Bí ẩn Thiên Ấn Niêm Hà

Thứ sáu, 03/04/2015 10:21 AM - 0 Trả lời

Bí ẩn Thiên Ấn Niêm Hà

(Congluan.vn) - Thiên Ấn Niêm Hà được mệnh danh “Đệ nhất phong cảnh” trong “Thập đại phong cảnh” của Quảng Ngãi. Thiên Ấn Niêm Hà có nghĩa là ấn trời cao niêm xuống dòng sông xanh.

Ngôi chùa trên đỉnh Thiên Ấn nằm tọa lạc ở phía đông huyện Sơn Tịnh, bên kia sông Trà Khúc. Chùa được xây dựng vào thời vua Lê Dụ Tông, được chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn tự”, là một trong các tổ đình quan trọng của dòng thiền Lâm Tế của Phật giáo Đàng Trong…

Báo Công luận
 
Đường vào Thiên Ấn tự

Truyền thuyết cổ tự

Ba thế kỉ trước, núi Thiên Ấn được người Chiêm Thành gọi là núi Hó. Cảnh núi âm u, tịch mịch chim kêu vượn hót, rất linh thiêng. Thế nhưng ngày ấy núi có rất nhiều cọp và thú dữ khác nên nơi đây không có một bóng người. Thi thoảng dân làng lân la đốn củi ở dưới chân núi.

 
Báo Công luận
 
Chùa Thiên Ấn

Đến năm 1675, có một vị thiền sư thế danh là Lê Duyệt, pháp danh Minh Hải, tự Phật Bảo, hiệu là Pháp Hóa hòa thượng, sinh năm Giáp Thân (1644) đời vua Thuận Trị nhà Thanh (Trung Quốc) thuộc dòng thiền Lâm Tế mở đầu bằng 2 câu kệ: “Minh thiệt pháp toàn chương/ Ấn chơn như thị đồng”. Tổ sư này đến dựng thảo am nơi đây và tu thiền. Ngài chỉ ăn lá cây và củ rừng. Lúc Ngài tu có rất nhiều thú rừng hầu Ngài.

Báo Công luận
 
Bửu tháp trong Thiên Ấn tự

Hôm nọ bỗng nhiên có một đoàn tiều phu được chư tiên mách bảo đã dừng chân cách sườn phía Đông Nam núi, thấy một hang nước trong vắt và dừng lại uống nước. Họ phát hiện một con đường mòn từ hang nước lên đỉnh núi. Theo đường mòn tìm kiếm, họ lần lên đỉnh tìm kiếm vị thiền sư và được biết hang nước đó là nơi hàng ngày thiền sư vẫn thường lấy nước. Tình yêu thương hiền từ của vị thiền sư làm lòng người khâm phục. Hình như vị thiền sư này đã có nhiều tiền kiếp nơi đây. Từ đó đoàn người kia truyền miệng và người ta tìm đến rất đông. Đó là sự mở đầu của sự sùng kính đạo pháp. Cũng từ lúc ấy, hang nước vì thế cũng vơi dần.

Báo Công luận
 
Chuông thần trong Thiên Ấn tự
 
Nước uống hiếm hoi, thiền sư mới phát nguyện đào một cái giếng. Khi đào được 10 m thì có một vị sư trẻ mang áo tơi, đội mưa từ đâu tới xin tá túc và ở lại giúp sư tổ. Thầy trò tiếp tục đào được 24 m thì gặp phải một tảng đá bàn lớn chắn ngang. Thầy trò hì hục đào trong 3 tháng mà không thấy nước. Đá bàn này là đá bàn khối đã ăn sâu vào lòng đất, sư tổ nghĩ “Dã tràng xe cát biển Đông”. Nhưng Ngài suy nghĩ hồi lâu, một tia sáng lóe lên, Ngài vào thảo am ngồi thiền trong 7 ngày 7 đêm chú nguyện không ăn không ngủ. Rồi Bồ Tát xuất hiện nói với Ngài “ông ráng đào theo hướng tây bắc 8 tấc nữa có một cái hòm thì sẽ thấy nước”. Ngài mừng quá ra khỏi thảo am và tiếp tục đào. Đào được 8 tấc thì y như điềm chiêm bao, mạch nước phun lên tung tóe, nước giếng thơm ngọt và trong vắt. Vị tăng trẻ kia cũng biến mất luôn ngay sau khi có nước. Do đó, người ta đặt tên cho cái giếng này là giếng Phật và họ lưu truyền câu ca dao: “Ông thầy đào giếng trên non/ Đến khi có nước không còn tăm hơi”.
 
Báo Công luận
 
  Tượng Phật tổ

Hòa thượng Thích Hạnh Trình – Trụ trì Thiên Ấn Niêm Hà cho biết: “Sự tích này đã lan truyền đến vua Lê Dụ Tông (niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1716), vua đã mời sư tổ đến cung vua ở Huế và thuật cho vua nghe về cái giếng kì lạ. Vua nghe xong đã phong cho Tổ Đình Thiên Ấn này Sắc Tứ Thiên Ấn Tự, Lê triều Vĩnh Thịnh thập nhất niên chữ thếp đỏ vàng ánh sơn màu sáng chói trên một bức hoành phi bằng danh mộc. Trước đấy, chúa Nguyễn Phúc Chu cũng đã phong sắc tứ cho Thiên Ấn tự”.

Hơn 3 thế kỉ từ ngày khai lập đến nay, chùa đã qua 15 đời trụ trì, trong đó có 6 vị được đuy tôn là sư tổ, thường được gọi là lục tổ.

Thiên Ấn Niêm Hà ngày nay

Thiên Ấn Niêm Hà nghĩa là ấn trời niêm trên dòng sông xanh. Chùa Thiên Ấn nằm trên núi Thiên Ấn thuộc địa bàn huyện Sơn Tịnh, núi nằm một bên sông Trà Khúc về phía bắc. Núi cao 101m so với mặt biển, trên đỉnh bằng phẳng ước rộng gần 5 mẫu tây, bốn mặt gần như vuông phẳng, giống như một quả ấn kiềm úp sấp nên mới có tên gọi như thế. Núi Thiên Ấn cùng với dòng sông trở thành biểu tượng cho sự vĩnh hằng của vùng đất này, như hai câu thơ của thi sĩ Bích Khê: “Ngàn năm quả Ấn nằm trơ mốc/ Một dải sông Trà chảy sậm xanh”.

Báo Công luận
 
Giếng Phật trong Thiên Ấn tự 
 
Núi Thiên Ấn xưa có thể chất thiên nhiên đá son có thể dùng mài thành mực chấm sách vở chữ Hán. Chân núi về phía Nam có gò nhỏ gọi là hòn Triệu, phía Bắc có núi La Vọng, phía Tây giáp núi Long Đầu và phía Đông giáp núi Tam Thai. Niên hiệu Minh Mạng 11 (1830) có chạm hình núi vào Di đỉnh. Niên hiệu Tự Đức 3 (1850) được chọn vào hạng danh sơn và ghi vào điển tịch. Đường lên Thiên Ấn tự được mở rộng vào năm 1930, xoay hình như khu ốc. Quanh sườn đồi lên tận đỉnh có những hàng dương liễu vi vu, có tàng cây cổ thụ rợp bóng quanh năm che tháp các vị Tổ…

Đối diện với cánh cửa tam quan Thiên Ấn tự không xa khoảng hơn 20 m về hướng tây nam là mộ của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Đứng trên đỉnh Thiên Ấn, du khách có thể nhìn bao quát được những cảnh đẹp của Quảng Ngãi từ Cổ Lũy Cô Thôn, Long Đầu Hí Thủy, mũi Ba Làng An,…cho đến Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn), Thiên Bút Phê Vân… Ngắm nhìn cảnh đẹp Thiên Ấn, du khách nghe lòng lâng lâng và tai bỗng nghe tiếng chuông vang từ trên đỉnh cao xuống, âm thanh ngân dài theo dòng Trà Giang, xuôi mấy vạn thủy trình.

Trước Tổ đình Thiên Ấn hiện nay có dựng tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng Kao Lanh trắng do Phật tử Quảng Ngãi từ miền Nam cúng dường. Lòng mộ đạo, du khách sẽ đến viếng ngôi Tổ Đình được trùng tu năm 1961 trên khuôn viên nền Tổ Đình xưa “Thiên Ấn tự” sắc tứ đời vua Lê Dụ Tông. Ngoài giếng Phật sâu 21 m, nước trong vắt và ngọt lịm thì trước chùa có gác treo đỉnh chuông Thần đúc ở làng Chú Tượng (Mộ Đức) từ năm 1845.

Chuyện rằng khi xây dựng chùa, có đêm nằm ngủ, sư trụ trì được báo mộng phải vào làng đúc đồng Chú Tượng rước chuông về. Khi ấy dân làng Chú Tượng cũng góp tiền cho các nghệ nhân đúc một chiếc chuông lớn nhưng đúc xong, đánh mãi không kêu. Thấy có các vị sư chùa Thiên Ấn vào kể điềm báo mộng, họ liền cho vời chuông về. Chuông về núi Thiên Ấn, treo vào gác chuông, đánh lên một tiếng là ngân vàng khắp vùng. Bởi thế người dời gọi đấy là chuông Thần. Chuông cao gần 2m, đường kính miệng chuông 0,7m, xung quanh có trang trí hoa văn rất đẹp và duyên dáng. Hàng năm, tổ đình Thiên Ấn có cử hành 2 ngày lễ lớn là Lễ Phật Đản (15/4 ÂL) và Lễ Vu Lan (14/7 ÂL).

