(Congluan.vn) - Suốt từ đầu tháng 5/2014 tới nay, kể từ thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan DH-981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông, tiến hành thăm dò dầu khí trái phép, trên các phương tiện truyền thông, chủ đề “Biển Đông”, “Trường Sa”, “Ngư dân bám biển”… luôn chiếm thời lượng lớn, vào giờ vàng trên truyền hình, đài phát thanh, nằm trong các mục chủ đạo, dễ nhìn, dễ đọc nhất trên báo in, báo điện tử… Ngoài xã hội, trong dân chúng, chủ đề “Biển Đông”, “Trường Sa”, “Ngư dân bám biển”… cũng là tiêu điểm trong mọi cuộc luận bàn, tại lớp học, văn phòng, công sở, trên bàn ăn gia đình… Các thông tin về doanh nghiệp, doanh nhân, sản phẩm, thị trường tiêu dùng… có lẽ vì thế mà “nhạt” hẳn đi.
Gần đây, một nhân viên công ty Quảng cáo và Phát hành đã gọi điện cho chúng tôi để hỏi xin báo giá quảng cáo, kèm thêm “Báo mình có đưa tin cho một doanh nghiệp vào tiêu điểm, thời sự được không?”
Rõ là doanh nghiệp mà anh này đang nói tới thiếu sự quan tâm tới tình hình “thời sự”. Là bởi trong thời điểm này, mọi sự dốc tâm, sốc sức, dành nguồn lực lớn nhất có thể cho việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải luôn nhận được sự tôn vinh, trân trọng lớn nhất.
Được tôn vinh nhờ sự chân thành, trách nhiệm
Giữa tháng 5/2014, người Hà Nội thấy lạ lẫm và thích thú khi hai tòa nhà 8 tầng trên 2 tuyến phố lớn nội thành rợp màu cờ đỏ sao vàng. Hai tòa nhà này là điểm bán hàng của thương hiệu thời trang có tên FORMAT.
Ở cửa hàng số 100 Trần Duy Hưng, DN này đã treo 48 lá cờ dọc 6 tầng xuyên suốt từ tầng 2 lên tầng 7, mỗi tầng treo 8 lá cờ, phủ kín toàn bộ mặt tiền rộng trên dưới 160m2 bằng màu cờ tổ quốc. Mỗi lá cờ có kích cỡ 150cm x 220cm, được đặt may riêng cho phù hợp khổ của khung cửa kính, theo nguyện vọng của người chủ doanh nghiệp yêu nước, thể hiện tình yêu tổ quốc một cách… khác biệt, nhân sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển đặc quyền Việt Nam.
Tương tự, ở tòa nhà 8 tầng khác trên phố Bà Triệu của FORMAT cũng được treo 24 lá cờ dọc 3 tầng nhà. Đặc biệt hơn, các nhân viên của FORMAT đều mặc áo in hình cờ đỏ sao vàng. Cờ tổ quốc cũng được treo khắp không gian bán hàng, thậm chí nhiều lá cờ nhỏ còn được đặt trong tay các Ma nơ canh (Mannequins)…
Cũng bởi tình yêu nước, cách thể hiện khác biệt, ấn tượng và chân thành của chủ thương hiệu FORMAT, hàng trăm tờ báo, trang tin, diễn đàn đã tìm đến và đưa hình ảnh hai cửa hàng thời trang này lên trang chủ, thu hút hàng triệu người xem, hàng triệu người “Like” mà chẳng phải ký hợp đồng quảng cáo, được tôn vinh và trân trọng như một biểu tượng "doanh nghiệp yêu nước".
Trong những ngày mà tất thảy mọi người Việt Nam và người dân yêu hòa bình, lẽ phải cùng hướng về biển Đông, Công ty CP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON không thông tin việc ủng hộ bao nhiêu tiền, bao nhiêu quà… mà “Tuổi trẻ FECON lên đường tới Trường Sa”.
Cụ thể, trong hành trình 10 ngày của Tàu thanh niên “Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2014 ra thăm Trường Sa (Chương trình Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân phối hợp tổ chức), FECON vinh dự có 3 đại diện được tham gia. Trong hành trình đầy ý nghĩa này, ba đại diện của FECON sẽ mang quà tặng tới các đảo Đá Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Len Đao, Phan Vinh, Đá Tây và nhà dàn DK1. Chuyến đi càng có ý nghĩa hơn khi DN này chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (15/6/2004 - 15/6/2014).
Trên các phương tiện truyền thông, chuyến đi Trường Sa của những người trẻ FECON mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về lòng yêu nước, thể hiện được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trẻ trung, thân thiện, gần gũi, đặc biệt là đầy trách nhiệm khi Tổ quốc bị đe dọa…
Ở Khánh Hòa, nơi có huyện đạo Trường Sa, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa giữa thời điểm tàu Trung Quốc ngang nhiên vào vùng biển Việt Nam, đe dọa tàu kiểm ngư, cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân Việt đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống.
Ngay trong đợt đầu tiên, các nhân viên của doanh nghiệp này, nam trang phục chỉnh tề, nữ áo dài truyền thống đã hãnh diện góp tiền ủng hộ chia sẻ những khó khăn và khích lệ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường sa, Hoàng Sa 100 triệu đồng, cùng nhau nhắn tin ủng hộ cho chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa” ngay trong hội trường, được các cơ quan truyền thông và bạn đọc đánh giá rất cao, đầy cảm mến và tin tưởng…
Không phải làm từ thiện!
Đầu tháng 6/2014, tại TP.HCM đã diễn ra chương trình “Cùng NuWhite hướng về Hoàng Sa – Trường Sa” tại siêu thị Metro An Phú.
Được biết, NuWhite là sản phẩm làm đẹp, bao gồm sữa tắm, sữa dưỡng thể và kem trắng da được làm từ thành phần tinh chất sữa dê, tinh chất hoa quả tự nhiên giàu vitamin C, an toàn và giúp làn da mịn màng, khỏe mạnh và trắng hồng.
Trong chương trình này, kể từ tháng 6 tới 31/8/2014, với mỗi sản phẩm sữa tắm NuWhite được bán ra, Công ty Sao Nam (nhà nhập khẩu, nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm chăm sóc cá nhân) sẽ trích ra 1.000 đồng, mục đích để ủng hộ các đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân, lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam đang ngày đêm bám biển, dũng cảm đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, chiến dịch khuyến mãi cũng được tung ra trên toàn quốc.
Một bạn đọc khi thấy thông tin này đã đặt ra những câu hỏi: “Vì ngư dân, kiểm ngư, cảnh sát biển mà thời hạn chỉ tới hết tháng 8/2014 thôi sao? Trung Quốc có rút đi chưa?; “Ủng hộ Hoàng Sa – Trường Sa đâu phải là chương trình từ thiện?”…
Vị độc giả diễn giải thêm, rằng những ngày này, tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát, tàu cá Việt Nam ta bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng làm hư hỏng, bị đâm thủng, đâm chìm… Ngân sách nhà nước luôn sẵn sàng cho việc sửa chữa, hỗ trợ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và ngư dân, nhưng cũng rất cần sự chung tay của doanh nghiệp và người dân. “Ủng hộ các chiến sĩ, ngư dân không phải là chương trình từ thiện “Áo mới đến trường” để hãng bột giặt có thể chờ khách mua hàng, trích ra tặng áo cho học sinh nghèo, biển Đông đang cần tất cả chúng ta, ngay và luôn…” – vị độc giả tên Duy buồn bã nói.
Rõ ràng, thông tin về NuWhite như trên có thể sẽ chỉ nằm trong các mục như “Tiêu dùng”, “Mỹ phẩm”, “Làm đẹp”, không chỉ mau “chìm” mà dễ bị “phản tác dụng” (?)
Cũng trong những ngày “Biển Đông dậy sóng”, trên nhiều tờ báo, trang tin đã đăng tải việc Vinamilk đã ủng hộ 1 tỉ đồng cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc… Các nội dung kèm theo là: Gần 38 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, không chỉ mang đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm có lợi cho sức khỏe, Vinamilk còn luôn luôn quan tâm đến các hoạt động hướng về cộng đồng, hướng về Tổ Quốc. “Việc Vinamilk ủng hộ cho các chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam lúc này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ, để họ quyết tâm đến cùng, giữ vững chủ quyền biển đông, đồng thời tiếp thêm cho họ sức mạnh từ đất liền, đó cũng là truyền thống chia sẻ khó khăn và cũng là văn hóa từ trước đến nay của Vinamilk”, lãnh đạo Vinamilk cho biết. Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ: …. Email:……
Thực tế, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp tích cực tổ chức các chương trình từ thiện xã hội và luôn đi đầu trong các hoạt động này. Tuy nhiên, trong bối cảnh bấn an trên biển Đông, việc “đính kèm” quá nhiều thông tin PR doanh nghiệp đã phần nào thể hiện sự "tranh thủ" đối với nhiệm vụ quan trọng nhất của cả dân tộc: Dùng mọi nguồn lực để giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất, lãnh hải quê hương!
Thậm chí có người còn so sánh: Vinamilk là DN tư nhân lớn thứ 2 Việt Nam, doanh thu trên 30.000 tỉ đồng, lợi nhuận trên 6.000 tỉ đồng, một con số vô cùng lớn. Việc Vinamilk thể hiện nghĩa vụ với quê hương, ủng hộ 1 tỉ đồng cho các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ Trường Sa, sẵn sàng dâng hiến tất cả cho độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ là… chưa xứng tầm một đại doanh nghiệp (?)
Không ai có thể dạy ai cách yêu quê hương, cách bảo vệ chủ quyền tổ quốc, cách choàng vai, sát cánh cùng cả dân tộc bảo vệ biển trời. Nhưng cả xã hội hiện tại đang tôn vinh cậu sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng, đạp xe giữa trưa nắng mang 500.000 đồng dành dụm để “em gửi các anh chiến sĩ Trường Sa”, trân trọng, cảm phục vị bác sĩ tên Tùng góp 1 tỉ đồng tiền nhà giúp các chiến sĩ cảnh sát, kiểm ngư vững lòng đuổi tàu, dàn khoan xâm phạm chủ quyền biển và ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản, làm giàu cho gia đình, quê hương.
Cầm 1 tỉ đồng tới báo Tuổi trẻ, Bác sĩ Tùng đi trên một chiếc xe máy cũ. So sánh nào cũng khập khễnh nhưng rõ ràng 1 tỉ của Bác sĩ Tùng và 1 tỉ của đại gia đứng đầu ngành sữa trong nước là con số đáng phải suy nghĩ.
Thôi thì có thể hy vọng 1 tỉ là con số ban đầu Vinamilk đã ủng hộ. Vậy các doanh nghiệp lớn khác có thấy ngại ngùng vì chưa có những hành động thiết thực?
Đoàn Kiên Giang