy!

Samuel Rogers cho rằng: “Thơ là ngôn ngữ của thần thánh” là muốn nói đến vẻ đẹp trong thơ. Ở Việt Nam chúng ta trong “Bản tuyên ngôn tượng trưng” viết: “Thơ phải cấu bằng tính chất của vô biên. Sau cái thế giới trên hàng chữ phải ấn dấu muôn nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy... Một bài thơ phải chứa đựng những cái gì đã có nhưng phải mang trạng thái tiềm tàng những cái gì có thể có và cả những cái gì không có nữa...”. Tôi đọc tập thơ “Bên Trời” của nhà thơ Trần Kim Hoa không những cảm nhận được cái đã có, cái chưa có, cái đương thành, đương hủy... mà còn cả những gì ta thấy hằng ngày được nhà thơ hình tượng hóa bằng những hình ảnh đẹp trong cảm thức sâu lắng mà vô cùng:

“...Năm mới của anh

Năm cũ của em

Giọt mưa tháng chạp ướt vườn giêng hai”

(Năm mới của anh, năm cũ của em)

“...Câu hát thênh thang leo võng ngủ

Dây trầu quấn thân cau

Rơm vàng phơi ngõ nhỏ

Trời buông mấy vạt mây xanh...”

(Những giông gió, cuối cùng cũng yên ả vàng phai...)

“...Em váy thêu má đỏ

Bẽn lẽn rượu mời

Ta vãng lai hớn hở

Một lần say trong đời...”

(Một lần Sin Suối Hồ)

“Hà Nội gió mùa đông bắc

Những con phố phong phanh

Ta và em như khăn mỏng...”

(Gió mùa đông bắc)

Những câu thơ với vẻ đẹp dịu dàng, ý nhị, nhiều nữ tính  được biểu cảm trong những ý tưởng đầy bất ngờ, biến hóa, giầu cảm xúc... thực sự cuốn hút tôi.

“Bên Trời” là vậy chăng?!

Nhà vườn Sóc Sơn 10/2020

Dương Kỳ Anh

Tin khác

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

(CLO) Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc cả nước truyện kí đặc sắc “Trần Phú” của tác giả Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).

Đời sống văn hóa
6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

(CLO) 6 bộ phim sẽ được chiếu miễn phí phục vụ công chúng trong “Những ngày phim tài liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

(CLO) Nằm trong khuôn khổ của Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế được tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) còn có hoạt động giã gạo truyền thống. Loại gạo ngon nhất thế vừa bén rễ trên vùng sâm tốt nhất.

Đời sống văn hóa
Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) “…Cuối năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc rồi Liên Xô hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Xô Viết và Nguyên soái Stalin. Sau cuộc hội đàm Nguyên soái Stalin đã quyết định tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn cơ giới pháo cao xạ 37 ly mà sau này Trung đoàn pháo cao xã 367 của chúng tôi đảm nhận đưa pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ.”

Đời sống văn hóa
Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

“Vừa kéo pháo vào hôm trước, hôm sau ngày 26/1/1954 lại đột ngột nhận lệnh kéo pháo ra. Chúng tôi bàng hoàng cả người. Nhưng cũng nhờ có quyết định ấy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng…”

Đời sống văn hóa