Bệnh nhi đang được chăm sóc tại BV Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ. Ảnh: T.L
Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 30-50 triệu người mắc bệnh ho gà, trong đó có khoảng 300.000 người bị tử vong, đa số là trẻ em dưới 1 tuổi và ở các nước chậm phát triển.
Tại Việt Nam, ho gà là bệnh được chủng ngừa ngay khi trẻ tròn 2 tháng tuổi, bệnh cũng đã từng được khống chế trong những năm trước đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ho gà đang trở lại với sự xuất hiện nhiều ca bệnh một cách bất thường.
Ngày 16/12, bác sĩ Lý Lan Hương (BV Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ) cho biết, đang điều trị cho bệnh nhi S.M.T. (2 tháng tuổi, huyện Bắc Quang, Hà Giang) bị ho gà.
Trước đó, bệnh nhi được chuyển đến BV với chẩn đoán viêm phổi. Gia đình bệnh nhi cho biết, sau khi sinh 17 ngày, bé xuất hiện ho nhiều, ho không dứt, khò khè nhiều. Gia đình đã đưa bé đến BV ở địa phương điều trị 14 ngày nhưng tình trạng ngày càng nặng. Vì vậy, gia đình xin chuyển viện, đưa bé đến BV Hùng Vương điều trị.
Tại BV, các bác sĩ xác định, bệnh nhi ho cơn kéo dài, ho liên tục kèm theo đỏ mặt dần chuyển sang tím. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi.
Theo bác sĩ Lý Lan Hương, bệnh nhi là trường hợp điển hình của bệnh ho gà với các biểu hiện đặc trưng. Bệnh nhi có biến chứng viêm phổi do thời gian điều trị không đúng phác đồ kéo dài. Hiện tại, trẻ được điều trị theo phác đồ đặc trị bệnh ho gà.
Sau 5 ngày điều trị tích cực, hiện tại tình trạng của bệnh nhị đã ổn định hơn, cơn ho ngắn và tình trạng phổi tiến triển tốt.
Tuy nhiên, điều đáng báo động đây là dịch bệnh đã được nước ta không chế từ nhiều năm trước đây nhưng theo các chuyên gia thì dịch bệnh này đã quay trở lại và người dân cần đề phòng, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ.
Điều trị cho trẻ mắc bệnh ho gà tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: TL
Theo các chuyên gia Y tế, hầu hết các trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều. Các bác sĩ cũng cho biết, đáng lưu ý, ghi nhận các trẻ mắc ho gà còn rất nhỏ (dưới 2 tháng tuổi), trước thời điểm có chỉ định tiêm vắc xin (theo chỉ định, trẻ tiêm vắc xin ho gà mũi 1 lúc đủ hai tháng tuổi). Trong khi đó, trẻ dưới 6 tháng tuổi mắc ho gà dễ bị biến chứng nặng.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn.
Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.
Bệnh ho gà nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ như viêm phổi, tăng áp lực động mạch phổi, biến chứng tim mạch dẫn đến suy hô hấp và có thể tử vong.
Khi trẻ có những biểu hiện như: Ho kéo dài, ho nặng, không thể dứt cơn ho kèm theo mặt đỏ, chảy nước mắt, nước mũi, trẻ tím tái. Với trẻ sơ sinh có thể kèm theo nguy cơ ngưng thở khi ho.
Cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng phác đồ tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Ngoài ra, các sản phụ khi mang thai cũng phải đi tiêm phòng vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván để phòng bệnh cho con trong thời gian trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng.
Minh Châu