Nhà báo Vân Quế - báo An ninh Thủ đô:

“Biệt thự Pháp cổ kể câu chuyện về lịch sử Thủ đô 1010 năm tuổi”

Thứ năm, 08/10/2020 09:14 AM - 0 Trả lời

(NB&CL)Nhà báo Vân Quế - báo An ninh Thủ Đô là tác giả loạt bài “Níu giữ những “chứng nhân lịch sử” trong biệt thự cổ Hà Nội” vừa đoạt giải A Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ III - năm 2020. NB&CL đã có cuộc trò chuyện cùng chị.

Tôi chỉ chân thực ghi lại những câu chuyện

 + Với loạt 5 kỳ này, chị có thể chia sẻ về lý do chị quyết định thực hiện đề tài từng có những tranh cãi?

- Trong tâm thức của nhiều thế hệ, Hà Nội đã, đang và vẫn sẽ là một thành phố cổ kính với “mái ngói thâm nâu” cùng những góc phố thật đẹp. Nhưng một sự thật là, những mái ngói thâm nâu kia giờ chẳng còn là bao do sự biến động của lịch sử và cả quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh. Bây giờ, nhiều người vẫn hỏi nhau rằng: “Ngoài 36 phố phường ra, Hà Nội còn gì?”.  Vì thế, loạt bài viết của tôi nhằm đưa đến cho bạn đọc câu trả lời, ngoài mái ngói thâm nâu ra, Hà Nội còn nhiều ngôi biệt thự ở “phố Tây”, dẫu chúng còn nguyên hay cũ kỹ, thậm chí là xuống cấp thì đó vẫn như những “chứng nhân lịch sử” của một thời thăng trầm và đau thương. Những ngôi biệt thự Pháp cổ, như một gạch nối trong dòng chảy thời gian để bồi đắp, tiếp nối và kể câu chuyện về lịch sử Thủ đô 1010 năm tuổi.

Nhà báo Vân Quế nhận giải A Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ III - năm 2020.

Nhà báo Vân Quế nhận giải A Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ III - năm 2020.

Khó có thể hình dung nổi, Hà Nội hôm nay sẽ thế nào nếu vắng đi hình ảnh của những ngôi biệt thự cổ kính thi thoảng hiện diện trên các con phố từ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Nguyễn Chế Nghĩa vòng ra Điện Biên Phủ, Phan Đình Phùng, Quan Thánh, Nguyễn Biểu….

Đã từng có thời, người ta tranh cãi về sự tồn tại cũng như nguồn gốc phi bản địa của nó để cân đong đo đếm “công” hay “tội”. Nhưng rồi, chẳng ai có thể phủ nhận được giá trị di sản ký ức cũng như quá trình phát triển kiến trúc biệt thự trong khoảng hơn 100 năm qua đã tạo nên một quỹ di sản kiến trúc đô thị có giá trị, góp phần làm nên bản sắc đô thị cho thành phố này.

+ Từ chuyện của những ngôi biệt thự cổ để kể câu chuyện về lịch sử Thủ đô 1010 năm tuổi, hẳn là không dễ triển khai với những người làm báo thế hệ hôm nay, thưa chị?

- Chính xác thì tôi mất khoảng 3 tháng để hoàn thành loạt bài 5 kỳ nói trên, bao gồm cả việc xây dựng ý tưởng, đề xuất đề tài để Ban biên tập Báo ANTĐ duyệt. Thuận lợi là tôi được sự ủng hộ tuyệt đối của Ban Biên tập mà trực tiếp ở đây là đồng chí Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Bình và Phó tổng phụ trách nội dung Chu Quốc Dũng. BBT vừa cho chủ trương, tạo mọi điều kiện nhưng đồng thời tạo cả “áp lực” để cho tôi cố gắng hoàn thành mục tiêu tốt nhất có thể.

Biệt thự hay gọi chính xác hơn là Dinh thự trên phố Chân Cầm. Ngôi nhà bề thế, được xây từ những năm 30 của thế kỷ trước (Ảnh: Vân Quế)

Biệt thự hay gọi chính xác hơn là Dinh thự trên phố Chân Cầm. Ngôi nhà bề thế, được xây từ những năm 30 của thế kỷ trước (Ảnh: Vân Quế)

Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng cổ ven Hồ Tây - Hà Nội. Trong tâm thức của tôi, cũng chỉ toàn có chuyện làng mà thôi. Tất nhiên, ngôi làng của tôi giờ đã lên phố, ruộng đồng xưa biến thành biệt thự liền kề và chung cư cao cấp. Tôi không có bất cứ khái niệm gì về chuyện “sống ở biệt thự”. Trong loạt bài viết kể trên, tôi đóng vai người ghi chép. Có một câu mà truyền thông rất hay nói, tôi không nhớ là của ai: “Nhà báo là thư ký thời đại”. Câu nói này so sánh với việc viết của tôi thì quả là “đao to búa lớn”, nhưng cơ bản, tôi chỉ chân thực ghi lại những câu chuyện, không thêm bớt về đời sống và cuộc sống trong biệt thự cổ mà thôi.