Báo Công luận
 
Nơi Phật giảng đạo

Thiên Ấn Niêm Hà không chỉ nổi tiếng là “Đệ nhất phong cảnh”, là núi thiêng của Quảng Ngãi, được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH – TT&DL) xếp hạng thắng tích vào đầu năm 1990 mà còn là nơi hội ngộ, đàm đạo, xướng họa thơ ca của nhiều thế hệ thi sĩ nổi tiếng: Cao Bá Quát, Nguyễn Thông, Lê Kỉnh, Bích Khê, Nguyễn Viết Lãm… Những thiền sư Hoa, Việt nổi tiếng như: Pháp Hóa, Bảo Ăn, Giác Tính, Khánh Vân, Hoằng Phúc, Diệu Quang… Đặc biệt là hai nhà khoa bảng: Nguyễn Cư Trinh (Hương cống khoa Canh Thìn (1740)) và Phạm Trinh (Thủ khoa Mậu Ngọ (1918)) cũng đã có thơ vịnh Thiên Ấn Niêm Hà... “Phong cảnh ta đây thật rất xinh/ Niêm Hà có ấn của trời sanh/ Xem kia dấu tích còn vuông vức/ Nhận lại con sông rõ dạng hình/ Cách thức còn in đồ cổ tự/ Cỏ cây nào phụ tiếng chung linh/ Châu Sa để dưới chân chờ mãi/ Trấn chỉ sau lưng phía Cẩm Thành” (Nguyễn Cư Trinh).

Chị Nguyễn Thanh Loan – một người dân đất Quảng viếng chùa tự hào: “Chùa tọa lạc trên một vị trí rất đặc biệt, đó là đỉnh đồi núi Ấn, nơi được xem là thế đất linh thiêng trong tâm trí bao người dân Quảng Ngãi. Với người dân chúng tôi, ngôi chùa có một sự gắn bó bền chặt trong tâm linh, tình cảm, thể hiện qua các giai toại như giếng Phật, chuông Thần và nhiều câu ca dao sâu nặng nghĩa tình được truyền miệng từ đời này qua đời khác!”.

                                                                                                                Hải Âu
 

Tin khác

Du khách ấn tượng với 46 tác phẩm độc đáo tại Triển lãm 'Thăng Long hội tụ'

Du khách ấn tượng với 46 tác phẩm độc đáo tại Triển lãm "Thăng Long hội tụ"

(CLO) Nhân Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2024), ngày 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra khai mạc Triển lãm mỹ thuật mang tên "Thăng Long hội tụ" do các nghệ sĩ, họa sĩ tài hoa từ thị xã Sơn Tây và Hà Nội phối hợp tổ chức.

Đời sống văn hóa
Liên hoan Múa rối quốc tế 2024 diễn ra tại Hà Nội

Liên hoan Múa rối quốc tế 2024 diễn ra tại Hà Nội

(CLO) Theo dự kiến, Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2024 sẽ diễn vào tháng 10 tại Hà Nội. Sự kiện do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.

Đời sống văn hóa
Ngỡ ngàng với không gian nghệ thuật đặc sắc trên cầu đi bộ ở Hà Nội

Ngỡ ngàng với không gian nghệ thuật đặc sắc trên cầu đi bộ ở Hà Nội

(CLO) Những ngày gần đây, người dân Thủ đô Hà Nội đi trên cầu đi bộ bắc qua phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật được nên ý tưởng từ "hầm thủy cung" đẹp lung linh, qua nghệ thuật sắp đặt ánh sáng.

Đời sống văn hóa
Lễ hội Sen Đồng Tháp năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay

Lễ hội Sen Đồng Tháp năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay

(CLO) Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ khai mạc ngày 16/5, tại Quảng trường Văn Miếu, tại TP Cao Lãnh.

Đời sống văn hóa
Tàu du lịch không được đón khách xem Carnaval Hạ Long 2024 trên biển

Tàu du lịch không được đón khách xem Carnaval Hạ Long 2024 trên biển

(CLO) Sở GTVT Quảng Ninh đề nghị không cấp phép cho các tàu du lịch trên biển đón khách du lịch xem chương trình Carnaval Hạ Long 2024, để bảo đảm an toàn.

Đời sống văn hóa