Cũng nói thêm là nhiều chủ nhân của những căn biệt thự đồng ý tiếp tôi, gặp gỡ, trò chuyện rất nhiều, nhưng sau đó thì chỉ là: “Bác kể để cháu biết, tuyệt đối không đưa lên báo” vì lý do “ngại đụng chạm””. Có nơi, tôi phải đi tới đi lui 7-8 lần mới gặp gỡ được. Có người, để tiếp cận, tôi phải nhờ từ Chủ tịch phường, Hội trưởng Hội phụ nữ và cả công an hộ khẩu phường giới thiệu. Cũng hơi tiếc, vì còn nhiều những chi tiết thú vị khác, nhưng vì lời hứa “không đưa lên báo” nên tôi đành phải giữ nó cho riêng mình.

+ Nhìn vào loạt bài có thể thấy rõ việc lựa chọn rất nhiều nhân vật để trò chuyện và tìm hiểu thông tin đã giúp ghi nhận được nhiều ý kiến rất xác đáng. Với tác phẩm này, sự lựa chọn nhân vật “đúng, trúng” để phỏng vấn đóng góp như thế nào vào sự thành công của loạt tác phẩm này, thưa chị? 

- Ban đầu, tôi định thực hiện loạt bài về biệt thự này ở một góc độ khác. Tuy nhiên, sau khi trò chuyện cùng KTS Đào Ngọc Nghiêm và KTS Trần Thanh Bình thì tôi đã quyết định đổi hướng. Những người mà tôi đã gặp gỡ và trò chuyện như là Nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn, Đạo diễn Cao Mạnh, KTS Đoàn Kỳ Thanh… thú thật đều là những người mà tôi quen khá lâu, nhưng tôi không hề biết họ sống hoặc đã từng sống trong những ngôi nhà biệt thự. Chỉ đến khi tôi bắt tay vào việc, qua sự giới thiệu, bắc cầu của người nọ người kia tôi mới rõ ngọn ngành. Tôi cho đó cũng là cơ duyên. Qua đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các nhân vật, những câu chuyện của họ với những chi tiết “đắt”, đã đem đến sinh lực cho loạt bài viết của tôi. 

Tôi hy vọng, những gợi ý về giải pháp bảo tồn, tu bổ sẽ được áp dụng

+ Bài 5 khép lại với các ý kiến từ phía các nhà nghiên cứu, KTS để tìm ra lời giải cho việc bảo vệ giá trị di sản kiến trúc đô thị Hà Nội. Thế nhưng, nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ trong câu chuyện về bảo tồn. Phải chăng vẫn còn đó những trăn trở, thưa nhà báo?

Nhà báo Vân Quế.

Nhà báo Vân Quế.

- Tôi rất thích câu nói của KTS Trần Thanh Bình: “Ở biệt thự đã là điều xa xỉ, nhưng bỏ tiền ra bảo tồn biệt thự cổ thì còn xa xỉ gấp đôi”. Kiến trúc biệt thự giá trị thế nào, đương nhiên không phải tranh cãi nữa. Có nên bảo tồn hay không các công trình pháp cổ có niên đại trên dưới 100 năm, câu hỏi này cũng đã được khẳng định từ lâu là rất nên. UBND TP. Hà Nội đã có rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, khẳng định giá trị và bảo tồn, tôn tạo. Hiện tại, những biệt thự thuộc sở hữu nhà nước đang được bảo tồn rất tốt. Vấn đề phức tạp nhất hiện nay là bảo tồn các ngôi biệt thự thuộc sở hữu tư nhân và có nhiều chủ. Trong khuôn khổ bài báo, tôi cố gắng nêu bật được giá trị, thực trạng, đồng thời để các KTS, các chuyên gia bảo tồn đưa ra ý tưởng, giải pháp. Còn đâu, việc áp dụng các giải pháp đó vào thực tế thế nào thì lại phụ thuộc vào ý chí và tâm huyết của các cơ quan quản lý.

+ Vẫn còn phụ thuộc vào những nhà quản lý nhưng với những gì loạt tác phẩm đặt ra, tôi cho rằng thông điệp chị gửi gắm sẽ sớm có lời giải thỏa đáng!     

- Mỗi bài báo sau khi đã đăng tải thì việc đánh giá hay dở thế nào thuộc thẩm quyền của bạn đọc. Tác giả lúc ấy đã là “người ngoài cuộc”. Tuy nhiên, loạt bài 5 kỳ “Níu giữ những “chứng nhân lịch sử” trong biệt thự cổ Hà Nội” của tôi trải qua rất nhiều vòng thẩm định, để cuối cùng may mắn đoạt giải A của một cuộc thi lớn do Thành ủy, UBND TP. Hà Nội tổ chức thì có nghĩa, nó đã có đời sống riêng, có sức lan tỏa và ảnh hưởng xã hội tốt. Giờ, với tư cách là tác giả, tôi hy vọng, những gợi ý về giải pháp bảo tồn, tu bổ sẽ được áp dụng vào thực tế, càng sớm càng tốt.

+ Xin cảm ơn chị!

Hà Vân (Thực hiện)

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo